Buổi thuyết trình “Tâm Lý và Cách Giáo Dục Trẻ Vị Thành Niên” (Phần II)

Tuổi vị thành niên: Tìm bản sắc riêng đi vào đời

Tuổi vị thành niên, tuổi teen, tuổi trưởng thành, tuổi đã biết tự chăm sóc bản thân từ vật chất đến tinh thần, tuổi dần hình thành định hướng và bản sắc riêng để vào đời. Thế nhưng đây cũng là tuổi dễ mất phương hướng nhất khi bị ảnh hưởng đa chiều từ gia đình, nhà trường, xã hội và cả mạng lưới thông tin đang bùng nổ. Trên hệ thống mạng toàn cầu, thỉnh thoảng người ta bắt gặp những vụ chơi trội, những vụ gây sốc, có vẻ làm cho người ta khó chịu nhất lại thường do tuổi teen gây ra. Đó là những chuyện như chàng trai chủ động tỏ tình với người con gái mình yêu bằng hàng trăm, hàng ngàn bông hoa giữa sân trường, trong khuôn viên ký túc xá, ở những chốn đông người. Những đoạn phim bạo lực học đường, những hành vi không đúng đắn trong tuổi vị thành niên cũng được tung lên mạng nhan nhản.

Có thể nói tuổi vị thành niên là lứa tuổi phức tạp, khi mà nhận thức bắt đầu bộc lộ thì cũng là lúc các em phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nơi thế giới quanh mình. Giúp đỡ các em có được bản sắc riêng để đi vào đời không phải là điều dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Hiểu được điều này, Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sàigòn đã tổ chức buổi nói chuyện với đề tài: “TÂM LÝ VÀ CÁCH GIÁO DỤC TRẺ VỊ THÀNH NIÊN” (Phần II) do Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên trường Đại Học Sư Phạm trình bày vào chiều thứ Bảy, ngày 26/03/2011 tại Trung Tâm Mục Vụ, Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

Trong phần I, tiến sĩ đã trình bày một số yếu tố ảnh hưởng đến độ tuổi vị thành niên, trong đó đề cập đến sự phát triển cơ thể với hiện tượng dậy thì và các dấu hiệu phát triển giới tính. Trong 4 nhu cầu tâm lý ở độ tuổi này, cô cũng đã trình bày khuynh hướng làm người lớn, với nhận thức về thế giới xung quanh, thái độ với cuộc sống, chứng tỏ khả năng gánh vác công việc, sự phong phú của tình cảm, cũng như hiện tượng yêu sớm và cách thức ứng xử của các bậc cha mẹ khi con lâm vào hoàn cảnh này. (Xin mời tham khảo bài viết tường thuật phần I tại đường link sau: http://www.vietcatholic.org/News/Html/87157.htm)

Trong phần trình bày tiếp theo này, cô đã triển khai 3 nhu cầu tâm lý còn lại. Trước hết là nhu cầu tự khẳng định trong nhóm bạn với biểu hiện đầu tiên là rất thích kết bạn, các em rất hào hứng, chủ động lên các diễn đàn, các trang mạng để kết bạn làm quen với nhau. Qua những trang mạng, trẻ vị thành niên cảm thấy thế giới thật là ấm áp, phong phú, nhưng thật sự nó cũng chứa đựng rất nhiều cạm bẫy, nguy cơ. Ngay trong lớp học, các em cũng rất thích có nhiều bạn chơi cùng, thường thì các em chơi theo nhóm vì thế sẽ là điều khổ tâm nếu một vài em không có nhóm để chơi chung. Họ sẽ hài lòng khi có bạn cùng lớp, khác lớp, ở lớp học ngoại ngữ, nơi khu xóm và các mối quan hệ khác… Các em chứng minh giá trị của mình qua số lượng bạn bè, điều đó thể hiện nhu cầu rất rõ nơi trẻ vị thành niên.

Xem hình buổi thuyết trình

Khi có bạn, các em sẽ quý trọng và gìn giữ mối quan hệ bạn bè này bằng cách tỏ ra trung thành với bạn và bảo vệ tình bạn của mình. Đây là đặc điểm tâm lý mà phụ huynh cần quan tâm, để khi ứng xử với vị thành niên cần quý trọng cả bạn của con. Vì giả như có đối kháng với bạn của con, con thường chọn bạn chứ không chọn cha mẹ, do con cảm nhận rằng bạn hiểu mình hơn cha mẹ, bạn thường không làm trái ý, còn cha mẹ bắt phải làm những việc mà con thấy bất mãn, không hài lòng và con cũng biết rằng nếu mình ngã theo cha mẹ thì bạn sẽ bỏ rơi ngay, còn cha mẹ thì không bao giờ bỏ rơi con.

