Marienfried, Đức Quốc - Vào ngày thứ bẩy đầu tháng mùng 3.7.2010, khoảng một ngàn anh chị em giáo dân thuộc các giáo phận Nam Đức và nhiều nước khác đã sốt sắng tham dự cuộc hành hương Đức Mẹ Marienfried 2010 lần thứ 25 với chủ đề "Đức Bà phù hộ các giáo hữu" do Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám Mục giáo phận Lạng Sơn chủ sự. Chủ đề được ban tổ chức chọn để gợi ý nhân dịp mừng ngân khánh 25 năm hành hương Đức Mẹ Marienfried và mừng Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam. Chủ đề "Đức Bà phù hộ các giáo hữu" muốn nối kết trung tâm Thánh Mẫu Marienfried với trung tâm Thánh Mẫu La Vang: vào ngày 13.05.1940, Đức Mẹ đã hiện ra với cô Bärbl Ruess tại Marienfried, một vùng thôn trang hẻo lánh thuộc miền Nam Đức quốc, dậy cô “lần chuỗi Vô Nhiễm Nguyên Tội” để xin Mẹ thương phù hộ các giáo hữu thoát cảnh bom rơi đạn lạc trong kỳ đại chiến thứ hai. Năm nay, GHCG tại Việt Nam cũng đang mừng trọng thể Năm Thánh 2010. Giáo Hội CGVN đã được sinh ra và trưởng thành trong máu đào tử đạo của hàng trăm ngàn Tiền Nhân anh dũng…Vào năm 1798, trong cơn gian nan bách đạo thời vua Cảnh Thịnh, các bổn đạo thuộc tỉnh Quảng-Trị đã chạy trốn vào La Vang rừng sâu nước độc. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi và cứu giúp các tín hữu lánh nạn với lời hứa: “Các con hãy vui lòng chịu gian khổ. Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu Mẹ tại chốn nầy, Mẹ sẽ nhậm lời theo như ý nguyện ”

Hình ảnh Hành Hương Marienfried

Trong ngày thứ sáu, các thành viên trong ban tổ chức và gia đình đã dành trọn ngày từ buổi sáng để trang trí địa điểm và dựng cổng chào Đại Hội. Buổi chiều, mặc dù mệt nhọc, nhưng tất cả vui mừng vì Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân đã đến chủ tọa Thánh lễ tạ ơn cùng với cha xứ Stêphanô tại chính nhà nguyện nơi Đức Mẹ đã hiện ra cách đây hơn 70 năm và hướng dẫn đề tài tĩnh tâm (xem bài gợi ý tĩnh tâm đã đăng trong trang nhà giáo xứ).

Ngay từ sáng sớm tinh sương, trung tâm hành hương đã vang lên những bản nhạc dâng kính Mẹ Thiên Chúa. Trời năm nay trong xanh và ánh nắng chan hòa. Chương trình hành hương chính thức đã được khai mạc vào lúc 9g30 sáng, giờ đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và Nghi lễ Thống Hối chung trước tiền đường nhà nguyện nhỏ nơi Đức Mẹ hiện ra cách đây 70 năm. Sau đó, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân đã làm phép nến hành hương 2010 và cờ hiệu của giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đoàn dâng hoa 6 em trai trong quốc phục mầu thanh thiên và 10 em nữ vận áo vàng hoàng hậu thuộc cộng đoàn Stuttgart (Thánh Giuse Hiển) đã dâng nên Mẹ hiền liên khúc Mùa Hoa, tiến dâng những nén hương ngào ngạt toả bay và hoa ngũ sắc tượng trưng tình con thảo đối với Mẹ hiền. Trước khi đoàn kiệu khởi hành, cha Clemens M. Henkel, tân giám đốc trung tâm hành hương Marienfried và ông phó thị trưởng thành phố Pfaffenhofen đã có lời chào mừng thân ái đến đoàn hành hương và đặc biệt tới Đức Cha.

Sau đó, tất cả đoàn hành hương đã sốt sắng tham dự kiệu, cùng dâng lên Mẹ những chuỗi Mân Côi xin Mẹ thánh hóa bản thân, gia đình và xin ơn bình an cho Giáo Hội và Quê Hương. Cứ sau mỗi ngắm Năm Mùa Mừng và một chục Kinh Mân Côi, tất cả đoàn kiệu đều hướng về kiệu Mẹ Lavang, cùng hát vang lời ca Ave Maria và dâng cao đèn nến mua từ kinh thành Thánh Mẫu Lộ Đức, đang khi các em bé tung hoa tôn kính Mẹ…Nhờ có hệ thống âm thanh mới, nên những lời kinh, tiếng hát và các lời hướng dẫn đều vang vọng khắp nơi, giúp tăng thêm bầu khí cầu nguyện…

Khoảng 11g30, Thánh lễ mừng 25 năm hành hương, cầu nguyện cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam được long trọng cử hành tại chính đài Đức Mẹ Fatima. Vì năm nay nhà nguyện chính của trung tâm hành hương đang trùng tu, trời lại nóng lực, nên ban tổ chức đã chọn dâng lễ ngoài trời, dưới bóng cây thật mát mẻ. Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân chủ tế, Cha Tôma Lê Thanh Liêm và cha xứ Stephanô cùng đồng tế. Ca đoàn tổng hợp giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình Muenchen và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Rottenburg-Stuttgart đã dâng lên Chúa và Mẹ các bài thánh ca trầm bổng, tăng phần long trọng và sốt sắng cho đại lễ. Đặc biệt năm nay, nhạc sĩ ca trưởng Trần Thế đã sáng tác hai bài “Tìm về bên Mẹ” và “25 năm về bên Mẹ” kính dâng Đức Mẹ Marienfried.

