Theo ký giả Nicole Winfield của A.P., trong lời phát biểu với The Associated Press tại Vatican, Thứ Ba, ngày 24 tháng 1 năm 2023, Đức Phanxicô thừa nhận rằng các giám mục Công Giáo ở một số nơi trên thế giới ủng hộ các luật lệ kết tội hình sự đồng tính luyến ái hoặc kỳ thị cộng đồng LGBTQ, và chính ngài cũng từng đề cập đến đồng tính luyến ái theo hướng "tội lỗi." Nhưng ngài gán các thái độ này cho bối cảnh văn hóa, và nói rằng các giám mục đặc biệt cần phải trải qua một diễn trình thay đổi để nhận ra phẩm giá của mọi người.



Thực vậy, theo Winfield, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ trích các luật lệ kết tội hình sự đồng tính luyến ái là “bất công”; ngài nói rằng con cái Thiên Chúa có thế nào, Người yêu thương họ thế ấy và kêu gọi các giám mục Công Giáo ủng hộ luật chào đón những người LGBTQ vào Giáo Hội.

“Đồng tính luyến ái không phải là một tội ác,” Đức Phanxicô nói như thế trong một cuộc phỏng vấn độc quyền hôm thứ Ba với hãng thông tấn AP.

Đức Phanxicô thừa nhận rằng các giám mục Công Giáo ở một số nơi trên thế giới ủng hộ luật lệ kết tội hình sự đồng tính luyến ái hoặc kỳ thị người LGBTQ, và chính ngài từng đề cập đến vấn đề này theo hướng “tội lỗi”. Nhưng ngài gán các thái độ này cho bối cảnh văn hóa, và nói rằng các giám mục đặc biệt cần phải trải qua một diễn trình thay đổi để nhận ra phẩm giá của mọi người.

“Các giám mục này phải có một diễn trình hoán cải,” ngài nói, đồng thời nói thêm rằng họ nên áp dụng “sự dịu dàng, như Thiên Chúa vốn dành cho mỗi người chúng ta.”

Những bình luận của Đức Phanxicô, được những người ủng hộ quyền của người đồng tính ca ngợi là một cột mốc quan trọng, là lời đầu tiên được một vị giáo hoàng thốt ra về những luật như vậy. Nhưng chúng cũng nhất quán với cách tiếp cận tổng thể của ngài đối với người LGBTQ và niềm tin rằng Giáo Hội Công Giáo nên chào đón tất cả mọi người và không phân biệt đối xử.

Khoảng 67 quốc gia hoặc khu vực tài phán trên toàn thế giới đã kết tội hình sự hoạt động tình dục đồng tính đồng thuận, 11 trong số đó có thể đã áp dụng án tử hình, theo The Human Dignity Trust, tổ chức hoạt động để chấm dứt những luật như vậy. Các chuyên gia cho biết ngay cả khi luật không được thực thi, luật vẫn góp phần gây ra sách nhiễu, kỳ thị và bạo lực đối với người LGBTQ.

Tại Hoa Kỳ, hơn một chục tiểu bang vẫn có luật chống đồng tính luyến ái, bất chấp phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2003 tuyên bố chúng vi hiến. Những người ủng hộ quyền của người đồng tính nói rằng luật cũ được sử dụng để biện minh cho hành vi sách nhiễu và nêu luật lệ mới, chẳng hạn như luật “Không nói đồng tính” ở Florida, cấm dạy về xu hướng tính dục và bản sắc phái tính từ mẫu giáo đến lớp ba, làm bằng chứng về những nỗ lực liên tục để gạt người LGBTQ ra ngoài lề xã hội.

Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt hoàn toàn các luật lệ kết tội hình sự đồng tính luyến ái; họ nói rằng chúng vi phạm quyền riêng tư và tự do không bị kỳ thị và vi phạm nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế phải bảo vệ nhân quyền của tất cả mọi người, bất kể xu hướng tính dục hoặc bản sắc phái tính của họ.

Tuyên bố những luật như vậy là “bất công”, Đức Phanxicô nói rằng Giáo Hội Công Giáo có thể và nên hành động để chấm dứt chúng. Ngài nói, “Nó phải làm điều này. Nó phải làm điều này”.

Đức Phanxicô trích dẫn Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo khi nói rằng những người đồng tính phải được chào đón và tôn trọng, và không nên bị gạt ra ngoài lề hoặc phân biệt đối xử.

Đức Phanxicô nói với AP tại cư sở ở Vatican của ngài, “Tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa, và chúng ta có thế nào Thiên Chúa yêu thương chúng ta thế ấy và vì sức mạnh mà mỗi người chúng ta đấu tranh cho phẩm giá của mình”.

Nhận xét của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước chuyến đi đến Châu Phi, nơi những luật như vậy là phổ biến, cũng như ở Trung Đông. Nhiều luật lệ có từ thời thuộc địa Anh hoặc được lấy cảm hứng từ luật Hồi giáo. Một số giám mục Công Giáo đã mạnh mẽ ủng hộ chúng như phù hợp với giáo huấn của Vatican, trong khi những vị khác kêu gọi lật đổ chúng vì vi phạm phẩm giá căn bản của con người.

Vào năm 2019, Đức Phanxicô đã được dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố phản đối việc kết tội hình sự đồng tính luyến ái trong cuộc gặp gỡ các nhóm nhân quyền vốn tiến hành nghiên cứu về tác động của những luật đó và điều gọi là “liệu pháp hoán cải”.

