Những giờ định mệnh

Các tài liệu phát hiện gần đây cho thấy Hoa Kỳ đã hoạch định cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm kể từ năm 1961, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chối không cho Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam để mở rộng chiến tranh, và biến cố Phật Giáo vào tháng 5 năm 1963 được coi là một cơ hội tốt nhất để Hoa Kỳ thi hành quyết định của mình. Cuộc đảo chánh này đã được cơ quan CIA hoạch định rất chu đáo từng chi tiết, không để một kẻ hở nào. Ấy thế mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã thoát ra được khỏi Dinh Gia Long chỉ một thời gian ngắn sau khi cuộc đảo chánh bắt đầu. Nếu Tổng Thống Ngô Đình Diệm không chống lại các kề hoạch phản công và không quyết định ra trình diện, cuộc đảo chánh rất khó thành công.

Trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng, Tướng Trần Văn Đôn cho biết khi hay tin ông Diệm và ông Nhu đã ra khỏi Dinh Gia Long, Lucien Conein, người điều khiển trực tiếp cuộc đảo chánh, đã hỏi: “Hai ông ấy đi đâu? Phải bắt lại cho kỳ được, vì rất quan trọng”.

Trong cuốn “Việt Nam 1954 - 1975, Những sự thật chưa hề nhắc tới”, hai tác giả Hoàng Lạc và Hà Mai Việt cho biết khi hay tin ông Diệm và ông Nhu đã rời khỏi Dinh Gia Long, nhóm đảo chánh hết sức lo sợ. Tướng Minh kéo Tướng Là tới và bảo: “Toa đừng có lo, Moi đã tiên liệu rồi, Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng hai Dakota C47 bên Liên Đoàn Vận Tải để chúng ta và gia đình đi khỏi nơi này nếu cần”.

Sau khi cuộc đảo chánh kết thúc, Tòa Đại Sứ Mỹ và cơ quan CIA đã mở một cuộc điều tra để xem vì sơ hở nào mà hai ông Diệm và Nhu đã thoát ra được khỏi Dinh Gia Long. Ông Adams, Đệ Nhất Tham Vụ của Tòa Đại Sứ Mỹ tại Saigon đã đích thân đến gặp ông Cao Xuân Vĩ, người có mặt trong Dinh Gia Long khi cuộc đảo chánh xẩy ra, để điều tra về vụ này. Ông Cao Xuân Vĩ cho biết lúc đó ông chỉ trả lời qua loa, nói rằng ông chỉ là kẻ thừa hành, không biết gì nhiều về chuyện này.

Nay một trang sử đen tối của đất nước đã được lật qua, ông Cao Xuân Vĩ đã tiết lộ cho chúng tôi đầy đủ những chi tiết về cuộc ra đi khỏi Dinh Gia Long của ông Diệm và ông Nhu đã làm Tòa Đại Sứ Mỹ và cơ quan CIA hoảng sợ. Tuy nhiên, trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ trình bày những nét chính. Toàn bộ chi tiết của vụ này sẽ được chúng tôi trình bày đầy đủ trong bộ “Những bí ẩn lịch sử đàng sau cuộc chiến Việt Nam” Quyển II.

Để độc giả dễ nắm vững vấn đề hơn, trước hết chúng tôi xin lược qua kế hoạch tổ chức đảo chánh của CIA, sau đó sẽ trình bày vể vụ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu rời Dinh Gia Long.

1.- CIA XEM GIÒ XEM CẲNG

Sau khi cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 kết thúc, nhiều người lầm tưởng rằng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim và Đỗ Mậu là những nhân vật chủ chốt cầm đầu cuộc đảo chánh đó. Phật Giáo đã cử phái đoàn đi quàng vòng hoa cho Tướng Tôn Thất Đính và Tướng Trần Văn Đôn. Những nghĩ như thế là lầm.

Cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960 do Đảng Đại Việt chủ mưu là một sự trắc nghiệm để CIA biết ai là những kẻ trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm và tìm cách biến họ thành những tay sai của CIA trong việc lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Nhu không ngờ được chuyện này.

Khi cuộc đảo chánh này xẩy ra, Thiếu Tướng Nguyễn Khánh đang giữ chức Thư Ký Thường Trực Quốc Phòng ở Phủ Tổng Thống. Tướng Khánh đang ở nhà, nghe tin có đảo chánh, đã chạy vào Dinh Độc Lập. Thấy cửa đóng, ông leo qua hàng rào để vào. Tổng Thống Ngô Đình Diệm phong cho Tướng Khánh làm “Tư Lệnh Toàn Quyền” để thương lượng với phe đảo chánh.

