Không một ai khi sinh ra trên đời này lại có thể chọn cho mình một đất nước, một dân tộc và một dòng họ gia đình. Điều đó hoàn toàn nằm ngoài sự tính toán chủ quan của đương sự. Chúng ta không thể chọn cho mình để được sinh ra trong một siêu cường quốc hay trong một cái nôi của nền văn minh nhân loại. Cũng vậy, chẳng ai có thể làm cách này cách khác để được xuất thân từ một dòng tộc thế giá vương giả từ đó công danh được rạng ngời...

Có thể đất nước, dân tộc và dòng họ của mình không mấy tiếng tăm và ít được nhiều nước nhiều dân biết đến. Tuy nhiên mỗi chúng ta lại tự hào về gốc gác ấy của mình. Tự hào vì là người Việt nam với lịch sử hào hùng của dân tộc về truyền thống dựng nước và giữ nước. Tự hào về đồng bào mình với những đức tính thật đáng trân trọng như hiếu hòa chất phác cần cù chẳng hề ngại khó ngại khổ… Chúng ta cũng tự hào về dòng tộc về tiên tổ của mình. Các bậc tiền nhân đã để lại cho con cháu tấm gương về lòng tự trọng, về tính trung thực để sống sao nên người: «nghèo cho sạch rách cho thơm». Ai trong chúng ta lại không cảm kích trước tình làng nghĩa xóm nơi người láng giềng những khi «tắt lửa tối đèn», khó khăn hoạn nạn đều có nhau để «chia vui sẻ buồn». Đặc biệt, người công giáo chúng mình còn có quyền kiêu hãnh về đức tin trung kiên và chứng nhân sống đạo của thế hệ cha ông. Các ngài là những chứng nhân sống động cho thế hệ hậu sinh về sự tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình.

Cũng vậy, mỗi người khi sinh còn có mẹ cha. Tạ ơn Chúa về sự quan phòng đặc biệt này. Tự hào về cha mẹ của mình không phải chỉ khi các vị ấy là những học giả uyên bác hay những người cao sang quyền quý có địa vị cao trong xã hội. Đôi khi các ngài chỉ là những người hết sức bình thường nhưng đã để lại trong tâm khảm cháu con những dấu ấn không hề nhạt phai. Ai lại không cảm kích khi cha mẹ mình là những nông dân quê mùa chân lấm tay bùn, quanh năm một nắng hai sương lao động vất vả để nuôi nấng con cái nên người ! Chúng ta tự hào vì được cha mẹ sinh ra, yêu thương, nuôi nấng và dạy dỗ. Cha mẹ đã cho chúng mình món quà sự sống, đồng thời cũng là bậc thầy dậy dỗ bài học làm người. Ngay khi đã trưởng thành và có địa vị trong xã hội, trước mắt cha mẹ chúng ta vẫn chỉ là những đứa con bé bỏng. Đối với những ai dù không có may mắn sống nhiều năm bên cha mẹ để được tiếp tục đón nhận sự nâng đỡ, động viên và chỉ dạy, thì những công ơn trời bể ấy không thể nào kể xiết.

Trong một xã hội đề cao đồng tiền: «Tiền là sức đo của lòng người, là nụ cười của tuổi trẻ…», người ta có khuynh hướng cho rằng có tiền là có tất cả. Lúc sinh thời, cụ Tiên Sinh Nguyễn Du đã thốt lên «Trong tay sẵn có đồng tiền, giầu lòng đổi trắng thay đen khó gì». Tất cả những điều làm cho chúng ta tự hào luôn là món quà vô giá mà chúng mình được thừa hưởng. Nó còn quý hơn ngàn vạn bạc tiền. Có tiền có bạc nhưng không thể mua được những thứ ấy, không mua được danh thơm tiếng tốt, không lấy được lòng người, cũng như không thể có được hạnh phúc đích thực và sự bình an trong tâm hồn.

Điều chúng ta là thì khác với cái chúng ta có. Có được bạc tiền, có được đời sống tiện nghi nhưng lại đánh mất căn tính của mình thì nào có ích gì. Ước gì những giá trị nhân bản, những đức tính tốt đẹp của đồng loại, những nét văn hóa đa dạng và những giá trị truyền thống của mỗi dân tộc luôn luôn được mọi người mọi nơi mọi thời đề cao để cho mỗi cá thể phát huy được những nét độc đáo của mình. Từ đó trong vườn hoa nhân loại được điểm tô bằng những sắc hoa muôn sắc muôn màu.