Thuyết Tiến Hoá Trong Thần học Kitô Giáo

Dẫn nhập

Thuyết tiến hoá phải qua một thời gian dài mới có một chỗ đứng trong thần học Kitô giáo. Có nhiều hiểu nhầm về thuyết tiến hoá, và cũng có những quan niệm không chuẩn cho rằng Giáo hội Công giáo có vấn đề đối nghịch với thuyết tiến hoá. Những quan điểm như thế không theo sát với thực tế của sự tiến triển giữa khoa học và thần học Kitô giáo. Bài viết này cố gắng đưa ra những quan điểm thần học Kitô giáo về thuyết tiến hoá để giúp độc giả hiểu rõ hơn chỗ đứng của thuyết tiến hoá trong Thần học Kitô giáo. Bài viết sẽ được tìm hiểu qua một số nét về thuyết tiến hoá dưới hai khuynh hướng hữu thần và vô thần (1); lược qua một số tư tưởng của một số thần học gia nổi tiếng trong cái nhìn trung dung của người có niềm tin về thuyết tiến hoá (2); và cuối cùng là tiếng nói của Giáo quyền về tương quan giữa đức tin và khoa học nói chung, giữa đức tin và thuyết tiến hoá nói riêng (3).

1. Đôi nét về thuyết tiến hoá

Trong cuốn sách với tựa đề “The Origin of Species”, Darwin đã đề cập tới những nguyên tắc cơ bản của thuyết tiến hoá. Năm 1871, ông cho xuất bản cuốn “The Descent of Man”; trong cuốn sách này, ông nói đến nguồn gốc con người cách cụ thể hơn. Ông cho rằng con người có thể xuất thân từ những động vật thấp hơn như vượn vì cấu trúc cơ thể và sự phát triển bào thai của các loài vật này có nhiều điểm giống với con người. Nhờ vào công trình nghiên cứu này, ông được coi là cha đẻ của thuyết tiến hoá.(1)

1.1. Thuyết tiến hoá hữu thần

Nhiều người đã hiểu sai thuyết tiến hoá của Darwin. Họ cho rằng với thuyết tiến hoá này, vũ trụ hoặc con người đều từ ngẫu nhiên mà có; một cách nào đó họ cho rằng Darwin đã chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ thì ông là người tin rằng Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành vũ trụ, và khi đã tạo dựng xong vũ trụ, từ đó Ngài để cho vũ trụ tiếp tục tiến hoá.(2) Ông không chủ trương tiến hoá vô thần, điều này chúng ta sẽ thấy rõ qua tư tưởng của ông:

“Quan niệm về sự sống này {tức là thuyết tiến hoá} có vài điểm mạnh. Đầu tiên được Đấng Tạo Hoá truyền hơi thở vào để thành một hay vài thể sống đơn giản nhất. Từ một sự bắt đầu đơn giản đó đã và đang tiến hoá ra vô số những sinh thể đẹp và kỳ diệu nhất trong khi hành tinh này vẫn xoay vần theo định luật hấp dẫn cố định.”(3)

1.2. Thuyết tiến hoá vô thần

Do người ta vô tình hiểu không đúng hay cố tình giải thích sai thuyết tiến hoá của Darwin, nên ông bị hiểu nhầm. Ông không chủ trương một thuyết tiến hoá vô thần, nhưng là một người khác. Oparin, khoa học gia người Nga, đã trình bày thuyết tạo sinh vô cơ (abiogenesis) để bổ sung vào thuyết tiến hoá của Darwin. Thuyết này cho rằng sự sống bắt đầu bằng sự kết hợp ngẫu nhiên của các chất vô cơ như oxigen, hydrogen, nitrogen và carbon. Chủ nghĩa duy vật trong đó có chủ nghĩa cộng sản được coi như khởi đi từ chủ thuyết này. Mà như chúng ta đều biết, cơ sở lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản là duy vật biện chứng lịch sử, đó cũng là một kiểu tiến hoá, vì xã hội loài người tiến hoá từ thấp lên cao nhờ vào giai cấp đấu tranh.(4) Đến đây ta có thể nói được rằng thuyết tiến hoá vô thần là do Oparin khởi xướng.