Tướng Nguyễn Khánh ra hỏi Trung Tá Vương Văn Đông, người đang chỉ huy cuộc đảo chánh: Mấy anh muốn gì?”. Trung Tá Đông cho biết muốn thay đổi chính phủ, trao chính quyền lại cho quân đội. Tướng Khánh vô trình ông Diệm và ông Nhu rồi trở ra cho biết Tổng Thống đã đồng ý và mời các tướng lãnh đến họp ở Bộ Ngoại Giao để bàn chuyện thay đổi chính phủ. Trong khi đó Tướng Khánh lại xúi ông Diệm kêu gọi Đại Tá Trần Thiện Khiêm đem Sư Đoàn 7 ở Mỹ Tho về giải cứu thủ đô. Nhờ sự câu giờ của Tướng Nguyễn Khánh, Đại Tá Trần Thiện Khiêm đã đem quân về giải vây Dinh Độc Lập. Tướng Nguyễn Chánh Thi, Trung Tá Vương Văn Đông và một số người tham gia đảo chánh đã phải bỏ chạy qua Cam-bốt. Những người liên hệ khác kẹt lại đã bị bắt.

Sau vụ này, Thiếu Tướng Nguyễn Khánh được thăng lên Trung Tướng và cho giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, rồi đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn II, còn Đại Tá Trần Thiện Khiêm được thăng lên Thiếu Tướng, cho giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Vợ Tướng Khiêm được bầu làm Dân Biểu Quốc Hội, luôn đi cạnh bà Ngô Đình Nhu. Biết ông Diệm và ông Nhu tin tưởng Tướng Khánh và Tướng Khiêm, CIA móc nối ngay.

Người thứ ba được CIA chú ý là Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, vì đây là một sĩ quan có khả năng đang được ông Ngô Đình Nhu đánh giá cao và xây dựng để cho giữ những chức vụ quan trọng sau này. Đại Tá Thiệu lại đã theo Đạo Công Giáo khi lấy một bà sơ người Mỹ Tho xuất dòng, nên càng được ông Nhu tin cậy hơn. Năm 1957, Đại Tá Thiệu được cho đi học một khóa chỉ huy và tham mưu tại Command and General Staff College ở Ft. Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ. Năm 1959 được đi tu nghiệp tại Okinawa, Nhật Bản, và năm 1960 trở lại Hoa Kỳ học về võ khí mới ở Fort Bliss. Đây là cơ hội tốt để CIA móc nối.

Cuối năm 1960 Đại Tá Thiệu trở về Việt Nam, được Ông Ngô Đình Nhu tạm thời cho làm Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hành Quân do Tướng Dương Văn Minh đang làm Tư Lệnh. Đây là một tổ chức mới được lập ra để cho Tướng Minh “ngồi chơi xơi nước”, vì Đoàn Công Tác Đặc Biệt vừa khám phá ra Tướng Minh đã liên lạc và chứa chấp hai tên tình báo Việt Cộng trong đó có người em là Thiếu Tá Dương Văn Nhựt, một cán bộ cao cấp do Hà Nội gởi vào liên lạc. Ông Diệm không muốn đưa vụ tai tiếng này ra ánh sáng nên chỉ tìm cách cô lập Dương Văn Minh mà thôi.

Năm 1962, có lẽ do sự sắp xếp của CIA, Đại Tá Thiệu đã xin gia nhập Đảng Cần Lao để được ông Nhu tin tưởng hơn. Trong kế hoạch xây dựng Ấp Chiến Lược để cô lập Việt Cộng, Đại Tá Thiệu đã có nhiều ý kiến rất xuất sắc nên được ông Nhu khen ngợi.

Khi Tổng Thống Diệm quyết định giải tán Bộ Tư Lệnh Hành Quân và đưa Tướng Minh về làm “Cố Vấn Quân Sự” của Tổng Thống, một chức vụ hữu danh vô thực, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu được cử đi làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Huế. Đầu năm 1963, khi thấy tình hình lộn xộn, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đưa Đại Tá Thiệu về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 đóng ở Biên Hòa. Đại Tá Thiệu được ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu trao nhiệm vụ giải cứu thủ đô khi có đảo chánh. Ông Nhu không hề hay biết Đại Tá Thiệu là người của CIA.

