Lời xin lỗi Úc Châu

Thế hệ bi đánh cắp, Ảnh Nguyễn Trung Tây
...Trong một thể chế xã hội, khi một đám đông tập thể lầm lỗi, người ta có thể đánh giá thể chế xã hội đó đã trưởng thành hay chưa, dựa vào cái cung cách mà những cá nhân của tập thể đó hành xử với nhau....

Cuối cùng, lời xin lỗi của người Úc tới người Thổ Dân Úc cũng đã vang lên từ tòa nhà Nghị Viện tại thủ đô Canberra vào ngày thứ Tư, 13 tháng 2 năm 2008,

Hôm nay chúng ta vinh danh những người Thổ Dân của một nền văn hóa lâu đời trong dòng lịch sử của nhân loại. Chúng ta cùng nhớ tới những đối xử bất công trong quá khứ mà họ đã phải gánh chịu. Chúng ta đặc biệt cùng nhớ tới những đối xử bất công với những người của thế hệ bị đánh cắp-một chương sách hoen ố trong dòng lịch sử quốc gia.

Chúng tôi xin lỗi cho những luật lệ và chính sách của quốc hội và chính phủ trong quá khứ đã tạo ra những mất mát đớn đau tới những người dân Úc (gốc Thổ Dân)...


Diễn văn Xin Lỗi Úc Châu

Trong bài diễn văn 361 chữ, thủ tướng Úc Kevin Rudd sử dụng ba lần chữ xin lỗi. Trong khi thủ tướng Kevin đọc diễn văn truyền hình và truyền thanh toàn quốc ngưng mọi chương trình thường ngày phát thanh chỉ để phát đi bài diễn văn lịch sử của quốc gia dân chủ lập hiến Úc Đại Lợi. Chính quyền tiểu bang Victoria kêu gọi trường học trong toàn tiểu bang vào ngày thứ Tư lịch sử 13 tháng 2 treo cờ Thổ Dân Úc và cờ của đảo Torres Strait trong sân trường. Tại những nơi công cộng, người dân nước Úc dừng lại một nhịp chân bận rộn để lắng nghe bài diễn văn đang được phát đi từ màn ảnh TV lớn. Sau bài diễn văn của thủ tướng Úc Rudd, người người trong tòa nhà Nghị Viện yên lặng tưởng nhớ tới lỗi lầm của quá khứ, sau đó những tràng pháo tay nổ lớn chào mừng bài diễn văn lịch sử của người Úc Châu. Nhiều hạt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của người Úc cũng như Thổ Dân Úc. Trong những chương trình talk-show sau đó, có người di dân tuyên bố tôi đã di cư tới Úc 35 năm, nhưng tôi quyết định không nhập quốc tịch cho tới khi nào bài diễn văn Xin Lỗi người Thổ Dân được phát biểu từ tòa nhà Nghị Viện.

Bài diễn văn của thủ tướng Úc nhắc nhở người dân Úc lỗi lầm của những người Úc gốc Âu Châu trong quá khứ. Bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ 19 kéo dài cho tới năm 1970, chính quyền Úc đã dùng quyền lực của súng đạn và luật lệ lấy đi mất quyền làm cha mẹ của người Thổ Dân. Bởi thế có một thời người Úc đã đi vào từng thôn làng của người Thổ Dân Úc và dân đảo Torres Strait bắt mang đi tất cả những con em của người Thổ Dân về làm con nuôi của gia đình người Úc gốc Âu Châu hoặc giao cho những trại mồ côi nuôi dạy.

