SAIGÒN - Giữa lòng Sài gòn phồn hoa náo nhiệt, Tu viện Saint Paul cổ kính, thanh tĩnh tọa lạc tại số 4 Tôn Đức Thắng, Quận I, Tp Sài gòn. Trong nắng sớm ngày 25/1/2011, các Nữ Tu Dòng Thánh Phaolô hân hoan đón chào quý khách đến dự Thánh lễ Tạ ơn, Bế mạc Năm Thánh của Hội Dòng. Với màu trắng tinh tuyền của tu phục, cùng nụ cười thân thiện luôn nở trên môi và với nét duyên thánh thiện, các Soeur Saint Paul như những thiên thần mang mùa xuân dịu mát cho mọi người. Được đón tiếp ân cần niềm nở, bao nhiêu mệt mỏi trong tôi sau chuyến đi xa đều tan biến. Lòng thấy ấm áp rộn lên niềm vui.

Xem hình ảnh

Trước thánh lễ, chúng tôi đi hướng dẫn tham quan nhà truyến thống, nơi lưu dấu những sinh hoạt chính yếu của Hội Dòng qua hành trình 150 năm hiện diện tại quê hương Việt Nam. Mẹ Benjamin, vị nữ tu đầy thần khí và nhiệt huyết theo tinh thần Thánh Phaolô đã khai lối đi vào cánh đồng truyền giáo ở phương Đông, thành lập các tỉnh dòng Á Châu. Trong năm thánh, Hội dòng đã tổ chức tại nhiều nơi các Thánh lễ tạ ơn. Các Nữ Tu trong Hội Dòng đến từ 39 nước trên thế giới, các thân nhân, thân hữu, và các thanh thiếu niên được chung niềm tạ ơn.

9g sáng, đoàn kiệu nổi bật với sắc cờ nhiều màu biểu tượng cho ba tỉnh dòng và các địa hạt, các cộng đoàn từ nhà khách qua tiền sảnh tiến vào nguyện đường.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, chủ tế và giảng lễ. 52 linh mục đồng tế là những vị có liên hệ với Hội Dòng trong công tác huấn luyện, và các hoạt động tông đồ mục vụ giáo xứ. Đông đảo các Nữ Tu của Tỉnh Dòng Sài gòn đang phục vụ trong 38 cộng đoàn tại 6 giáo phận cùng hòa chung lời tạ ơn.

Đức cha Phêrô ngỏ lời gợi lên tâm tình tạ ơn. Chúng ta họp nhau nơi đây để cử hành lễ bế mạc năm thánh đặc biệt của Hội Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres. Cùng nhau dâng lên Chúa lời tạ ơn về biết bao hồng ân Chúa ban cho Hội Dòng trong năm vừa qua. Những hồng ân thiêng liêng trong mỗi tâm hồn và trong cộng đoàn. Cùng với tâm tình tạ ơn chúng ta dâng lời cầu nguyện cho Hội Dòng. Cử hành lễ bế mạc Năm Thánh không phải để chấm dứt mà là để mở ra, để mang năng lực mới, một đường hướng mới cho công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước Việt Nam theo gương Thánh Phaolô.

Trong bài giảng lễ, Đức cha suy niệm về cuộc trở lại của Thánh Phaolô. Trở lại để gắn bó với Chúa Giêsu. Nhờ đó Phaolô nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Gắn bó và sống kết hiệp với Chúa Giêsu chính là sức mạnh cho việc rao giảng Tin Mừng.

Năm Thánh đặc biệt của Hội dòng cách nào đó lại trùng hợp với Năm Thánh đặc biệt của Giáo hội Việt Nam. Trong Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam có lễ khai mạc, lễ bế mạc và đại hội dân Chúa. Sứ điệp của đại hội Dân Chúa nói đến hình ảnh: Năm Thánh bế mạc để mở ra những bước chân hy vọng. Tôi nghĩ đây cũng chính là tâm tình của các Chị trong Hội dòng Thánh Phaolô. Chúng ta cử hành lễ bế mạc Năm Thánh đặc biệt của Hội dòng không có nghĩa là chấm dứt, mà là mở ra, mở ra cho một giai đoạn mới, với một năng lực mới với một định hướng mới.