Dựa vào ý tưởng chính trong bài Tin Mừng “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”, Đức Cha Giuse đã chia sẻ Lời Chúa trong dịp đại lễ theo chủ đề của ngày hành hương: “Chính Mẹ Maria đã thực hiện cuộc Hành hương cuộc đời với Chúa Giêsu, hành hương với Hội Thánh và hành hương với mỗi người chúng ta. Chính Đức Maria là gương mẫu của Đức Tin và Vâng phục trong Khiêm hạ để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là cộng tác vào chương trình Cứu độ của Ngài và là dấu chỉ của niềm Hy vọng Phục Sinh nơi Chúa Giêsu Kitô. ” (Xin xem toàn bài giảng của Đức Cha Giuse trong trang nhà của giáo xứ)

Để ghi nhớ cuộc hành hương 25 năm tại Marienfried nhân dịp Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Việt Nam, tất cả các tham dự viên hành hương đã được phúc lãnh nhận ơn Toàn Xá do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khấng ban (xin nhường lại cho các linh hồn) qua Đức Cha Josef Grünwald, giám quản giáo phận Ausburg và qua tay Đức Cha Giuse Ngân.

Sau khi lãnh nhận ơn Toàn Xá, cha xứ Stêphanô đã đọc văn thư của giáo phận, trao ban huy hiệu Thánh Martinô Bổn Mạng của giáo phận, ghi công ông Giuse Trần Công Khải, trưởng ban tổ chức và cũng là đại diện của gia đình Đức Mẹ Marienfried, đã suốt 25 năm năm qua tận tâm tận lực phục vụ cho các cuộc hành hương. Chính Đức Cha Giuse Ngân đã gắn huy hiệu này cho ông Giuse Khải. Sau đó, Ngài cũng trao cho mỗi thành viên trong ban đại diện Marienfried một chuỗi Mân Côi hoa hồng, như dấu chỉ của phúc lành qua hiền mẫu Maria.

Kết thúc, Ông Giuse Trần Công Khải, trưởng ban tổ chức, đã đại diện Gia Đình Đức Mẹ Marienfried chào mừng và ghi ơn Đức Cha, hai cha xứ, quý sơ MTG Muenchen và sr. Terasa Chi, thuộc tu hội Schöntatt và tất cả các phái đoàn cũng như tất cả các tham dự viên và tất cả những bàn tay hảo tâm đã góp công góp sức từ sáng thứ sáu để chuẩn bị, căng biểu ngữ, chăng cờ, dựng cổng chào... dựng lều hành hương, lo hoa nến, âm thanh, và nắp kiệu Đức Mẹ. Đặc biệt ghi ơn ca đoàn tổng hợp Muenchen và Rottenburg-Stuttgart, các em thiếu nhi cung thánh, đội dâng hoa Stuttgart, cùng tất cả mọi bàn tay đóng góp âm thầm. Xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả.

Ngày hành hương đã kết thúc thật tốt đẹp. Chúng ta cùng hiệp lòng một ý, với Đức Cha Giuse để khẩn nguyện van xin với Mẹ với tước hiệu “Đức bà phù hộ các giáo hữu”: “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ khấng ban cho mỗi tín hữu, mỗi gia đình chúng con và toàn thể Giáo hội Việt-Nam chúng con luôn mạnh mẽ trong đức tin, thẳm sâu trong đức cậy, rạng ngời trong đức mến. Xin Mẹ thương quê hương đất nước và gia đình chúng con, xin Mẹ che chở, dẫn dắt quê hương và Giáo hội chúng con, xin Mẹ thánh hóa và cầu bầu cùng Chúa ban muôn ơn lành cho quê hương, cho Giáo hội Việt-nam, cho mỗi người và mỗi gia đình chúng con”.

Sau đó là giờ ăn trưa với đủ mọi hương vị quê hương: cháo lòng, bún bò Huế, bánh bao Song Diễm…. Mọi người gặp gỡ hàn huyên vui vẻ, thăm viếng Trung Tâm và cầu nguyện riêng. Xin cám tạ hồng ân Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam...Vì ban chiều có trận đấu bán kết giải Túc Cầu Thế Giới giữa hai đội banh: Đức và Á Căn Đình, nên nhiều người vội vã lên đường để kịp về ủng hộ đội nhà…Hẹn gặp nhau vào cuộc hành hương lần thứ 26, vào ngày thứ bẩy mùng 9.7.2011. (bản tin GXVN)

BÀI GỢI Ý TĨNH TÂM HÀNH HƯƠNG
của ĐC Đặng Đức Ngân tối ngày 02/07/2010 tại Marienfried

Kính thưa quý Cha, quý Ông bà anh chị em thân mến.

Thật cảm động khi chúng ta cùng hiện diện nơi đây trong giờ tĩnh tâm hành hương để tôn vinh Đức Mẹ tại Marienfried – Đức quốc.

Trong giờ tĩnh tâm này, chúng ta cùng nhau suy niệm về Đức Maria như mẫu gương tín thác vào chương trình Cứu Độ mà Thiên Chúa đã thực hiện. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa để suy niệm hành trình Đức Tin của Đức Mẹ, khi đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu đã phó thác Giáo Hội cho Đức Maria trong ơn gọi làm Mẹ:

Ðức Giêsu và thân mẫu của Người

(25) Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. (26) Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà". (27) Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là mẹ của anh". Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,25-27). Sách Tông đồ Công vụ đã nhắc tới sự hiện diện hiệp nhất yêu thương của Mẹ.

