VĨNH QUANG- Một linh mục có sáng kiến dựng một ngôi nhà sàn bên cạnh nhà xứ, một kiểu nhà đặc trưng của người dân tộc Thái miền tây bắc, nhắm tới mục tiêu truyền giáo và đào tạo nhân sự truyền giáo cho các sắc tộc thiểu số trong vùng.

Tân tòng Maria Hoàng thị The
Bà Maria Hoàng Thị The, một tân tòng dân tộc Thái, cho biết mới đây sau khi bà kết thúc khóa đào tạo “tác viên truyền giáo dành cho giáo dân các dân tộc thiểu số” vào ngày 9 tháng 4 vừa qua tại giáo xứ Vĩnh Quang: “Tôi thật sự sung sướng và xúc động khi được vinh hạnh cùng mọi người học hỏi giáo lý về truyền giáo ngay trong ngôi nhà sàn thân thương của dân tộc mình, mặc dù tôi là một người mới nhập đạo, đó là điều gây thích thú và bất ngờ lớn cho các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Thái chúng tôi.”

Bà The, 54 tuổi, cùng với 44 người khác đã kết thúc khoá học truyền giáo diễn ra một tuần từ ngày 4 đến 9 tháng 4 ngay tại ngôi nhà sàn này, toạ lạc cạnh nhà xứ Vĩnh Quang, thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cách Hà Nội 270 km về hướng tây bắc, chiếm một nửa trong số các học viên là các tân tòng người Thái, nửa còn lại là người H’mông, khoá học do linh mục Hồng và giáo xứ tổ chức, còn chương trình giảng dạy giáo lý và kinh phí ăn học do giáo phận lo liệu, tiêu chuẩn chi 8000 đồng một người một ngày.

Hai thiếu nữ H'mong vừa mãn khóa Tân Tòng
Người phụ nữ Thái này thuộc bản Cò Cọi, xã Sơn A, huyện Văn chấn, gần giáo xứ, phát biểu thêm: “Hạnh phúc hơn nữa là mặc dù mới gia nhập đạo, vốn hiểu biết giáo lý chưa nhiều, nhưng chúng tôi được Đức Chẩu Phạ, nghĩa là Chúa Trời Đất tuyển chọn trở thành những người gieo hạt giống Tin Mừng tình thương cho chính bà con dân tộc của mình.”

Bà tự hào nói: “Từ khi nhập đạo Công giáo, người Thái chúng tôi đi tới đâu cũng nhận được sự trân trọng, niềm tin yêu và quí mến của bà con giáo dân người Kinh trong giáo xứ này, đặc biệt là cha xứ, họ coi chúng tôi như bạn bè, người cùng một nhà, nhất là tình thương người nghèo, và người Thái cũng cảm thấy hãnh diện khi được quyền tự nhiên ra vào nhà xứ mà không sợ hãi gì nhất là vào ngôi nhà sàn này, điều này không thể có kể từ cách đây ba năm trở về trước, khi mà nơi đây chưa có linh mục xứ, người Thái rất ngại vào nhà thờ nhà xứ vì không được ai đón tiếp.”

Người phụ nữ Thái còn nhận xét, kể từ khi gia nhập đạo, người Thái thấy “bầu trời trên đầu mình rộng lớn hơn, cao hơn, nhất là người cùng làng xóm biết yêu thương nhau hơn, biết chia sẻ cơm áo cho nhau những lúc khó khăn.”

Bà nhận xét thêm: “Có được sự thay đổi lớn lao này phải kể đến công đầu của Cha Hồng, một linh mục đến đây chưa lâu, nhưng ngài không chỉ dành thời gian viếng thăm, chia vui sẻ buồn với người Thái mà cha còn giảng giải hàng ngày trên nhà thờ cho bà con người Kinh nhận ra xứ mệnh truyền giáo của mình và nhận ra cả những thiếu xót của mình nữa, nên não trạng của họ cũng thay đổi nhiều theo tháng năm.”

Theo bà The, tương lai hứa hẹn rất nhiều cho gia đình và dòng họ của bà, vì sau khi bà theo đạo, con cái, dòng họ không ai phản đối mà còn có cảm tình, con gái và cháu gái bà chưa có đạo nhưng cũng được cha xứ mời tham gia trình diễn các tiết mục văn nghệ nhân các dịp lễ lớn của Đạo, hy vọng tương lai không xa chúng sẽ gia nhập đạo Công giáo, vè phía chính quyền địa phương lúc đầu họ cũng gây khó khăn nhưng bây giờ họ cũng không phản đối nữa.

La Thị Hạnh, học sinh lớp 7, không Công giáo, cũng thuộc bản Cò Cọi, nói : “Mặc dù chưa theo đạo, nhưng em thấy ngôi nhà sàn thân thương, em rất thích, nên đã tới thăm và không ngại đến gặp cả cha xứ nữa, để xin ngài giúp đỡ em một ít tiền ăn học, vì nhà em nghèo quá, không đủ cơm ăn, mỗi năm thiếu 3 hay 4 tháng.”

