Vatican - Ngày 13/3 tới đây, Tổng Thống Nga Putin sẽ triều yết Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI. Đây là lần đầu tiên ông Putin viếng thăm Vatican sau khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI lên ngôi Giáo Hoàng. Trước đó, ông Putin đã từng viếng thăm Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hai lần vào năm 2000 và 2003.

Những lần viếng thăm của ông Putin tại Vatican trước đây đều đã diễn ra trong bối cảnh Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đang có những căng thẳng với Tòa Thánh. Chính vì thế, không giống như các vị tiền nhiệm của ông là Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin, ông đã không đưa ra lời mời Đức Thánh Cha sang thăm Nga. Chính vì thế, trong bối cảnh tương đối hòa dịu hiện nay, người ta không biết lần này ông có đưa ra lời mời Đức Thánh Cha sang thăm Nga không.

Tại Nga, có những nguồn tin cho biết trong đoàn đại biểu sang thăm Tòa Thánh lần này có đại diện của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhiều người ghi nhận rằng ngay cả việc xuất hiện lời đồn không biết có đúng hay không này thôi cũng đã là một chỉ dấu cho thấy các quan hệ giữa Tòa Thánh và Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã có những tiến triển. Ngay cả nếu cuối cùng ông Putin không đưa ra lời mời Đức Thánh Cha thì việc có mặt của đại diện Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cũng đã là một dấu chỉ đầy khích lệ.

Trong nhiều dịp khác nhau, ông Putin đã tuyên bố muốn theo đuổi một cuộc đối thoại xây dựng và muốn làm trung gian giữa Tòa Thánh và Toà Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Ba vấn đề thường được Đức Thượng Phụ Alexei II đưa ra phàn nàn Giáo Hội Công Giáo là vấn đề “chiêu dụ tín đồ”, vấn đề trả lại các tài sản của Giáo Hội Công Giáo mà cộng sản đã tịch thụ giao cho Chính Thống Giáo quản lý, và vấn đề các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương.

Thượng phụ Alexei II thường xuyên cho rằng hiện nay Giáo Hội Công Giáo tại Nga luôn tìm cách rửa tội cho các tín hữu Chính Thống Giáo Nga và bác bỏ luận cứ cho rằng nhiều người Nga tự xưng mình là tín hữu Chính Thống Giáo nhưng thực sự không thuộc về một Giáo Hội nào. Diễn biến mới nhất là hôm 4/12/2006, thông tấn xã Interfax cho biết Đức Thượng Phụ Alexy II đã đưa ra lời phàn nàn với các giáo sĩ Chính Thống Giáo tại Vương Cung Thánh Đường Chúa Kitô Đấng Cứu Độ ở Mạc Tư Khoa rằng “việc truyền giáo của Công Giáo vẫn tiếp tục”. Ngài bày tỏ hy vọng rằng Tòa Thánh “đưa ra những bước cụ thể để cải thiện tình hình”. Ngài cảnh cáo rằng nếu tình hình không thay đổi “các cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với các đại diện của Giáo Hội Công Giáo La Mã chỉ là các biến cố có tính cách nghi lễ, không giúp xoa dịu đau thương của những người phải gánh chịu những hành vi không huynh đệ” của Giáo Hội Công Giáo.

Trong số 144 triệu dân Nga, chỉ có 600,000 là các tín hữu Công Giáo.

Thượng phụ Alexei II cũng thường đưa ra lời cảnh cáo các Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Đông Phương - đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukrain - về các mưu toan cải đạo. Sau khi Liên Sô chiếm Lviv vào năm 1944, Giáo Hội Công Giáo theo nghi thức Đông Phương đã bị lãnh tụ Stalin đàn áp thẳng tay và bị xóa sổ hoàn toàn. Các linh mục và giáo dân bị buộc theo Chính Thống Giáo. Nhiều linh mục từ chối theo Chính Thống Giáo đã bị giết, hoặc bị lưu đày; trong số bị lưu đày nầy, có Đức Tổng Giám Mục Josyf Slipyj. Hiện nay, sau sự tan rã của chế độ Sô Viết, những nguời Công Giáo thuộc nghi lễ Đông Phương đang được phục hồi dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Lubomir Husar, và được trả lại những nơi thờ phượng. Nhưng Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã nhiều lần chống lại việc trao trả nầy.

Nhiều người Chính Thống Giáo nhưng trước đó là người Công Giáo nghi lễ Đông Phương đã quay trở lại và Đức Thượng Phụ cho rằng trong 10 năm qua, những nguời Công Giáo theo nghi thức Đông Phương Hy Lạp đã gây thiệt hại cho ba giáo phận của Chính Thống Giáo tại Ukain.