Kính thưa quý Cha,

Anh chị em thân mến,


Các bài Tin Mừng trong 3 ngày qua đều nói đến một nhân vật mà chúng ta không ngần ngại gọi là một tên phản bội. Đó là Giuđa Iscariot, một môn đệ trong nhóm 12. Giuđa là tên phản bội, sẽ nộp Thầy.

Tin Mừng theo thánh Matthêu viết:

Bấy giờ, một người trong nhóm 12 tên là Giuđa Iscariot, đi gặp các thượng tế mà nói: “Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị. Họ quyết định cho hắn 30 đồng bạc. Từ lúc đó hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu” (Mt 26,14-16).

Giuđa là một trong nhóm 12, đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, sau nhiều giờ cầu nguyện, để họ ở với Người và để Người sai đi rao giảng (x. Mc 3,14). Ngài đã ban cho họ quyền chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phung hủi được sạch bệnh và khử trừ ma quỷ (x. Mt 10,8). Họ cũng được quyền tha tội nhân danh Ngài (x. Ga 20,22-23). Ngài gọi họ là môn đệ, và là bạn hữu của Ngài. Tất cả chúng ta đều là môn đệ, là em và là bạn của Chúa Giêsu.

Và trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu còn nâng nhóm 12 này lên địa vị người đại diện Ngài để cử hành Bí tích Thánh Thể, (tức là những linh mục của Ngài), như các anh em linh mục hiện diện hôm nay. Thế là Giuđa là một linh mục trong nhóm 12 vừa được Chúa Giêsu tấn phong linh mục. Giuđa đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, được gần gủi Ngài, được Ngài giáo huấn, được sai đi rao giảng, và được thừa hành những quyền năng của Ngài. Nói cách vắn tắt, Giuđa đã được hưởng tất cả mọi ân huệ mà các linh mục, từ đó đến nay, đều được hưởng. Nhưng Giuđa, Phúc âm viết, cố tìm dịp thuận tiện để nộp Chúa Giêsu (x. Mt 26,16).

Giuđa đi gặp các thượng tế mà nói: “Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu ?” Giuđa định bán Chúa, vì ham tiền. Chúa nói: “Không ai được làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia… anh em không thể làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được ”. Giuđa đã coi tiền bạc hơn Thiên Chúa… trọng tiền hơn trọng nghĩa, tìm sự giàu sang phú quý hơn ơn phần rỗi các linh hồn. Gioan Tông đồ gọi ông là một tên ăn cắp. Y giữ túi tiền vì thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung (x. Ga 12,6). Đó là lời đánh giá của Gioan về Giuđa, sau khi nghe Giuđa trách bà Maria vì bà đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu. Giuđa trách móc bà vì sao không bán dầu thơm đó 300 đồng bạc mà cho người nghèo. Giuđa nói không phải vì lo cho người nghèo nhưng vì y là một tên ăn cắp. Y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung (x. Ga 12,6). Giuđa đã không thương người nghèo, nhưng còn bóc lột họ dưới hình thức này hay hình thức khác. được Chúa ban cho quyền chữa bệnh, cứu lành người phung, khử trừ ma quỷ… y đã lợi dụng những năng quyền này để móc túi người nghèo, người bệnh tật, người nhẹ tin đến cậy nhờ hoặc xin khấn với y. Y còn lạm dụng tiền của dâng cho Chúa để thỏa mãn những nhu cầu riêng tư, mua sắm những tiện nghi vật chất, nuôi dưỡng những người không đáng nuôi, xây cất nhà cửa cho bọn tội lỗi, gây gương mù gương xấu cho giáo dân, nuôi con nuôi cháu không ruột thịt. Nhiều tiền, nhiều tội. Y còn lỗi đức công bằng vì sử dụng của dâng cúng không đúng mục đích của người dâng: dâng cho công việc này lại dùng cho công trình khác, hiến cho nơi này lại dùng cho nơi khác. anh em nên để ý đến mục đích của người dâng cúng. Có người khi đổi xứ, mang theo tất cả những lễ phẩm vật dâng cúng cho giáo xứ trước của mình, hay đã được dâng cho một mục đích nhất định mà mình không có quyền thay đổi. Giuđa Iscariot đã lỗi phạm như nói ở trên, khiến Gioan Tông đồ gọi y là một tên ăn cắp. Hãy trả cho Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa.

