GIỚI THIỆU SÁCH MỚI CỦA CHA NGUYỄN TRỌNG TƯỚC

Gần đây tôi được người bạn thân tặng một cuốn sách đạo. Tôi vốn khô khan nên vẫn rửng rưng với sách đạo. Thấy cuốn sách in ấn thật đẹp, vì tò mò tôi cầm lên. Tiêu đề ‘ Kẻ Đi Tìm’, tác giả Nguyễn Tầm Thường. A, Nguyễn Tầm Thường thì tôi biết. Đây là một tác giả nổi tiếng, vừa là nhà thơ, nhà văn, nhiếp ảnh gia, một nhà tư tưởng, một nhà đạo đức học, và trên hết là một linh mục Dòng Tên. Đó là Cha Nguyễn Trọng Tước. Và cuốn sách đã cuốn hút tôi suốt một ngày.

Sách viết về hai tháng tác giả sống ở Đất Thánh Giêrusalem, đúng vào Mùa Lễ Phục Sinh năm 2006. Trước đây tôi có đi hành hương Đất Thánh một tuần. Nói là hành hương cho ra vẻ đạo đức chứ tôi di Đất Thánh như một du khách, cỡi ngựa xem hoa, nơi nào cũng đi qua, chả xúc động bao nhiêu, chả cầu nguyện chi nhiều. Còn đây, tác giả là một linh mục vừa thông thái vừa đạo đức, thuộc Kinh Thánh, lại sống đêm ngày hai tháng ròng rã, nên cuộc thăm viếng của Ngài hoàn toàn khác của tôi. Sự thâu lượm của Ngài thât là dồi dào phong phú. Ngài không viết phóng sự, mà ngài viết về những suy niệm khi thăm viếng nơi Chúa sinh ra, lớn lên, đi rao giảng, nơi bị bắt, bị làm nhục và nơi bị tử hình. Suy niệm trộn lẫn với lời cầu nguyện. Sách gồm 34 đề tài. Sau mỗi đề tài là những tấm ảnh màu, chính tay ngài chụp và ghi chú thích. Vì ngài là một nhiếp ảnh gia có tài nên các bức ảnh này rất đẹp và ý nghĩa. Tôi chưa bao giờ thấy cuốn sách nào viết về Đất Thánh Giêrusalem có nhiều ảnh mầu đẹp như vậy.

Ngài dẫn độc giả tới tất cả những nơi liên hệ tới cuộc đời Chúa Giêsu, từ nơi Thiên Thần Truyền Tin, nơi Đức Mẹ đi thăm Bà Eligiabet, hang đá Belem, núi Tabor nơi Chúa biến hình, nơi Chúa dạy các tông đồ Kinh Lạy Cha, hồ Tibêria, hồ Galilê, mái nhà Bêtania, Đền Thờ Giêrusalem, Vườn Giếtsimani, Dinh Caipha, Dinh Philatô, con đường Thánh Giá... Ngài vừa đi, vừa quan sát, vừa tìm hiểu, vừa cầu nguyện.

Đề tài nào tác giả cũng diễn tả thâm trầm. Riêng tôi, có 2 đề tài đã làm tôi xúc động lần đầu tiên trong đời, đó là đề tài Ngài nói về Hang Be Lem và đề tài nói việc táng xác Chúa Giêsu.

- Hang Bê Lem. Xưa nay, mỗi lần lễ Giáng Sinh là mỗi lần tôi nghĩ tới Be Lem với hang đá máng lừa, với cảnh Chúa Hài Đồng nằm yên trên máng cỏ, với Mẹ Maria và Thánh Giuse quần áo tươm tất, với thiên thần vây quanh, hang đá đầy ánh sáng và âm nhạc. Xưa nay chưa có ai nói cho tôi hay về cái bẩn thỉu bụi bặm của một hang đá hoang dã, Mẹ Maria sinh con ra mà không có nước tắm rửa, bần hàn nhơ nhớp, không một ai giúp đỡ, hai vợ chồng nghèo nàn, bơ vơ, và trơ trọi giữa cánh đồng. Tác giả đã cho tôi thấy cái hoang tàn bẩn thỉu khi Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Ngài đã chọn việc sinh ra trong cảnh nghèo hèn bẩn thỉu tưởng không có cảnh nào nghèo hèn bẩn thỉu hơn ! Xưa nay chưa bao giờ tôi nghĩ tới cảnh Chúa Giêsu sinh ra lại thê thảm như vậy. Xưa nay tôi cứ nghĩ hài đồng Giêsu lúc sinh ra thì sạch sẽ thơm tho, béo tốt hồng hào và tươi cười...

- Táng xác Chúa. Lúc Chúa tắt thở thì dưới chân thập tự có Đức Mẹ, có môn đệ Gioan và Mađalêna. Nhưng khi táng xác Chúa thì không thấy những người này. Cả bốn Phúc Âm chỉ nói tơi hai ngươi trí thức Do Thái, hai người ái mộ Chúa từ lâu nhưng lòng ái mộ dấu kín trong lòng. Đến khi Chúa chết, họ không vỡ mộng về niềm tin của mình, mà trái lại, họ công khai biểu lộ lòng tin. Đó là Ông Giosép và ông Nicôđêmô, cả hai là thành viên của Hội Đồng Do Thái, cả hai nhà giàu, cả hai là dân trí thức. Ông Giosép tháo xác, còn ông Nicôđêmô đem một trăm cân mộc dược trộn trầm hương để tẩm xác Chúa. Ông Giosép cho Chúa ngôi mộ của chính mình.