Vị tiền nhiệm, cựu thủ tướng John Howard trong thời kỳ còn làm thủ tướng, có người đã từng đặt vấn đề với ông về một lời xin lỗi của nước Úc tới người Thổ Dân. Nhưng cựu thủ tướng Howard tuyên bố ông không có trách nhiệm cho những lỗi lầm của cha ông trong quá khứ. Ông Kevin Rudd thì khác, một trong những dự tính sau khi đắc cử thủ tướng là ông sẽ đại diện cho nước Úc mở miệng xin lỗi người Thổ Dân. Và rồi ngày lịch sử 13 tháng 2 năm 2008 đã tới, đứng trước mặt toàn thể nghị viên của hai đảng và những người Thổ Dân đại diện cho cộng đồng Thổ Dân Úc Châu, Thủ tướng Rudd đã chính thức và long trọng đọc bài diễn văn, Our National Apology. Mặc dầu vẫn có người khen kẻ chê, lời xin lỗi của thủ tướng Kevin Rudd đã trở thành một dấu mốc lịch sử của Úc Châu; bởi người Úc họ hiểu hành động cướp đi quyền nuôi dạy con cái của người Thổ Dân là một trọng tội, là một lỗi lầm lớn, và là một vết nhơ trong lịch sử dựng nước của châu đại dương. Hơn ai hết, người dân Úc hiểu rõ bởi hành động man rợ không mang tính người của quá khứ, ngày hôm nay nước Úc sản sinh ra một thế hệ Thổ Dân mất đi cội nguồn. Bởi thế gần cả một trăm năm vừa qua, xuất hiện trên nước Úc những người Úc không gốc tích, không biết mình thuộc về sắc tộc nào. Họ nói tiếng Anh giỏi, họ ăn Meatpie thổ sản của dân mới định cư, nhưng nhìn quanh, họ biết mình không thuộc về sắc tộc Châu Âu bởi sự khác biệt về hình dáng và sắc da. Nhưng quay về lại với Thổ Dân Úc, họ cũng chẳng biết nói tiếng Thổ Dân, văn hóa Thổ Dân họ cũng xa lạ. Và hơn thế nữa, họ cũng không biết cha mẹ mình là ai. Những người Thổ Dân thuộc thế hệ này được người Úc đương thời gọi Thế hệ Bị Đánh Cắp (Stolen Generation), một chữ dùng chính xác, bởi chính họ đã bị đánh cắp bằng vũ lực từ những mái gia đình êm ấm của riêng họ.

Diễn văn Xin Lỗi của Giáo Hội Công Giáo

Bài diễn văn Xin Lỗi dài 361 chữ của thủ tướng Rudd nhắc nhở tới bài diễn văn Xin Lỗi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị vào ngày Chúa Nhật 12 tháng 3 năm 2000 tại quảng trường thánh Phêrô. Lần đó, đại diện cho Giáo Hội La Mã, Đức Giáo Hoàng đã cất giọng xin lỗi những người anh chị em Do Thái bởi thái độ bài Do Thái của Giáo Hội trong dòng lịch sử 2000. Trong một lần hành hương đất thánh, Đức Giáo Hoàng đã đích thân bước tới Bức Tường Than Khóc của người Do Thái để cầu nguyện với Giavê Thiên Chúa của người Do Thái, của người Kitô, và của người Hồi để xin lỗi Giavê cho những đối xử bất công với những người anh chị em mang huyết thống Do Thái. Trong bài diễn văn Xin Lỗi đọc tại quảng trường Phêrô sáng Chúa Nhật hôm đó, Đức Giáo Hoàng cũng xin lỗi cho những lần Giáo Hội đối xử bất công với phụ nữ. Đức Giáo Hoàng cũng đã xin lỗi cho những lần Giáo Hội đã yên lặng không đứng ra bênh vực cho người nghèo không có tiếng nói trong xã hội. Cho những lần người thực dân Âu Châu hùa nhau lùng bắt hằng triệu triệu người Phi Châu bán sang Bắc Mỹ như những món hàng để làm nô lệ cho những đồn điền càfe thuốc lá, nhưng Giáo Hội không can thiệp, Đức Giáo Hoàng chân thành nhận lỗi. Cho tất cả những đối xử bất công của quá khứ hai ngàn năm, Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ Nhị vào ngày Chúa Nhật lịch sử 12 tháng 3 năm 2000 đã long trọng mở miệng xin lỗi tất cả, và ngài cũng khiêm nhường mong nhận được sự tha thứ từ phía những nạn nhân.