2. Một số quan điểm thần học về thuyết tiến hoá

2.1. Tiến hoá thúc đẩy tín hữu nghiên cứu khoa học

Thần học gia Công giáo đầu tiên lên tiếng xoáy sâu vào thuyết tiến hoá có lẽ là Pierre Teilhard de Chardin. Đối với Chardin, thuyết tiến hoá là điều mới mẻ thúc đẩy tín hữu nghiên cứu khoa học để thấy được bàn tay quan phòng đầy khôn ngoan của Thiên Chúa trong sự tiến triển của vũ trụ và con người.

“Để sống và phát triển, các quan điểm Kitô giáo cần có một bầu khí vừa lớn lao vừa mật thiết. Thế giới càng rộng lớn, các quan hệ bên trong thế giới càng hữu cơ bao nhiêu thì các triển vọng mà Nhập thể mở ra trong đó càng thắng thế bấy nhiêu. Mà đây là điều người tín hữu bắt đấu phát hiện, một cách có thể nói là bất ngờ. Sau một lúc hoảng sợ trước Tiến hoá, người Kitô hữu bây giờ đây lại nhận thấy rằng Tiến hoá thật ra cung cấp cho mình một cách kỳ diệu để mình cảm thấy thuộc về Thiên Chúa hơn, để mình phục vụ Thiên Chúa tận tình hơn. Trong thời hiện đại, Kitô giáo cần thiết hơn cho thế giới. Về Kitô giáo mà nói rằng tôn giáo này, trái với những điều xem ra ngược chiều, thích nghi và phát triển trong một thế giới được khoa học mở rộng đến mức kỳ lạ, là chỉ trông thấy nửa phần những gì đang diễn ra. Tiến hoá đang như đổ vào một dòng máu mới cho các viễn tượng và các khát vọng của người Kitô hữu. Nhưng ngược lại, chẳng phải là đức tin đặt nơi Đức Kitô có sứ mạng – và đang sẵn sàng – cứu vãn Tiến hoá, hay thậm chí tiếp sức cho Tiến hoá?”(5)

Kitô giáo cho thấy chỗ đứng của khoa học trong đời sống con người. Khoa học cần giúp con người khám phá được vẻ đẹp của thiên nhiên, qua việc khám phá đó, con người biết quý trọng sự sống của mình hơn. Thiên nhiên và con người không thể tách rời nhau được. Thiên nhiên và con người tiến hoá không ngừng. Trong quá trình tiến hoá của vạn vật, có điều tốt đẹp nhưng cũng có những điều xấu. Theo cái nhìn của thuyết tiến hoá, Teilhard cho rằng mọi hình thái của cái ác đều là những yếu tố thiết yếu trong quá trình tiến hoá.(6)

2.2. Tiến hoá nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa

Tất cả mọi sự diễn ra đều nằm trong quy luật Thiên Chúa đã ấn định, hay nói cách khác mọi sự đều diễn ra trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Mọi sự tiến bộ trên trần gian này, dù đến từ đâu cũng xuất phát từ Căn nguyên tối hậu là chính Đấng Tạo Hoá. Khi tin Thiên Chúa là căn nguyên mọi loài, thì chúng ta có thể dung hoà được những xung khắc mà người ta cố gán ghép cho đức tin với khoa học. Karl Rahner cho rằng chúng ta có thể dung hoà thuyết tiến hoá với đức tin Công giáo bao lâu chúng ta để đức tin dựa trên hai nguyên lý căn bản, đó là: Thiên Chúa là căn nguyên đệ nhất của muôn vật muôn loài, và Thiên Chúa là nền tảng vĩnh cửu mà trên đó muôn vật muôn loài có thể phát triển hết khả năng vượt lên trên chính mình.(7)