Em còn quả quyết, chắc chắn em sẽ “gia nhập đạo kể cả bố mẹ em nữa.”

LM Lê văn Hồng dậy em dự tòng Hạnh và bà The
Linh mục quản xứ Vĩnh Quang Micae Lê Văn Hồng, phát biểu sau khoá học: “ý tưởng và mục đích của tôi khi xây dựng ngôi nhà sàn này trong nhà xứ là muốn biến nó thành một biểu tượng, một ngôi nhà chung cho các dân tộc trong vùng, đặc biệt là người Thái, không chỉ có thế nhưng còn là nơi dùng để thỉnh thoảng đào tạo tông đồ giáo dân người dân tộc kể cả việc dạy giáo lý cho họ nữa, và lớp học vừa qua là khóa đầu tiên đã mang đến thành công và hiệu quả không ngờ ngay sau khi ngôi nhà được hoàn thành.”

Cha Hồng, 46 tuổi, được cử về coi sóc giáo xứ Vĩnh Quang và kiêm nhiệm ba giáo xứ khác trong vùng vào tháng 8 năm 2003, phát biểu thêm: “Tôi cũng không ngờ ngôi nhà sàn lại gây tác động và cảm tình mạnh mẽ cho người dân tộc đến thế, nhất là người Thái, họ trở nên thân thiện và ra vào nhà xứ gặp tôi và gặp mọi người tự nhiên hơn, đó là một thuận lợi cho cánh đồng truyền giáo có nhiều sắc tộc thiểu số ở đây, trong công cuộc truyền giáo cho các sắc tộc thiểu số ở đây, thật tạ ơn Chúa, tôi chỉ là dụng cụ của Ngài.”

Cha cho biết, kinh phí xây dựng ngôi nhà sàn này hết 110 triệu đồng, với tổng diện tích nhà sàn là 300 m2 bao gồm cả trên và dưới sàn. nhà sàn được làm toàn bộ bằng gỗ Pơ mu (gỗ thông), một loại gỗ quí trong vùng, thi công trong hơn một năm mới xong.

Bên trong nhà sàn và hình Cha Hồng dứng trước cầu thang
Cha cho biết thêm: “Tôi cảm thấy vui khi các dân tộc ở đây đã thay đổi não trạng, họ biết thương yêu nhau, không phân biệt, sống ích kỷ như trước đây, mà còn cộng tác đắc lực với tôi trong việc truyền giáo cho người dân tộc bằng những cách khác nhau.”

Theo thống kê của Cha, thì chưa đầy 3 năm qua đã có khoảng 300 người Thái, người Dao gia nhập đạo Công giáo, và chừng ấy nữa đang là dự tòng, sẽ được học giáo lý và rửa tội trong một tương lai gần, chưa kể người H.mông, và đã có khoảng 10 giáo điểm được thành lập, mỗi nơi từ 20 đến 50 dự tòng, giáo điểm xa nhất cách giáo xứ 120 km về phía tây bắc.

Một số giáo dân người Kinh tại đây cho biết, bà con nơi đây cảm thấy thán phục nhưng không khỏi ngạc nhiên về công trình này. Ông Giuse Nguyễn Thạc nói: “Lúc đầu khi thấy cha xứ dựng ngôi nhà sàn trong giáo xứ, ai cũng cảm thấy ngạc nhiên và nghĩ rằng vị linh mục này chịu chơi thật, vì việc mua nhà sàn về để dựng lên cho đẹp, cho có văn hoá đang là mốt chơi thời thượng của nhiều người giàu có, chịu chơi không chỉ trong vùng, mà còn có cả các tỉnh khác kể cả Hà Nội, cho nên mới có tình trạng chảy máu nhà sàn.”

Ông nói nói thêm: “Nhưng nay thì mọi người té ngửa ra, ngôi nhà không chỉ là biểu tượng để gìn giữ nét văn hoá nhà sàn của các dân tộc trong vùng, là ngôi nhà chung, nhưng còn là nơi đào tạo tông đồ truyền giáo nữa, một công trình không vô nghĩa chút nào và đẹp lòng Thiên Chúa.”

Maria Nguyễn Thu Huyền, thì nói: “Giáo dân Vĩnh Quang nay không còn ngạc nhiên nữa mà ai cũng cảm thấy hài lòng về công trình nhà sàn này dang cho Chúa mang nét hội nhập văn hoá, vì thế ai cũng thấy mình có trách nhiệm cộng tác với cha xứ trong việc cầu nguyện cho việc truyền giáo, nếu có thể cùng tham gia đi vào các bản làng để truyền giáo nữa.”

Theo thống kê của tỉnh Yên Bái, tỉnh Yên Bái là một tỉnh có 30 dân tộc sinh sống, đông hơn cả là các dân tộc Thái, H,mông, Mường, Dao, Tày..., trong đó huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ có tới 18 dân tộc chung sống, tạo lên hàng trăm bản làng đan xen nhau trên cánh đồng Mường Lò phì nhiêu nhất tỉnh.