Lễ Thánh Phaolô tông đồ trở lại hôm nay gợi ý cho chúng ta suy nghĩ.

Trước hết với cuộc trở lại của Phaolô. Phaolô trở lại là trở lại với ai, trở lại với cái gì? Đức Hồng Y Gioan Baotixita thích kể câu chuyện: một người tân tòng đến thăm Đức Hồng Y. Ngài hỏi cô ấy: Thế con trở lại hồi nào? Cô ta trả lời: Thưa Đức Cha, con đâu có trở lại đâu, con đi tới đấy chứ. Từ ngữ trở lại trong nhà Đạo của mình, người ngoài chưa hiểu. Từ trở lại trong nhà Đạo hay gắn với từ ăn năn “ăn năn trở lại”. Cho nên khi nói đến trở lại là người ta hình dung ra một người có đời sống đạo đức bê bối, bây giờ mới trở lại với Chúa. Nhưng nếu mình áp dụng cách hiểu này cho thánh Phaolô thì tội nghiệp quá. Phaolô có bê bối đâu. Ngài là một người theo đạo Do thái rất nhiệt thành. Trong thư Galata có lần ngài từng nói: Tôi nhiệt thành hơn nhiều người trong việc tuân giữ lề luật và truyền thống của cha ông. Cho nên đâu phải là vì bê bối quá mức mà bây giờ trở lại, đâu phải là cuộc trở lại theo nghĩa luân lý. Vậy có phải chăng Phaolô trở lại là trở lại với tư tưởng hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Chắc không phải vậy.

Phaolô trở lại là trở lại với một con người, với Đấng mà trước đây ngài coi như thù nghịch của truyền thống lề luật và tôn giáo của cha ông. Nhưng bây giờ thì ngài khám phá ra Đấng ấy là kho tàng vô giá đến nổi nói được rằng: “Tôi coi mọi sự là bất lợi so với cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu Chúa tôi, và được thuộc về Người”. Phaolô trở lại là trở lại với một Đấng, và vì đó là sự trở lại với một Đấng cho nên trở lại cũng có nghĩa là mỗi một ngày đi sâu hơn vào trong sự kết hợp mật thiết với Đấng mà mình tin tưởng, đến nổi có thể nói được rằng: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”; đến nổi có thể nói được rằng “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Sự gắn bó với Đấng ấy bắt đầu soi sáng cho Phaolô về mặt nhận thức để đi sâu hơn bằng những suy tư, để trình bày Kitô giáo bằng cả một hệ thống đức tin. Sự gắn bó với Đấng ấy đã trở thành nguồn sức mạnh thúc đẩy và đường đi tới cho công cuộc loan báo Tin mừng “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc âm”.Tôi càng yêu mến Đức Giêsu bao nhiêu thì tôi càng mong muốn cho nhiều người nhận biết Ngài bấy nhiêu, tôi càng mong muốn giới thiệu Ngài cho nhiều người biết bấy nhiêu.

Bài Tin mừng của ngày lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại nhấn mạnh đến mệnh lệnh rao giảng Tin mừng. Và chắc chắc đó cũng là mệnh lệnh mà Hội dòng đón nhận một cách đặc biệt trong ngày lễ hôm nay. Cử hành Năm Thánh như vậy để đón nhận một năng lực mới cho công cuộc loan báo Tin mừng. Thiết nghĩ, có hai thái cực mà chúng ta phải quan tâm. Thái cực thứ nhất: nói đến rao giảng Tin mừng là chỉ nhấn mạnh đến việc rao giảng bằng lời nói mà coi thường việc rao giảng bằng chứng tá của đời sống dấn thân phục vụ. Thái cực khác là nhấn mạnh đến việc phục vụ con người: công tác bác ái, công tác giáo dục, công tác xã hội đến độ cho là không cần thiết phải loan báo Danh Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài cho bất cứ ai.

