Khóa thường huấn HĐGX giáo phận Thanh hóa năm 2011

GP Thanh Hóa - Như chúng ta đã biết, giáo hội Việt Nam đã trải qua nhiều chặng đường chông gai với những cuộc bách hại đẫm máu trong quá khứ, nhiều ngôi nhà thờ bị triệt hạ, nhiều giáo xứ bị xóa tên, nhiều người bắt và chết dũ tù… thậm chí có những giáo xứ nhiều chục năm trời không có linh mục coi sóc… trong những hoàn cảnh đen tối như vậy, tưởng chừng như đạo Chúa bị xóa bỏ khỏi mảnh đất Việt Nam. Nhưng không, bên cạnh những người vì nhiều lý do đã phải chối đạo, bỏ đạo và cải đạo vẫn còn một đội ngũ “những người trung thành vì Chúa Kito” đó là các QUÝ CHỨC – những người được cộng đoàn tin tưởng đặt lên để điều khiển, hướng dẫn, xướng kinh, lo kẻ liệt, thăm viếng an ủi người đâu ốm…; đó là các ông Câu, ông Biện của miền Nam hay các ông Trùm, ông Quản ở miền Bắc.

Xem hình khoá huấn luyện HĐGX Thanh Hóa 2011

Chính những người này, đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hành, tổ chức và truyền giáo cũng như chứng nhân (tử đạo) của mình trong các giáo xứ, giáo họ, giáo điểm.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự biến đổi của xã hội, giáo dân trong nhiều xứ đạo cũng đã thay đổi theo trong nếp nghĩ và cung cách hành đạo, nên cũng đòi hỏi ở những người lãnh đạo một sự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mục vụ mới.

Đứng trước viễn cảnh như vậy, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã mở các lớp đào tạo để huấn luyện Hội đồng mục vụ các giáo xứ trong giáo phận…

Tiếp nối các Khóa Huấn Luyện Sơ Cấp đã được bắt đầu từ hai năm trước : năm 2008 có 320 học viên ; năm 2010 với 300 học viên và năm nay khóa huấn luyện được diễn ra trong ba ngày, từ ngày 22 - 25 tháng 3 năm 2011 với 360 học viên tại Tòa Giám Mục giáo phận Thanh Hóa. Đây là khóa sơ cấp cuối cùng trong chương trình huấn luyện của giáo phận dành cho tất cả những người đang làm việc trong các Hội đồng giáo xứ theo ba cấp bậc : Sơ Cấp – Trung Cấp và Cao Cấp.

Chương trình huấn luyện được tuần tự theo các đề tài :

1. Giáo dân là ai?

2. Quyền lợi của giáo dân

3. Nghĩa vụ của giáo dân

4. Tổ chức hành chánh của giáo hội Công giáo

5. Tổ chức giáo xứ

6. Lược sử giáo phận

7. Quá trình hình thành Hội đồng giáo xứ tại Việt nam

8. Tổ chức Hội đồng giáo xứ

9. Nhiệm vụ của Hội đồng giáo xứ

10. Quyền lợi của Hội đồng giáo xứ

11. Hoạt động của Hội đồng giáo xứ

12. Tham gia nhiệm vụ thánh hóa, giảng dậy và cai quản.

Khóa học diễn ra trong bầu khí cởi mở và thân thiện. Nhiều đề tài, nhiều vấn đề được nêu ra đã khai sáng và giúp cho các học viên hiểu rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, lịch sử hình thành cũng như những thách đố mà họ sẽ đối diện trong tương lai.

Kết thúc khóa học là thánh lễ tạ ơn, phát chứng chỉ và nghi thức sai đi diễn ra sốt sắng, trang trọng và xúc động. Tất cả các học viên đặt lên sách Phúc âm thề hứa trung thành với giáo hội cũng như đem hết khả năng của mình ra để phục vụ giáo phận.