Theo sách Tông đồ Công vụ:

(12) Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. (13) Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Các ông ấy là: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Máthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. (14) Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu (Cv 1,12)

Chúa Giêsu đã nói với Mẹ và Thánh Gioan Tông đồ: “Đó là con của Bà…đó là Mẹ của con”. Gíao Hội qua Thánh Gioan đã đón nhận Mẹ Maria làm Mẹ mình; và Mẹ đón nhận Giáo hội làm con của mình. Chính vì vậy qua mọi thời đại, chúng ta thấy Giáo hội luôn nhìn lên Đức Trinh nữ Maria như người Mẹ hiền: “Với tình mẫu tử, Mẹ chăm sóc những anh chị em của Con Mẹ đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách cho tới khi đạt tới quê trời hạnh phúc” (Asmd 62). Với sự che chở của tình mẫu tử, “Đức Trinh nữ Maria được Giáo hội khẩn cầu với những tước hiệu Trạng Sư, Vị Bảo Trợ, Đấng Phù Hộ…”; “Giáo hội thường cảm nghiệm được và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ vai trò trung gian của Mẹ Maria, để nhờ Mẹ nâng đỡ phù hộ, họ sống gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian là Chúa Cứu Thế”. Nếu ơn cứu độ là kết quả của sự gặp gỡ và hiệp thông với Chúa Kitô và là sự tiếp tục mầu nhiệm nhập thể, thì chúng ta tin tưởng là không ai hơn Đức Maria biết dẫn đưa chúng ta vào môi trường thần linh và nhân loại của mầu nhiệm này. Đàng khác, trong suốt lịch sử, cuộc sống của Giáo Hội đã là một bằng chứng hiển nhiên rằng sự hiện diện của Mẹ Maria không những Không làm lu mờ và giảm bớt vai trò của Chúa Giêsu mà trái lại; với tình mẫu tử, Đức Maria lôi kéo mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi địa vị xã hội, để dẫn họ đến với Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta có thể kiểm chứng điều này tại các trung tâm hành hương trên khắp thế giới, nhất là tại Lộ Đức và Fatima. Sự hiện diện của Mẹ Maria đã lôi cuốn đông đảo dân chúng: họ tới tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể ngày đêm, Rước kiệu, xếp hàng chờ được lãnh nhận Bí tích Hòa giải. Như thế trọng tâm của những trung tâm hành hương Thánh Mẫu là qui về Chúa Giêsu Kitô. Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” của Công đồng Vaticano II nhấn mạnh cho chúng ta như sau: “Sứ mệnh từ mẫu của Mẹ Maria đối với con cái loài người không làm lu mờ, cũng không làm suy giảm chút nào vai trò trung gian duy nhất của Chúa Giêsu Kitô. Trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Thật thế, mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Đức Trinh Nữ trên nhân loại, không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, mà từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn phát sinh tất cả ảnh hưởng đó. Ảnh hưởng này không cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô” (ASMD 60).

Chúng ta được mời gọi là chứng nhân của tình yêu Chúa giữa Giáo hội trong thế giới, không thể nào không sống liên hệ mật thiết với Mẹ Maria, mẫu gương của Giáo hội trên bình diện Đức tin, đức ái và sự hiệp nhất hoàn toàn với Chúa Kitô. Mẹ Maira là Mẹ của Giáo hội cũng là Mẹ của mọi tín hữu, Mẹ của mọi chứng nhân đức tin trong cuộc sống hàng ngày:

“Trong vô số phép lạ xảy ra tại Lộ Ðức nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, người ta có ghi lại một sự kiện như sau:

Một quả phụ đem đứa con trai duy nhất của bà lên 10 tuổi đến hang đá Lộ Ðức. Cậu bé bị bất toại từ lúc vừa mới biết đi vì một tai nạn xe hơi. Dọc đường bà mẹ không ngừng lập đi lập lại với con, là bất cứ điều gì con cầu xin cùng Chúa Giêsu nhờ lời bầu cử của Ðức Mẹ sẽ không bị từ chối. Tới hang Lộ Ðức, bà mẹ đẩy con ngồi trên xe lăn nhập hàng rước kiệu cùng với các bịnh nhân khác, và kiên nhẫn chờ đợi Mình Thánh Chúa đi ngang qua đó, để lãnh nhận phép lành. Vị linh mục cầm Mình Thánh Chúa trên tay và dừng lại ban phép lành trước mỗi bệnh nhân. Khi ngài đến trước mặt cậu bé bất toại, cậu bé lớn tiếng cầu nguyện với tất cả lòng tin tưởng của tâm hồn đơn sơ chân thành: "Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa không chữa con lành bệnh con sẽ thưa lại với Mẹ Chúa cho xem." Nghe vậy, vị linh mục xúc động mạnh, nên quay trở lại ban phép lành cho cậu bé một lần nữa với tất cả tấm lòng đơn thành tin tưởng, cậu bé vừa chăm chú nhìn Mình Thánh Chúa, vừa lớn tiếng thân thưa: "Lạy Chúa Giêsu, nếu Chúa không chữa lành bệnh cho con, con nhất định sẽ thưa lại với Mẹ Chúa cho xem."

Mình Thánh Chúa vừa được vẽ xong hình thánh giá trên người em thì như có một sức mạnh nào đó thúc đẩy, cậu bé đứng thẳng dậy bước khỏi xe lăn, quì gối thờ lạy tạ ơn Chúa trước sự ngạc nhiên của mọi người, nhất là trước sự xúc động của mẹ em.