Chúng ta được mời gọi cảnh giác trước cả hai thái cực ấy trong sứ mạng loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu. Và câu hỏi quan trọng là để mạnh mẽ trong sứ mạng loan báo Tin mừng thì các Linh mục, các nữ tu, kín múc nguồn sức mạnh ở đâu? Chiêm ngắm thánh Phaolô hôm nay giúp chúng ta khám phá ra rằng sức mạnh đó chính là chiều sâu gắn bó kết hợp với Chúa Giêsu mà chúng ta gọi là chiều kích thần bí. Trên bình diện nhận thức, có hai loại kiến thức: Kiến thức khoa học lịch sử và kiến thức tâm linh. Đối với mọi kiến thức khoa học lịch sử, người ta có thể chuyển giao, truyền thông cho người khác mà bản thân mình không có chút kinh nghiệm nào. Cũng giống như nhiều lúc giáo viên dạy sử cho các học sinh, có thể kể chuyện chiến tranh thế giới lần thứ hai nghe như thật nhưng lúc ấy họ chưa sinh ra. Nhưng đối với kiến thức tâm linh thì chúng ta không thể chuyển giao cho người khác kiến thức tâm linh, nếu bản thân ta không có một chút kinh nghiệm tâm linh trong đời sống. Thế nên bản thân mình đào sâu kinh nghiệm tâm linh, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, kinh nghiệm sống gắn bó kết hợp với Chúa, chính ở đó là nguồn năng lực, là nguồn sức mạnh cho việc thi hành sứ mạng rao giảng Tin mừng một cách đúng nghĩa nhất.

Hôm nay Hội Dòng cử hành lễ bế mạc Năm Thánh đúng vào ngày lễ thánh Phaolô tông đồ trở lại. Chiêm ngắm và suy nghĩ một chút về cuộc trở lại của Ngài, là cơ hội rất tốt để giúp cho chúng ta khám phá lại ơn gọi, sự hiện diện, và sứ mạng của mình trong xã hội này, trên quê hương đất nước này. Nếu hiểu trở lại về mặt đạo đức, luân lý thì tôi nghĩ Hội dòng Thánh Phaolô làm gì phải trở lại, bởi vì các Soeurs đạo đức quá, các Soeurs sống tốt lành quá, thật lòng là như vậy, cần gì phải trở lại. Nhưng nếu trở lại là đi vào cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô mỗi một ngày sâu sắc hơn thì chắc chắn, tất cả chúng ta đều cần trở lại. Một cuộc trở lại liên lỉ trong cuộc đời hiến dâng. Mỗi một ngày mình cần đi sâu hơn vào cuộc gặp gỡ, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, vun trồng chiều sâu nội tâm và đào sâu kinh nghiệm tâm linh, kinh nghiệm gắn bó và sống kết hiệp với Chúa Giêsu như là sức mạnh cho việc rao giảng Tin Mừng.

Cuối Thánh Lễ, Bề trên Giám tỉnh tỉnh Dòng Sài Gòn, Nữ Tu Marie Ngô Thị Mai Anh, dâng lời cảm tạ. Tri ân Đức Cha Phêrô đã nhận lời chủ tế thánh lễ. Sự hiện diện của Đức Cha nơi đây, trong những ngày cuối năm đầy bận rộn này, nói lên lòng ưu ái của Đức Cha đối với Tỉnh Dòng. Ngôi nguyện đường tồn tại suốt 150 năm, đã từng được nghe tiếng Đức Cha dâng lễ và giảng dạy trong những thời gian dài như một cha xứ với đông đảo các con chiên từ nhiều xứ quy tụ lại. Đức Cha cũng là người đã góp phần vào việc chia sẽ lịch sử của chúng con. Hôm nay trong bài giảng, Đức Cha cho chúng con chiêm ngắm thánh Phaolô, quan thầy của chúng con, một người đã trở lại với Đức Kitô. Với lòng say mê Đức Kitô đã biến Ngài thành một Ngôn Sứ nỗ lực rao giảng Tin Mừng, sống Tin Mừng. Đó cũng là tâm niệm mà chị em Dòng Thánh Phaolô chúng con cần phải biết cách đi trong những bước đi sắp tới để trở thành những con người sống đời tận hiến và những ngôn sứ của Thiên Chúa như lòng Giáo Hội và Hội Dòng chúng con mong ước.