Đối với Karl Rahner, vũ trụ tiến hoá không ngừng là nhờ vào năng lực sáng tạo vô cùng của Thiên Chúa.(8)

Còn theo Hans Kung, thuyết tiến hoá không xung khắc với đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Thiên Chúa hoạt động cách tích cực trong quá trình tiến hoá. Thiên Chúa chính là nguồn mạch, nền tảng và cứu cánh của mọi cuộc tiến hoá.(9)

Theo trình thuật sáng thế, sau khi đã dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa đã giao phó công trình đó cho con người cai quản. Con người được thông dự vào đặc quyền thống trị vũ trụ của Thiên Chúa là một hình thức tiến hoá; điều này có thể lý giải rằng con người có nhiệm vụ làm cho thế giới này càng ngày càng đẹp hơn, càng hoàn thiện hơn.(10) Hay nói cách khác, sáng tạo và tiến hoá là hai khía cạnh không thể tách rời nhau trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Moltmann sẽ cho ta thấy hai chiều kích này:

“Quan niệm Thiên Chúa trong thế giới thọ tạo bằng ý niệm về sáng tạo trong thần khí cho phép chúng ta hiểu ‘sáng tạo’ và ‘tiến hoá’ không còn là hai khái niệm xung khắc để diễn tả hiện thực nữa, và chúng ta có thể kết chúng thành một mối để bổ túc cho nhau: có một cuộc sáng tạo tiến hoá, bởi vì tiến hoá không tự giải thích được từ chính mình. Có một cuộc tiến hoá của thế giới thọ tạo, bởi vì cuộc sáng thế hướng về mục đích là Vương quốc vinh quang và vì thế vượt quá chính mình trong thời gian. Khái niệm tiến hoá được hiểu như một khái niệm căn bản diễn tả Thần Khí sáng tạo của Thiên Chúa hoạt động như thế nào trong thế giới.”(11)

Mọi sự tiến hoá đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng quan phòng vạn vật để vạn vật ngày càng hoàn thiện hơn cho đến khi chúng đạt được cùng đích của mình là được vinh quang Thiên Chúa (xc. Rm 8,18-25). Tuy nhiên, Thiên Chúa quan phòng đã trao cho con người quyền cai quản muôn vật muôn loài, có nghĩa là Ngài đã giao cho con người làm cho quá trình tiến hoá đó được tiến triển liên tục (xc. St 1,26-29).

Việc Thiên Chúa quan phòng đối với vũ trụ vạn vật có thể được coi như một cuộc sáng tạo liên tục, hay nói cách khác là công trình tạo dựng vẫn tiến hoá không ngừng cho đến khi công trình đó đạt đến thành tựu của nó. Sáng tạo liên tục hay tiến hoá là một hướng mở tới tương lai. Tương lai ở đây là một điểm quy chiếu để mọi vật mọi loài đều hướng về đó. Moltmann tiếp tục phân tích hai khía cạnh này:

“Tiến hoá mô tả quá trình xây dựng từng bước vật chất và các hệ sinh vật. Do đó thuyết tiến hoá thuộc phạm vi thần học nói về sáng tạo liên tục (creatio continua). Nhưng Thiên Chúa, bằng cách nào mà Người sáng tạo và hoạt động trong lịch sử đang tiếp diễn của thế giới thọ tạo? Thần học sẽ sai lầm nếu chuyển các thể thức sáng tạo nguyên thuỷ của Thiên Chúa thành các thể thức hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử. Thần học phải trình bày trong một lịch sử mở rộng, hướng tới tương lai, các thể thức mà Thiên Chúa sử dụng để bảo toàn, duy trì, thay đổi và tăng tốc độ trong thế giới thọ tạo, mà ở đây khái niệm thần học về chiều kích mở hướng tới tương lai lấy lại đồng thời cũng vượt qua khái niệm ‘mở’ của học thuyết về các hệ thống. Thần học phải lấy làm khởi điểm ý tưởng theo đó công trình sáng tạo chưa hoàn tất, chưa đạt tới đích. Cùng với các thể loại trong hệ sinh vật và trong vật chất, con người vẫn còn ở trong quá trình rộng mở của thời gian. Ngày nay con người nắm trong tầm tay việc tiếp tục trực tiếp quá trình tiến hoá đã dẫn đến sự xuất hiện của loài người trên trái đất này: con người có thể huỷ diệt giai đoạn tiến hoá này hay con người cũng có thể tổ chức cho chính mình một phương thức sống chung cao cấp hơn, có thể giúp quá trình tiến hoá tiến triển.”(12)

