CÂY THÁNH GIÁ CỦA ĐỊA SỞ CÙ VÀ

Buổi sáng thứ tư lễ Tro, tôi đến thăm anh Đạt, bệnh u não, xuất huyết não, con ông Nguyễn Tấn Ích, trong xóm tôi. Ông Ích đang ngồi bên con trên giường bệnh, cùng lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, với con. Tôi cùng tham dự giờ kinh sáng của cha con họ.

Anh Đạt năm nay đã 41 tuổi, bị động kinh 10 năm liền từ năm 87-97. Rồi đến 1998 liệt nữa người vì u não, phải chữa bằng xạ trị 28 tia. Năm 2006 xuất huyết não, hôn mê, sống thực vật, mù…chờ chết.

Ông Ích nói: “Mình đâu có được phép ngồi đó mà chờ con mình chết đâu Hoàng, Chúa phạt về cái tội không cộng tác, còn ngã lòng trông cậy nữa. Bởi vậy mà phải chạy cho được tiền để vô hóa chất. 11 lần rồi. Mỗi lần 35 tê. Bán sạch rồi! Nhưng vui lắm là vì thấy cháu nó có phần khá hơn. Khá nhất là biết đọc kinh LTX Chúa.”

Nghe ông kể, tôi thật khâm phục đức tin của một tín hữu đã được tôi luyện hơn 70 năm trong gian khổ thật huyền diệu.

Ông mời tôi ra bàn uống nước. Qua mấy chuyện thăm hỏi về sự chịu đựng của người làm Cha Mẹ đối với tình trạng bệnh cả đời của con, ông tâm sự với tôi như một bài suy niệm. Xin chia sẻ cùng quí vị sau đây:

“Tôi ở Địa sở Cù Và, cách địa sở Phú Hòa của em không xa. Địa sở Cù Và là một địa sở lớn ở Quảng Ngãi, và cũng là lớn ở Địa Phận Qui Nhơn, một trong những địa sở lâu đời của Địa Phận. Qua các đời Cha Luận, Cha Sánh, Cha Phận, đời sống đạo Giáo dân Cù Và phải kể là rất cao. Năm 1965, Cù Và mất an ninh vì nằm trong vùng tranh chấp giữa Quốc Gia và Cộng Sản, có khi ngày Quốc Gia đêm Cộng Sản, có khi ngược lại. Giáo dân luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ, không làm ăn được, không biết “các anh ba” mời đi vào sào huyệt lúc nào, cũng chẳng biết “mấy anh hai” có để yên cho ai không, vì ai cũng bị nghi ngờ là VC trong vùng mất an ninh như thế. Đến Cha Long vầ quản xứ năm 1965, Cha chì nhất, mà cũng không chịu nỗi cảnh quấy nhiễu. Thôi đành, cả địa sở kéo nhau xuống Phú Hòa, gọi là tản cư. Cha sở ôm Mình Thánh Chúa, mấy ông biện thu dọn ít đồ thánh, tượng thánh, rồi quì trước sân nhà thờ khóc ròng, từ biệt. Cũng thế, vì tình hình an ninh thời bấy giờ, mà ở Địa Phận Qui nhơn đã có đến 10 địa sở bị xóa tên từ đó. Ai về Tòa Giám Mục Qui Nhơn mà xem, tên những địa sở ấy được khắc ghi quanh TGM như để tưởng niệm những đứa con của Địa phận nhà phải bỏ nhà ra đi lưu lạc mười phương tám hướng.

Đến địa sở Phú Hòa, có cả ba trại tản cư: Cù Và, Trung Tín, Phước Thọ, vẫn chưa được yên. Năm 1968, biến cố Mậu Thân, bà con lục tục kéo nhau sang Thu Lộ. Cha Phaolô Huỳnh Ngọc Cảnh (hiện ở nhà hưu Xuân Lộc) ôm cây “Thánh Giá Trăm Năm” của Cù Và vẫn dùng để đi Gẫm Đàng Thánh Giá và viên Đá Thánh Bàn Thờ, hôn lấy hôn để, rồi Ngài giao cho tôi: “ Anh Hòe, anh vác đi và giữ lấy, ngày nào lập lại Địa Sở Cù Và thì anh mang về”. Tôi vừa mừng vừa lo. Viên đá thì bỏ vào giỏ xách, ổn rồi. Còn thánh giá? Tôi định tháo tượng Chúa Giêsu bỏ vào giỏ xách đi cho gọn, còn thánh giá bằng gỗ thì để lại cho yên. Trù trừ mãi, cuối cùng, tôi để nguyên cây Thánh Giá ấy vác đi giữa trời. Đi qua chợ “Chồm Hổm”, thiên hạ lào xào: “Ông kia chạy giặc, hổng lo lấy cái thân, mà còn vác cây Thánh Giá đi lêu nghêu thấy phát ngán!”

