Tháng Tư một lần nữa lại trở về, gợi nhớ biết bao kỷ niệm. Những cơn gió đầu xuân vẫn còn lạnh buốt, se sắt con tim. Mau quá, mới đó mà đã 34 năm, thời gian có dài bằng nỗi đau, nỗi nhớ…

Tháng Tư 1975, tôi còn là một con bé ngây thơ khờ khạo. Theo quyết định của ông anh, gia đình tôi phải bỏ Tây Ninh lên Saigon sinh sống, vì theo anh, ở tỉnh nhỏ sẽ bị hà hiếp, bóc lột nhiều hơn. Ít nhất ở thành phố cũng có tai mắt quốc tế, hy vọng cộng sản không dám làm ẩu. Bỏ trường lớp bạn bè, rời căn nhà nơi tôi sanh ra, buồn thôi là buồn. Lần đầu tiên thấy người “bộ đội” nón tai bèo, chân dép râu, mọi người quá sức sợ hãi. Ba má tôi là dân Bắc Kỳ di cư Phát Diệm, lần này chẳng biết phải chạy đi đâu, thôi đành chung số phận với bao nhiêu triệu đồng bào khác. Ông anh sĩ quan tưởng có nhiều kinh nghiệm với Cộng sản, vẫn ngây thơ trình diện học tập 10 ngày, để rồi 10 năm sau mới trở về.

Tôi may mắn được tiếp tục đi học, tuy không làm cháu ngoan Bác Hồ, nhưng vẫn phải họp hành, đi thủy lợi, tham dự lao động xã hội chủ nghĩa thường xuyên. Sau mấy lần chính phủ đổi tiền, gia đình tôi nghèo quá, chẳng biết xoay sở làm sao, lại phải dành dụm để thăm nuôi hai người anh trong trại cải tạo. Chúng tôi phải sắp hàng cả ngày để mong mua được vài ký bo bo, vài ổ bánh mì chai cứng. Chị Hai ở Bến Tre bị đuổi về kinh tế mới, căn nhà “tội ác của Mỹ Ngụy” do anh chị dành dụm mua được, bị lấy đi để làm Văn phòng Ủy Ban Quân Quản Thành phố.

Chúng tôi học chữ thì ít, học chính trị lao động thì nhiều, chán nản vô cùng. Từ từ, phong trào “đi” được phát triển rầm rộ. Nay hay tin gia đình này đã vượt biên, mai hay tin bạn thân đã vùi mình trên biển cả, hoặc bị bắt vào tù. Xã hội nhiễu nhương, đói rách. Chúng tôi dao động, bất an, chứng kiến bao chuyện thương tâm, bao gia đình tan tác. Để có được hai chữ Tự Do, biết bao sinh mạng và khổ nhục đã được đánh đổi.

Rồi tôi cũng may mắn vượt biên được đến xứ tự do. Cũng như những người tị nạn khác, chúng tôi phải chiến đấu với hoàn cảnh mới, sinh ngữ mới, văn hóa mới, lại thêm nhớ ba má và những bạn bè còn ở lại, nhớ quê hương…. nhiều khi buồn muốn đứt ruột. Từ từ, cuộc sống mới có vẻ ổn định, nhưng niềm xót thương cho những đồng bào còn ở lại vẫn luôn khắc khoải trong lòng.

Họ không có tự do, họ sống trong cùm kẹp nghèo khổ, sự thật bị bưng bít. Sau hơn 30 năm “giải phóng”, dân tôi càng nghèo, càng khổ. Ai nói Việt Nam bây giờ đã được đổi mới, giàu có sung sướng? Có chăng chỉ là một thiểu số con ông cháu cha của nhà cầm quyền. Tôi đã thấy được các em bé ốm o rách nát, lang thang ăn xin hoặc bán vé số, bán hàng rong dọc đường. Tại sao các em không được cắp sách tới trường, vui đùa cùng chúng bạn trong thời thơ ấu? Ai nấy gầy còm, nét ưu phiền nặng trĩu, đổ mồ hôi và chịu đựng biết bao nhục nhằn kể cả roi đòn để đổi lấy chén cơm. Tôi thấy những cha mẹ già không được yên thân, nước mắt đã cạn vì phải khóc cho bao lần tử biệt sinh ly, cực nhọc cho tới chết.

