VERMONT -- Hôm Chúa nhật 11/5/2008 cũng là ngày Mother’s Day, một nhóm người trong cộng đoàn của chúng tôi do cha Francis Holland hướng dẫn đã đến thăm tu viện Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria ở Westfield, tiểu bang Vermont, cách thành phố Burlington nơi chúng tôi ở khoảng 67 miles. Nói là thăm tu viện nhưng thực tế là cha Holland muốn đưa chúng tôi đi thăm một nữ tu Việt Nam đang tu tại đậy

Cha Francis Holland trước đây từng được Đức Giám Mục chỉ định trông coi cộng đoàn Việt Nam bé nhỏ tại tiểu bang Vermont. Một thời gian sau ngài về hưu nhưng rồi vì nhu cầu của giáo phận ngài trở lại phục vụ thêm 3 năm nữa ngay tại giáo xứ nơi gia đình tôi cư ngụ. Dù đã về hưu lần thứ hai, thỉnh thoảng ngài vẫn trở lại dâng lễ tại giáo xứ cũ khi linh mục quản xứ có việc phải vắng mặt tại giáo xứ.

Cách đây mấy tháng trong một lần trở lại dâng thánh lễ ở giáo xứ của chúng tôi, ngài đón tôi ở cuối nhà thờ và vui vẻ báo cho tôi biết có một sơ Việt Nam đang tu ở một tu viện trong tiểu bang. Nói về người nữ tu này điều ngài biết duy nhất là tên nhưng ngài phát âm rất khó nghe cho nên kể như tôi chẳng biết tý gì về ngưới nữ tu ngài đề cập tới. Ít lâu sau gặp lại tôi ngài hỏi tôi đã đi thăm sơ Việt Nam chưa. Tôi hơi bối rối vì cho tới lúc đó tôi mới hiểu ra rằng khi báo tin cho tôi, ngài đã có ý muốn chúng tôi đến thăm người nữ tu mà ngài có vẻ quan tâm đến. Tôi đề nghị khi nào ngài có dịp đến tu viện thì chúng tôi đi theo chứ không biết đường đi, hơn nữa chúng tôi cũng không rõ luật lệ của nhà dòng như thế nào. Dịp đó đã đến hôm Chúa nhật vừa qua cũng là ngày Mother’s Day. Đến thăm tu viện của các nữ tu trong ngày Mother’s Day hôm đó thât là một sự trùng hợp rất có ý nghĩa.

Trên đường tới tu viện, cha Holland rất vui. Ngài nói chuyện không ngừng. Ngài chỉ cho chúng tôi ngôi nhà thờ và căn nhà ngài đã phải thuê để ở tại giáo xứ nơi ngài đã phục vụ 10 năm khi vừa thụ phong linh mục. Ngài kể cho chúng tôi rằng trong giáo xứ lúc đó chỉ có khoảng 50 gia đình và số tiền quyên được mỗi tuần lễ chưa đầy $50.00 nhưng do sự quan phòng của Chúa, một thời gian sau ngài đã xây dựng được nhà xứ và hoàn thành nhiều công việc khác.

Trong lúc chuyện trò vui vẻ và trả lời câu hỏi của chúng tôi, ngài cho biết sơ Bề trên của nhà dòng biết rõ ngài rất gần gũi với cộng đoàn Việt Nam cho nên trong một dịp ngài đến nhà dòng, sơ Bề trên đã khoe với ngài về một nữ tu Việt Nam ở trong tu viện. Chỉ có vậy thôi mà ngài đã hăng hái báo tin cho tôi, có ý hối thúc chúng tôi đi thăm và hôm nay chính ngài hướng dẫn chúng tôi đến tu viện chứng tỏ ngài rất quan tâm và thương mến giáo dân Việt Nam.

Chúng tôi đến tu viện sau khoảng 2 giờ lái xe. Đến nơi nhìn tấm bảng trên đường dẫn vào tu viện chúng tôi mới biết tu viện Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria thuộc dòng Bênêdictô. Tu viện này được thành lập từ năm 1981 trên một khu đất rộng khoảng 70 acres trong một vùng vắng vẻ của thành phố Westfield, một thành phố nhỏ của tiểu bang Vermont nằm sát Canada. Những nữ tu đầu tiên lo việc xây dựng tu viện đến từ nhà dòng ở Canada. Cho tới nay trong tu viện có 16 nữ tu và một linh mục cùng dòng lo việc dâng lễ hàng ngày trong tu viện. Tu viện này là một trong số 8 tu viện nữ và 21 tu viện nam của dòng Bênêđictô ở trong 8 quốc gia trên thế giới.

Bấm chuông tại cửa, chúng tôi được một sơ ra đón và hướng dẫn đến ngồi chờ ở phòng khách. Sau đó chúng tôi lại được hướng dẫn đến phòng tiếp xúc với nữ tu. Ở đây sơ Bề trên, sơ Phó Bề trên và nữ tu mà chúng tôi muốn đến thăm đang chờ sẵn ở bên kia một bức ngăn thoáng. Chúng tôi được mời vào một dãy ghế kê đối diện với bức ngăn. Các nữ tu tươi cười chào đón chúng tôi vì “khách thăm viếng được đón nhận như chính Chúa Kitô” theo phương châm của tu viện. Sau một vài câu xã giao giữa chủ và khách, cha Holland tách rời chúng tôi để đến nhà nguyện. Sơ Bề trên và sơ Phó Bề trên cũng rời khỏi phòng để lại chúng tôi và sơ Việt Nam, tạo cơ hội cho chúng tôi được thoải mái dùng ngôn ngữ của mình.