Tuổi vị thành niên có một nhu cầu rất tha thiết là muốn bạn thừa nhận, muốn được khẳng định mình trong nhóm bạn, tìm đủ mọi cách để bạn thừa nhận vì tìm sự thừa nhận của người khác không phải là điều dễ dàng, đơn giản đối với bất cứ ai. Các em chọn cho mình những cách thức phù hợp với bản thân.

Có những em làm cho bạn nể phục như học cho giỏi, chơi hay: chọn một tài năng nào đó để thể hiện như chơi cờ, chơi thể thao, nhảy hip hop, cả hành động mạo hiểm thậm chí liều mạng, tỏ ra anh hùng…

Có những em khéo léo hơn bằng cách làm cho bạn quý mến, đây là những em có kỹ năng xã hội tốt, có sự nhạy cảm, có phong cách hòa hợp vì vậy khéo léo đối xử trong quan hệ bạn bè, biết gợi chuyện, biết thăm hỏi bạn khi cần thiết, biết rủ bạn chơi, biết cách tặng quà cho bạn để tạo ấn tượng tốt, tạo sự cảm mến nơi bạn bè.

Có những em chủ động làm cho bạn tin tưởng vào mình bằng cách rất sẵn sàng lắng nghe bạn khi bạn có nhu cầu tâm sự, giữ bí mật, cố giải đáp thắc mắc…

Cũng có những em tỏ ra có ích đối với bạn, thậm chí chịu thiệt vì bạn, cho bạn những thứ bạn cần, như là vị cứu tinh trong những lúc cần thiết, tạo nên ấn tượng khó phai.

Con trẻ muốn được thừa nhận bằng nhiều phản ứng khác nhau nên cha mẹ cần giúp con trẻ có những cơ hội được thừa nhận một cách lành mạnh, bổ ích, tìm cho con một tài năng, giúp con chinh phục tình cảm của bạn bè, hãy là cầu nối cho con với các bạn của chúng. Khi con đã được bạn chấp nhận thì chúng sẽ không có những hành vi lạ lùng gây khó hiểu cho người khác.

Nhu cầu tự khẳng định trong nhóm bạn không phải em nào cũng được đáp ứng, trẻ vị thành niên cũng gặp nhiều trở ngại. Trở ngại lớn nhất là bị cô lập và bỏ rơi, vì trẻ muốn có bạn nhưng không có người chơi cùng. Trẻ vị thành niên chơi theo nhóm, cùng sở thích, cùng hoàn cảnh như có nhóm là những em thích học, có nhóm là những em thích làm điệu, thích mua sắm, thích chơi game… Các em liên kết với nhau theo cùng một đặc điểm nào đó. Những em có hoàn cảnh bất hạnh cũng dễ tìm đến nhau, nên dễ xảy ra sự cộng hưởng, hành vi cũng dễ trở nên cực đoan.

Trong lớp các em thường chơi theo nhóm, nhưng sẽ có một số em không có nhóm để chơi. Nhu cầu được thừa nhận ở những em này gặp khó khăn, thường đó có thể là những em là con một trong gia đình, không biết cách lân la với bạn, thiếu kỹ năng xã hội, không quen thích ứng với bạn. Đôi khi đó là những em có hoàn cảnh gia đình khác biệt, lối giáo dục cha mẹ khác với tình hình chung, thời nay lại có hiện tượng tréo ngoe khi cha mẹ giáo dục con kỹ lưỡng, trẻ nói năng lễ phép, từ tốn, trôi trải vào trong lớp lại không có bạn vì tuổi vị thành niên theo xu hướng thời @, sử dụng ngôn ngữ @, trẻ thông thích ứng được nên không có bạn, trở nên bị cô lập.

Có những em có bạn bè chơi chung, nhưng khó xử giữa 2 trạng thái hòa đồng hay độc lập. Có những lúc khó chịu khi phải theo ý kiến của chúng bạn chứ không được làm theo ý mình, bức bối vì phản ứng chống đối bạn thì sẽ bị cô lập.

