Chuyện phiếm: DU LỊCH VIỆT NAM



Tháng này tôi có một khách qúy từ Hoa Kỳ sang chơi. Ông là bạn thân từ bé. Ông được con cái bảo lãnh sang Pháp. Từ Pháp ông mới qua Hoa Kỳ năm kia. Năm ngoái ông đã sang thăm tôi dịp lễ Giáng Sinh. Ông bảo sang thăm Canada phải sang vào mùa đông mới thấy cái đặc biệt của Canada, chứ sang vào mùa hè thì Canada giống y như Paris, y như Cali. Ông này buồn cười lắm. Ngày đầu tiên ông thấy tuyết ở đây, ông vội vàng chạy ra bốc một nắm tuyết cho vào miệng nếm. Nếm xong, ông vừa cười vừa nói : Ngon hơn đá bào ở Saigon. Thế là mãn nguyện lắm rồi. Từ bé đến lớn mình mới chỉ thấy tuyết qua sách vở báo chí và phim ảnh, bây giờ cầm nó trong tay, nếm nó trong miệng. Ôi, hạnh phúc qúa. Năm ngoái ông sang đây mùa đông để sống với tuyết. Năm nay ông sang đây mùa thu để ngắm lá vàng. Ông này nhiều máu thi sĩ. Mà đúng vậy đó. Đồi phong sau nhà tôi đang đổi màu. Lá từ màu xanh đang chuyển qua màu vàng, rồi sẽ vàng rực, rồi đỏ au, rồi đỏ tía, các cụ a.

Ông bạn cùng trạc tuổi với ông ODP. Cùng Bắc Kỳ. Cùng đi lính. Phe liền ông trong làng đã vui, nay có thêm ông, vui qúa sức. Các đấng quân tử mỗi lần bàn tới thời tiết thì bao giờ cũng cho Canada là nước thiên đàng, nơi có 4 mùa rõ ràng. Ông ODP khi nhìn thấy đồi phong sau nhà tôi đổi màu, đã phát biểu : Mình ngày xưa ở Bắc, có mùa thu rõ ràng, có lá vàng rõ ràng, mà có bao giờ ngồi ngắm thu vàng đâu. Chỉ có mấy ông thi sĩ là nhìn thấy. Ở Canada này, trời đất bốn mùa đổi thay thấy rõ, nhìn là biết liền.

Làng chúng tôi họp đúng vào ngày lễ Tạ Ơn bên Hoa Kỳ, đúng vào dịp có ông bạn vàng ở Hoa Kỳ sang chơi. Trong bữa ăn chúng tôi xin ông bạn vàng nói về lễ Tạ Ơn. Ông này gốc nhà giáo, văn hóa cao, nên ăn nói đâu ra đấy, nói có sách mách có chứng. Rằng lễ Tạ Ơn ở Mỹ bắt nguồn từ năm 1622, khi đoàn người thanh giáo Pilgrim được những người Da Đỏ thuộc sắc tộc Wapanoag giúp trồng cấy thành công. Họ đã cùng với người Da Đỏ tạ ơn Thiên Chúa cho họ sống sót và tìm ra thực phẩm dối dào. Tôi nói sống sót vì trước đó, năm 1621, đoàn di dân thanh giáo đi tàu Mayflower này đã chết qúa nửa vì thời tiết khắc nghiệt và thiếu lương thực. Hiện nay, tại Plymouth thuộc tiểu bang Massachusetts còn bức tượng đồng tạc hình tù trưởng Da Đỏ Wampanoag với hàng chữ ghi ơn : ‘ Người bảo vệ dân Pilgrims’.