Rồi Chúa Giêsu nói tiếp: “Người nghèo thì anh em có luôn bên cạnh, còn Thầy, anh em không có mãi đâu ” (Ga 12,7). Chúa vẫn thương người nghèo, và dạy chúng ta giúp đỡ người thiếu thốn, bệnh tật, đói rách. Nhưng người nghèo có vị trí của người nghèo: những gì làm cho họ được coi như làm cho chính Chúa - nhưng Thiên Chúa có vị thế của Ngài - người nghèo không trọng hơn Thiên Chúa - việc xã hội, từ thiện, bác ái không thay được việc bổn phận đối với Chúa. Chúng ta đừng để những công việc vật chất lấn át việc thiêng liêng, đừng để việc kinh tế, xã hội, văn hóa làm phai mờ việc bổn phận đối với Chúa, với công việc của Chúa: như việc mục vụ, việc loan báo Tin Mừng và ban phát ơn cứu chuộc.

Sau hết, nói về sự phản bội của Giuđa, Chúa Giêsu tiết lộ: “Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy ” (Ga 13,21). Rồi Chúa đích danh chỉ điểm Giuđa: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là người ấy ”. Giuđa đã được Chúa chấm bánh và đưa cho y. Gioan Tông đồ viết tiếp: “Vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y… ăn miếng bánh xong, Giuđa liền bỏ đi ra. Lúc đó trời đã tối ” (Ga 13,26-30).

Có người nói, Giuđa là một đạo diễn không may mắn cần phải có. Cần Giuđa để phó nộp Chúa Giêsu. Tội nghiệp y! Nhưng sự thật không như vậy. Giuđa vẫn là người tự do trong quyết định của mình. Và Thiên Chúa vẫn tôn trọng sự tự do đó. Sự kiện này nói rõ thêm tình yêu của Thiên Chúa. Đã tạo dựng con người tự do, Ngài đã phải sẵn sàng chấp nhận hậu quả của sự trao ban này. và đó cũng là nguyên nhân khiến Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, phải xao xuyến và đau khổ. Giuđa đã lạm dụng ơn huệ của Thiên Chúa để chống lại với Ngài - bán Ngài cho quân dữ đem đi giết.

Là người Kitô hữu, chúng ta cần luyện tập việc sử dụng quyền tự do của mình, nhất là những người có chức vụ cao, những người có nhiều quyền bính, đời cũng như đạo, những người có nhiều thế lực, nhiều tiền. Họ dễ trở thành những người nóng nảy, độc quyền, độc đoán. Anh em linhmục cần siêng năng rà soát việc sử dụng quyền tự do của mình. Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, đụng đâu nói đó, bất chấp cả gương mù gương xấu, bất chấp luật Giáo Hội và có khi cả luật Chúa. sự lạm dụng quyền tự do đã đưa Giuđa đến tội khủng khiếp, đó là tội nộp Chúa, nộp Thầy, “Khốn cho người nào nộp Con Người, thà người ấy đừng sinh ra thì hơn ” (Mt 26,24). Có những anh em, vì hiểu sai và sử dụng sai quyền tự do, đã trở thành chai đá, ngoan cố trong gương xấu, gương mù, nuôi tội lỗi trong nhà, bất chấp lời khuyên nhủ của anh em và của những người có trách nhiệm lãnh đạo.

Tâm thần Chúa Giêsu xao xuyến ” (Ga 13,21). Ngài xao xuyến trước những chống đối, suy bì thù địch, và chia rẻ của các môn đệ, giữa những người mà Ngài mong ước được thấy họ sống hiệp nhất trong tình yêu. Xao xuyến trước viễn ảnh sẽ dày xé Giáo Hội mà Ngài sắp ban Mình và Máu Ngài làm của ăn và làm gương mẫu. Ngài biết trước những khó khăn của các môn đệ Ngài trong sự yêu thương nhau, tình yêu mà Ngài muốn thấy trở thành dấu chỉ của Giáo Hội của Ngài. Điều sẽ ngăn cản Giáo Hội của Ngài được rạng ngời chính là những rạn nứt và chia rẻ: không chỉ những sự chia rẻ rộng lớn, khả thị, mà còn tất cả những gì xúc phạm đến tình thương trong tâm hồn và trong đời sống. Chúng ta vẫn biết rằng thực hành tình yêu thương nhau là điều rất khó làm, đối với bất cứ cộng đoàn nào, hay bất cứ gia đình nào. Ngài không muốn các môn đệ Ngài sống đơn độc, nhất là khi họ làm tông đồ, Ngài vẫn nhắc nhở họ phải luôn tha thứ, đừng xét đoán nhau và ưa thích chọn chỗ thấp. Trong bữa tiệc sau hết trước khi chịu khổ nạn, Ngài đã cầu xin Thiên Chúa Cha cho họ được hiệp nhất nên một, để thế gian tin sứ mạng Thiên sai của Ngài, và nhận biết Thiên Chúa yêu thương họ.

Vậy, trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa cho giáo xứ, giáo phận chúng ta được hiệp nhất, cho mọi người trong gia đình sống hòa thuận, thương yêu nhau. Xin cho có sự hiệp nhất giữa các anh em linh mục, giữa các tu sĩ, chủng sinh và giữa toàn thể dân Chúa trong giáo phận. Amen.