Các em chơi với nhau theo nhóm, theo tương tác nhóm thì trong một nhóm thường có một người đóng vai trò thủ lĩnh. Tuy nhiên, trong nhóm có thể các em phục tùng thủ lĩnh nhưng cũng có em tuy chơi cùng nhưng lại không nể phục thủ lĩnh, nếu tranh thủ sự ủng hộ của các bạn để trở thành thủ lĩnh thì em này không đủ sức. Vì thế đương sự sẽ sống khổ sở vì rơi vào trạng thái lưỡng lự giữa việc khuất phục thủ lĩnh hay thu phục các bạn khác để trở thành thủ lĩnh, dẫn đến tâm lý không ổn định khi luôn phải nghĩ đến sự cạnh tranh.

Chơi với bạn thì phải chiều theo bạn, làm sao để bạn chấp nhận mình nên trẻ khó từ chối yêu cầu của bạn, ngay cả khi nhận ra rằng yêu cầu đó vô lý. Đôi khi trẻ không biết làm sao, đáp ứng hay từ chối những yêu cầu vô lý của bạn.

Trong lớp, các em chơi với bạn nhưng đôi khi có cảm giác “một mình” với bất công, ấm ức khi không được đối xử tốt như những bạn khác, nhất là ấm ức với sự thiên vị trong cách cư xử của ban cán sự lớp.

Những em có chức vụ và thành tích học tập cũng gặp khó khăn về mặt tâm lý. Làm ban cán sự lớp thường hay lâm vào cảnh trên đe dưới búa, nếu bạn làm sai mà không ghi nhận thì bị thầy cô quở phạt, nếu ghi nhận thì bị bạn bè trách cứ. Học giỏi nhiều khi cũng bị gièm pha, nếu được điểm cao mà vui mừng thì bị xem là chảnh, còn nếu không tỏ thái độ thì bị xem là đạo đức giả. Các em phải đối phó với thái độ từ những người bạn đồng trang lứa với mình.

Ngoài những trở ngại trong quan hệ bạn bè bình thường, các em còn có những trở ngại khi tiếp xúc với bạn khác giới. Khó khăn nhất là khó kềm chế cảm xúc, dễ phân tâm khi xuất hiện cảm xúc giới tính và bị chi phối bởi những cảm xúc mới mẻ này, bản thân các em nhiều khi không muốn bị phân tâm.

Kế đến là bị trêu chọc, ghép đôi mà không biết phải ứng xử như thế nào, khi thích hay không thích sự gán ghép đều không biết phải ứng xử làm sao để bạn bè không trêu chọc nữa. Tất cả những kinh nghiệm ứng xử đó đều mới mẻ, lạ lùng nên các em thường có những phản ứng vụng về, làm tổn thương nhau.

Làm sao để ngỏ ý tình cảm mình dành cho người khác phái và từ chối tình cảm người bạn dành cho mình cũng là một thách thức. Ngỏ ý hay từ chối tình cảm đều sợ bạn mình buồn, đau khổ, suy sụp, rồi dằn vặt nghĩ mình gây nên tội lỗi.

Các em cũng thường ngộ nhận cảm xúc với tình cảm, đó là những xao xuyến tạm thời chứ chưa có thể đi đến mối quan hệ bền vững. Việc các em ngộ nhận và đối phó với sự cấm cản đã được trình bày trong phần I.

Ngược lại, có những em chưa xao xuyến về tình cảm khác phái, đôi khi lại mặc cảm lẻ loi, kém duyên, băn khoăn thèm muốn được như bạn bè, để được sự quan tâm lo âu của bạn khác giới. Đây là đặc điểm tâm lý khác biệt so với những thời trước do ảnh hưởng của lối sống hiện đại.

Trẻ vị thành niên còn có nhu cầu xác định bản sắc riêng, với biểu hiện đầu tiên là mất thời giờ nắn nót chữ ký, điều này thường xảy ra ở các em lớp 6, lớp 7 (12-13 tuổi). Các em cũng đưa ra triết lý về chữ ký để bộc lộ bản sắc riêng, ý thức được tại sao tôi ký như vậy: ký liền một nét để không giữa đường gãy gánh, nét đi tới chứ không vòng lại ở đoạn cuối để về già được thanh thản, ký làm sao khi khoanh chữ ký lại thành hình chữ nhật hay hình bình hành để cuộc đời bình an, nếu ra hình tam giác thì đời có nhiều kẻ thù.