Sau một lúc trao đổi chúng tôi mới được biết chính xác tên của sơ Việt Nam là Kim Bảo Phạm. Chúng tôi cũng được biết gia đình sơ đến Mỹ được 32 năm và hiện sống ở California. Sơ có 6 anh chị em và sơ đã là kiến trúc sư trước khi xin vào tu viện. Sơ cho biết đã đến sống thử ở nhà dòng trong 3 tháng, sau đó trở về gia đình rồi mới nộp đơn xin nhập dòng. Sơ đã vào dòng được 4 tháng. Ngoài những giờ cầu nguyện, sơ chưa được phân công làm việc gì kể cả nấu ăn mà các sơ trong tu viện phải luân phiên phụ trách. Sơ dành nhiều thì giờ để học tiếng La tinh. Được biết trong các buổi cầu nguyện ở trong tu viện, nhiều bài thánh ca bằng tiếng La tinh thời trung cổ vẫn còn được dùng đến.

Đến thăm nhà dòng chúng tôi mới được biết luật của nhà dòng rất nghiêm ngặt. Từ khi bước chân vào tu viện, các nữ tu không được phép bước ra bên ngoài. Ngay ở trong tu viện, ngoại trừ những nữ tu có phận sự, các nữ tu khác cũng chỉ đươc lui tới trong một phạm vi nhất định. Các nữ tu có thể liên lạc với gia đình qua thư từ nhưng không được phép dùng điện thoại và một năm chỉ được gặp gia đình một lần khi có gia đình đến thăm. Trung bình nữ tu cần ở trong nhà dòng 6 năm mới có thể khấn trọn đời nghĩa là phải trải qua 3 giai đoạn: 1 năm tu sinh (postulant), 2 năm tập sinh (novice) và 3 năm khấn tạm. Nhưng có nữ tu đã sống ở đây đến 8 năm vẫn chưa được khấn trọn đời. Tuy khó khăn như vậy, tu viện vẫn thu hút được người thích đi tu. Tu viện mới thâu nhận một cô gái mới 24 tuổi và mới trở thành người công giáo được 2 năm.

Những nữ tu sống trong tu viện này hẳn phải là những người thực sự khát khao đi tìm kiếm Chúa và đầy lòng hy sinh, hãm mình. Nghe theo tiếng chuông, hàng ngày các nữ tu cầu nguyện 7 lần về ban ngày và 1 lần vào buổi tối. Ngoài những giờ cầu nguyện, các nữ tu còn phải làm nhiều công việc bao gồm công việc làm bánh lễ cung cấp cho các giáo xứ. Hiện tu viện sản suất và cung cấp cho các giáo xứ khoảng 40,000 bánh lễ mỗi tuần.

Chuyện trò với sơ Kim Bảo xong chúng tôi kéo nhau đến cầu nguyện tại nhà nguyện được thiết lập riêng biệt ngay bên hông của nhà nguyện dành cho các nữ tu. Tại nhà nguyện này khách thăm viếng có thể dự thánh lễ vào lúc 10 giờ sáng, tham dự các buổi cầu nguyện với các nữ tu hay là chỉ ghé qua cầu nguyện trong chốc lát. Chúng tôi cũng ghé thăm và mua một vài thứ làm lưu niệm tại gift shop của tu viện nơi bày bán sách báo, dĩa CD, tượng ảnh và tràng hạt do chính các nữ tu làm ra. Sau đó chúng tôi trở lại phòng tiếp xúc để chào từ biệt sơ Bề trên và sơ Kim Bảo. Cũng như khi chúng tôi mới đến, sơ Bề trên tươi cười vẫy chào chúng tôi và mong chúng tôi sẽ trở lại thăm tu viện trong một dịp khác.

Trên đường về tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì đã nghe và thấy tại tu viện và về sự an bài lạ lùng của Chúa. 32 năm trước, trên con thuyền vượt đại dương với bao sóng gío, Chúa đã đưa cô bé Kim Bảo đến đất Mỹ để rồi đến khi trưởng thành, đến khi công đã thành danh đã toại thì Kim Bảo lại từ bỏ tất cả. Rồi cô gái Mỹ 24 tuổi kia mới biết Chúa có 2 năm cũng đã từ giã gia đình để đi theo Ơn Gọi. Bước vào tu viện với nhiều luật lệ nghiêm ngặt và sẽ sống ở đó cho đến cho đến ngày lìa cõi thế là cả một quãng đường đầy gian na, thử thách. Tôi thành tâm cầu nguyện cho sơ Kim Bảo và các bậc tu trì được bền đỗ với Ơn Gọi để đi theo con đường đã chọn.

Vermont ng ày 13/5/2008