Hôm nay cũng là ngày cuối năm Canh Dần. Chú cọp mạnh mẽ oai hùng nhường chỗ cho chú mèo hiền lành dễ thương. Chúng con cũng xin được dâng lên Đức Cha những lời chúc tốt đẹp. Xin Chúa ban cho Đức Cha một năm mới đầy phước lộc nhất là ơn sức khỏe và ơn khôn ngoan của Thần Khí để Đức Cha tiếp tục sứ mệnh được giao trong giáo phận.

Hôm nay chúng con cũng được hân hạnh chào đón quý cha, quý cha xứ, quý cha giáo, quý cha phó giáo xứ là những người đã tham gia vào việc huấn luyện chị em chúng con bằng việc khấn giao ước trong những thời gian chị em chúng con còn sống nơi đất lạ xứ người và chỉ bảo chúng con khi tham gia công tác tạo giáo xứ đem đến cho chúng con những mầm non ơn gọi để nối tiếp dòng chảy lịch sử. Nhìn lại bước đường đã qua, chúng con không thể quên công ơn đồng hành, chỉ dẫn của quý cha. Chúng con cũng xin kính chúc quý cha một năm mới đầy tràn hồng ân Thiên Chúa và sức khỏe để gánh vác công việc mà Giáo Hội đang giao phó. Trong giây phút này, chúng con cũng tưởng nhớ đến công ơn của Đức Cha Tôma, các vị mục tử, các chị em Dòng Thánh Phaolô, các cộng tác viên, các ân nhân còn sống cũng như đã qua đời. Nguyện xin Thiên Chúa toàn năng cho những người đã qua đời mỗi ngày thêm sung mãn hơn trong việc diện kiến tôn nhan.

Kính xin Đức Cha, quý Cha tiếp tục cầu nguyện và đồng hành với chúng con trong những bước đường đi tới để chúng con luôn sống như những người con, những đặc sủng về ân ban cho Giáo Hội để tiếp bước với Đức Giêsu trong việc sống kết hợp với Thiên Chúa trong Thánh Thần của Người. Ngõ hầu trở nên những ngôn sứ của Thiên Chúa, biểu lộ tình thương của Thiên Chúa, lòng tốt của Giáo Hội trong việc giáo dục các trẻ em, các thiếu nữ, phục vụ những người nghèo khổ, đau yếu, bất hạnh.

Hội dòng dâng lên Đức Cha bó hoa tươi để tỏ lòng biết ơn và một chút lộc xuân của năm thánh.

Sau thánh lễ, Đức Cha Phêrô mở sâm banh khai mạc “Lễ hội ẩm thực”, bữa tiệc ấm áp tình huynh đệ. Những món ăn đặc trưng của các vùng miền, nơi các nữ tu phục vụ đem về góp thành sự phong phú của bữa tiệc ngon chan chứa niềm vui gặp gỡ.

Lược sử Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres được tóm kết đôi nét trong cuốn sách “Dấu ấn 350 năm Giáo hội Công giáo Việt Nam, Ủy ban Văn hóa HĐGMVN, năm 2010”.

- Dòng được thành lập vào năm 1696 do linh mục Louis Chauvet, chánh xứ một họ đạo nhỏ vùng Beauce nước Pháp cách Chartres 40 km. Marie Micheau, Barbe Foucault và Marie Anne de Tilly là những vị đồng sáng lập.

- Năm 1708, Đức Giám Mục Paul Godet des Marais công nhận dòng và chuyển về Chartres, lấy thánh hiệu của Ngài để đặt tên cho dòng mới: Dòng chị em nữ tu Thánh Phaolô.