Tướng Đôn không được cả ông Diệm lẫn ông Nhu tin dùng lắm vì cho rằng “ăn chơi quá”. Những người thân cận với ông Ngô Đình Cẩn đã cho biết vào năm 1962, Tướng Đôn đã ra Huế và vào xin ông Ngô Đình Cẩn cho theo đạo Công Giáo. Ông Cẩn nói rằng việc theo đạo là việc của Giáo Hội Công Giáo. Nếu muốn theo đạo, cứ việc tới gặp Linh mục Đỗ Bá Ái, tuyên úy quân đội. Sau khi nói chuyện với Tướng Đôn, Linh mục Đỗ Bá Ái đã phán ngay: “Anh này nhiều vợ quá, không theo đạo được!”

Tướng Đôn cũng không được CIA tin dùng vì quá thân Pháp. Nhưng lúc đó Tướng Đôn đang giữ chức Tư Lệnh Lục Quân, nên CIA phải dùng. CIA dự trù khi sắp làm đảo chánh, họ xúi Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng, đi Hoa Kỳ chửa bệnh mấy tháng, thế nào Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng sẽ cử Tướng Đôn làm Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, vì không còn ai hơn. Mọi việc đã xẩy ra đúng như vậy.

Trong cuốn “Việt Nam Nhân Chứng”, Tướng Trần Văn Đôn đã mô tả ông ta như là sếp sòng trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, mọi sự đều do ông ta hoạch định và chỉ đạo. Nhưng sự thật không phải như vậy. Tài liệu cho thấy, trong các quyết định quan trọng, Tướng Đôn không hề được tham dự, như quyết định giết ông Diệm chẳng hạn. Quyết định này chỉ có Lucien Conein, Trần Thiện Khiêm và Dương Văn Minh biết mà thôi.

2.- CIA LẬP KẾ HOẠCH ĐẢO CHÁNH VÀ GIÀNH QUYỀN LÃNH ĐẠO MIỀN NAM

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tướng Nguyễn Khánh đã tiết lộ rằng khi Hoa Kỳ quyết định lật đổ ông Diệm, người đầu tiên được Lucien Conein bàn hỏi không phải là Tướng Dương Văn Minh hay Tướng Trần Văn Đôn, mà là Tướng Trần Thiện Khiêm. Lucien Conein, Tướng Khiêm và Tướng Nguyễn Khánh đã họp với ông Al Spera, cố vấn Bộ Tổng Tham Mưu, để bàn định việc này. Sau khi bốn người bàn định xong những việc phải làm, Lucien Conein mới tiếp xúc với Tướng Trần Văn Đôn để yêu cầu Tướng Đôn phối hợp với Tướng Khiêm lập kế hoạch đảo chánh. Khi kế hoạch được Cabot Lodge duyệt y mới giao cho Tướng Dương Văn Minh thực hiện dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Lucien Conein và Tướng Khiêm. Lực lượng chính dùng để đảo chánh là Sư Đoàn 5 của Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu ở Biên Hòa. Các tướng Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân và Tôn Thất Đính chỉ là kẻ thừa hành. Đại Tá Đỗ Mậu chỉ được dùng để sai vặt.

Ngoài ba nhân vật chủ chốt là Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu, CIA còn móc nối được với hầu hết những nhân vật khác được ông Diệm và ông Nhu tin cậy như Bác Sĩ Trần Kim Tuyến, ông Trần Quốc Bữu, Đại Tá Phạm Ngọc Thảo, Đại Tá Dương Ngọc Lắm, v.v.

Ba nhân vật then chốt nói trên cũng được Hoa Kỳ dùng để điều hành miền Nam Việt Nam sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim... chỉ là những con bài thí. CIA đã tạo ra cuộc chỉnh lý ngày 30.1.1964 để loại các con bài thí này, đưa những người đã được họ tuyển chọn lên nắm chính quyền để thực hiện kế hoạch đưa quân Mỹ vào Nam Việt Nam, mở rộng chiến tranh để thực hiện các cuộc đấu thầu quốc phòng. Lúc đầu, Hoa Kỳ định đặt Tướng Khánh làm Quốc Trưởng còn Tướng Khiêm làm Thủ Tướng. Nhưng Tướng Khánh cho rằng làm Quốc Trưởng chỉ là làm bù nhìn, nên tìm cách đẩy Tướng Khiêm ra ngoại quốc để kiêm luôn chức Thủ Tướng, tình hình rối loại mới xẩy ra. CIA dùng Phạm Ngọc Thảo làm đảo chánh để loại Tướng Khánh rồi đưa Nguyễn Văn Thiệu lên thay. Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng chỉ là một con bài thí, được Cabot Lodge dùng để dẹp tan phong trào Phật Giáo mà CIA đã dựng lên để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, nay đã trở thành kiêu binh. Về sau, phong trào Phật Giáo đã được dùng như một lực lượng phản chiến để đưa quân Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Khi tình hình bắt đầu ổn định, Tướng Khiêm được đưa về làm Bộ Trưởng Nội Vụ rồi từ đó lên làm Thủ Tướng muôn năm. Nhìn lui nhìn tới, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, miền Nam luôn được đặt dưới quyền lãnh đạo của các nhân viên tình báo Mỹ: Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm.