Cô Cao Xuân lên tiếng : Những chuyện Da Đỏ chung chung thì chúng tôi đã nghe nhiều, xin ông kể chuyện gì đặc biệt cơ. Ông bạn tôi đáp ngay : Tôi xin kể chuyện Louis Riel nha. Rằng ông Da Đỏ này vừa ở Canada vừa ở Mỹ. Ông thuộc dòng Metis, tức là dòng con lai. Bố ông là người Da Đỏ lai Pháp, mẹ ông là người Pháp da trắng thuần túy. Ông là một nhà chính trị và lãnh tụ của dân Metis ở đồng cỏ miền tây. Ông là người khai sinh ra tỉnh bang Alberta của Canada. Ông cầm đầu 2 cuộc nổi loạn chống lại chính quyền Canada vì cho rằng chính quyền đã ăn hiếp Da Đỏ. Sau cuộc nổi loạn thất bại đầu tiên năm 1870, ông phải trốn sang Hoa Kỳ. Dù lư u vong, người Metis vẫn bầu ông vào quốc hội Canada, những ba lần. Sống lưu vong ở Montana, ông cưới vợ và đẻ 3 con. Vợ ông cũng là dân Metis con lai. Trong thời lưu vong, ông cho mình là một thiên sứ được Thượng Đế sai xuống trần để bênh vực dân Metis Da Đỏ. Ông bỏ Hoa Kỳ về lại Canada, lãnh đạo cuộc nổi loạn năm 1885, nhưng thất bại. Ông bị bắt và bị tử hình, lúc vừa 41 tuổi.

Nghe đến đây thì anh John gật gù ca ngợi ông bạn tôi thông thái, vừa thuộc sử Hoa Kỳ vừa thuộc sử Canada. Anh John nói tiếp : Cho đến nay, Louis Riel vẫn còn là một đề tài sôi nổi. Người thì cho ông là một lãnh tụ ái quốc, người cho ông là kẻ phản bội.

Phe các bà nghe tới việc ông Da Đỏ Riel bị treo cổ, thì không muốn nghe nữa. Các bà xin đổi đề tài. Ông bạn tôi cũng là dân chịu chơi, nói ngay : Chuyện ông Riel còn dài lắm, xin ngưng ở đây. Nhưng cho tôi nói tiếp về Da Đỏ. Tôi mua vé máy bay đi Toronto bằng internet. Quý vị biết không, khi tôi bấm chữ Toronto thì máy hiện lên những 10 nơi mang địa danh Toronto. Canada chỉ có 1 Toronto, còn Hoa Kỳ có những bảy nơi mang tên Toronto, như ở Ohio, Iowa, Texas, Kansas, Missouri, Illinois, South Dakota. Toronto là tiếng Da Đỏ có nghĩa là ‘ nơi hội họp’. Tôi bèn tò mò bấm tên Ottawa thủ đô Canada thì thấy bên Hoa Kỳ có tới 12 nơi cũng mang tên Ottawa. Ottawa là một tiếng Da Đỏ, nghĩa là ‘nơi buôn bán trao đổi hàng hóa’. Các cụ đi du lịch Toronto và Ottawa bằng máy bay phải thận trọng nha, nhớ phải ghi rõ hai địa danh này ở Canada chứ không phải ở Hoa Kỳ.

Anh John lên tiếng : Bạn có biết tại sao bên Hoa Kỳ nhiều nơi mang tên Toronto và Ottawa không ? Thưa, vì người Da Đỏ gốc ở Canada đã từ Canada đi xuống Hoa Kỳ, và tới đâu thì cũng để lại vết tích chỗ đó. Ông H.O. cười hà hà : tiếng ‘vết tích’ này nghĩa rộng lắm nha, ngoài vết tích về điạ danh, còn vết tích về con lai nữa đó. Anh John tiếp ngay : Anh H.O. này chắc chỉ nói mua vui, chứ thực ra chuyện con lai là lẽ đương nhiên. Chuyện trời đất âm dương thu hút nhau mà.

Bây giờ ông ODP mới lên tiếng hỏi bạn tôi : Bạn ở bên Mỹ, bạn có biết chuyện học giả Trần Văn Kiệm sắp ra mắt sách không ? Bạn tôi trả lời : Việc ra mắt sách thì chưa, nhưng tôi đã nghe tiếng về học giả này lâu rồi. Ông là một linh mục thông thái, đạo đức, từng du học bên Hoa Kỳ thuở xưa, từng giúp đỡ Cụ Ngô Đình Diệm khi cụ mới tới Hoa Kỳ. Tại sao ông biết LM Kiệm sắp ra mắt sách, sách gì vậy ?