Bản sắc được bộc lộ rõ hơn khi các em thường soi gương, chọn cách thể hiện (khoảng 14 tuổi), chú ý đến sắc vóc, chọn cách xuất hiện trước mắt mọi người với mắt bồ câu, nụ cười hút hồn, dáng đi hoàn vũ.

Bản sắc càng được xác định rõ hơn khi trẻ vị thành niên tạo cho mình biệt danh, các em chọn cho mình một tên gọi không trùng lắp với người khác, tên gọi nghe một lần không thể quên được. Biệt danh cũng nói lên được tâm lý của trẻ ổn định hay không. Có những em nữ sinh nhìn bề ngoài hiền lành, thùy mị, ít nói nhưng giới thiệu biệt danh là “Người điên của thế kỷ”: Biệt danh này ẩn chứa sự nổi loạn ở bên trong, muốn chứng tỏ sự không bình thường của mình. Có những em gái đeo mắt kiếng nhiều màu sắc, đầu kẹp nơ, bông tai lủng lẳng, tay hai ba loại vòng, giới thiệu mình là “Ốc điệu”: Cho thấy em nhìn ra được tính cách con người của mình. Có những em mam sinh người nhỏ thó, xanh xao nhưng tự giới thiệu biệt danh là “Thiên thần đen”: Ẩn chứa sự khao khát một sức mạnh, khao khát sự thể hiện. Các em còn thích đặt biệt danh cho người khác, thậm chí còn rất hào hứng đặt biệt danh cho cả thầy cô, và đó là trò nghịch ngợm của học sinh.

Bản sắc riêng sẽ càng sâu sắc hơn theo độ tuổi khi xây dựng triết lý mới lạ như là một tuyên ngôn của người đã lớn, các em cho rằng mình đã hiểu biết, lý luận sâu sắc. Tuổi này luôn tìm sự đột phá trong suy nghĩ, trong quan niệm, không thích đi theo lối mòn mà người lớn đã bày sẵn. Các em không phủ nhận những gì người lớn nói, nhưng lại tìm cho mình một cách nói khác đối lập, thậm chí bẻ chữ, lập luận cùn: “Một sự nhịn, chín sự nhục”, chữ có nghĩa của nó hết, nhớ đi với thương, tức đi với giận, đau đi với khổ, buồn đi với rầu, thành ra nhịn đi với nhục! Mặc dù các em biết nói sai nhưng khoái chí vì không ai có thể lập luận để đè đẹp lý luận của mình, các em muốn làm người lớn theo kiểu của mình chứ không theo khuôn mẫu, sự áp đặt của cha mẹ.

Dần dần các em nói một cách thú vị hơn và thuyết phục hơn: “Nhìn lên hay hơn nhìn xuống”, sống ở đời phải nhìn lên để tiến bộ, phấn đấu, chứ nhìn xuống mình cứ thấy mình hơn người khác, để rồi cứ an phận thì mình sẽ lạc hậu. Không phải lập luận nào của trẻ cũng vô lý, có khi lập luận của người lớn không hợp lý theo từng hoàn cảnh.

Có thể chúng ta phải giật mình khi nghe các em nói rằng: “Không bao giờ hối hận quá 3 phút!”, nghe có vẻ ngạo ngược, nhưng được giải thích một cách chí lý rằng điều quan trọng không phải ngồi đó để hối hận.

Học = không rớt, có nghĩa là Không học = rớt. Cộng vế với vế: Học + không học = không rớt + rớt, đặt thừa số chung: Học ( 1 + không) = Rớt ( 1 + không). Cuối sùng suy ra Học = Rớt, học cũng rớt như thường. Các em biết rằng đây là cân bằng phương trình kiểu ngụy biện, nhưng vẫn rao truyền với nhau kiểu tư duy này. Điều đó cho thấy tuổi vị thành niên cắc cớ vô cùng và luôn tìm một cái gì đó đột phá, khác biệt, lạ lùng mà mình cho rằng là có lý.

Lên đến cấp ba (từ 16 tuổi), những triết lý này sẽ được chỉnh đốn lại, để các em hình thành một định hướng giá trị và tạo ra quan điểm sống cho vị thành niên. Đây là bước ngoặc rất quan trọng để người ta trưởng thành. Khi viết blog, các em thường tạo cho mình một câu tâm đắc, như là kim chỉ nam. Có thể nhìn vào nội dung đó để thấy một trẻ vị thành niên thể hiện bản sắc của chúng và định hướng giá trị có lành mạnh hay không.

