CHUI QUA...
GIÁNG SINH 2022

Để vào Vương cung Thánh đường Giáng Sinh tại Bêlem - Israel, khách hành hương phải chui qua cổng, chui xướng hang Bêlem, sấp mình xuống hay quỳ mọp xuống để kính thờ Chúa tại chính nơi Chúa sinh ra làm người.

1. Sơ lược lịch sử Vương cung Thánh đường Giáng Sinh.

Từ Giêrusalem xuôi về hướng nam, đồng thời cách Giêrusalem khoảng 8 cây số, Vương cung Thánh đường Giáng Sinh ở Bêlem là một trong những nhà thờ cổ nhất thế giới, mở cửa để sinh hoạt hoặc đón tiếp khách hành hương liên tục hoặc gián đoạn trong nhiều thế kỷ kể từ lúc xây dựng vào thế kỷ IV đến nay.

Vương cung Thánh đường này được xây dựng ngay trên hang đá Bêlem. Chứng cứ đầu tiên về hang Bêlem được tìm thấy trong quyển sách của thánh Justinô và của giáo phụ Originê viết trong thế kỷ thứ II.

Năm 135, hoàng đế La mã Adrien ra lệnh dựng tượng thần Adonis trên chính hang Bêlem để ngăn cản lòng sùng kính của các tín hữu.

Năm 327, thánh nữ Hêlêna, mẹ của hoàng đế Constantinô I cho phá tượng thần La mã và xây cất nhà thờ Giáng Sinh trùm lên vị trí ngôi nhà thờ ngày nay.

Năm 565 hoàng đế Justinianô I cho xây dựng lại vì nhà thờ xuống cấp. Ngôi nhà thờ này, dù xây lại, lại nhỏ hơn ngôi nhà thờ do thánh Hêlêna xây dựng. Dù nhỏ hơn, nó vẫn tồn tại đến nay.

Khi Bêlem bị người Ba tư xâm chiếm vào năm 614, viên chỉ huy Shahrbaraz đã không ra lệnh tiêu hủy nhà thờ này vì nhìn thấy sự xuất hiện của ba vị Đạo sĩ phương đông với trang phục của dân Ba tư nơi ngôi nhà thờ này.

Mặc dù bên trong nhà thờ Giáng Sinh rất bề thế, nhưng trong các lần chiến tranh với người Hồi giáo, những người phụ trách nhà thờ đã cho ngụy trang bằng cách làm cổng vào nhỏ lại, chiều cao chừng một thước, chiều rộng chừng tám tấc và mặt tiền không có vẻ là nhà thờ (để tránh bị đập phá). Đó là lý do tại sao ngày nay nhà thờ Giáng Sinh không có chút gì uy nghi, cao cả bề ngoài.

Cũng có lẽ nhờ thế, nhà thờ Giáng Sinh vẫn giữ được tinh thần đơn sơ khó nghèo như lúc Chúa sinh ra cách nay hơn 2000 năm.

2. Phải cúi xuống và phải chui qua...

Trong tinh thần đơn sơ, và nhìn nhận mình thấp hèn, ngày nay khách hành hương, khi muốn vào bên trong để viếng nhà nhà, họ phải cúi mình xuống để chui qua cánh cửa vừa thấp, vừa hẹp.

Trong khi chui qua cánh cổng, dù là người ở vị trí nào hay quyền uy đến đâu, khách hành hương cúi xuống để tôn thờ Thiên Chúa Ngôi Hai đã vì mình, vì nhân loại mà bỏ trời để làm người trong thân phận bé thơ bị chối từ, bị rược đuổi và cuối cùng bị giết chết thảm hại.

Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa tỏ mình cho dân Do thái nói riêng và cho cả nhân loại nói chung. Trong sự tỏ mình khiêm cung ấy, Thiên Chúa muốn dạy cả loài người bài học cần thiết: Từ nay, con người có thể gặp Thiên Chúa không chỉ trong đền thờ Giêrusalem hay trong các ngôi nhà thờ sang trọng mà còn nơi máng cỏ nghèo hèn...

Từ nay gặp gỡ Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho tư tế, hay chỉ dành cho hàng lãnh đạo của Hội Thánh (hay nói một cách tầm thường hơn: giàn lãnh đạo của Hội Thánh), mà còn cho cả mọi tầng lớp nhân loại dù họ bần hàn đến đâu, dốt nát đến đâu như hình ảnh dễ thương và hiền lành của những trẻ chăn chiên trên cánh đồng Bêlem năm ấy.

Từ thánh đường Giáng Sinh, khách hành hương đi xuống những bậc cấp để từng người một bước vào trong HANG - NƠI CHÚA SINH RA.

Để vào bên trong, người ta phải khom mình xuống, vì lối vào cũng chỉ cao một thước, rộng tám tấc. Lối vào này có tên là "Cổng Khiêm Cung", vì khi vào, ai cũng phải chui.