Đây là một tin sốt giẻo, cả làng tôi chưa ai biết. Ông ODP này giỏi thật vậy đó.

Để cho mọi người chờ một phút rồi ông mới nói : Tôi biết được việc này là do một người bạn thân vừa gửi cho một bộ sách quý. Đó là bộ ‘ Từ Điển Văn Học Việt Nam’ của LM Trần Văn Kiệm. Bộ này gồm 3 cuốn, những 1800 trang. Cuốn 1 chỉ dẫn phương thức đọc chữ nôm, hai cuốn sau giải thích các từ ngữ và điển cố thông dụng từ thế kỷ 18, 19, 20, lại còn bàn về văn học, nếp sống và triết lý bình dân của người VN. Đây là một công trình tim óc. Làm từ điển thường là công việc của một nhóm người. Ở đây, LM Kiệm đã làm một mình. Đáng nể chưa! Ông thông thạo nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Ông giỏi ngôn ngữ Âu Châu đã vậy, ông còn giỏi chữ Hán và chữ Nôm nữa mới đáng phục chứ. Ông là tác giả tự điển chữ Nôm với nhan sách ‘ Giúp Đọc Nôm và Hán-Việt’, xuất bản năm 1989 và tái bản năm 1997.

Đến đây thì ông bạn tôi xin góp lời : Việc ông giỏi Hán và Nôm là do cái ‘gene’ thông thái của gia tộc. Nghe nói thân phụ của học giả Kiệm là học trò của quan đại thần Nguyễn Tư Giản ngày xưa. Các cụ có bao giờ nghe tới đại danh Nguyễn Tư Giản chưa ? Thưa đó là một quan đại thần suốt 7 đời vua nhà Nguyễn, sinh quán Bắc Ninh, cháu nội danh sĩ Nguyễn Án. Ông đậu tiến sĩ năm 21 tuổi. Từng đi sứ sang Tàu. Từng viết nhiều sớ xin vua canh tân đất nước. Khi vua Hàm Nghi bỏ kinh đô lánh ra Quảng Trị, nhóm Văn Thân nổi lên hô hào bình tây sát tả, nhưng họ không dám đánh Tây mà chỉ sát hại các tín đồ Thiên Chúa Giáo. Chán cảnh loạn ly, ông đã về Phát Diệm sống với cha Trần Lục, mang tên ‘Ông Đồ Giản’ và làm nghề dạy học trong 5 năm. Ông mất ở Phát Diệm năm 1890. Thân phụ học giả Kiệm là môn sinh xuất sắc của Cụ Nguyễn Tư Giản trong thời cụ ẩn cư này.

Ông ODP xin tiếp về LM Kiệm : Ông cha này còn dịch Kinh Thánh. Vì ông thông thạo nhiều ngôn ngữ, cả ngôn ngữ Hebrew là ngôn ngữ nguyên thủy của Kinh Thánh, nên bản dịch của ông được đánh giá rất cao, vừa trúng ý trúng lời, vừa mang mầu sắc văn chương VN. Linh mục học giả này sẽ ra mắt tác phẩm ‘Từ Điển Văn Học Việt Nam’ vào ngày Thứ Bảy đầu tháng 12 sắp tới tại Trung Tâm Công Giáo VN, Santa Ana, California. Nghe đến đây, tôi thấy cả làng ai cũng lấy bút giấy ra ghi chép tên sách, chắc ai cũng muốn nhờ bà con bên Mỹ đến mua sách quý này.

Sau tin sách đến tin thời sự. Đây là phần của Anh John.

Tin nổi bật cuối tháng Mười là Canada đã đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng rất trọng thể, như một quốc khách, với thảm đỏ. Thủ tướng Stephen Harper và nội các đã ra tận phi trường thủ đô để đón ngài. Việc đầu tiên Đức Đạt Lai Lạt Ma làm là tặng thủ tướng Canada một tấm khăn quàng trắng. Theo truyền thống Tây Tạng, tấm khăn là biểu tượng chào mừng và lòng thành kính. Rồi ngài đọc diễn văn kêu gọi hòa bình.. Chúng ta phải đối thoại và tìm hiểu kẻ thù. Dùng bạo lực chống lại bạo lực, bạo lực không bao giờ hết. Họ cũng là người như ta.

