ĐÓN NHẬN CHÚA
Lễ Giáng Sinh Rạng Đông : Lc 2, 15-20
Suy niệm

Một điều lạ lùng là việc Chúa giáng sinh được loan báo trước tiên cho những người chăn chiên, gọi là mục đồng. Mục đồng tượng trưng cho những người quê mùa, bé nhỏ, nghèo hèn, thấp kém, bị coi thường ở ngoài đời cũng như trong đạo. Thế nhưng Thiên Chúa lại ưu ái và tỏ mình ra cho họ trước nhất. Đúng như lời Đức Giêsu sẽ tuyên bố sau này trên đường đi ra giảng Tin Mừng: “Những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13, 30).

Bậc thang giá trị của người đời thường đi ngược với bậc thang giá trị của của Thiên Chúa. Vì Chúa thấy được sự thực từ bên trong, còn con người thì chỉ thấy cái hào nhoáng bên ngoài, nên thường thích những gì mà người ta coi trọng, còn Thiên Chúa lại chọn những gì người ta coi thường. Nên Ngài đã chọn làm người tầm thường, sinh ra trong cảnh tầm thường, sống với những gì tầm thường, yêu lấy những con người tầm thường. Có ai ngờ hào quang Thiên Chúa lại ẩn giấu trong những điều mà người ta coi đó là tầm thường. Ngài là Đấng ẩn mình (Deus absconditus) để chúng ta được tự do thể hiện mình. Nhưng chỉ trong sự thể hiện đơn sơ khiêm nhường, ta mới có thể đón nhận Chúa.

Thực ra đây là đường hướng và phương sách ngay từ đầu của mầu nhiệm nhập thể, còn gọi là mầu nhiệm tự hủy (kenosis), mầu nhiệm tự hạ vì yêu thương. Vì trong mầu nhiệm này, Thiên Chúa rời khỏi vị thế của mình, ra khỏi bản thân mình để đón nhận thân phận làm người thấp nhất, sống cuộc đời nghèo khó nhất, và chết đau thương tủi nhục nhất. Dường như Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa khi Chúa mặc lấy thân xác con người, hòa nhập với hạng người cùng đinh, gần gũi với những người tội lỗi, và chết não nề như một tên gian phi. Nhưng nhờ vậy mà Chúa cứu chuộc con người từ chỗ khốn cùng nhất, từ trong bóng tối của sự chết, để đưa vào ánh sáng của sự sống.
Con người kiêu căng tự nâng mình lên, đã làm hư hỏng kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa. Nên Ngài phải tự hạ xuống thế làm người để làm nên một cuộc sáng tạo mới mà chúng ta gọi là mầu nhiệm cứu chuộc. Biến cố giáng sinh đã khởi đầu mầu nhiệm cứu chuộc này. Lễ giáng sinh mời gọi ta chiêm ngắm và tiếp tục thể hiện mầu nhiệm nhập thể trong đời sống. Nhờ việc chiêm ngắm ta mới ngộ ra tình yêu sâu thẳm và linh nghiệm của Thiên Chúa trên đời sống mình, để từ đó ta mới biết đón nhận mọi người như Chúa đã đón nhận ta, nghĩa là dám xóa mình, quên mình, dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và toan tính khôn ngoan của người đời, để sống một cuộc sống khác, đó là cuộc sống của Thiên Chúa làm người để con người biết làm con Thiên Chúa.

Trong chúng ta, ai cũng mong cho mình được trọng vọng, được nể nang, được ca tụng, được mọi người cảm kích, và được chức tước địa vị càng nhiều càng tốt. Thế nhưng đó là quan niệm và ước vọng của phàm nhân, một lối sống phàm tục, không phải lối sống của người Kitô hữu, vì đi ngược với mầu nhiệm nhập thể. Lối sống đó làm cho Ngôi Hai Thiên Chúa không thể tiếp tục hạ sinh vào cuộc sống của chúng ta, vì ta đang đặt mình làm trung tâm và đang qui hướng mọi người mọi sự về bản thân mình. Trong tâm hồn ta không có chỗ để Chúa ngự vào, vì không phải là hang đá thanh bần để Chúa được sinh ra.

Bởi thế, giáo phụ Origène đã nói lên rằng:“Dù Chúa Giêsu có sinh ra cả ngàn lần tại Bêlem, xứ Giuđêa, điều đó chẳng ích lợi gì nếu Ngài không sinh ra chỉ một lần trong đời sống của bạn”. Thật vậy, có nghĩa gì đâu nếu Chúa không sinh xuống lòng ta, hay nói cách khác, mừng lễ Giáng Sinh chỉ là chuyện vô ích, khi lòng ta không được cảm hóa và cải hóa bằng một lối sống đơn sơ khiêm nhường. Tâm hồn chúng ta vẫn là một tòa nhà cao ốc, vẫn là một dinh thự nguy nga, mà Chúa thì lại không sinh ra ở những chỗ đó. Chúa muốn chọn nơi bé nhỏ mọn hèn. Vì thế, đòi ta phải từ bỏ lối sống vương giả hay một lối sống quá tiện nghi cầu kỳ, để tâm hồn mình trở thành như hang lừa máng cỏ.
Trở thành hang lừa máng cỏ nghĩa là trở thành một tâm hồn đơn sơ khiêm hạ; một tinh thần nghèo khó, thanh tịnh; một tấm lòng rộng mở, bao dung. Các mục đồng được ưu tiên diện kiến Chúa Hài Nhi cũng biểu trưng cho những tính cách như vậy. Và đó cũng chính là tâm tình và tính cách sống của Chúa Giêsu khi chấp nhận sinh hạ làm người. Giờ đây đến lượt chúng ta, những người được kêu gọi để sống mầu nhiệm nhập thể, sống hạ mình vì yêu thương, để qua chúng ta, từ tâm hồn mình, Chúa lại được sinh ra cho người khác. “Mầu mhiệm” Giáng Sinh là như vậy, để Chúa có thể thấm nhập và làm nên những con người mới.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Từ muôn thuở là Ngôi Lời Thiên Chúa,
nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành,
Ngài tràn đầy ân sủng và sự thật,
là sự sống là ánh sáng vĩnh hằng.
Chúng con quá ngỡ ngàng và vui sướng,
vì Thiên Chúa đã tỏ lòng xót thương,
cho Ngôi Lời nhập thể làm người thế,
để cứu thoát nhân trần khỏi bến mê.
Thật lòng trí chúng con không thể tưởng,
Con Thiên Chúa trở nên con loài người,
là Thiên Chúa thật và là người thật,
để từ đây Ngài thần hóa chúng con,
từ những kẻ sinh ra trong hèn mọn,
nay lại được trở nên con Thiên Chúa.
Chúa đã nhận lấy thân phận của con,
những gì là mỏng giòn và yếu đuối,
để đời con có Ngài nguồn an ủi,
không còn phải lủi thủi giữa cuộc đời.
Chúa đã đến sống cuộc đời như con,
cho con biết sống cuộc đời như Chúa,
dám vươn lên với tấm lòng cao thượng,
tìm mọi cách để thể hiện tình thương,
làm ánh sao soi rọi giữa đêm trường,
làm muối men cho cuộc đời nồng thắm.
Xin cho con được gặp Chúa hôm nay,
trong mọi nơi mọi lúc mọi hoàn cảnh,
luôn trung thành trước cuộc sống đổi thay,
và hăng say bước theo Chúa mỗi ngày,
luôn gieo rắc niềm tin yêu hy vọng,
để được Chúa là tất cả ước mong. Amen.