John E. Carey, Bùi Hữu Thư phỏng dịch 5/1/ 2007

Phản ứng của tôi khi một học sinh lớp Tâm Lý Học của tôi hỏi: “Cuộc đời của thầy đã được xây dựng ra sao?” là: “Bộ em cho là thầy ở trong ngành xây cất hả?”

Tôi không biết các bạn ra sao, nhưng khi tôi còn đi họ,c tôi không có thì giờ để đặt những câu hỏi hắc búa như vậy. Có những môn học tôi phải chọn vượt quá khả năng hấp thụ của trí óc tôi, ngoài ra tôi còn có những thú tiêu khiển khác làm tôi chia trí.

Do đó khi tôi bị đặt câu hỏi: “Cuộc đời của thầy đã được xây dựng ra sao?” lần đầu tiên này, tôi đã hóc họng và không trả lời được. Đây là một lãnh vực ít nhà văn muốn khai thác.

Do đó tôi đành ôm câu đó đi hỏi người khác trước khi tôi tìm cách trả lời câu hỏi này theo ý tôi.

James có một đời sống vô cùng bình dị. Ông đã làm người bán hàng trong cùng một cửa tiệm từ khi mới 20 tuổi. Bây giờ ông đã 75. Ông phục vụ khách hàng trong tiệm. Ông không còn nhớ được tên của họ và ông thường than phiền là ông không có bạn bè nào cả, và ông hoàn toàn sống trong cô đơn.

Điều này khó tin vì ông làm việc trong một cửa tiệm lớn có một số nhân công khá đông và khác hàng ra vào nườm nượt. Nhiều khách hàng đã biết ông qua nhiều năm.

Khi tôi mời James đi ăn trưa mới đây, có ba người đến bàn chúng tôi ngôi để chào hỏi ông. Cả ba đều đã là khách hàng của ông trên 10 năm. Một người kể lại một câu chuyện có liên quan đến nhiều người khác được nhắc tên: James nhận biết ông có nhớ được tất cả những người này.

Khi ba người này bỏ đi, tôi nói, “Ông James ơi! Ông quen biết rất nhiều người và họ yêu mến ông.”

Ông nói: “Họ chỉ là khách hàng mà thôi.” Dường như ông coi các khách hàng của ông không hẳn là những con người.

Vô hình chung ông James đã cô lập hóa cuộc sống của ông đối với mọi người: ngay cả với các người ông đã quen biết từ lâu.

Khi tôi bàn luận với ông James về cái gì đã xây dựng nên cuộc sống của ông, ông quả quyết rằng cuộc sống của ông như một cái Sân Quay Vòng Vòng “Merry-Go-Round.”

“Tôi cứ chạy vòng vòng mà chả đi được tới đâu,” ông nói, “Âm nhạc không hề thay đổi, và mỗi ngày qua, tôi biết chắc những gì sẽ xẩy ra. Tôi rất thoải mái với tình trạng này.”

Ông James không bao giờ liều lĩnh trong đời. Ông đã thuê một căn phố suốt cả đời vì ông nói, “Nếu tôi mua nhà tôi sẽ phải sửa mái dột hay máy sưởi hư.” Ông không lấy vợ và tất cả mọi người thân trong gia đình của ông đã qua đời.

Ông James rất đau khổ. Và ông không có tham vọng, không có mong ước thoát ra khỏi cái Sân Quay Vòng Vòng.

Ông James rất kiêu hãnh vì ông không thiếu nợ một ai.

Nhưng ông cũng không bao giờ giúp đỡ một ai.

Tôi thấy cuộc đời của ông thật trống rỗng

Học sinh lớp Tâm Lý Học của tôi thích câu chuyện về ông James nhưng vẫn trách tôi, “Con hỏi thầy về cuộc đời của thầy được xây dựng ra sao mà?”

Chính tôi đôi khi cũng khó đối diện với thực tại của đời sống của tôi.

Do đó tôi lại mang câu hỏi này về nhà để suy nghĩ… và việc này đưa đến một cuộc duyệt xét tâm hồn.

Thực vậy, tôi đã thay đổi cuộc sống nhiều lần. Càng lớn tuổi tôi càng tiến tới gần hơn một cuộc sống có ý nghĩa hơn, phong phú hơn, lành mạnh hơn.

Tôi quyết định là cuộc đời tôi giống như một người leo núi. Tôi không phải là người “tiên phong” mà cũng không phải là người “tập hậu” theo danh từ nhà binh.

Nhưng trong khi leo tôi lại được mắc nối bằng giây với nhiều người leo trước phía bên trên, và nhiều người khác leo sau tôi phía dưới. Tôi dùng búa để đóng vài cái móc vào vách đá, nhưng đã có những người leo trước làm việc này rồi. Tôi phải biết ơn họ rất nhiều. Nhưng đôi khi cái móc của tôi lại giúp cho những người leo sau tôi. Và đây chính là bài học về cuộc sống.

Có thể là một ngày kia tôi sẽ dẫn đầu một toán leo núi.