Có thể thấy những câu như: “Hãy trở thành cầu vồng sau mỗi cơn mưa!” như là một lời nhắc nhở hãy đứng dậy mỗi khi vấp ngã; “Mọi tự do giới hạn ở chỗ… chạm tới tự do của người khác!”; “Người đùm bọc, che chở tốt nhất cho ta là tài năng và đức hạnh của chính mình”, chứng tỏ khả năng độc lập và tự vực mình lên.

Song song đó không ít các bạn trẻ chọn cho mình những câu không đáng để quan tâm. Cần quan tâm đến những câu mà các em chọn để chỉnh đốn suy nghĩ không đúng đắn, nhất là những câu nửa đùa nửa thật vì trong đùa có thật: “Lời nói không mất được đâu, lựa lời mà nói để câu được tiền”, điều này quá đề cao đồng tiền bất kể đạo đức.

Trong độ tuổi vị thành niên, các em sẽ có có quá trình để hình thành nên bản sắc của mình, quá trình này có nhiều biến động, đó là nhu cầu xác định bản sắc riêng. Trước hết, các em thường hay tự chất vấn lại những giá trị trước đây người lớn đã trao cho mình, hoặc giáo dục mình để đưa đến kết luận mới, quyết định mới. Điều này thể hiện bản sắc hình thành nơi đứa trẻ, các em biết rằng mình đang làm gì và tại sao mình làm như vậy, thích làm hay không, vì sao không thích mà vẫn làm, hiểu rõ tôi là người như thế nào. Chẳng hạn, khi còn là học sinh tiểu học, trẻ được dạy “đi thưa, về trình” là một hành động tốt, lễ phép nhưng một ngày nào đó ở tuổi vị thành niên em sẽ tự chất vấn có cần thiết thưa trình không, khi mà có nhiều người không thưa trình cũng không phải là người xấu. Có em quyết định không thưa trình nữa, có em thì tiếp tục thưa trình nhưng xem đó chỉ là một hình thức xã giao chứ không là hành động tốt xấu, hoặc chỉ xem đó là hành động nhằm để cha mẹ vui lòng.

Có những em tự chất vấn nhưng không đưa ra được kết luận, không biết phải làm sao, lúc thì thế này, lúc thế khác, không có cơ sở lý luận vì sao làm như vậy. Đây là trường hợp bản sắc bị khủng hoảng. Cũng trong ví dụ trên, có em không biết có nên thưa trình nữa không, vì thấy ông bác sĩ nọ không thưa trình cũng được nể trọng, còn cô giáo kia có thưa trình cũng được kính trọng, em cứ mãi băn khoăn mà không ra quyết định dứt khoát, lúc thưa, lúc không.

Có những em đến tuổi vị thành niên nhưng không chất vấn, cha mẹ, thầy cô bảo sao thì làm vậy dẫn đến bản sắc quá hạn. Tuy trẻ ở tuổi vị thành niên nhưng đang sống bằng hình ảnh ở tuổi tiểu học của mình, vẫn là một nhi đồng trong một cơ thể vị thành niên, không cập nhật được sự phát triển của bản thân, với biểu hiện là thường lệ thuộc vào một người nào đó.

Gió chiều nào, ngã theo chiều đó, không chất vấn, mà cũng chẳng quyết định, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Đó là những em đi với bạn thì cả nể bạn, về nhà thì lệ thuộc gia đình, sống theo hứng thú, sống theo bản năng hơn là lý trí, làm cho bản sắc phân tán, mờ nhạt.

Trong xã hội, có những người đi qua tuổi vị thành niên rồi nhưng bị kẹt lại, không bức phá ra được để trở thành người lớn, nguyên nhân là do cách giáo dục của gia đình. Thường cha mẹ giáo dục con bằng thái độ quá hà khắc dễ đẩy con vào trạng thái bản sắc khủng hoảng, vì trẻ muốn nổi loạn, muốn bứt phá nhưng không bức ra khỏi luân lý đạo đức được, không biết phải làm sao. Cha mẹ mà ôm ấp, bảo bọc, chăm lo cho con quá, áp đặt con quá thì con sẽ làm con thành bản sắc quá hạn. Cha mẹ bỏ mặc con, lối sống gia đình không có nề nếp, con sẽ rơi vào tình trạng bản sắc phân tán, gần như không có bản sắc. Giáo dục con một cách đúng đắn, phải để cho ở giai đoạn tuổi vị thành niên con được quyền tự chất vấn, cho con nói lên suy nghĩ của mình để tự điều chỉnh lại, hình thành nên bản sắc.