3.- TÌNH HÌNH TRONG DINH GIA LONG KHI CUỘC ĐẢO CHÁNH BẮT ĐẦU

Sáng 1.11.1963, để cầm chân Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho các tướng hội họp để tổ chức đảo chánh tại Bộ Tổng Tham Mưu, Đại Sứ Cabot Lodge đã dẫn Đô Đốc Harry D. Felt, Tư Lệnh Thái Bình Dương, vào thăm ông Diệm. Sau cuộc viếng thăm, ông Diệm có mời ông Cabot Lodge ở lại để nói chuyện thêm. Trong khi nói chuyện, ông Diệm có hỏi ông Lodge rằng nghe tin sắp có đảo chánh, có đúng như vậy không. Ông Lodge nói rằng ông không hề nghe tin đó, nếu có nghe ông sẽ báo tin cho Tổng Thống biết ngay, và quả quyết Hoa Kỳ không đồng ý một cuộc đảo chánh như vậy.

Trong khi Đại Sứ Cabot Lodge gặp ông Diệm, CIA cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5, vào gặp và nói chuyện với ông Ngô Đình Nhu để cầm chân ông này. Đại Tá Thiệu đã hỏi ông Nhu rằng có nghe tin gì về đảo chánh không. Ông Nhu cho biết không có tin gì mới cả.

Chiếu 31.10.1963, theo lệnh của Lucien Conein, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu đã điều động 2 trung đoàn của Sư Đoàn 5, một tiểu đoàn pháo binh và một chi đoàn thiết giáp, nói là đi hành quân ở Phước Tuy, nhưng khi đến ngả ba xa lộ Biên Hòa và quốc lộ 15 đi Vũng Tàu, các đơn vị này được lệnh dừng ở đó đợi lệnh.

Sáng 1.11.1963, Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên, cháu của Đỗ Mậu, Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, ra lệnh hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến là Tiểu Đoàn 1 của Đại Úy Trần Văn Nhựt và Tiểu Đoàn 4 của Đại Úy Lê Hằng Minh đi hành quân ở núi Thị Vãi, Ba Rịa, rồi bất thần đưa về Saigon tiến chiếm Tổng Nha Cảnh Sát, Bộ Nội Vụ, Nha Truyền Tin và đài phát thanh Sài Gòn. Còn Tướng Mai Hữu Xuân đưa tân binh quân dịch ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung về chận các ngả vào Sài Gòn.

Đến 1 giờ trưa, Đại Tá Thiệu bất thần ra lệnh cho cả hai trung đoàn di chuyển về Saigon, một trung đoàn đóng ở Phú Lâm, còn một trung đoàn đóng ở ngả tư Hàng Xanh để ngăn chận quân cứu viện từ ngoài tiến về giải cứu Sài Gòn. Bản doanh của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 5 được đặt tại Trường Đại Học Sư Phạm ở đường Cộng Hòa.

Lúc 1 giờ 30, tiếng súng bắt đầu nổ ran tại một vài nơi ở Sài Gòn. Ông Cao Xuân Vĩ, Tổng Giám Đốc Thanh Niên, đã gọi cho Ngô Đình Nhu tại Dinh Gia Long để hỏi thăm tin tức. Ông Nhu bảo ông Vĩ đi quanh một vòng xem tình hình như thế nào. Ông Vĩ lái xe đi một vòng rồi vào báo tin cho ông Nhu biết tình hình vẫn yên tỉnh. Ông Nhu hỏi: “Chúng nó lấy lực lượng nào để đảo chánh?” Ông cho biết sáng nay Đại Tá Thiệu mới đến đây nói chuyện và báo cáo tình hình vẫn yên tỉnh.

Trung Tá Lê Như Hùng, Tham Mưu Trưởng Biệt Bộ tại Phủ Tổng Thống đặc trách liên lạc với quân đội, được gọi đến Dinh Gia Long để liên lạc với những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn. Trung Tá Hùng đã liên lạc ngay với Tướng Trần Thiện Khiêm ở Tổng Tham Mưu và Tướng Tôn Thất Đính ở Quân Đoàn III, hai nơi này cho biết Tướng Khiêm và Tướng Đính đang họp ở Bộ Tổng Tham Mưu. Trung Tá Hùng gọi cho Đại Tá Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5, ở đây cho biết Đại Tá Thiệu đang đi hành quân. Trung Tá Hùng quay qua gọi cho Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân, nhưng không ai trả lời. Ông Ngô Đình Nhu không hề biết Đại Tá Quyền đã bị lực lượng đảo chánh giết chết. Trung Tá Hùng liền gọi Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt. Ở đây trả lời Đại Tá Tung đi họp ở Tổng Tham Mưu. Ông Nhu cũng không biết Tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh cho Đại Úy Nguyễn Văn Nhung đem Đại Tá Tung ra sau Nghĩa Trang Bắc Việt thủ tiêu rồi.