Chính phủ đã tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma tước hiệu ‘Công dân Canada Danh Dự’.

Tin thứ hai là tin mừng cho việc trồng lúa. Bão lụt ở VN và Trung quốc đã làm các kho lúa của nông dân ngập nước và bị ung thối hết. Xưa nay nếu hạt lúa bị ngâm nước 3 ngày thì hạt lúa bị hư. Tuần báo Time số ra ngày 22.10.2007 vừa loan 2 tin vui. Đó là tin Viện Canh Nông ở Phi Luật Tân vừa tìm ra cái ‘gene’ mới, nhờ nó hạt lúa có thể chịu được 2 tuần lễ dưới nước mà không thối. Loại lúa này sẽ cứu sống dân chúng những miền trồng lúa hay bị bão lụt. Ngoài ra, người ta tiên đoán trong tương lai rất gần, nước biển sẽ dâng cao và xâm chiếm cánh đồng lúa. Các nhà khoa học đang nghiên cứu việc gây giống cho một loại lúa sống được với nước mặn.

Tiếp sức cho anh John, ông ODP đưa tin về cộng đồng người Việt ở Canada. Cũng 2 tin vui. Hội Người Việt Toronto vừa tổ chức thành công một dạ tiệc vào cuối tháng Mười nhằm gây quỹ học bổng tặng những bạn trẻ hiếu học, và Công Ty Thời Báo Canada cũng đã gây quỹ học bổng thành công và sẽ phát học bổng cho các bạn trẻ ở Montréal vào cuối tháng Mười Một. Hành động đẹp qúa, đáng kính phục qúa.

Ngoài ra, Liên Hội Người Việt Canada đã làm xong các thủ tục bảo lãnh 161 thuyền nhân tỵ nạn VN cuối cùng ở Phi Luật Tân. Chính quyền Canada đã hứa sẽ cứu xét rộng rãi các hồ sơ. Chúng tôi mong sẽ có tin vui để trình các cụ vào dịp tết Mậu Tý này.

Nghe xong phần tin thời sự, phe các bà lại quay vào ông bạn tôi đòi nghe thêm chuyện. Ông bạn tôi mới về VN nên ông bèn đem chuyện quê hương ra kể. Nghe tới hai tiếng quê hương, mắt dân làng đều sáng hẳn lên.

Ông bạn kể : quê tôi miền trung du Bắc kỳ, tôi xa quê đã trên 50 năm. Tôi thuê bao một chiếc xe, khởi hành từ Hà Nội, trong lòng hồi hộp mong chóng được thấy lại những hình ảnh đẹp ngày xưa. Nhưng than ôi, mọi sự đã biển dâu. Không còn đầu làng cây đa, cuối làng cây đề. Xóm trên xóm dưới không còn là nhà chú nhà bác. Họ hàng, hoặc đã nằm xuống, hoặc đã bỏ đi xa. Không còn nghe thấy tiếng sáo diều, tiếng chó sủa, tiếng chim chích choè. Ngôi nhà gạch của ông bà nội tôi vẫn còn, bể nước mưa và sân gạch vẫn còn, nhưng hai cây cau hứng nước mưa chảy vào bể không còn nữa. Tôi đi vào xin gặp chủ nhà, tự giới thiệu mình, rồi xin được uống một gáo nước mưa. Tôi uống chưa xong ngụm nước thì nước mắt tôi ứa ra. Tôi trở thành kẻ xa lạ ngay tại ngôi nhà này, ngôi nhà mà trổ tiên tôi đã xây dựng bằng mồ hôi nước mắt, ngôi nhà mà tôi đã sống suốt thời niên thiếu. Năm 1954, ông bà bố mẹ dắt tôi vào Nam, giao căn nhà cho người cháu họ. Các cụ nghĩ rằng chỉ đi mấy năm rồi có tổng tuyển cử các cụ sẽ trở về. Ai ngờ biển dâu. Người cháu giữ nhà đã được gọi đi bộ đội để vào giải phóng Miền Nam, cháu đã bỏ xác khi vượt Trường Sơn. Ngôi nhà của ông bà bố mẹ tôi được chính quyền tiếp quản. Tôi mất hết, không còn gì.