Gần đây, một người bạn của tôi vừa đi Việt Nam về kể chuyện. Chị thấy ở bãi biển người dân cầm rổ đãi cát tìm vàng - Không phải đất Vũng Tàu có vàng như trong phim cao bồi ngày xưa, mà người ta chỉ mong mò được nữ trang, vàng bạc của Việt Kiều làm rơi khi tắm biển. Sóng nước mênh mông, cơ hội nhặt được vòng vàng đánh rơi là bao nhiêu? Thế nhưng đói quá, không có vốn, không có công việc gì để làm, chẳng lẽ ngồi không chờ chết? Sang thế kỷ 21, người dân tôi vẫn còn phải bới rác, nhặt bao ny-lông về bán lại, thế nhưng cũng phải lén lút, vì chỉ người làm việc trong khu vực đó mới được quyền ưu tiên lượm rác!

Biết bao nhiêu người cùng đường phải mượn tiền trung gian để đi ngoại quốc bán sức lao động rồi bị lừa gạt, hà hiếp. Biết bao phụ nữ phải đứng đường, bán thân nuôi miệng, hoặc vì chữ hiếu cam chịu làm “cô dâu” Đài Loan, Hàn Quốc, một mình lận đận nơi xứ người. Không những phải hầu hạ, làm việc vất vả cả ngày mà có khi còn là công cụ mua vui ban đêm cho cả nhà chủ hoặc bị ép đi làm gái. Trẻ em cũng bị bán đi lao động, làm con nuôi cho những người ngoại quốc. Có bao giờ dân Việt mình cực nhục như vậy chưa? Có xã hội nào thấp kém như vậy chưa? Cộng Sản tiếp tục chà đạp nhân quyền, cướp đất hại dân, đàn áp tôn giáo, sự kiện Thái Hà vẫn còn nóng bỏng, làm sao quên được?

Tôi vẫn hướng lòng về dân mình, nguyện cầu cho hòa bình và dân chủ thật sự có được trên quê hương. Mỗi năm dịp 30 tháng 4, tôi vẫn ra City Hall tham dự lễ Chào Cờ với nỗi niềm thương cảm. Có người hỏi tôi đi Chào Cờ để được cái gì. Tôi thì nghĩ ngược lại, mỗi năm đến ngày ô nhục mất nước mà vẫn không dành ra được một khoảnh khắc để hướng lòng về quê hương, thì còn mong làm được cái gì!!? Hơn nữa, họp mặt trong ngày 30 tháng 4 còn biểu lộ được tinh thần đoàn kết, cho dân Canada thấy được sức mạnh của cộng đồng người Việt. Hãy nhìn những cộng đồng bạn như Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập… xem họ lớn mạnh phát triển như thế nào.

Cũng có người hỏi tôi đi biểu tình Trường Sa, Hoàng Sa mà chi, sức mấy bọn Trung Cộng chịu trả đất. Tôi biết điều này chứ, tôi chỉ là một phụ nữ yếu đuối nhỏ nhoi, không thích chuyện chính trị (mà cũng chẳng hiểu gì) nên suy nghĩ thật đơn giản. Nếu ăn cướp tới nhà, tôi không la làng để nó muốn lấy gì thì lấy, thì nay nó sẽ cướp thứ này, mai nó sẽ cướp thêm thứ khác. Nếu tôi cúi đầu khiếp nhược, tôi sẽ tiếp tục bị ăn hiếp, đè bẹp. Cộng Sản có thể sẽ cắt thêm đất dâng cho ngoại bang nếu không có áp lực phản đối từ dân chúng. Nếu mọi người tử quốc nội đến hải ngoại không đồng lòng lên tiếng qua sự kiện Thái Hà, liệu người dân Thái Hà có được tạm thời yên ổn như hôm nay hay không?