• Theo tông huấn "Rao Giảng Tin Mừng"(số 82), Mẹ Maria là Sao Mai hướng dẫn công việc rao giảng Tin Mừng. Còn Công Đồng Vatican II thì xác nhận là "trong công việc tông đồ, Giáo Hội có lý do ngước mắt nhìn lên Đấng đã sinh ra Chúa Kitô (x. nh Sng Muơn Dn, 65). Mẹ Maria hiệp nhất với Giáo Hội trong cuộc hành trình tiến về Chúa và trong sứ mệnh đưa Chúa đến cho nhân loại. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao trong Giáo Hội, mỗi tông đồ cần hướng nhìn lên Mẹ Maria như công đồng Vatican II đã mời gọi? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta không thể hoàn toàn dựa vào những lý do trên bình diện lý luận nhân loại, nhưng cần hướng nhìn về Thiên Chúa, chiêm ngắm các hành động của Ngài trong chương trình cứu độ, bởi vì điều quyết định cho ơn cứu độ của nhân loại và cách thức thực hiện ơn cứu độ không tuỳ thuộc vào lý luận của đầu óc nhân loại, nhưng là sự khôn ngoan mầu nhiệm và thánh ý của Thiên Chúa. Chúng ta không có thời giờ để suy niệm toàn thể chương trình cứu rỗi, nhưng chỉ cần nhìn đến vài biến cố quan trọng của chương trình cứu độ, để thấy rõ vai trò của Mẹ Maria trong công cuộc cứu rỗi do Thiên Chúa thực hiện. Vài biến cố đó là: mầu nhiệm nhập thể, tiệc cưới Cana, giây phút quyết định trên thập giá và ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ Maria được chọn làm nơi gặp gỡ mang ơn cứu độ. Thiên Chúa nhập thể để đến với con người, qua Mẹ Maria. Tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã làm phép lạ, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria. Và điều đáng lưu ý ở đây là, sau khi đã thuật lại phép lạ, tác giả phúc âm theo thánh Gioan ghi thêm nhận xét này là: "Chúa Giêsu đã khởi đầu làm phép lạ tại Cana, thuộc xứ Galilêa, và Ngài đã tỏ lộ vinh quang của Ngài, và các môn đệ đã tin vào Ngài" (Gn 2,11). Lời bầu cử của Mẹ Maria đã là nguồn gốc của phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm, để khởi đầu sứ mệnh công khai, và làm cho lòng tin của các môn đệ thêm vững chắc. Qua biến cố trên, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã muốn liên kết Mẹ Maria với sứ mệnh công khai của Chúa trong chương trình cứu rỗi thế gian. Trong giây phút quan trọng nhất của công cuộc cứu rỗi, dưới chân thập giá, Mẹ Maria hiện diện và kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu đang tự hiến làm giá cứu chuộc nhân loại. Chính trong giây phút đó mà Mẹ Maria được uỷ thác sứ mệnh làm Mẹ Giáo Hội và Mẹ Nhân Loại (x. Gn 19, 26-27). Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội được trở nên tích cực trong công việc rao giảng Tin Mừng. Mẹ Maria cũng đã hiện diện với cộng đoàn tông đồ, để cầu nguyện với các ngài, chuẩn bị các ngài đón nhận Chúa Thánh Thần và ra đi làm chứng cho Chúa Giêsu. Sách Tông Đồ Công Vụ đã ghi lại như sau: "Tất cả các tông đồ chuyên cần và nhất tâm trong việc cầu nguyện, cùng với mấy người nữ và Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu và các anh em của Ngài." (Cv 1,14). Qua các biến cố trên, chúng ta phải nhận rằng Thiên Chúa muốn cho Mẹ Maria tham dự vào công cuộc cứu độ của Ngài. Chính vì vậy, những ai được kêu gọi cộng tác trong sứ mệnh đem ơn cứu độ đến cho nhân loại, thì không thể nào làm ngơ trước sự hiện diện của Mẹ Maria trong cuộc sống và trong sứ mệnh của mình. Và không phải chỉ ý thức suông mà thôi về sự hiện diện của Mẹ, nhưng còn cần sống noi gương Mẹ trong sự chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa, và sẵn sàng thực hiện thánh ý Chúa, để phục vụ Chúa và anh chị em với một con tim không phân chia, vừa đồng thời dâng hiến cuộc đời cùng với Chúa Giêsu, như của lễ tình yêu trọn hảo, để trở nên ân phước cho khắp thế giới.