2.3 Đức Kitô là trung tâm điểm của mọi sự tiến hoá

Theo thần học của Gioan và Phaolô, vạn vật hiện hữu nhờ Ngôi Lời và sẽ quy về Ngôi Lời.(13)

Vũ trụ sẽ không đi tới đâu cả nếu không có công cuộc nhập thể cứu độ của Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Teilhard cho chúng ta thấy được vai trò trung tâm của Đức Kitô trong công cuộc tiến hoá của muôn loài muôn vật:

“Teilhard nối kết quá trính tiến hoá với một Kitô học tầm cỡ vũ trụ. Trong viễn tượng đó, Đức Kitô hoạt động như Đấng ban sinh khí cho muôn vật muôn loài trong quá trình tiến hoá như Đấng đưa muôn loài muôn vật về một mối. Quá trình hiến hoá đạt tới điểm hoàn tất trong Đức Kitô được hiểu như điểm hội tụ Ômêga.”(14)

Đức Kitô là Đấng làm cho muôn vật tiến hoá không ngừng: “Đức Kitô-Ômêga, nghĩa là Đức Kitô ban sự sống cho mọi loài và thâu tóm mọi năng lực của sự sống và của tinh thần mà vũ trụ đã chế tạo, nghĩa là, nếu xét cho cùng, Đức Kitô-Đấng chủ động trong quá trình tiến hoá (Christ-Évoluteur).”(15) Nếu nhìn theo nhãn quan của Khải Huyền, mọi sự đều khởi đi từ một Đấng, và mọi sự đều quy về một Đấng. Đấng đó là Alpha và Ômêga của mọi loài, đó là Đức Kitô. Mọi sự đều nhờ Người mà có, rồi mọi vật lại quy về Người. Quả thật, Người là trung tâm, là chủ của mọi công cuộc tiến hoá.

3. Huấn quyền với thuyết tiến hoá

Huấn quyền Giáo hội đã chấp nhận những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, trong đó có thuyết tiến hoá của Darwin. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng giữa đức tin và khoa học chân chính không có mâu thuẫn. Trong thực tế, nhiều người vẫn cho rằng đức tin Kitô giáo đối nghịch với khoa học. Nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó thì những người này cũng có lý; nhưng xét rộng hơn thì không phải như thế. Sở dĩ người ta cho Giáo hội đối nghịch hay cản trở bước tiến của khoa học là vì, Giáo hội không như một người nghiên cứu khoa học thực nghiệm, cần làm thí nghiệm một số lần để kiểm chứng giả thuyết rồi mới đưa ra kết luận. Khi đã thực hiện một số thí nghiệm, có thể rút ra kết luận; nhưng sau này, nếu thực hiện những cuộc thí nghiệm khác mà cho kết quả khác thì có thể có kết luận khác với lúc đầu. Điều này có thể xảy ra với khoa học thực nghiệm. Nhưng trong vấn đề đức tin, Giáo hội không thể làm như vậy. Giáo hội rất thận trọng trong những vấn đề mới mẻ, không vội vàng đưa ra phán quyết, mà cần phải tìm hiểu cẩn thận rồi mới có ý kiến. Đó là một cách làm rất khôn ngoan. Đối với thuyết tiến hoá, Giáo hội cũng cần thời gian để chấp nhận nó như vậy.