- Năm 1848, các nữ tu dòng thánh Phaolô đặt chân đến Hồng Kông. Đến năm1860, theo lời mời của Đức Cha Dominique Lefèbvre, hai nữ tu từ Hồng Kông được gửi đến Việt Nam, lúc đó không khí chiến tranh đang bao trùm khắp miền nam. Năm 1861, nữ tu Benjamin đến Việt Nam và được bổ nhiệm làm bề trên chính miền Viễn Đông đặt trụ sở tại Sài Gòn. Bà cũng là người khởi công xây dựng ngôi nguyện đường cổ kính và trang nghiêm tại số 4 Tôn Đức Thắng, ngày nay được xếp vào công trình di tích được bảo tồn. Từ Sài gòn, chị em dòng Thánh Phaolô được sai đi đến Hà nội, Hải phòng (1883) và các nước lân cận như Nhật (1878), Thái Lan (1898), (Philippines (1904)…

Linh đạo: Các thư của Thánh Phaolo, nhất là biến cố trở lại của Ngài là nền tảng cho đời sống thiêng liêng và truyền giáo của hội dòng. Theo đó:Đời sống thiêng liêng quy về Chúa Kitô, được phô diễn bằng lòng mến Chúa sâu đậm và nhiệt tâm tha thiết với Tin Mừng của Người.Đời sống thiêng liêng theo mầu nhiệm Phục Sinh và Hiện Xuống.

• Sứ mệnh: Nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của những người chung quanh qua việc giáo dục thanh thiếu niên, chăm sóc các bệnh nhân và những người bất hạnh trong tinh thần đơn sơ, khiêm tốn và dũng cảm.

Bổn Mạng: Lễ Thánh Phao lô trở lại (25-1) và lễ hai Thánh Tông Đồ Phê rô và Phao lô (29-6).

Nhân sự: Đáp lời mời gọi của Giáo Hội, hơn 4000 nữ tu hội dòng Chị Em thánh Phaolô thành Chartres hiện đang phục vụ trong hơn 30 quốc gia trên khắp năm châu.

Hội Dòng tại Việt Nam: Hiện nay, hơn 1000 nữ tu Phaolô hiện diện và phục vụ trên khắp mọi miền đất nước từ Bắc chí Nam với ba tỉnh dòng: Sài Gòn, Đà Nẵng và Mỹ Tho.

- Tỉnh Dòng Sài Gòn: gồm 36 cộng đoàn với 403 nữ tu, hoạt động trong năm giáo phận: Tp. HCM, Bà Rịa, Xuân Lộc, Phú Cường và Đà Lạt:
Trụ sở: Số 04 Tôn Đức Thắng, P. BếnNghé, Q. 1, Saigon. ĐT: (08) 822 3387; E-mail: spc-saigon@hcm.vnn.vn

- Tỉnh dòng Đà Nẵng:gồm 56 cộng đoàn với 469 nữ tu, hoạt động trong 12 giáo phận (Miền Bắc và Miền Trung)
Trụ sở: số 47 Yên Bái, Đà Nẵng.ĐT: (0511) 382 4735.Email: spcdnvn@yahoo.fr

- Tỉnh Dòng Mỹ Tho:gồm 24 cộng đoàn với 165 nữ tu, hoạt động tại các giáo phận Miền Tây: Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Tp.HCM.
Trụ sở: số 14 Hùng Vương, P.7,TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đt: 073 873589.Email: phaolomytho@gmail.com

Bế mạc Năm Thánh là cùng nhìn lại để rồi tiếp tục viết thêm những trang sử mới. Bế mạc để mở ra những hướng đi mới với tinh thần sáng tạo, trong sự tôn trọng đặc sủng và linh đạo đã được ân ban qua các Đấng Sáng lập. Hồng ân Năm Thánh là niềm vui nối dài của đời sống dâng hiến. Cầu chúc các Nữ Tu Saint Paul luôn sống lý tưởng thánh Phaolô “Đối với tôi, sống chính là Đức Kitô”, thao thức truyền giáo với động lực: “Tình Yêu Đức Kitô thúc bách tôi”.