Xã hội trưởng thành

Nói tới một nền văn minh, người ta vẫn nhắc nhở tới nền văn minh thượng thặng của cổ Ai Cập với kim tự tháp, nền văn minh cổ Trung Hoa với Vạn Lý Trường Thành, nền văn minh cổ Ấn Độ với triết lý và tôn giáo Ấn Độ riêng biệt, nền văn minh Hy Lạp và La Mã với huy hoàng của những vận động trường rộng lớn có sức chứa cả ngàn người. Nhưng có lẽ ít ai nói tới một nền văn minh trưởng thành.

Một em bé dưới tuổi vị thành niên thường không ý thức được hành động của mình. Bởi thế các em không được quyền uống rượu mua thuốc lá là những thứ có hại tới thể xác và tâm lý của tuổi trưởng thành. Trẻ em đầu óc chưa phát triển cho nên các không ý thức được hậu quả của những hành động do cá nhân tạo nên trên đám đông và tập thể. Những lầm lỗi của trẻ vị thành niên do đó thường được gọi là hành động con nít, dễ được người đời tha thứ và bỏ qua. Nhưng khi con người đạt tới tuổi trưởng thành, trong con mắt của xã hội, đó là một người lớn có hiểu biết và có trách nhiệm. Một người trưởng thành do đó phải có trách nhiệm với tất cả những hành động mà mình đã làm. Bởi thế, khi một người trưởng thành lầm lỗi, họ biết mở miệng xin lỗi nhau, mong ước được sự tha thứ từ phía của người đối diện (trong nhiều trường hợp, theo lẽ công bằng, người xin lỗi cũng phải đền bù cho nạn nhân những đền bù tương xứng với những thiệt hại trong quá khứ).

Cũng thế, trong một thể chế xã hội, khi một đám đông tập thể lầm lỗi, người ta có thể đánh giá thể chế xã hội đó đã trưởng thành hay chưa, dựa vào cái cung cách mà những cá nhân của tập thể đó hành xử với nhau. Ở một xã hội trưởng thành, con người trong đó biết lãnh nhận trách nhiệm và họ không đổ lỗi cho người khác cho những lỗi lầm đã xảy ra.

Ông bà nguyên tổ Adam Evà cũng như Cain là những người không trưởng thành, bởi họ chỉ biết đổ lỗi quanh quẩn cho nhau, thay vì mở miệng xin lỗi cho một lần lỗi lầm. Giáo Hội Công giáo là một tập thể trưởng thành, bởi Đức Giáo Hoàng biết mở miệng xin lỗi cho những hành động lỗi lầm của quá khứ. Tương tự như thế, quốc gia dân chủ lập hiến Úc Đại Lợi cũng là một xã hội trưởng thành, bởi họ biết lãnh nhận trách nhiệm cho những lỗi lầm mà cha ông họ đã đối xử với người Thổ Dân Úc Châu.

Hai biến cố của năm 2000 tại Roma và 2008 vừa qua tại Úc đã trở thành những biến cố lịch sử của Giáo Hội Công Giáo và Úc Đại Lợi, bởi lời xin lỗi đã được chính người đứng đầu hai cơ quan quyền lực cao nhất mở miệng xin lỗi tất cả những nạn nhân của họ. Hai lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Thủ tướng Kevin Rudd đã trở thành những biểu hiện cụ thể nói lên tính chất trưởng thành của hai tập thể: Giáo Hội Công Giáo và Úc Đại Lợi.

Người Việt Nam và Lời Xin Lỗi

Câu hỏi được đặt ra ở đây là người Việt Nam đã học được bài học gì qua bài diễn văn Xin Lỗi của thủ tướng Kevin Rudd.