Cuối cùng, sau khi tin tức về buổi tiếp kiến bị rò rỉ, Đức Giáo Hoàng đã không gặp gỡ các nhóm này. Thay vào đó, vị thứ 2 đứng đầu Vatican đã tiếp họ và tái khẳng định “phẩm giá của mỗi con người và chống lại mọi hình thức bạo lực”.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Phanxicô lên tiếng về những luật như vậy hiện nay vì người tiền nhiệm bảo thủ hơn của ngài, Đức Bênêđictô XVI, vừa qua đời. Vấn đề này chưa bao giờ được nêu ra trong một cuộc phỏng vấn, nhưng Đức Phanxicô sẵn sàng trả lời, thậm chí trích dẫn số liệu thống kê về số quốc gia mà đồng tính luyến ái bị coi là tội phạm.

Hôm thứ Ba, Đức Phanxicô nói rằng cần phải có sự phân biệt giữa tội ác và tội lỗi liên quan đến đồng tính luyến ái. Giáo huấn của Giáo hội cho rằng các hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi, hoặc "rối loạn từ bản chất", nhưng những người đồng tính phải được đối xử một cách hợp nhân phẩm và tôn trọng.

Nói đùa với chính mình, Đức Phanxicô nói rõ quan điểm: “Đó không phải là một tội ác. Đúng, nhưng đó là một tội lỗi. Tốt thôi, nhưng trước tiên hãy phân biệt giữa tội lỗi và tội ác”.

“Thiếu bác ái với nhau cũng là một tội lỗi,” ngài nói thêm.

Đức Phanxicô đã không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội, một giáo huấn từ lâu vốn chọc tức những người Công Giáo đồng tính. Nhưng ngài đã biến việc tiếp cận những người LGBTQ thành một dấu ấn trong triều giáo hoàng của ngài.

Những bình luận của Đức Giáo Hoàng không đề cập chuyên biệt đến những người chuyển phái tính hoặc không thuộc hai phái tính, chỉ đề cập đến đồng tính luyến ái, nhưng những người ủng hộ việc đưa LGBTQ vào Giáo Hội Công Giáo nhiều hơn đã ca ngợi những bình luận của Đức Giáo Hoàng như một bước tiến quan trọng.

Sarah Kate Ellis, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của nhóm vận động GLAAD có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết, “Tuyên bố lịch sử của ngài sẽ gửi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo thế giới và hàng triệu người Công Giáo trên khắp thế giới: Những người LGBTQ xứng đáng được sống trong một thế giới không có bạo lực và lên án, đồng thời có nhiều lòng nhân ái và sự thấu hiểu hơn”.

New Ways Ministry, một nhóm Công Giáo vận động cho LGBTQ, cho biết sự im lặng của phẩm trật Giáo Hội đối với những luật như vậy cho đến nay đã có những tác động tàn phá, duy trì mãi mãi những chính sách như vậy và thúc đẩy những lời lẽ bạo lực chống lại những người LGBTQ.

Giám đốc điều hành của nhóm, Francis DeBernardo, nói trong một tuyên bố: “Đức Giáo Hoàng đang nhắc nhở Giáo hội rằng cách mọi người đối xử với nhau trong thế giới xã hội có tầm quan trọng đạo đức lớn hơn nhiều so với những gì mọi người có thể làm trong cảnh riêng tư của phòng ngủ”.

Một trong những vị Hồng Y được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm gần đây - Robert McElroy, giám mục của San Diego - nằm trong số những người Công Giáo muốn Giáo Hội tiến xa hơn và hoàn toàn chào đón những người LGBTQ vào Giáo Hội ngay cả khi họ đang hoạt động tình dục.

McElroy viết hôm thứ Ba trên tạp chí America của Dòng Tên, “một mầu nhiệm ma quỷ trong tâm hồn con người đó là tại sao rất nhiều đàn ông và đàn bà có ác cảm sâu xa và thấu gan thấu ruột đối với các thành viên của các cộng đồng L.G.B.T. Nhân chứng chính của Giáo Hội khi đối diện với sự cố chấp này phải là một trong những cái ôm chứ không phải là khoảng cách hay sự lên án.”

Bắt đầu với tuyên bố nổi tiếng năm 2013 của ngài, "Tôi là ai mà dám phán xét?" — khi được hỏi về một linh mục được cho là đồng tính — Đức Phanxicô đã nhiều lần và công khai tiếp tục phục vụ các cộng đồng đồng tính nam và chuyển giới. Với tư cách là tổng giám mục của Buenos Aires, ngài ủng hộ việc cấp các biện pháp bảo vệ pháp lý cho các cặp đồng tính như một giải pháp thay thế cho việc tán thành hôn nhân đồng tính, điều mà giáo lý Công Giáo cấm đoán.

Bất chấp việc dang tay ra như vậy, Đức Phanxicô đã bị cộng đồng đồng tính Công Giáo chỉ trích vì một sắc lệnh năm 2021 từ văn phòng giáo lý của Vatican nói rằng Giáo Hội không thể ban phước lành cho các cặp đồng tính.

Vào năm 2008, Vatican đã từ chối ký vào một tuyên bố của Liên Hợp Quốc kêu gọi loại bỏ tội phạm đồng tính luyến ái, phàn nàn rằng văn bản đã vượt quá phạm vi ban đầu. Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, Vatican kêu gọi các quốc gia tránh “sự phân biệt đối xử bất công” đối với người đồng tính và chấm dứt các hình phạt đối với họ.