Tiến sĩ Burgo cho rằng người ta có khuynh hướng tự định nghĩa mình như “lớn hơn” hay “nhỏ hơn” so với một ai đó.

Không hề có phương trình bằng nhau trong các bài toán mới của người thời nay, chỉ có những phát biểu “bất đẳng thức đúng nghĩa” như người ta thường gọi chúng, được tượng trưng bởi các dấu > (lớn hơn) và < (nhỏ hơn). Bạn định nghĩa mỗi liên hệ và tương tác bản thân theo hai biểu tượng này, trong đó, bạn luôn ở phía lớn hơn. Mỗi lần nói về mình, bạn đều phát biểu các mệnh đề đánh giá bạn > mọi người khác và mọi người khác < bạn. Mỗi câu phát biểu bạn ngỏ cùng những người muốn nghe bạn đều nhấn mạnh tới giá rị của hai mệnh đề này.

Nếu những biến số như x và y được đưa vào phương trình đi chăng nữa, bạn cũng không thèm lưu ý đến việc giải phương trình này. Bạn chỉ có thể tìm cách củng cố các câu phát biểu cho thấy sự bất bình đẳng đúng nghĩa mà thôi, dựa vào phép trừ và phép chia để giảm thiểu hơn nữa phía “nhỏ hơn”; hoặc thay vào đó, dựa vào phép cộng và phép nhân để gia tăng phía bên bạn. Nói tóm lại, bạn sử dụng các phép tính này để gia tăng tầm cỡ tương đối của bạn so với bất cứ ai khác. Giá trị cuối cùng của x và y không tạo nên bất cứ khác biệt nào, bao lâu câu phát biểu chứng minh rằng tầm vóc bạn luôn cao hơn.

Nếu, tỷ dụ như + x bỗng nhiên xuất hiện ở phía “nhỏ hơn”, bạn sẽ lập tức trừ nó hay phủ định nó. Nghĩa là, bạn sẽ nhấn mạnh rằng Người số 1 không hề có một vốn liếng giá trị nào mà bên bạn lại không có trong phát biểu bất đẳng thức đúng nghĩa. Hoặc bạn sẽ tối thiểu hóa x, dùng phép chia làm cho nó nhỏ dần mãi. Một lần nữa, bạn chẳng lưu tâm gì tới giá trị thực sự của biến số đó, chỉ lưu tâm làm sao cho Người 1 xuất hiện như < bạn.

Chiến lược đánh phủ đầu không ngừng không nghỉ của bạn dựa trên các phép tính cộng và nhân, làm vô hiệu sự gia tăng giá trị có thể có của phía bên kia biểu tượng bất đẳng thức đúng nghĩa bằng cách gia tăng giá trị của phiá bên bạn. Bằng cách tự phát lồng các số mới hay khuếch đại các số cũ bằng các hệ số lớn, bạn gia tăng độ lớn của bạn so với mọi người khác. Mặc dù mọi phát biểu của bất đẳng thức đúng nghĩa luôn đặt bạn ở phía lớn hơn, nhưng độ cách biệt càng lớn thì càng hay.

Nếu có nhà toán học nào khác dám thách thức giá trị các phương trình của bạn hay nếu họ dám mưu toan đảo ngược chúng, phản ứng đầu tiên của bạn sẽ là lặp lại phiên bản của riêng bạn, không cần đếm xỉa gì tới các chứng cớ mới được đưa ra. Kinh nghiệm dạy bạn rằng cứ lặp lại hoài một phát biểu toán học sai sẽ thuyết phục được người nghe thừa nhận sự thật của chúng. Nếu chuyện này thất bại, bạn sẽ tìm cách hạ giá nhà toán học đã đề xuất phát biểu mới. Tấn công nhằm vào con người ông ta quả không có chỗ đứng trong toán học, nhưng nào bạn có tôn trọng qui luật này.

Và bạn có lý do làm thế. Vì những cuộc tấn công như thế có kết quả, nghĩa là, người nghe ủng hộ các phát biểu nguyên thủy của bạn về bất đẳng thức đúng nghĩa như thể bạn thực sự đánh bại được thách thức của người sử dụng các phương thế hợp lệ.

Ở điểm này, chúng ta phải nói một điều hiển nhiên: bạn không phải là nhà toán học đích thực vì bạn không hề quan tâm tới điều gì khi sử dụng các con số và phép tính để mô tả thực tại, vốn là mục đích tối hậu của toán học. Sự thất bại của bạn trong việc tiến quá bên kia các phát biểu bất đẳng thức và số học đơn giản là một bằng chứng nữa. Phép cộng, phép trừ, phép nhân, v.v... chỉ có thể dẫn ta đến đó, dù được sử dụng đúng cách. Muốn nắm được trọn vẹn sự phức tạp của thực tại, chúng ta cần những phép tính tinh vi hơn. Về đại số học, chưa nói tới phép vi phân và tích phân, bạn chưa biết gì cả.

Có lẽ kết quả đáng báo động nhất trong thành công của bạn, (rõ ràng bạn thành công vì số lượng người nghe bạn đông đảo), là việc sa sút của ngành toán học truyền thống. Hàng triệu người nay ủng hộ các phát biểu bất đẳng thức của bạn mà không thèm sử dụng đến dấu = (dấu bằng). Bạn đã thuyết phục họ rằng các phép tính của nền toán học cao hơn không những vô dụng mà còn vô giá trị nữa. Khi điều này xẩy đến cho toán học, mọi điều người ta cần biết chỉ còn có thể do bạn dạy cho họ.

Liệu Đại Số Học I và nhiều khóa giảng cao cấp khác có biến mất khỏi học trình của các trường của chúng ta hay không là điều còn phải chờ xem sao. Có lẽ các phân khoa đại học chuyên về toán và cả vật lý nữa cuối cùng rồi sẽ biến mất, để bị thay thế bởi những khóa học tuyên truyền cho các ý thức hệ giống Thời Kỳ Đen Tối thuở nào.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Burgo, vẫn có cơ sở để hy vọng: với sự kiện nó tập chú vào việc chứng minh thế thượng phong ngay lúc này, nền tân toán học của bạn không thể kéo dài quá một tuần hay một tháng, và đó là cái yếu nhất của nó. Vì người ta không thể hủy diệt mọi văn khố hay mọi phần cứng của máy vi tính bằng nghị định hay sắc chỉ. Một ngày kia, khi bạn không còn, các nhà toán học tương lai sẽ duyệt lại các phát biểu bất đẳng thức kia và lấy làm lạ tại sao có người lại tin cái thứ tân toán học của bạn. Với lợi thế của việc nhìn lại, họ sẽ coi thời đại chúng ta là Thời Đại Đen Tối thứ hai. Có lẽ lúc ấy, nền toán học cao hơn sẽ có một cuộc Phục Hưng.