Giáo hội Công giáo chưa bao giờ có quan niệm đối nghịch với chủ nghĩa triết học Darwin trong vấn đề tiến hoá, mặc dù lý thuyết triết học này coi con người chỉ như là sản phẩm của những sức mạnh duy vật. Giáo hội chưa bao giờ coi và chưa bao giờ dạy rằng trình thuật trong chương đầu của Sách Sáng thế dạy về khoa học.(16)

3.1. Chấp nhận có cân nhắc

Huấn quyền khuyên các tín hữu học hỏi thuyết tiến hoá cách có cân nhắc, để có thể hiểu đúng về nó.

“Huấn quyền Giáo hội không cấm việc học thuyết ‘Tiến hóa’, trong chừng mực học thuyết này nghiên cứu về nguồn gốc của thân xác con người từ một chất thể sinh động đã có sẵn – bởi vì về các linh hồn thì đức tin Công giáo buộc chúng ta phải bảo lưu rằng linh hồn đã được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo -, trong tình trạng hiện thời của các ngành khoa học về con người và của khoa thần học, được các chuyên gia của cả hai lãnh vực đưa ra bàn luận và nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu, các lý lẽ biện minh cho cả hai lập trường, dù là thuận hay chống, phải được xem xét và phán đoán một cách điều độ và thận trọng với sự nghiêm chỉnh cần thiết, miễn là ai nấy đều phải sẵn sàng tùng phục phán quyết của Giáo hội vốn đã được Đức Kitô trao cho trọng trách minh giải Kinh Thánh một cách trung thực và bảo vệ giáo lý đức tin.”(17)

Đức Gioan Phaolo II trong bài giáo lý về sáng tạo vào năm 1986 nói về trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế như sau:

“Bản văn này có một tầm quan trọng về tôn giáo và thần học vượt lên trên tất cả. Việc nghiên cứu về nguồn gốc và sự phát triển của các loài cá thể trong thiên nhiên không tìm thấy trong một chuẩn mực cụ thể nào trong trình thuật này… Bởi vậy, lý thuyết về tiến hoá tự nhiên, được hiểu theo một nghĩa nào đó là không loại trừ tính nguyên nhân thần thiêng, về căn bản cũng không đối lập với chân lý về sự sáng tạo thế giới hữu hình như được trình thuật trong sách Sáng thế… Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng giả thuyết này chỉ đề xuất một khả năng chắc chắn (cái nhiên), chứ không phải là một sự chắc chắn khoa học. Hơn thế nữa, giáo lý đức tin xác định vững chắc rằng linh hồn thiên nhiên của con người được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên. Theo giả thuyết được đề cập ở đây, có thể là thân xác con người, theo trật tự đã được Đấng Tạo Hoá ấn định lên những năng lực sự sống, hẳn là đã được chuẩn bị tiệm tiến nơi những mô thể của những hữu thể tiền sự.”(18)

Năm 1996, Đức Gioan Phaolo II lặp lại chủ đề này trong thông điệp gửi cho Viện hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học.(19)

3.2. Nhưng lưu ý

Khi Giáo hội khuyên tín hữu tìm hiểu học hỏi thuyết tiến hoá, người ta đã đặt ra vấn đề rất hệ trọng liên quan đến chân lý đức tin, đó là thuyết độc tổ. Giáo lý truyền thống dạy rằng tổ tông loài người là Adam và Eva; còn thuyết tiến hoá, hay nói rộng ra là các khoa học tự nhiên thì quan niệm rằng sau Adam, thực sự đã có những con người không thuộc con cháu của Adam và Eva. Và như thế, tổ tông loài người là đa tổ chứ không phải là độc tổ. Khi chấp nhận thuyết tiến hoá, người ta cho rằng vậy là Giáo hội cũng chấp nhận thuyết đa tổ. Không phải thế! Để bảo vệ giáo lý đức tin, Đức Piô XII đã xác định rõ rằng người tín hữu không thể chia sẻ quan điểm về thuyết đa tổ. Giáo lý về tổ tông loài người và tội nguyên tổ vẫn không có gì thay đổi.(20)

