TT – Làm sao để vừa bảo tồn vốn cổ, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân? Nhìn từ câu chuyện “Làng cổ Đường Lâm... lâm nạn” và “Phố cổ... bị treo” (Tuổi Trẻ ngày 5 và 6-1), họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính và TS Ngô Kiều Oanh cùng góp những ý kiến tâm huyết.

Gìn giữ những di tích vẫn có người đang sống là vô cùng khó khăn, ngay cả ở những nước phát triển.

Bảo tồn một ngôi chùa, ngôi đền đã khó, với một quần thể như phố cổ, làng cổ cần rất nhiều giải pháp có tính chiến lược: mật độ dân số được duy trì ở mức độ thấp, nếu tăng thì phải giãn dân; tăng cường thu nhập do du lịch văn hóa; xây sẵn một khu tương tự cho người dân chuyển đổi và Nhà nước giữ lại nhà cũ; không phát triển dịch vụ sinh hoạt cho du khách trong điểm bảo tồn; bảo trợ ngành nghề truyền thống (nghề thủ công, làm ruộng) trong đó, cho đến khi tự cân bằng được thu nhập; người dân chỉ được sống trong đó, khi cam đoan giữ lối sống cũ, nếu muốn thay đổi buộc phải ra khu mới.

Như vậy, quy hoạch làng cổ, phố cổ là bước quan trọng; trong đó, khu vực được quy hoạch bao gồm cả ruộng canh tác, chứ không chỉ ngôi làng trong lũy tre. Ở tất cả khu định cư cổ nằm trong diện bảo tồn (ở những nước phát triển), bao giờ người ta cũng xây một khu mới, nhằm giải quyết các vấn đề dân sinh tất yếu và du lịch.

Một việc Đường Lâm chưa bao giờ tính tới, đó là quyền lợi của người dân là mấu chốt để có thể bảo tồn.

Với kinh tế của nước ta, những giải pháp trên không thể thực hiện đồng bộ mà chỉ có thể làm từng bước, từng phần, nhưng phải giữ đúng nguyên tắc; trong đó, một chính quyền địa phương sở tại không bao giờ có thể làm được, mà buộc phải chuyển qua hình thức quản lý khác.

Những làng cổ là di sản của quốc gia, dân tộc thì sự quản lý phải ở tầm quốc gia, nhất là trong giai đoạn người dân chưa thể cân bằng thu nhập do bảo tồn.

Hội An là một ví dụ sinh động. Tất cả ngôi nhà không còn mang ý nghĩa sinh hoạt nữa, mà chuyển sang kinh doanh hoàn toàn, những người dân muốn sửa chữa làm mới mà không được phép, chỉ có thể bán lại cho chủ mới, đi nơi khác xây nhà theo ý mình. Và dần dần, những người có tiền ở nơi khác sẽ thay thế người ở Hội An.

Điều này cũng diễn ra ở Trung Quốc, phương Tây..., các khu phố cổ, làng cổ trở thành nơi kinh doanh của những người giàu từ nơi khác đầu tư vào; và đương nhiên, họ thích giữ ngôi nhà cổ, làng cổ vừa đẹp, vừa sinh lợi, còn họ sống tiện nghi ở nơi khác.

Chúng ta đã thấy sự phá sản văn hóa – hay nói mỹ miều hơn là chuyển đổi văn hóa – đang diễn ra ở Huế, Hội An, Hà Nội, Phố Hiến; trong đó, người dân không giữ nổi lòng tự hào chút nào về ngôi nhà truyền thống. Những ngôi nhà cổ biến đổi tuy chậm, nhưng dần dần, và bị chèn vào bởi những ngôi nhà mới, cao tầng.

Cảnh quan chùa Kim Liên là một ví dụ, khi các khách sạn biến nó thành một bao diêm nhàm chán. Chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Keo... được khai thác cạn kiệt theo lối chợ làng. Tại sao người ta phải lên tiếng về đồi Vọng Cảnh, về thành nhà Mạc Tuyên Quang, về thành cổ Sơn Tây, về Ô Quan Chưởng? Vì bản chất những cuộc sửa chữa đó là thiếu hiểu biết về văn hóa, và phá tan tính chân thực lịch sử của văn hóa truyền thống.

Hai mặt của một vấn đề di sản - du lịch cũng đang diễn ra ở Đường Lâm, mà cả hai đều chưa hỗ trợ được cho nhau.