Trong khi đó, ông Cao Xuân Vĩ gọi cho Tổng Nha Cảnh Sát nhưng không liên lạc được, vì nơi đây đã bị Thủy Quân Lục Chiến chiếm. Ông liền liên lạc với Trung Tá Phước, Phó Đô Trưởng Nội An. Trung Tá Phước cho biết tình hình vẫn yên tỉnh. Ông đã gọi ông Bửu Thọ, Tổng Giám Đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn, và dặn nếu quân đảo chánh xâm nhập, phải cho phá đài phát thanh ngay.

Trước tình trạng này, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã điện thoại cho Đại Sứ Cabot Lodge cho biết ông vừa nghe tin có đảo chánh và xin ông Đại Sứ cho biết tin đó có đúng không. Đại Sứ Lodge trả lời rằng xin Tổng Thống cứ yên tâm, không hề có chuyện đó. Nếu có tin gì, ông sẽ cho Tổng Thống biết ngay.

Lúc 2 giờ 30 chiều, đài phát thanh bổng im lặng. Ông Vĩ liền gọi đến đài phát thanh, nhưng không ai trả lời. Có lẽ lúc đó Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống đang giao tranh với Thủy Quân Lục Chiến, vì đang nghe tiếng súng ở phía đó. Tổng Thống Ngô Đình Diệm liền gọi lại cho Đại Sứ Lodge lần thứ hai. Đại Sứ Lodge cầm điện thoại lên ngay. Tổng Thống Diệm cho biết ông đã nghe tiếng súng, yêu cầu ông Đại Sứ cho biết tin tức. Ông Lodge quả quyết không có chuyện gì xẩy ra cả. Tổng Thống Diệm yêu cầu ông Lodge liên lạc với cơ quan MACV xem sao. Ông Lodge vẫn quả quyết không có chuyện gì xẩy ra.

Lúc 4 giờ 45, đài phát thanh Sài Gòn bắt đầu loan tin Quân Đội đã đứng lên lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Hội Đồng Tướng Lãnh yêu cầu ông Diệm từ chức và cùng ông Nhu rời khỏi Việt Nam.

Khi biết chắc một số tướng lãnh đã đứng ra làm đảo chánh, ông Nhu bảo Trung Tá Hùng gọi cho Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, xem tình hình ra sao. Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham Mữu Trưởng Liên Binh Phòng Vệ cầm điện thoại trả lời và cho biết Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư Lệnh Liên Binh, đã đi họp tại Bộ Tổng Tham Mưu nhưng không thấy về. Về tình hình, Thiếu Tá Duệ trình rằng Thủy Quân Lục Chiến đã chiếm đài phát thanh và bắt đầu bắn vào thành Cộng Hòa. Trung Tá Hùng yêu cầu Thiếu Tá Duệ cho biết tình hình của Liên Binh Phòng Vệ, Thiếu Tá Duệ cho biết Liên Binh có khoảng 2 tiểu đoàn gồm khoảng 1500 quân, chia ra thành 6 đại đội, đang đóng rãi rác ở Sở Thú, thành Cộng Hòa, Dinh Độc Lập và vườn Tao Đàn. Ngoài ra, Liên Binh còn có một Liên Chi Đoàn Thiết Giáp, một Đại Đội Phòng Không và một Đại Đội Truyền Tin. Ông Nhu ra lệnh cho Thiếu Tá Duệ thay Trung Tá Khôi chỉ huy Liên Binh.

Trung Tá Hùng gọi điện thoại cho Thiếu Tá Phạm Văn Phú, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 77 thuộc Sở Liên Lạc và hỏi có quân không. Thiếu Tá Phú cho biết không còn đại đội nào cả, vì trong những tuần qua, Bộ Tổng Tham Mưu đã ra lệnh giao các đại đội của Liên Đoàn cho Tướng Tôn Thất Đính xử dụng vào các cuộc hành quân.

Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Ngô Đình Nhu và ông Cao Xuân Vĩ đi xuống hầm trú ẩn ở dưới Dinh Gia Long, Thiếu Tá Duệ gọi đến và yêu cầu cho mở cuộc hành quân tiến chiếm Bộ Tổng Tham Mưu. Sau đó, Thiếu Tá Phạm Văn Phú gọi vào cho biết có một đại đội biệt kích mới đi hành quân trở về. Anh Đại Đội Trưởng đề nghị cho mở cuộc hành quân vào Bộ Tổng Tham Mưu xúc hết các tướng đảo chánh. Theo kế hoạch của anh, một đơn vị của Liên Binh Phòng Vệ sẽ đánh nghi binh lên mặt tiền Bộ Tổng Tham Mưu, còn anh sẽ dẫn đại đội của anh đánh bọc hậu phía sau, tiến vào bắt hết các tướng đảo chánh. Ông Cao Xuân Vĩ trình các đề nghị này lên Tổng Thống Diệm thì Tổng Thống Diệm quát tháo om sòm và nói: Tôi là Tổng Tư Lệnh Quân Đội, tôi không thể ra lệnh cho quân đội đánh quân đội được. Hãy để quân đội đi đánh Việt Cộng”.

Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chối dùng quân sự để chống đảo chánh, ông Cao Xuân Vĩ nghĩ rằng có thể dùng lực lượng quần chúng để chống đảo chánh. Ông liền gọi cho ông Trần Quốc Bửu, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công, một đảng viên Đảng Cần Lao, nhưng không ai trả lời. Ông Vĩ lại gọi cho ông Lê Mỹ, người lãnh đạo các công nhân khuân vác ở thương cảng Sài Gòn, nhưng cũng không gặp. Sau này ông mới biết ông Trần Quốc Bửu đã hợp tác với CIA.

Khoảng 5 giời chiều, Tổng Thống Ngô Đình Diệm gọi điện thoại cho ông Cabot Lodge lần thứ ba, cho biết một số tướng lãnh phản loạn đang họp ở Bộ Tổng Tham Mưu để làm đảo chánh lật đổ chính phủ. Ông yêu cầu ông Lodge cho biết quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về cuộc đảo chánh này. Ông Lodge nói rằng ông cũng có nghe tiếng súng nổ, nhưng không biết hết sự kiện. Vã lại, lúc này là 4 giờ sáng ở Hoa Thịnh Đốn, chính phủ Mỹ không thể có một quan điểm.

Ông Vĩ điện thoại cho Trung Tá Phước ở Tòa Đô Chánh, yêu cầu dời bộ tham mưu tiền phương vào trung tâm xã hội ở Đại Thế Giới, Chợ Lớn. Sau đó ông cùng với ông Ngô Đình Nhu tìm một giải pháp. Lúc đầu, ông Vĩ đề nghị để Tổng Thống Diệm lại trong Dinh, còn ông và ông Nhu ra khỏi Dinh để có thể giải cứu cho nhau. Nhưng Tổng Thống Diệm bác ngay. Ông Diệm sợ ông Nhu khi rời khỏi ông sẽ bị giết. Ông Nhu đề nghị cả hai cùng đi. Ông Diệm liền hỏi: “Đi mô?” Trước hết, ông Nhu đề nghị đến ẩn náu tại Tòa Khâm Sứ của Tòa Thánh Vatican ở đường Hai Bà Trưng. Ông Diệm trả lời không được. Theo ông, không nên gây khó khăn cho Tòa Thánh. Ông Nhu đề nghị tới Tòa Đại Sứ Úc. Ông Diệm bảo đừng tin vào những Tòa Đại Sứ Tây Phương. Ông Nhu đề nghị đến Tòa Đại Sứ Nhật, ông Diệm bảo Nhật không có tốt với mình đâu, ông đã có quá nhiều kinh nghiệm với Nhật rồi. Cuối cùng, ông Nhu đề nghị đến Tòa Đại Sứ Đài Loan. Ông Diệm cho rằng mình mới ban hành nhiều biện pháp đối với người Hoa, bây giờ đến đó coi sao được. Nói tóm lại, ông Diệm không muốn rời Dinh Gia Long nên tìm cách bác bỏ các đề nghị của ông Nhu.