Buồn qúa, tôi trở lại Hà Nội. Các bạn muốn nghe thêm chuyện VN ư ? Bao nhiêu người đi về đã viết đã kể hết rồi mà. À, chỉ có hai chuyện này hiện tôi còn nhớ. Chuyẹn thứ nhất mang dấu thời sự. Đó là những vị chức sắc có nhiều tiền ở nhà hiện nay đua nhau lập phòng nhì, phòng ba. Ngày xưa thì gọi là vợ bé, là tình nhân, là bồ bịch. Những danh hiệu đó xưa rồi, bây giờ kẻ chức sắc giầu tiền gọi là ‘anh nuôi’, ‘bố nuôi’, người em bé nhỏ trở thành ‘em nuôi, con nuôi’. Nhiều tiền tự nhiên sinh ra nhiều máu dê là vậy.

Một chuyện nữa mà tôi cho là rất thời sự, đó là chuyện buôn bán lừa nhau bây giờ rất tinh vi. Chẳng hạn chuyện cao hổ cốt. Tôi có một người quen là nạn nhân trong vụ này. Bữa đó anh đang ngồi trong quán uống cà phê. Bỗng có một chàng mặt mũi giang hồ vào quán. Anh kêu cà phê xong liền bầy ra bộ da cọp và mấy cái xương. Anh nói to với bàn bên cạnh, có ý cho mọi người nghe : Tôi là dân nấu cao hổ cốt gia truyền. Tôi vừa mua được ít xương hổ, sắp về nhà nấu cao đây. Nói rồi anh đem một khúc xương tổ chảng cho con chó của chủ quán ngửi. Con chó hít mấy hơi rồi cong đuôi chạy. Anh ta cười hề hề : Đó, các vị đã thấy chưa, đây rõ ràng là xương hổ nha. Chó bao giờ cũng sợ hơi hổ mà. Thấy mọi người chú ý, anh ta lại lôi trong bao ra cái máy VCD, bấm đoạn phim nấu cao cho mọi người coi. Xong xuôi anh ta mới trình làng : Tôi vừa đi cất hàng, hiện đang hụt vốn. Tôi có sẵn mấy lạng cao hổ cốt nấu trong chuyến trước đây, vị nào muốn mua, tôi xin bán rẻ. Giá 9 triệu một lạng, nay cần tiền xin bớt một triệu. Ai đau lưng, nhức xương, ê mình, yếu sinh lý, chỉ uống vài lạng là khỏi bệnh liền và đỏ da thắm thịt ngay lập tức. Ông bạn tôi đang bị đau lưng, uống bao nhiêu thuốc tây không khỏi, liền chạy vội về nhà vét hết tiền để dành mang ra mua cao. Anh đem cao về nhà, mặt mũi hí hửng. Mấy lạng cao hổ này sẽ là thuốc tiên đây. Vợ vừa đi chợ về, anh ta đem ngay thuốc tiên ra khoe. Nghe chồng kể xong, cô vợ la lớn tiếng : Thôi, chết rồi, đúng cái gã bán thuốc ở bến xe. Đây là cao giả, cao xương heo ông ơi. Tuần trước nó đang thao thao quảng cáo, thấy bóng cảnh sát, nó ù té chạy. Bao nhiêu người mắc hợm với nó.