Người ta kể rằng: “Có một cây hồng được trồng trong một mảnh vườn cuộc đời, ngày ngày người làm vườn vun sới. Ong chăm sóc rất cẩn thận và cần mẫn. Cây hồng dần dần vươn lên trong dáng ghen tị của khóm cúc, buồn tủi của đám lau sậy. Chẳng bao lâu, cây hồng trổ bông và mảnh vườn rực sắc và hương thơm của một loài hồng quý. Ngày tháng trôi qua; rồi đến một ngày, ngày mà lời Kinh Thánh nói: có thời để khoe sắc, có thời để tang thương. Người làm vườn quyết định chặt gốc hồng. Những nhát dao định mệnh đã bổ xuống. Chỉ ngày hôm sau, khách qua đường không ai còn thấy dập dờn trong gió một loại hồng quý. Không ai có thể hiểu được ý định của người làm vườn, trước nhát dao-chính cây hồng chẳng hiểu cuộc đời mình. Cây hồng cũng nằm khô như những khúc củi khác. Giống như cái vinh quang rực rỡ của Chúa Kitô trong ngày biến hình trên núi đã hết. Giờ đây chỉ là khổ giá buồn thảm, khách qua đường không ai muốn ngó nhìn. Người làm vườn đem khúc gỗ hồng về treo trên gác bếp. Từ đó, khúc gỗ nằm lặng lẽ lãng quên trong gác bếp tối tăm. Bụi khói bám vào làm nghẹt thở cuộc đời. Khúc gỗ hồng lặng im thương nhớ đời mình. Cho đến một ngày, người nghệ sĩ đem khúc gỗ hồng ra đẽo gọt, khúc gỗ đau đớn oán than. Đã chết rồi thân xác cũng chẳng được nghỉ yên. Có lẽ đau đớn hơn cả khi người nghệ sĩ hì hục nung đỏ mũi khoan rồi dùi thủng từng chiếc lổ trên thân khúc gỗ. Mỗi lần mũi khoan đỏ cắm vào khúc gỗ, là mỗi lần khúc gỗ cảm thấy thật ai oán thương đau. Rồi trong cái huyền nhiệm của thời gian, khúc gỗ khô đã biến hình dần dần thành CY SO H?NG trong tay người nghệ sĩ. Và ngày huyền nhiệm đã tới, một ngày vô cùng trang trọng của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ đứng giữa đất trời bao la, nâng CY SO H?NG lên thổi một bài ca huyền diệu của đất trời. Bấy giờ cây hồng mới hiểu vì sao nó bị chặt gẫy, nó mất đi cái dáng hoa tuy có lời khen của khách qua đường nhưng sớm nở tối tàn. Giờ đây nó luôn trong tay nhà nghệ sĩ tài hoa đi khắp vũ trụ. Từ đó, hôm qua, hôm nay rồi mãi mãi về sau, cứ đẩy gió đi vào thinh không một bài ca vô tận của tình yêu sáng tạo nơi Thượng đế”. Khi chọn lựa chủ đề cho ngày Hành hương tôn vinh Đức Mẹ Marienfried lần thứ 25 với chủ đề: Đức Bà Phù Hộ các giáo hữu. Ban Tổ chức đã mời gọi chúng ta cùng nhìn vào đời sống của Giáo hội hôm nay, giáo hội toàn cầu và giáo hội Việt-nam đang trải qua nhiều khó khăn và thử thách. Khi cụm từ các gíao hữu, phải chăng anh chị em cho rằng chỉ có người giáo dân mới gặp thử thách, còn các Đấng bậc, các nam nữ tu sĩ không gặp những thách đố trên đời; không phải thế mà tất cả mọi thành phần Dân Chúa đều là giáo hữu; như lời thánh Ausgustino đã nói: « với anh em tôi là Kitô hữu, vì anh em tôi là Giám mục ». Khi chúng ta hiện diện nơi đây là chúng ta đã cùng có tâm tình cảm tạ, thờ lạy Chúa, tôn vinh Đức Mẹ và cầu xin cho Giáo hội hoàn vũ, cho Quê hương-Giáo hội Việt-nam, cho gia đình riêng của mình được vững mạnh trong đức tin, thẳm sâu trong đức cậy và rạng ngời trong đức mến. Đặc biệt trong Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt-nam, với tâm tình Tạ Ơn Chúa, tri ân các tiền nhân anh dũng, sám hối bản thân và canh tân để góp phần phát triển Giáo hội theo lời mời gọi của Chúa Giêsu.

Quí ông bà anh chị em là những người nhiệt thành trong hành trình sống đạo, và giúp cho cộng đồng Dân Chúa Việt-Nam có cuộc hành hương tôn vinh Đức Mẹ tại Marienfried nay trong 25 năm qua. Chắc rằng chúng ta đã được Đức Mẹ cầu bầu ban muôn ơn lành cho gia đình và cộng đoàn chúng ta phục vụ. Chúng ta cùng Tạ Ơn Chúa với Mẹ Maria, cùng tôn vinh Mẹ Maria không chỉ tại nơi đây, mà trong chính đời sống đức tin và phục vụ nơi gia đình và cộng đoàn. Ước mong, giờ phút tĩnh tâm trước ngày này, giúp chúng ta càng thêm yêu mến Mẹ, tôn vinh Mẹ và cầu xin Mẹ luôn cầu bầu cùng Chúa ban muôn ơn lành cho Giáo hội, quê hương và cho mỗi người chúng ta để xứng đáng sống là men, là muối và ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô cho Giáo hội và txhế giới hôm nay.