Ông Cao Xuân Vĩ đề nghị với ông Nhu hoặc đi lên Cao Nguyên với Tướng Nguyễn Khánh, hoặc đi xuống miền Tây với Đại Tá Bùi Dinh. Ông Nhu bảo ông Vĩ đi xem tình hình xem như thế nào. Ông Vĩ lái xe đi một vòng thì thấy không thể đi đường bộ được, vì quân đảo chánh đã chận ở Phú Lâm và cầu xa lộ Biên Hòa rối. Ông Vĩ nghĩ rằng có thể đi bằng ghe xuống miền Tây, nhưng trong khi chờ đợi tìm ghe để đi, phải rời khỏi Dinh Gia Long ngay lập tức. Ông Nhu vào trình với ông Diệm rằng phải ra khỏi Dinh Gia Long, vì tình thế rất nguy hiểm. Ông Diệm nói rằng làm Tổng Thống không thể đi trốn được. Ông Nhu giải thích rằng mình không đi trốn, đây chỉ là “dịch cư” để bảo đảm an ninh rồi trở về lại mà thôi. Ông Nhu thuyết phục ông Diệm rằng trên nguyên tắc, một cuộc đảo chánh nếu trong 48 giờ không thành công, sẽ thất bại. Mình chỉ rời khỏi Dinh một thời gian thôi. Ông Diệm làm thinh.

Bổng ông Cabot Lodge gọi đến nói rằng ông lo cho sự an toàn của Tổng Thống. Ông nói nếu ông có thể làm gì cho sự an toàn của Tổng Thống, xin cứ gọi ông. Ông Diệm liền trả lời: Tôi đang cố gắng tái lập trật tự”.

Như vậy, khi ở Dinh Gia Long, Tổng Thống Diệm đã gọi ông Cabot Lodge tất cả ba lần, và ông Lodge đã gọi cho Tổng Thống Diệm một lần. Nhưng trong hồ sơ, ông Lodge nói ông Diệm chỉ gọi cho ông một lần mà thôi. Trong cuốn “Lodge in Vietnam” bà Blair có cho biết khi cuộc đảo chánh bắt đầu, ông Lodge đã ra đứng ngoài hành lang điều khiển, để những mệnh lệnh của ông không bị ghi băng!

4.- ĐI NHƯ RI LÀ MẤT NƯỚC!

Sau khi nói chuyện với ông Cabot Lodge, ông Diệm cho gọi ông Nhu vào và bảo: Đi thì đi!” Chuyện xẩy ra quá bất ngờ nên ông Cao Xuân Vĩ trở tay không kịp. Ông liền gọi điện thoại cho Trung Tá Phước bảo đem đến Tòa Đô Chánh ngay một chiếc xe. Trung Tá Phước tưởng ông Vĩ cần xe chờ đồ nên cho Đại Úy Hưng lái một chiếc xe fourgonnette (xe chở hàng nhỏ - truck) đến. Ông Vĩ bảo tắt máy xe rồi cùng Đại Úy Hưng đẩy băng qua đường Pasteur, vào cửa bên hông của Dinh Gia Long. Khi xe đến, ông Vĩ vào báo cho ông Diệm và ông Nhu biết. Ông Diệm bảo Đại Úy Bằng lên lấy chiếc cặp cho ông. Khi ra xe, ông Diệm lầu bầu: “ĐI NHƯ RI LÀ MẤT NƯỚC!”. Không ngờ lời nói đó đã trở thành một lời tiên tri!

Vì xe fourgonnette là loại xe chở hàng nên ở thùng sau không có ghế ngồi, nhưng hai ông cũng bước lên và ngồi giữa sàn xe. Đại Úy Bằng muốn đi theo, nhưng Đại Úy Đỗ Thọ, cháu Đỗ Mậu, tình nguyện đi. Ông Cao Xuân Vĩ vội chạy vào Dinh lấy cái nệm cho hai ông ngồi, nhưng khi trở ra thì xe đã chạy mất rồi. Lúc đó là khoảng 7 giờ 30 tối. Xe ra ngả đường Pasteur, xuống đường Lê Lợi, qua đường Trần Hưng Đạo, đến Đồng Khánh rồi vào khu Đại Thế Giới, nơi đặt bộ tư lệnh tiền phương của Trung Tá Phước. Ông Cao Xuân Vĩ gọi cho ông Mã Tuyên, một Tổng Bang Trưởng của người Hoa và là Thủ Lãnh Thanh Niên Cộng Hòa ở Chợ Lớn, nhờ tìm nơi tạm trú cho Tổng Thống. Ông Mã Tuyên nhận lời ngay, mặc dầu ông chưa bao giờ gặp mặt ông Diệm và ông Nhu.