Phe các bà thấy ông bạn tôi kể chuyện hấp dẫn qúa, bèn xin nghe thêm. Ông bạn tôi khai là hết chuyện nhưng các bà không chịu tha. Các bà liền phỏng vấn để tìm đề tài cho ông : Anh bị đi cải tạo, chắc phải có nhiều chuyện bi hài trong trại lắm,xin anh cho nghe vài chuyện. Ông bạn tôi bóp trán suy nghĩ một chập rồi gật đầu : Tôi thấy ở hải ngoại này đã có rất nhiều sách báo kể rồi, tôi chỉ thêm mấy chuyện này nữa mà thôi :

Một cải tạo viên có vợ tên Thủy. Anh này viết thư cho vợ, thay vì nói ‘Em Thủy ơi’ thì anh ta viết : H20 ơi. Quan quản giáo liền tra hỏi : H20 là bí danh của ai đây, anh phải thành thực khai báo ngay. Ông cải tạo viên bấy giờ mới giật mình, bèn thưa rằng : Tên vợ tôi là Thủy. Thủy là nước. Theo hoá học, nước là do khí H và khí O hợp lại, cứ 1 H cộng với 2O thì thành nước. Tôi muốn thơ mộng hóa tên người yêu nên đã viết tên theo công thức hoá học đó thôi. Quan quản giáo vẫn không tin. Quan bắt anh phải viết xuống giấy lời giải thích, rồi quan đem trình cấp trên. Mãi về sau anh mới hết tội liên hệ với gián điệp.

Một chuyện khác liên quan tới bạn tôi. Bạn tôi bị tù cải tạo 8 năm. Được tha về, liền làm đơn xin đi Mỹ theo diện H.O. Mọi thứ trôi chảy cho đến ngày đi phỏng vấn. Ông Mỹ xem hồ sơ xong, liền cười mũi. Ông chỉ vào tờ giấy ra trại cải tạo và hỏi : Anh mua tờ giấy này bao nhiêu tiền ? Ông bạn tôi ngạc nhiên vô cùng : Tôi mua hồi nào ? Đây là giấy tôi được thả mà. Ông Mỹ liền chỉ vào cái ngày thả ‘ 30 tháng Hai’ rồi nói : Tháng Hai chỉ có 28 ngày, làm gì có tới 30 ngày ! Bạn tôi chết đứng ! Hóa ra cái văn phòng cấp giấy xuất trại đã viết ẩu và chơi xỏ ! Bạn tôi đã vô tình không hề đọc kỹ tờ giấy này khi nộp đơn.

Rồi ông ban tôi được phe các bà tha, không bắt kể chuyện VN nữa.

Bây giờ Cụ B.95 mới lên tiếng : Xin các bác vui lòng giúp tôi việc này, là sáng nay trước khi đi học lớp Việt Ngữ, thằng cháu Cồ của tôi hỏi tôi tiếng ‘đại ngôn’ là gì và xin ví dụ. Tôi chả hiểu gì, xin các bác giúp tôi với.

Mọi người nghe tới tên Cồ thì đều ngạc nhiên. Cồ nào vậy cà, và sao lại là Cồ, tên gì kì cục ! Chị Ba Biên Hoà biết rõ tên các con cháu của Cụ B.95 liền giải thích : Cồ là tên thằng cháu nội Michael. Michael đọc lên nghe mài mại như Mai Cồ. Cụ B.95 gọi nó là Cồ. Có bữa tôi đã hỏi sao cụ không gọi nó là thằng Mai mà laị gọi là thằng Cồ. Cụ B.95 giải thích : Mai là tên con gái, cháu trai đích tôn của tôi không thể mang tên con gái là Mai được. Lão chọn tên Cồ, vì vừa dễ đọc, vừa nhắc cho nó là nước Việt Nam ngày xưa mang tên là Đại Cồ Việt. Mọi người nghe xong, ai cũng cười ngất. Cụ B.95 gọi cháu nội như vậy là vừa tếu vừa tỏ ra thuộc sử VN, hay qúa chứ, phải không các cụ ?

