VATICAN CITY (Zenit.org).- Tòa thánh Vatican đã triệu tập các giám mục và linh mục từ 82 quốc gia đến Roma để học hỏi về những thách đố và khả năng mà kỹ thuật truyền thông mới đặt ra cho công tác rao truyền Tin mừng.

Hôm nay, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, đứng đầu là Tổng giám mục Claudio Maria Celli, đã khai mạc một cuộc hội thảo 5 ngày bằng việc xem xét các tiến bộ của Internet trong những năm vừa qua: các trang Web, blogs (nhật ký trên mạng) và những mạng lưới xã hội – như Facebook, You Tube, Fliker và Twitter.

Nicoletta Vittadini, giáo sư khoa học truyền thông tại trường Đại học Công giáo Milan (Ý), đã hướng dẫn một buổi “lướt” mạng internet để các giám mục đến từ khắp nơi trên thế giới khám phá hoặc tái khám phá các trang mạng gặp gỡ này, đặc biệt là các websites lập riêng cho thiếu nhi và giới trẻ.

Tiếp sau đó, Francesco Casetti, giám đốc phân khoa truyền thông cũng thuộc trường đại học nói trên, đã cùng với các giám mục suy xét về ý nghĩa nhân văn của các thực tại mới này.

Các tham dự viên hội nghị đã phân tích bản thông điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI viết cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2009 với chủ đề: “Kỹ thuật mới, Liên lạc mới: Triển dương một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại và thân hữu.”

Nền văn hóa kỹ thuật số

Vào lúc khai mạc hội nghị, Tổng giám mục Celli giải thích: “Chúng ta tự hỏi đâu là lập trường của Giáo hội, đâu là những việc Giáo hội phải làm, bởi vì, điều không thể chối cãi được, điều ta càng ngày càng mục kích nhiều hơn, và điều ta thấy được trong thông điệp của Đức giáo hoàng, đó là những kỹ thuật mới không chỉ còn đơn thuần là những dụng cụ, mà những dụng cụ này tạo lập nên một nền văn hóa mới, nền văn hóa kỹ thuật số.

Ngài nói thêm: “Vấn đề lớn lao đối với hội nghị của chúng ta sẽ là thấy được Giáo hội hiện diện trong nền văn hóa đó như thế nào, đóng góp phần mình ra sao. Đây là một đề tài cực kỳ tinh tế.”

Vì lý do này, theo lời Tổng giám mục, hội nghị hy vọng trình bày những điều hướng dẫn cho sứ mạng mục vụ của Giáo hội trên thế giới, sẽ được thể hiện cụ thể bằng một văn kiện mới của Tòa thánh Vatican.

Ngài nói tiếp: “Văn kiện làm căn bản cho hành động của chúng ta là sắc lệnh “Inter Mirifica” của Công đồng Vatican II. Sau này, vào năm 1992, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội đã công bố một văn kiện rất quan trọng, đó là “Aetatis Nova”. Chúng ta thiết nghĩ rằng, kể từ đó đến nay, biết bao nhiêu nước đã trôi qua cầu, những kỹ thuật mới đã đặt ra bao nhiêu vấn đề mới, mối quan tâm mới và những điều khẩn thiết mới cho công tác mục vụ.”

“Ý hướng của hội nghị này, là để cùng với các giám mục thấy được đâu là những chỉ đạo cho chương trình mục vụ mới của Giáo hội trong lãnh vực truyền thông. Sau đó, hội nghị sẽ cùng với các hồng y, giám mục và các tư vấn làm việc để viết ra một tài liệu mới.”

Trong lúc nói truyện với các tham dự viên hội nghị, Tổng giám mục Celli công nhận rằng điều thử thách lớn lao đối với họ là sự kiện họ không được sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, có nghĩa là, khác với những người trẻ, họ phải học hỏi để biết.

Một giám mục trẻ đến từ nước Nigeria công nhận rằng, theo ý nghĩa đó, các giám mục phải học hỏi từ lớp người trẻ, và đây là một điều các ngài không quen làm.

Hiện diện trên Internet

Tổng giám mục Celli nhấn mạnh đến tấm gương của ĐGH Bênêđictô XVI đã quyết định hiện diện trên trang mạng YouTube với một kênh chính thức (http://www.youtube.com/vatican).

Đức tổng giám mục tiết lộ rằng một ký giả đã hỏi ngài tại sao Đức giáo hoàng lại có thể “hạ mình” hiện diện trong một thực tại như thế, nơi video đủ mọi thể loại đều có thể xuất hiện được. Tổng giám mục giải thích rằng chính Đức Kitô cũng đã “hạ mình” để mang lấy bản tính loài người, và ý hướng của Bênêđictô XVI là hiện diện “ở những nơi con người gặp gỡ nhau.”

Nhiều vị hồng y cũng đã xuất hiện trên mạng Facebook. Điều này khiến cho một tham dự viên đặt câu hỏi là liệu Đức giáo hoàng cũng sẽ đi vào cộng đồng ảo đó hay không. Tổng giám mục trả lời rằng việc đó chưa ai nghĩ tới, ít nhất vào ngay lúc này.

Tổng giám mục nói thêm: “Ngày nay giáo hội không thể chỉ loan tin – điều này chắc chắn là hữu ích, nhưng chúng ta không thể tự giới hạn chúng ta đến đó mà thôi”

“Tôi thiết tưởng giáo hội cần đi vào cuộc đối thoại càng ngày càng phong phú và sinh động, một cuộc đối thoại về đời sống với những con người đang đi tìm kiếm, đang ở xa và muốn tìm ra một thông điệp gần gũi hơn và thích hợp hơn với con đường họ đang bước đi.”

Vì lý do đó, hội đồng của ngài đang thúc giục các giám mục trên khắp thế giới không chỉ lập ra những trang mạng riêng, mà còn làm sao để các trang mạng này hoạt động tương tác (hai chiều) nữa.

Tòa thánh Vatican không thể để trang mạng của mình hoạt động tương tác vì sẽ tràn ngập những câu hỏi và lời bình luận từ khắp nơi trên thế giới gửi về. Điều này có thể thực hiện dễ dàng hơn ở bình diện địa phương.

Tổng giám mục George H. Niederauer ở San Francisco, chủ tịch ủy ban truyền thông thuộc Hội đồng giám mục Hoa kỳ và cũng là tham dự viên hội nghị này, nói rằng sử dụng hữu hiệu kỹ thuật truyền thông mới là điều tối cần để đến được với thế hệ trẻ.

“Chúng ta đến được nơi họ có mặt. Và họ có mặt ở đâu? Ở trong các chương trình như Twitter, Facebook và các chỗ khác nữa. Chúng ta phải hiện diện, và chúng ta cần người trẻ giúp chúng ta hiện diện.”