Tôi vốn ngại đụng chạm, muốn được yên thân, không thích tranh giành quyền lợi. Nếu có người đối xử bất công với tôi, có lẽ tôi sẽ bỏ qua, nhưng nếu hà hiếp người nhà của tôi, tôi phải bênh vực. Tôi cũng học được kinh nghiệm đau thương để có thái độ với Cộng Sản, để làm một chút gì - dù bé nhỏ - để tỏ lòng quan tâm đến đất nước, đến người dân tôi. Hôm thắp nến cầu cho Nhân Quyền và Thái Hà tại Hamilton, tôi gặp lại một anh bạn cũ. Vừa thấy tôi từ xa, anh xúc động với cặp mắt long lanh, chạy tới nói ngay: Chị hay cái gì chưa? Nó đánh dân mình đây nè! Vừa nói anh vừa đưa cho tôi xem hình ảnh mới nhất trên Internet của những giáo dân bị hành hung. Tôi thích hai chữ “Dân Mình” mà anh đã dùng. Tôi quý mến anh hơn từ hôm đó.

Tháng Tư Đen, một số người đề ra chiến dịch tẩy chay, không gởi tiền, không về thăm Việt Nam, mục đích cho nhà nước Cộng Sản biết được khi có sự đồng lòng đoàn kết ngồi lại với nhau, người Việt hải ngoại có sức mạnh. Chỉ cần một tháng Tư phi trường vắng hoe, tiền bạc không tiếp tục rơi vào túi cán bộ, hẳn họ sẽ hiểu. Bao nhiêu anh linh, bao nhiêu xương máu đã đổ ra cho quê hương, mình là cháu con nỡ lòng nào chối bỏ? Tôi mong có người lãnh đạo tốt, có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho đồng bào tôi bớt khổ, cho đất nước Việt Nam có ngày vinh sáng.

Tôi thật lòng cảm kích những bác lớn tuổi, không quản ngại đường xa, dù sức khỏe yếu kém, luôn có mặt và đóng góp công sức cho Cộng Đồng Việt Nam tại Toronto tốt đẹp hơn. Tôi mến phục các bác gái, tỏ lòng ủng hộ bằng cách đóng góp số tiền già ít ỏi của mình. Tôi ngưỡng mộ những anh chị đấu tranh không mệt mỏi để ủng hộ cho các phong trào dân chủ tại Việt Nam. Tôi mến yêu tuổi trẻ Hải Ngoại, các em luôn học hỏi để là niềm hy vọng và hãnh diện cho đất nước. Tôi biết mình cần phải có một tấm lòng, từng chút từng chút một để làm đẹp cuộc sống. Một ngọn gió mong manh không làm lung lay nổi nguyên cây gai góc, nhưng với nhiều ngọn gió góp sức, có thể lay động làm gãy từng cành, từng nhánh. Mỗi người một chút, nhưng với quyết tâm và ý thức, chắc chắn sẽ đi tới kết quả lâu dài. Tôi biết mình cần phải tích cực học hỏi, có hành động hy sinh cụ thể thay vì ngồi im chờ đợi hoặc lên tiếng trách cứ, kết tội người khác.

Tôi yêu quê tôi, tôi quý màu cờ vàng đất nước, tôi xót xa cho người dân Việt Nam cùng khổ. Ước gì mọi người cùng đoàn kết, cùng góp một bàn tay để làm một chút gì cho quê hương….

Kính mời đồng bào tham dự Lễ Chào Cờ và Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận sẽ được tổ chức tại Toronto City Hall, góc Bay & Queen Street W, vào 10 giờ sáng ngày Chúa nhật 3 tháng 5, 2009.

Toronto, cuối tháng 4, 2009