Nhìn lại lịch sử nước Việt Nam, trong vòng một trăm năm gần đây, nước Việt Nam đã trải qua quá nhiều biến động. Từ khi đảo chánh Nhật vào ngày 19 tháng 8 năm 1945 bởi công sức toàn dân, dẫn tới chiến trường Điện Biên Phủ chia đôi đất nước vào ngày 20 tháng 7 năm 1954. Từ năm 54 lại dẫn tới cuộc nội chiến giữa hai con cờ thí Bắc Việt và Nam Việt cho hai chủ nghĩa ngoại lai Cộng Sản và Tư Bản. Cuối cùng phần thắng nghiêng về Bắc Việt. Ngày 30 tháng 4 của năm 75 kéo tới đã xô đẩy trên dưới 300,000 người dân ra biển, và tiếp theo đó biết bao nhiêu mạng người lại đổ xô ra biển Đông tìm tự do trong vòng khoảng hai thập niên. Phong trào thuyền nhân đã một thời rung động thế giới cho tới vào đầu thập niên 90, biển Đông mới thôi nhận chìm xác người Việt. Theo những con số dữ kiện, Việt Nam ngày hôm nay vẫn là một nước nghèo của thế giới. Dân số trên dưới 85 triệu, nhưng lợi tức tính trên đầu người vẫn chỉ là một con số khiêm nhường nhỏ nhoi. Từ những ngày của năm 54 cho tới năm 75, chỉ tính về cuộc chiến tương tàn giữa hai miền Nam Bắc, nước Việt Nam đã vô tình trở thành một bãi chiến trường cho người ngoại bang mang bom đạn và khí giới vào cày xới nương đồng và cày xới thân xác Việt Nam trên cả hai vùng Bắc Nam. Bao nhiêu thân thể Việt Nam đã bỏ mình trên rừng Trường Sơn, trên những ngọn đồi Hạ Lào, Khe Sanh. Bao nhiêu mạng người đã ngã gục bởi những tấn bom B52 trải thảm ngoài Bắc trong Nam. Cuộc chiến 54-75 và chiến thắng của Bắc Việt vào năm 75 đã làm cho nước Việt Nam của năm thiên niên kỷ thứ 3 tụt hậu rớt xuống thành một nước nghèo chậm tiến và lạc hậu trên thế giới. Công tâm mang lên bàn cân xét xử, hiện tình lạc hậu Việt Nam ngày hôm nay cũng do bởi cuộc chiến Việt Nam đã tạo ra.

Trông người lại nghĩ đến ta. Thủ tướng Úc biết mở miệng xin lỗi cho một quá khứ lỗi lầm để hướng tới tương lai, như lời Thủ Tướng Kevin Rudd đã nói trong bài diễn văn lịch sử của năm 2008,

...Đã tới thời điểm để quốc gia mở sang một trang sách mới trong dòng lịch sử Úc Châu bằng cách chấp nhận những lỗi lầm của quá khứ và hướng tới một tương lai...

Trước đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2000, để đánh dấu hai thiên niên kỷ ơn cứu chuộc cũng đã xin lỗi cho những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ để người Công Giáo trên toàn cầu học được bài học khiêm nhường trong khi đang chuẩn bị bước tới vào trong tương lai.

Xã hội Việt Nam của một trăm năm vừa qua sẽ được đánh giá là một xã hội trưởng thành hay không còn tùy thuộc vào những nhân vật trong chính quyền Việt Nam. Thay vì đổ lỗi quanh quẩn cho nhau, qua hai bài học: của nước Úc năm 2008 và Giáo Hội Công Giáo năm 2000, người Việt Nam, đặc biệt là giới chính quyền Việt Nam đều có cơ hội học hỏi để làm người trưởng thành trong thiên niên kỷ thứ ba, và để nước Việt Nam có cơ hội đóng lại hẳn một chương sách dài buồn thảm, để rồi toàn dân đều hăm hở nắm tay nhau bước hẳn vào trong tương lai.

www.nguyentrungtay.com