Nhưng trong những ngày gian nan,
Tôi sẽ ca ngợi Chúa bằng cách cảm tạ Người.
Vì thế tôi mới nói: “Dù con không thể hát, con vẫn còn ngợi ca Chúa đến trọn đời !”
Đến đây, tôi cứ ngỡ rằng mình đã trả lời quá hay,
Nhưng... Chúa chợt hỏi: “Thế, vì sao con phạm tội ?”
Tôi vội trả lời: “Vì con chỉ là con người, con chưa phải trọn lành.”
Chúa lại hỏi thêm “Thế sao khi yên ổn, con lại đi xa ta thế ?
Và vào những lúc nguy nan, con mới biết cầu nguyện hết lòng ư ?”
Tôi đành nín lặng, và tôi chỉ còn biết khóc...
Chúa lại dồn dập hỏi:
“Sao con chỉ hát với cộng đoàn và trong những buổi tĩnh tâm ?
Sao con chỉ kiếm tìm Ta trong những khi thờ phượng ?
Sao con cầu xin bao nhiêu thứ chỉ vì mình con ?
Sao con cầu xin mà lại thiếu lòng xác tín ?”
Lệ trào mi chảy xuống má của tôi...“Sao con xấu hổ về Ta ?
Sao không rao giảng Tin Mừng cho đến nơi đến chốn ?
Sao khi gặp gian truân, con lại đi thở than với người khác,
Trong khi chính Ta trao vai mình cho con tựa vào mà khóc ?
Sao con lại chối từ khi Ta cho con cơ hội phục vụ Danh Ta ?”
Tôi muốn trả lời, nhưng còn biết nói gì đây ?
“Ta ân ban cho con sự sống, đâu có phải là để con vứt bỏ !
Ta ân ban cho con tài năng để phục vụ Ta, nhưng con đã vội quay lưng !
Ta mặc khải Lời Ta cho con, nhưng con không chịu thêm gì trong hiểu biết !
Ta nói khó với con, nhưng con cứ bịt tai !
Ta chúc phúc cho con, nhưng con hướng mắt nhìn nơi khác !
Ta sai tôi tớ đến với con, nhưng con ngồi yên khi họ bị đuổi xua !
Ta nghe lời con cầu và đã nhậm lời mọi điều con cầu khẩn.
Vậy, con có thực sự yêu mến Ta chăng ?”
Tôi không thể trả lời. Làm sao trả lời đây ? Tôi vô cùng bối rối.
Tôi không còn lời biện bạch. Tôi có thể nói gì đây ?
Lòng kêu thét và mắt tôi đẫm lệ, tôi trình Người:
“Lạy Chúa, xin thứ tha, con không xứng làm con của Chúa !”
Chúa đáp lời: “Ân Huệ của Cha đấy, con ơi !”
Tôi bèn hỏi: “Sao Chúa vẫn tha thứ cho con ? Sao Chúa lại yêu con đến thế ?”
Chúa trả lời: “Vì con là công trình Sáng Tạo của Ta.
Con là con của Ta. Ta chẳng thể nào bỏ rơi con.
Khi con khóc, Ta đồng cảm và cùng khóc với con.
Khi con hớn hở reo vui, ta cùng cười với con.
Khi con suy sụp tinh thần, Ta luôn khích lệ con.
Khi con vấp ngã, Ta nâng con chỗi dậy
Khi con mệt mỏi, Ta đã bồng bế con trên tay.
Ta sẽ ở cùng con cho đến ngày sau cùng,
Và Ta sẽ còn yêu thương con mãi mãi.”
Chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế.
Làm sao tôi đã từng có thể sống dửng dưng ?
Làm sao tôi đã từng xúc phạm Chúa quá nhiều ?
Tôi hỏi Chúa: “Vậy, Chúa thương con đến mức độ nào ?”
Chúa đưa tay ra và tôi thấy dấu đinh xuyên thấu,
Tôi gục đầu dưới chân Chúa của tôi,
Và lần đầu tiên trong đời, tôi đã biết nguyện cầu thực sự...

Xin Ðức Mẹ Maria luơn hướng dẫn và đồng hành với quí ông bà anh chị em trong hành trình Ðức Tin để sống xứng đáng với sứ mệnh và ơn gọi của mỗi người trong Giáo hội và thế giới hôm nay. Amen

BÀI CHIA SẺ THANH LỄ HANH HƯƠNG ĐỨC MẸ
của ĐC Đặng Đức Ngân tại Marienfried, 03/07/2010

Kính thưa quí Cha, quí tu sĩ nam nữ, qúi Ông bà anh chị em rất thân mến,

Hôm nay, cộng đồng Dân Chúa Việt-Nam vui mừng hiện diện thật đông đảo nơi đây, để tham dự ngày hành hương tôn vinh Đức Mẹ tại Marienfried lần thứ 25. Chúng ta cùng chứng kiến giây phút này những vẻ đẹp của đức tin, tình yêu mến, hiệp nhất làm nên niềm hy vọng của đời sống Kitô hữu Việt-nam trên mảnh đất chúng ta được mời gọi phục vụ và tin mến.

Bài Phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy Mẹ Maria đã cộng tác vào chương trình tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô với sự tín thác và hy vọng: « Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo ». Chính Mẹ Maria đã thực hiện cuộc Hành hương cuộc đời với Chúa Giêsu, hành hương với Hội Thánh và hành hương với mỗi người chúng ta. Chính Đức Maria là gương mẫu của Đức Tin và Vâng phục trong Khiêm hạ để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là cộng tác vào chương trình Cứu độ của Ngài và là dấu chỉ của niềm Hy vọng Phục Sinh nơi Chúa Giêsu Kitô.