Không ai biết Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã rời Dinh Gia Long, ngoài Đại Úy Bằng, nên mọi người cứ tưởng ông Diệm và ông Nhu vẫn còn ở trong Dinh. Ông Cao Xuân Vĩ gọi ông Lê Mỹ ở thương cảng mua thực phẩm tiếp tế cho các binh sĩ trong Dinh trước khi ra đi. Lúc đó, lực lượng trong Dinh có một Đại Đội An Ninh Phủ Tổng Thống do Thiếu Tá Huỳnh Văn Lạc chỉ huy. Bên ngoài, Liên Binh Phòng Vệ do Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ, Tham Mưu Trưởng, và Thiếu Tá Phan Văn Hưởng, Tham Mưu Phó chỉ huy. Sau này Tướng Nguyễn Văn Thiệu nói rằng nếu ông Diệm không trình diện, phải có ít nhất 3 trung đoàn mới có thể chiếm được Dinh Gia Long.

Thu xếp xong công việc, ông Cao Xuân Vĩ vào Đại Thế Giới thì ông Diệm và ông Nhu đã vào nhà Mã Tuyên rồi.

5.- TỰ QUYẾT ĐỊNH SỐ MỆNH

Ông Cao Xuân Vĩ đến nhà Mã Tuyên thì ông Mã Tuyên cho biết Tổng Thống và ông Cố Vấn đang ở trên lầu. Ông Cao Xuân Vĩ nói với ông Mã Tuyên rằng không thể ở đây lâu được vì thế nào cũng sẽ bị phát hiện. Phải tìm một nơi nào an toàn hơn. Ông Mã Tuyên liên lạc với những người Hoa rồi cho biết đã tìm được hai kho hàng trống ở Bến Bình Đông và đang cho dọn dẹp sạch sẽ. Ông Cao Xuân Vĩ dự trù vào lúc 6 giờ sáng, khi giờ giới nghiêm chấm dứt, sẽ cho xe đưa Tổng Thống và ông Ngô Đình Nhu đến đó.

Sau này ông Mã Tuyên cho biết, suốt cả đêm hai ông không ngủ, cứ gọi điện thoại cho hết chỗ này đến chỗ kia, và bàn định công việc. Đúng 6 giờ sáng, khi vừa hết giờ giới nghiêm, ông Cao Xuân Vĩ đến nhà Mã Tuyên thì ông Mã Tuyên cho biết Tổng Thống và Cố Vấn đã đi vào xem lễ ở nhà thờ Cha Tam, cuối đường Đồng Khánh.

Sau này người ta được biết ông Diệm nhất định không chịu đi theo kế hoạch của ông Cao Xuân Vĩ. Ông nói rằng “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (Thà chết chứ không chịu nhục). Theo ông, “Tổng Thống không có đi trồn”! Ông ra lệnh cho Liên Binh Phòng Vệ buông súng rồi gọi điện thoại báo tin cho ông Cabot Lodge biết ông bằng lòng từ chức và đi ra ngoại quốc. Trước khi tin cho các tướng đảo chánh biết, ông đến nhà thờ để dự lễ và cầu nguyện. Ông Diệm không ngờ quyết định này là quyết định chấm dứt cuộc đời của ông. Trong cuốn “Việt Nam Nhân Chứng”, Tướng Trần Văn Đôn cho biết, Lucien Conein, người điều khiển trực tiếp cuộc đảo chánh, đã nói với các tướng đảo chánh bằng tiến Pháp: “On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs.” Người ta không thể làm món trứng rán mà không đập bể những cái trứng. (trang 228)

Quyết định này của ông Diệm cũng là quyết định về số phận của miền Nam Việt Nam. Sau khi ông Diệm bị lật đổ, người Mỹ đã nắm chủ quyền tại miền Nam Việt Nam và dùng miền Nam làm công cụ phục vụ quyền lợi của tư bản Mỹ. Trong tác phẩm “President Kennedy, Profile of Power”, sử gia Richard Reeves đã ghi lại như sau:

Người Mỹ, vì các mục tiêu thực tế, đã cai quản đất nước. Các tướng lãnh Việt Nam cười trước các máy quay phim, nhưng lo lắng và chờ đợi tiền và chỉ thị từ Washington, thủ đô mới của miền Nam Việt Nam.” (trang 651)

Cũng có nhận định tương tự, trong cuốn “The Vietnam War, 1945 - 1990”, Marilin B. Young nói rằng ông Diệm đã làm hỏng chính sách của Hoa Kỳ về phương diện chiến thuật nên được Hoa Kỳ thay thế bằng một nhóm tướng lãnh. Khác với ông Diệm, họ lệ thuộc vào Hoa Kỳ và vì thế sẵn sàng theo những lời cố vấn.

Những nhân viên tình báo của CIA như Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm và Đặng Văn Quang, được Hoa Kỳ đưa ra lãnh đạo miền Nam, đã để mất chủ quyền quốc gia, đưa miền Nam đến ngày 30 tháng 4 năm 1975