Đến cuối tuổi trung học phổ thông (16-18 tuổi) thì các em có nhu cầu định hướng nghề nghiệp, người vị thành niên cần được định hướng trên những cơ sở có lập luận khoa học rõ ràng. Cơ sở định hướng nghề nghiệp không chỉ là sở thích mà còn là có khả năng hay không. Thường trẻ vị thành niên rất mờ mịt về định hướng do thiếu cơ sở, không biết được năng lực của mình là gì. Nếu trẻ có bản sắc thì biết được năng lực, biết được mình giỏi cái gì, dở cái gì, trên cở sở năng lực mới chọn ra sở thích phù hợp.

Bên cạnh đó, trẻ phải hiểu về đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp. Chẳng hạn có những em thích làm bác sĩ vì thấy rằng đây là nghề vĩ đại, chuyên đi cứu người nhưng lại không biết rằng đó là nghề rất vất vả, cực nhọc và đầy hy sinh. Cần giúp cho con trẻ hiểu được đặc điểm và yêu cầu của nghề nghiệp để chọn nghề không chệch hướng.

Cũng cần phân tích điều kiện để theo đuổi nghề nghiệp, chẳng hạn có em thích làm hướng dẫn viên du lịch. Đây là nghề thường đi đó đây, nhưng đến lúc lập gia đình sẽ trở ngại, và nghề này chỉ thích hợp ở một độ tuổi nào đó, cần suy nghĩ đến chuyện khi quá tuổi thì sẽ phải làm nghề gì. Nếu thích trở thành nha sĩ, khả năng học thì có nhưng cũng cần suy tính có đủ điều kiện tiền bạc mua trang thiết bị để học, liệu có theo được nghề hay không, đó là vấn đề cần được đặt ra.

Do không có được những hướng dẫn thích hợp các em thường gặp phải những khó khăn như chọn nghề theo sự kỳ vọng và sự áp đặt của cha mẹ hơn là khả năng của bản thân. Hoặc các em bị tác động bởi thông tin và thiếu thông tin về nghề nghiệp, chẳng hạn có những sinh viên nông thôn chỉ biết ngoài nghề nông là nghề dạy học, không biết các nghề khác để lựa chọn phù hợp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 55 % sinh viên tại TP.HCM, 30% ở Đồng Nai biết mơ hồ về nghề nghiệp, và 10% hoàn toàn không biết gì về nghề nghiệp tương lai. Hầu như là do họ chưa xác định được bản sắc riêng, ngoài nguyên nhân từ gia đình, còn có nguyên nhân từ nhà trường: do điểm ảo, thành tích ảo, không xác định được khả năng, các môn học nổi trội để định hướng nghề nghiệp tương lai. Các cuộc khảo sát cho thấy 40% chọn học nghề không phù hợp.

Tầm quan trọng của bản sắc riêng: Bản sắc riêng được xác định nghĩa là một cá nhân nào đó nhận thức rõ bản thân tôi là ai. Từ đó, định hướng cuộc đời, định hướng nghề nghiệp mới rõ ràng và nhờ vậy có được nền tảng của hạnh phúc. Ngược lại, bản sắc không rõ ràng thì rất nguy hiểm, bản thân không thành công và khó hạnh phúc, đứng về góc độ xã hội sẽ làm thất thoát tài năng, hiệu quả kinh tế kém. Hiện nay, số sinh viên đại học có bản sắc không nhiều, một xã hội mà con người thiếu bản sắc thì rất nguy hiểm.

Ở giai đoạn tuổi vị thành niên điều quan trọng nhất là phải giúp trẻ hình thành được bản sắc riêng. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy đón nhận con mình như là những gì trẻ thực có, làm sao để con sống bình an, hạnh phúc với những đặc điểm riêng của trẻ, đó là triết lý chung cần ghi nhận.

Xen lẫn trong phần trình bày của mình, tiến sĩ đã trả lời nhiều câu hỏi của khán giả để giải quyết các hoàn cảnh khác nhau mà các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên gặp phải trong cuộc sống. Hy vọng rằng qua đề tài này, các bậc phụ huynh có những điều chỉnh thích hợp trong cách giáo dục con cái và quan tâm đúng mức để con cái mình trưởng thành một cách chững chạc, tạo được bản sắc riêng để vững bước đi vào đời.

Sàigòn, ngày 31 tháng Ba năm 2011,

Tạ Ân Phúc