Đến trại Thu Lộ, mấy ông biện đề nghị lấy gỗ Thánh Giá đóng trên cao, trước cổng trại, còn tôi, giữ tượng Chúa.

Lần di tản 1975, đạt 6 tuổi, tôi tay ẳm Đạt, tay xách giỏ tượng Chúa và viên đá thánh. Về đến đất Bình Tuy cỏ le, tưởng tạm dừng chân đôi ba bữa, ai dè ở mãi đến hôm nay”.

“Tượng Thánh Giá đó. Viên đá thánh đó”. Ông đưa tay chỉ cho tôi nhìn lên bàn thờ của nhà ông.

Rồi ông kể tiếp:

“Từ ngày ấy, tôi luôn dặn mình rằng: mình đang giữ cây Thánh Giá của cả một Địa sở Cù Và mến yêu và to lớn với một thời oanh liệt. Rất quí. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu điều thánh giá muốn nói gì qua việc không ai khác, mà là tôi cất giữ. Mãi đến khi thằng Đạt nhà tôi 17 tuổi, phát bịnh động kinh, rồi u não, rồi xuất huyết não, rồi sống thực vật….cho tới hôm nay, tôi dần dần hiểu ra ý nghĩa của việc “tôi phải vác thánh giá đi qua chợ Chồm Hổm” ngày xưa, và giữ tượng Chúa Giêsu ấy cho đến bây giờ.

Nhìn con. Rồi nhìn lên Thánh Giá. Trước khi Đạt sống thực vật, tôi hay nói: “Đạt ơi, bây giờ chính con là Thánh Giá của Ba Mẹ rồi, là Chúa Giêsu của Ba Mẹ rồi. Con bình yên và vui lòng đi, vui mừng đi, vì ai được chọn làm Chúa Giêsu nằm trên Thánh Giá, ấy là người rất đặc biệt, người được Thiên Chúa chọn cách đặc biệt, Thiên Chúa thương cách đặc biệt, và cũng là người Chúa giao cho một nhiệm vụ đặc biệt: nhiệm vụ cứu rỗi các linh hồn. Con chịu những khốn khó nầy, kết hiệp với Chúa Giêsu, và xin dâng cho Chúa làm của lễ hy sinh cho các linh hồn, cho ba, cho Mẹ nữa”.

Trải qua hơn hai năm thực vật, bấy giờ nó mù rồi. Nhưng may quá, Chúa thương cách lạ, sau hơn 7 lần vô hóa chất, thấy có dấu hiệu khả quan: nói được, nghe được, ăn được… và bây giờ, đã qua 11 lần vô hóa chất rồi. Khá hơn. Tôi nói, Đạt nghe. Tôi vẫn thường nói điều Thánh Giá nói, và Đạt vẫn vui vẻ nghe điều Thánh Giá muốn nhắn gửi. Buổi sáng, hoặc tôi hoặc Mẹ nó cùng nó lần chuỗi thương xót. Buổi chiều 3 giờ, làm giờ Tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa tại giường. Mắt mù, nhưng Đạt biết chính xác 3 giờ chiều mỗi ngày. Chưa thấy Ba hay Mẹ bắt đầu là nó hối thúc”.

Không thể diễn tả được cho hết cái đau khổ của con tôi, và tôi cũng không thể nào diễn tả cho được “nguồn sức mạnh thiêng liêng” phát xuất từ Thánh Giá Chúa. Cứ mỗi lần nhìn Thánh Giá, tôi lại nhớ chuyện năm xưa Cù và -đã giao và đã nhận, rồi gẫm chuyện bây giờ, con tôi được phúc đang nằm trên Thánh Giá, đứng bên Thánh giá, có tôi và mẹ nó…”

Kể đến đây, Ông Ích rươm rướm nước mắt. Tôi tin đó là những giọt lệ hạnh phúc-hạnh phúc thật của người bằng lòng vác Thánh Giá Chúa Giêsu, để Thánh Giá Chúa Giêsu trở nên phần rỗi cho chính mình và cho nhiều người.