* Thiên Chúa mời gọi Đức Mẹ đáp trả với ơn gọi của mình: Ngày Sứ thần Gabriel đến loan báo Tin Vui cho Đức Trinh nữ Maria việc Thiên Chúa mời gọi đáp trả một sứ mệnh đặc biệt: Làm Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể: Đức Trinh nữ đã ngỡ ngàng với lời chúc tụng và loan báo của Sứ thần, đã bày tỏ luôn trung tín với lời đã hứa với Thiên Chúa. Xem ra như Đức Mẹ khước từ Ơn gọi trọng đại làm Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể để tiếp tục sống trọn vẹn con đường đã chọn lựa. Chỉ khi được Sứ thần giải thích chương trình của Thiên Chúa, Đức Trinh nữ đã mau mắn Xin Vâng trong khiêm hạ với niềm tín thác; đó là Thay đổi Chính mình với Ơn Chúa để bắt đầu lên đường Hành hương cuộc đời với Chúa Giêsu. Để vâng theo lời mời gọi của Chúa, Mẹ Maria đã phải lên đường với Chúa, để Tin, để Yêu Mến, để đáp trả quyết liệt lời mời gọi của Thiên Chúa với tâm tình khiêm hạ trong ơn gọi của « người nữ tỳ được chúc phúc » với tâm tình: « Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin Vâng như lời Thiên thần truyền ». Từ cuộc hành hương trong đức tin, Đức Giêsu đã mời gọi Mẹ Maria cùng hành hương với mình trong lịch sử cứu độ; luôn đồng hành với Chúa Giêsu từ khởi đầu cho đến đồi Calvario và dừng chân dưới thập giá Chúa để cộng tác vào công cuộc cứu chuộc nhân loại của Chúa.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng đang chứng kiến biết bao sự thách đố: thách đố về đức tin, thách đố về cái nghèo tinh thần và vật chất; nghèo những giá trị đức tin, nghèo tình yêu, nghèo giá trị luân lý đích thực, nghèo sự thật, nghèo an bình, nghèo tình hiệp thông, nghèo sự tha thứ yêu thương, và có lẽ sự thách đố lớn nhất là nhiều khi chúng ta không hiểu hết chương trình của Chúa nơi Giáo hội, đặc biệt nơi Giáo hội Công giáo Việt-nam: chúng ta phải làm gì, phải suy nghĩ gì để có thể tiếp tục cộng tác góp phần xây dựng Giáo hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Đặc biệt trong Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt-nam, lời mời gọi xây dựng Giáo hội Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ... điều quan trọng nhất là chúng ta cùng cảm nhận tâm tình của gia chủ trong bài Tin Mừng hôm nay khi được Đức Mẹ nhắn nhủ: « Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo ». Chắc rằng với tình thương của Mẹ Giáo hội, Đức Maria luôn đồng hành, đỡ nâng, giúp đỡ và mời gọi chúng ta luôn Tin tưởng Yêu mến và Phó thác để Chúa Giêsu Kitô qua Thánh Thần của Ngài sẽ luôn hướng dẫn, ban muôn Ơn để giúp chúng ta có thể nhận ra Chúa nơi Giáo hội, nơi thế giới, nơi quê hương, nơi chúng ta đang hiện diện, nơi anh chị em: để Tin, để Yêu và để Chúa hướng dẫn chúng ta đi trên con đường Cứu độ bằng sự đáp trả ơn gọi và sứ mệnh của mỗi người.

* Vâng Phục và Yêu mến để Phục vụ trong Khiêm hạ

Lời hứa Xin Vâng để đi vào chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, Mẹ Maria luôn thay đổi chính mình để chỗi dậy Mang Chúa đến với tha nhân; niềm vui và hạnh phúc không chỉ giữ cho riêng mình, mà sẻ chia với người khác, mang Chúa đến với mọi người trong tinh thần Phục vụ và Yêu thương. Cuộc sống của Mẹ từ ngày Xin Vâng tới ngày được đưa về Trời, luôn là cuộc hành hương cuộc đời để thay đổi chính mình để đồng hành với Con mình là Chúa Giêsu Kit ô trong cuộc tử nạn và Phục Sinh hồng phúc. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ lại tiếp tục hành hương vói Giáo Hội, hiện diện cùng Giáo hội và vì Giáo hội: cùng các Tông đồ và môn đệ đồng tâm, hiệp nhất cầu nguyện, và trong hoạt động truyền giáo của GH.

Khi được đưa lên Trời cả hồn lẫn xác, Mẹ Maria tiến tục hành hương đồng hành với con cái Mẹ qua những lời cầu khẩn cho con cái Mẹ trước Tôn Nhan Thiên Chúa. Hơn nữa, qua các lần hiện ra tại nhiều nơi trên thế giới để đỡ nâng, cảm thông, yêu mến với những Sứ điệp mà Mẹ mời gọi, để mời gọi chúng ta cùng đi vào Con đường của Chúa, lên đường với Chúa và thực thi Lệnh truyền của Chúa; chính Mẹ Maria đã luôn thực hiện cuộc Hành hương với Chúa Giêsu, với Hội Thánh và với mỗi người chúng ta.

Khi hiện ra cùng cô Bἅrbl Ruess tại Marienfried, Mẹ đã đã mời gọi: « Con cái Mẹ phải ca ngợi Đấng Vĩnh Cửu nhiều hơn, tán tụng và tạ ơn Ngài, Đấng đã dựng nên muôn loài vì vinh hiển Ngài ». Chính Cha Benedict nói lên niềm xác tín của mình: « Mẹ Maria thật trung thành, yêu con cái Mẹ, bởi Máu Thánh Con cực thánh Mẹ đã đổ ra để chuộc tội chúng. Mẹ Maria là tinh tú trong cuộc đời chúng ta. Mỗi khi gặp nguy nan khốn khó, chúng ta chạy đến kêu cầu, nép dưới áo Mẹ, Mẹ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Mẹ chẳng bao giờ quên chúng ta, Mẹ của nhân loại, Mẹ của Giáo Hội, Đấng trung thành trung gian của mọi ơn sủng».