Mỗi người lần lượt quỳ gối hôn kính tảng đá Ngôi sao bạc, ghi dấu chính nơi Chúa Ngôi Hai sinh ra. Nơi đây được gọi là Động Giáng Sinh, đánh dấu một trang tình sử của Thiên Chúa, ghi nhớ một đêm đông giá lạnh, từ trời cao, Thiên Chúa xuống thế làm người.

Thiên Chúa đã chọn làm một người nghèo, sinh ra trong một gia đình nghèo, trong một hoàn cảnh nghèo, trong một chốn nghèo, giữa những người nghèo, bên cạnh đàn vật hôi hám...

Khi nói tới vĩ đại, người ta thường nghĩ nó là sự to lớn, bề thế, mênh mông... Thực ra, vĩ đại là cái không thể tưởng tượng lại có thể trở thành hiện thực. Rất nhiều khi vĩ đại là cái vô cùng to lớn lại có thể biến thành cái vô cùng nhỏ bé mà vẫn êm ái, vẫn như sự thông thường, vẫn không làm đảo lộn bất cứ trật tự nào, vẫn không gây chấn động kinh hoàng nào...

Hiểu như thế, sự kiện Giáng Sinh, bên ngoài xem ra tầm thường, nhưng lại là biến cố vĩ đại. Quá vĩ đại đến nỗi nhiều người không thể tin đó là sự thật.

Làm sao một Thiên Chúa lại có thể lại làm được những việc quá tầm thường. Làm sao một Thiên Chúa lại có thể được cưu mang, được hiện hữu trong lòng dạ nhỏ nhoi của một người nữ, được sinh ra, được ẳm bồng, được cho bú mớm, được dưỡng dục, được lớn lên trong khuôn khổ một gia đình...?

Đó là một việc hết sức táo bạo. Táo bạo đến ngỡ ngàng, đến sững sờ, đến khiếp run. Thiên Chúa mà lại như thế à? Làm sao có thể tin được một Thiên Chúa, Đấng vượt ra ngoài mọi khái niệm lại trở thành cụ thể. Cụ thể đến nỗi như sờ được, như diễn tả được, như nhìn ngắm được! Cụ thể đến nỗi chỉ là một bé thơ trần trụi!

Vì thế, thưa anh chị em, nhất là những ai đã từng ít nhất một lần đến hành hương Thánh địa, những ai đã từng chui qua cánh cổng của Vương cung Thánh đường Giáng Sinh, đã từng chui xuống hang Bêlem, đã từng sấp mình xuống để hôn kính chiếc Sao bạc là chính nơi Thiên Chúa vô cùng đã hạ cố chính mình vì chúng ta trong thân phận con người bé nhỏ, yếu đuối, nghĩa là anh chị em đã một lần diễm phúc được cúi xuống trước mầu nhiệm Giáng Sinh tại chính nơi Chúa của mình đã sinh ra trong hèn hạ, trong nghèo khó, trong đơn côi, trong tĩnh mịch, trong giới hạn, trong lạnh giá...

Hãy mang lấy hành vi cúi xuống này, để không phải một lần trong chuyến hành hương, mà là một đời Kitô hữu học lấy bài học tự hạ và khiêm nhường thẳm sâu của Chúa.
Hãy hạ mình như Chúa.
Hãy sống thanh bần như Chúa.
Hãy yêu chuộng đức nghèo hèn như Chúa.
Hãy làm người rốt hết như Chúa.
Hãy xả thân phục vụ như Chúa phục vụ.
Hãy để tâm lo cho ơn phần rỗi của bản thân như Chúa lo cho chúng ta. Vì lo cho chúng ta mà Chúa hạ cố chính mình để cứu chuộc chúng ta, để muôn đời chúng ta có Chúa và muôn đời Chúa có chúng ta.

Nói cho cùng, đứng trước mầu nhiệm Giáng Sinh đêm nay, anh chị em và tôi hãy cúi mình thật lâu và cúi mình thật sâu để tôn thờ Chúa, để nhìn lại sự hèn hạ của bản thân mình.

Xin đừng bao giờ quên hay làm phai nhạt hành vi cúi mình tại cổng vào Vương cung Thánh đường Giáng Sinh, tại lối vào hang đá Bêlem, tại chính nơi Chúa Trời của chúng ta sinh ra được đánh dấu bằng chiếc Sao bạc...

Không chỉ xin đừng quên hành vi cúi mình ngày ấy mà còn phải mang nó vào đời, mang nó trọn kiếp người của mỗi chúng ta...

Kính chúc tất cả anh chị em, tất cả gia đình, cũng như cộng đoàn của mình dù là cộng đoàn giáo xứ hay dòng tu một lễ Giáng Sinh tràn ngập thánh ân của Chúa Hài Nhi, tràn ngập thái độ khiêm tốn mà Chúa đã dạy chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh của chính Chúa.