Di sản văn hóa có thể phục vụ lợi ích kinh tế, nhưng không phải theo lối bán vé, bán quạt, bán đồ lễ...; mà nếu người dân có ý thức về văn hóa dân tộc, thì họ sẽ làm tốt hơn cho nền kinh tế đất nước. Cái lỗ ở công tác bảo tồn là cái lãi về văn hóa đạo đức, trong khi Nhà nước tốn kém rất nhiều cho văn hóa đạo đức, khi phải giải quyết các tệ nạn xã hội.

TS Ngô Kiều Oanh: Người dân phải thấy được lợi ích

Là người đã tìm hiểu, nghiên cứu, quy hoạch và tâm huyết gửi đến các cơ quan chức năng nhiều kiến nghị, về phương pháp bảo tồn làng Việt cổ Đường Lâm từ hơn 20 năm trước, TS Ngô Kiều Oanh (nguyên chủ nhiệm chương trình Quy hoạch vùng và tài nguyên môi trường, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) cho rằng:

Phải có đất để giãn dân và tất cả người dân đều thấy được và nhận được, dù ít hay nhiều lợi ích kinh tế, tinh thần trong cách làm du lịch nhà cổ, rồi tự họ bảo vệ nhà cổ của mình, chính quyền không cần can thiệp sâu, giống ở Hội An người ta đã làm.

Vừa rồi, khi khởi xướng hướng du lịch nông nghiệp, thăm lại thôn Mông Phụ, chúng tôi đã thấy nhiều công ty đưa khách quốc tế vào ăn, ở tại một số nhà cổ, có công ty đầu tư cả trăm triệu đồng vào nhà truyền thống của người Đường Lâm, để làm du lịch homestay (du khách ở cùng gia đình một số ngày), hoặc tổ chức du lịch học đường, du lịch tâm linh với các chủ trương từ Hà Nội.

Đó là một sự đi tiếp bước nữa – đầy hứa hẹn và khả thi – để bảo vệ làng cổ, thông qua các hoạt động du lịch.

Thêm vào đó, cần nhanh chóng phục hồi phát triển lên mức thương hiệu và hàng hóa, các sản vật của Đường Lâm như kẹo dồi, kẹo vừng, gà Mía, tương truyền thống... Cần tổ chức quản lý về việc thu – chi tiền thế nào cho đàng hoàng, sáng rõ trước dân.

Phải hiểu di sản là tài sản, niềm tự hào, nền văn hóa của chính người dân sở tại, chứ không phải của ai khác. Kỷ cương phép nước phải giữ (ví như không cho xây nhà cao tầng), nhưng cũng phải mở lối thoát cho dân, hỗ trợ, đối thoại, giãn dân để bà con có thể sống được.

Nguồn lợi từ bán vé và làm du lịch làng cổ không thể chỉ rơi vào tay vài gia đình, vài cá nhân, mà phải lan tỏa đến các gia đình khác trong làng. Bảo tồn làng cổ, nguyên tắc chính cần phải dựa trên lợi ích của từng nông hộ.

Diệu Tâm ghi

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Bảo tồn phải song hành cùng phát triển

Phố cổ, làng cổ nói chung, theo tôi, chỉ nên đặt vấn đề là di sản, chứ không nên đặt vấn đề là di tích như hiện nay. Bởi vì di tích là đối tượng của bảo tồn nguyên trạng, và mọi sự trùng tu cũng chỉ nhằm mục đích bảo lưu cái gốc, không thể bị thay thế.

Các cấu trúc phố cổ, làng cổ cần phải được xem là di sản đô thị hay di sản kiến trúc nông thôn. Vì khái niệm này bao quát hơn, “mềm” hơn, gồm cả những di tích, những thành phần kiến trúc cũ và mới đang phục vụ cuộc sống hôm nay, là “cơ thể” đang phát triển...

Bởi vì di sản chứa đựng trong mình những giá trị của truyền thống, của lịch sử văn hóa, đồng thời là những nơi mà con người đang sinh sống, thì ít nhất, phải đặt vấn đề bảo tồn song hành cùng phát triển, chứ không thể lấy cái nọ đối chọi với cái kia. Phải lấy công tác cải tạo thích ứng làm cầu nối từ bảo tồn sang phát triển.

Trong ứng xử với một khu di sản, cũng phải đánh giá cho đúng những gì tạo thành di sản, cấu trúc di sản, phải xác định phần “cứng” và phần “mềm”, phần nào cần bảo tồn, phần nào cần cải tạo, phần nào được phát triển...

Không thể đặt vấn đề bảo tồn một ngôi nhà ở phố cổ Bao Vinh, Gia Hội, như bảo tồn điện Long An hay điện Thái Hòa được! Bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối là xu hướng hiện đại của thế giới.

Thái Lộc ghi