Mọi người phải quay sang ông ODP để xin ông giải thích cho Cu B.95 chữ ‘đại ngôn’. Chữ này làm ông vừa cười vừa nói : Đại ngôn là ‘lời to lớn’, thường để chỉ những cái bé tí đã được phóng đại qúa lố. Ví dụ như ông lái xe ôm ghi trên danh thiếp là ‘ giám đốc cơ quan chuyên chở công cộng. Ví dụ như bà bán bánh mì ở ngã tư ghi trên danh thiếp là ‘giám đốc công ty thực phẩm lư u động’. Ví dụ như bà vợ hay bắt nạt chồng, nhưng mỗi khi có khách tới nhà thì bà vợ luôn giới thiẹu chồng là ‘chủ nhà’.

Cụ B.95 nghe xong, thích qúa, cười hắc hắc một hồi rồi mới cám ơn : Lời giải thích và các ví dụ Bác cho thật là dễ hiểu. Chắc thằng Cồ nhà tôi sẽ hiểu ngay.

Thấy cả làng thích thú, ông ODP được hứng, xin kể chuyện tiếp. Ông rút trong túi ra một tờ giấy và nói : Tôi vừa đọc được một bài trong báoThông Luận số tháng Mười vừa qua. Bài ‘Tai qua nạn khỏi’ rất tếu. Nó tả những lo âu của một cặp vợ chồng du lịch VN. Không biết những lo âu của ông chồng trong đoạn này có giống những lo âu của ông bạn đây lúc về thăm VN hay chăng. Tác giả Đáy kể thế này :

... Các bà không coi nghỉ hè là nghỉ. Các bà cứ đòi đi du lịch để có thể kể là đã đi đây đi đó. Mình phải tuân lệnh thôi, phận trai bây giờ là tam tòng : vợ bảo đi đâu thì đi đó, vợ mua hàng thì mình trả tiền, trả tiền rồi thì mình xách đồ. Mà du lịch bây giờ thì phải cầu Trời khấn Phật.

... Lạy Trời lạy Phật cho vợ chồng con tìm được công ty du lịch tốt, giá rẻ và lương thiện, đưa vợ chồng con tới nơi tới chốn, không phá sản giữa mùa hè bỏ vợ chồng con bơ vơ ở phi trường. Lạy Trời lạy Phật, xin cho gia đình con đi đường bình an, máy bay của chúng con không bị bọn không tặc cướp, chúng con không bị bắt làm con tin. Đến nơi xin phù hộ để hành lý chúng con không bị thất lạc, khách sạn tôn trọng réservation. Xin Trời Phật che chở cho chúng con thoát khỏi bọn tài xế bất lương, chúng con mua hàng không bị lừa, không mua phải hàng giả, mất tiền toi mà còn bị phạt. Xin cho những ngày chúng con đi đừng bị mưa bão chẳng thăm viếng được gì, trời đừng nóng qúa. Xin cho chúng con đừng bị móc túi mất thẻ VISA, mất hộ chiếu, bơ vơ nơi đất khách quê người.

... Lạy Trời lạy Phật, xin cho chúng con đừng gặp những tiếp viên hỗn láo, chỉ nể người ngoại quốc, thấy da vàng mũi tẹt là coi chẳng ra gì, xin một ly nước cũng gắt gỏng mắng mỏ. Xin cho chúng con đừng gặp những phi hành đoàn buôn lậu để máy bay bị giữ lại, hay ngủ gục bay vào không phận người ta mà vẫn ngáy, không trả lời tín hiệu, rủi người ta bắn thì bỏ mẹ chúng con. Xin cho chúng con đừng bị hải quan kiếm chuyện làm tiền. Xin cho chúng con đừng bị công an mời lên làm việc, hạch hỏi có tham gia tổ chức phản động nào không, có quen biết ông dân chủ này, bà dân chủ kia không. Xin cho chúng con đừng rơi vào tay những bác tài lái ẩu. Xin cho xe chúng con đừng qua những con đường làm bằng xi măng cốt tre, những cây cầu xây ăn gian sắt. Bánh phở chúng con ăn xin đừng có thuốc ướp xác người, canh chua xin đừng có cá bông lao nuôi bằng thuốc trụ sinh. ..

Chuyện làng tôi còn dài lắm. Hết giấy mất rồi. Xin hẹn các cụ lần sau kể tiếp.