Xưa nay ít khi tôi nghĩ tới cuộc đời nghèo hèn cùng cực của Chúa Giêsu. Sinh ra không nhà. Khi giảng đạo thì ngủ đường. Chết thì không mồ, phải chôn nhờ. Hai người làm việc chôn cất lại là hai người Do Thái xa lạ, các người thân bỏ trốn hết.

Đó là hai điều tôi thu lượm được từ sách qúy, rất cá nhân.

Qua các bài suy niệm, ta thấy tác giả Nguyễn Tầm Thường là một người đạo đức thâm trầm, sống đơn sơ và khó nghèo. Chuyện bà sơ già Dòng Kín phụ trách bàn thờ Đền Pater Noster đã mở cửa để ngài vào làm lễ giữa ban trưa đã nói lên điều đó. Bà sơ đứng nép bên trong dự lễ. Lễ xong thì bà sơ già xuất hiện và xin ngài cầu nguyện cho mình. Bà sơ già sống ở đây đã lâu, đã xem bao nhiêu linh mục làm lễ, mà tại sao lại tỏ ra cảm động đặc biệt về buổi lễ do một ông cha da vàng nhỏ bé dâng? Rõ ràng là vì bà đã nhìn thấy vị linh mục này toát ra một sự thánh thiện đặc biệt. Có hai chỗ làm tôi quả quyết như vậy. Ngay trang đầu sách ngài đã nói tới việc ngài chuẩn bị làm lễ: ngài đọc trước các bài sách thánh sẽ đọc trong lễ. Tôi thấy nhiều linh mục đâu có chuẩn bị như vậy vì khi làm lễ các ngài mở sách lung tung, mở lên mở xuống. Rồi chương nói về Emmanuel: Chúa Ở Cùng Anh Chị Em, tác giả đã kể rằng nhiều linh mục ngay đầu lễ khi nói lời ‘Chúa ở cùng anh chị em’ mà không nói bằng tâm hồn, lòng trí linh mục còn đang lo tìm trang sách, đang mở sách, đang ngó vào sách chứ không nhìn vào giáo dân. Tôi thấy tác giả đã nói đúng, quả thực nhiều cha đã như vậy. Việc này làm giáo dân chia trí và thất vọng về cha chủ tế nhiều lắm. Xưa nay muốn biết linh mục nào đạo đức hay không thì tôi chỉ cần xem cách các ngài dâng lễ là thấy liền.

Cuốn sách đã lôi cuốn tôi, đã làm tôi suy nghĩ đại loại như trên.

Ngoài ra, một trong những lý do chinh phục được người đọc là tác giả đã sống ở Đất Thánh Giêrusalem vào chính mùa Phục Sinh, lâu những hai tháng. Hàng ngày tác giả đã sống giữa người Do Thái, người Hồi Giáo, người Palestine, Chính Thống Giáo, Tin Lành. Tác giả đã sống, đã cảm nghiệm, đã cầu nguyện, rồi sau mới ghi chép những suy niệm này. Đây là những kinh nghiệm sống, có thực, chứ không do tưởng tượng. Cũng như trước đây, khi viết về Mẹ Calcutta, tôi biết tác giả đã sang Ấn Độ và sống khó nghèo như người Ấn Độ trong 6 tháng. Tác giả đã sống thực, có kinh nghiệm sống, rồi tác giả mới viết.

Tác giả vốn là nhà thơ nhà văn nên nhiều chỗ tác giả viết văn rất hay, rất thơ. Văn xuôi mà đọc lên, nhiều đoạn nghe như thơ.

Đôi điều chân thành, xin trân trọng giới thiệu KẺ ĐI TÌM, tác phẩm thứ 12, sách mới nhất vừa phát hành của Cha Nguyễn Trọng Tước.

Toronto, Mùa Phục Sinh 2009

Trà Lũ

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ghi chú: Cha Nguyễn Trọng Tước hiện là tác giả của 2 tập thơ, 10 sách suy niệm, và 24 băng giảng thuyết. Muốn mua các tác phẩm này, xin liên lạc:

Hoa Kỳ:

Thái Bình Store, 14186 Brookhurst St, Garden Grove, CA 92843. USA

Tel: (714) 530-3011. caotbich@yahoo.com

Canada:

Hoàng Nga, 3669 Bloomington Cres, Mississauga, ON. L5M-7B3. Canada

Tel (905) 821-0276, hnga@sympatico.ca

Âu châu:

Nguyễn Thị Phương Anh, 56 Place St. Sebastien, Bte 10,

1420 Braine l’Alleud. BELGIUM

Tel: (32) 02-384-4243. nguyen-phuong-anh@hotmail.com

Úc Châu:

Ngo Tuyet Hoa, 24 Tarana Cres, St.Albans 3021, AUSTRALIA

Tel: 04-0362-0424. ngotuyethoa71@optusnet.au