* Dấu chỉ của niềm Hy vọng Phục Sinh nơi Chúa Giêsu Kitô:

Đức Mẹ Maria luôn hành hương với mỗi người chúng ta, đặc biệt qua các lần hiện ra với con cái của Chúa ở nhiều nơi, như Lộ Đức nước Pháp, tại Fatima nước Bồ Đào Nha, tại Mễ Du, và biết bao nơi khác nữa...vào năm 1789, trong cơn gian nan bách hại đạo Công giáo thời vua Cảnh Thịnh, các bổn đạo thuộc tỉnh Quảng Trị đã chạy trốn vào La-vang rừng sâu nước độc với biết bao khốn khổ tư bề. Họ đã khóc lóc kêu xin Chúa và Đức Mẹ thương cứu họ, Đức Mẹ đã hiện ra an ủi và cứu giúp tín hữu với lời hứa: « Các con hãy vui lòng chịu gian khổ, Mẹ đã nhậm lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời theo như ý nguyện ». Và tại nơi đây vào ngày 13/05/1940, Đức Mẹ đã hiện ra với cô Bἅrbl Ruess tại Marienfried, một vùng nông thôn hẻo lánh của miền Nam nước Đức, dậy cho cô « lần chuỗi Vô Nhiễm Nguyên Tội » để xin Mẹ thương phù hộ các giáo hữu thoát cảnh bom rơi đạn lạc trong kỳ Đại Chiến thế giới lần Hai. Trong các cuộc hành hương hiện ra và đồng hành với Giáo hội và vì Giáo hội, Đức Mẹ luôn đồng hành với con cái của Người, với tâm tình của người Mẹ hiền đầy tình yêu mến, cảm thông: « Thầy bảo gì, các anh cứ việc làm theo » (Ga 2,5).

Chúng ta cùng nghe câu chuyện: « Có một bà mẹ suốt đời vất vả, lam lũ để nuôi con nên người. Cho đến khi già yếu mà vẫn còn đẩy xe bán than dọc theo đường phố dù thời tiết khắc nghiệt. Ngày sắp qua đời, bà thì thào với vị linh mục tới ban Bí tích: « Cha ơi, con biết lấy gì mà ra mắt Thiên Chúa đây ? » Vị linh mục nâng đôi bàn tay sần sùi khô đét của Bà lên và nói: «Cụ ơi, xin hãy để Chúa nhìn rõ đôi bàn tay này, xin Ngài hãy chạm đến đôi bàn tay một đời đã vất vả, chăm sóc, giữ gìn và dạy dỗ cho Chúa những đứa con ngoan và có ích cho đời ». Nghe lời an ủi đầy yêu thương ấy, đôi mắt long lanh ngấn lệ, bà mỉm cười ra đi trong an bình.

Giáo hội cần có Mẹ, Giáo hội nhìn lên Mẹ bởi vì nơi Mẹ Giáo hội hiểu được chính mình. Mẹ chính là gương soi của Giáo hội. Nhìn vào tấm gương từ mẫu, phục vụ của Mẹ, Giáo hội hiểu được sứ mạng của mình. Ngày nay, Giáo hội càng hiểu được Giáo hội là của người nghèo, Giáo hội trước hết phải phục vụ người nghèo, phục vụ công bình, bác ái, phục vụ những người bị bách hại, những người không có tiếng nói và giúp sống niềm hy vọng trong đời: Ðể phục vụ người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người cùng cực trong xã hội, Giáo hội sẽ mặc lấy chính tâm tình từ mẫu, nhân ái, bao dung, và hy sinh của Mẹ Maria. Có thể nói trái tim đầy tình yêu thương của Mẹ Maria gần với trái tim của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta; Đức Mẹ đã cảm nhận điều đó để có thể chia sẻ, bảo ban và đồng hành với những người đang cần sự nâng đỡ của Thiên Chúa trong đời.

Ngày hôm nay, khi chúng ta thu xếp thời gian, xa cách, bận bịu công việc để đến đây, chắc rằng chúng ta cũng mang tới đây niềm vui và hạnh phúc, nụ cười và thành đạt, công ăn việc làm và sự tự do được tôn trọng nơi đời sống đức tin và cuộc đời trên đất nước này; tuy nhiên, chúng ta cũng mang tới đây những khó khăn và thử thách; những đau khổ cá nhân, tuổi già và bệnh tật, những thách đố và khủng hoảng về tình yêu gia đình, kể cả sự phân ly của tình yêu gia đình; những lo lắng với những thách đố về đức tin cho mình và cho Giáo Hội toàn cầu và Giáo hội Việt-nam hôm nay, những thách đố về tình yêu và niềm tin với Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ để men rượu đức tin, men rượu tình yêu đó trở thành dấm chua hoặc nước lã dẫn tới những khủng hoảng ơn gọi Kitô hữu và cuộc đời. Chúng ta hãy để lời Mẹ Maria hướng dẫn và nhắn nhủ « Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo » để với quyền năng của Chúa Giêsu, những NƯỚC LÃ thử thách đó sẽ được BIẾN THÀNH RUỢU của Đức Tin, rượu của Tình yêu, rượu của Hiệp Nhất, rượu của Tha Thứ, rượu của tin tưởng, rượu của Thủy chung, rượu của sự đỡ nâng và cùng với các tông đồ, môn đệ luôn TIN VÀO CHÚA GIÊSU và Giáo hội của Ngài. Với tâm tình tha thiết của tình con thảo, chúng ta cùng dâng lời cầu khẩn lên Mẹ Maria: « Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ khấng ban cho mỗi tín hữu, mỗi gia đình chúng con và toàn thể Giáo hội Việt-Nam chúng con luôn mạnh mẽ trong đức tin, thẳm sâu trong đức cậy, rạng ngời trong đức mến. Xin Mẹ thương quê hương đất nước và gia đình chúng con, xin Mẹ che chở, dẫn dắt quê hương và Giáo hội chúng con, xin Mẹ thánh hóa và cầu bầu cùng Chúa ban muôn ơn lành cho quê hương, cho Giáo hội Việt-nam, cho mỗi người và mỗi gia đình chúng con ». Amen.