Thay lời kết

Đức tin Kitô giáo không có ý định dạy về những chân lý khoa học, mà cũng không có mục đích phủ nhận chỗ đứng của khoa học chân chính trong việc tiến triển của con người và vũ trụ. Đức tin đó dạy cho biết rằng dù vũ trụ và con người tiến hoá như thế nào đi nữa thì vẫn không thể đi ra ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa được, Thiên Chúa phải là nguyên nhân và cùng đích của mọi cuộc tiến hoá. Giáo hội không ngăn cản các tín hữu nghiên cứu khoa học, ngược lại còn khuyến khích tín hữu nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc để nhờ vào việc khám phá đó, con người thấy được quyền năng cao cả và tình thương lớn lao của Thiên Chúa đối với vũ trụ và con người. Khám phá đó đưa con người đến việc hiểu biết Thiên Chúa hơn, từ chỗ hiểu biết mà yêu mến và phục vụ Thiên Chúa hơn. Việc yêu mến và phục vụ Thiên Chúa có thể được thực hiện qua việc chiêm ngắm những kỳ công thiên hình vạn trạng được tỏ bày nơi công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Công trình tạo dựng đó vẫn tiếp tục tiến hoá không ngừng qua sự quan phòng đầy khôn ngoan và yêu thương của Thiên Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Thần Khí nhờ Đức Kitô.

Chú thích
(1) Xc. Lê Anh Huy, Quan điểm siêu hình của Darwin. Cập nhật ngày 05/05/2009; http://hoptinhhoply.net/?q=node/124.
(2) Cf. Russell Shaw (ed.), Our Sunday Visitor’s Encyclopedia of Catholic Doctrine, Our Sunday Visitor Publishing Division, Huntington-Indiana, 1997, pp. 223-224.
(3) Charles Darwin, The Origin of Species, Random House, 1993, p. 649. Bản dịch Việt ngữ của Lê Anh Huy, sđd.
(4) Xc. Lê Anh Huy, Quan điểm siêu hình của Darwin. Cập nhật ngày 05/05/2009; http://hoptinhhoply.net/?q=node/124.
(5)Pierre Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain. Dans Les Oeuvres de Pierre Teilhard de Chardin, T. 1, Paris, 1955, pp. 330-331. Bản dịch Việt ngữ được trích từ Sáng thế luận qua các tác giả, (?), tr. 398-399.
(6) Xc. Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 399.
(7) Xc. Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 443.
(8) Xc. Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 437-438.
(9) Xc. Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 467-470.
(10) Cf. International Theological Commission, Communion and Stewardship: Human Persons Created in the Image of God. Download May 5th 2009; http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_doc_20040723_communion-stewardship_en.html.
(11) Jurgen Moltmann, Dieu dans la création, Le Cerf, T. 33, p. 252. Bản dịch Việt ngữ được trích trong Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 451.
(12) Jurgen Moltmann, Dieu dans la création, Le Cerf, T. 33, p. 252. Bản dịch Việt ngữ được trích trong Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 452.
(13) Xc. Lời tựa của Tin Mừng theo thánh Gioan (1,1-18) và các thư của thánh Phaolô.
(14) Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 401.
(15) Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 403.
(16) Cf. Russell Shaw (ed.), Our Sunday Visitor’s Encyclopedia of Catholic Doctrine, Our Sunday Visitor Publishing Division, Huntington-Indiana, 1997, p. 223.
(17) Pope Pius XII, Humani Generis, August 12th 1950. Bản dịch Việt ngữ được trích trong Sáng thế luận qua các tác giả, tr. 110.
(18) Trích lại trong Russell Shaw (ed.), Our Sunday Visitor’s Encyclopedia of Catholic Doctrine, Our Sunday Visitor Publishing Division, Huntington-Indiana, 1997, p.223.
(19) Cf. Russell Shaw (ed.), Our Sunday Visitor’s Encyclopedia of Catholic Doctrine, Our Sunday Visitor Publishing Division, Huntington-Indiana, 1997, p. 223.
(20) Cf. Pope Pius XII, Ibi