Ngày 29 tháng 7, 7:19 sáng

Hôm nay đánh dấu ngày cuối cùng trong chuyến thăm Canada của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài sẽ gặp gỡ các thành viên của Dòng Chúa Giêsu [Dòng Tên] và một phái đoàn của các dân tộc bản địa ở Québec. Từ đó, ngài sẽ bay đến Iqaluit, nơi ngài sẽ gặp gỡ các học sinh của các trường nội trú cũ, thanh niên và người cao niên, và tham dự một buổi lễ chia tay.

Nhân dịp này CNA cung cấp thông tin về Iqaluit và lý do Đức Phanxicô đến đó.



Iqaluit ở đâu?

Chỉ có 7,740 người sinh sống, Iqaluit là thủ đô - và là thành phố duy nhất - của Nunavut, vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt và cực bắc của Canada. Thành phố nằm trên một vịnh lớn trên đảo Baffin, một trong những hòn đảo lớn nhất thế giới với kích thước tương đương với Tây Ban Nha, nhưng chỉ có 10,000 người sinh sống. Hơn 2/3 số người đó sống ở Iqaluit.

Trong ngôn ngữ địa phương của người Inuit, "Iqaluit" có nghĩa là "cá". Tên gọi này ám chỉ một ngôi làng nhỏ ở Koojesse Inlet vào những năm 1940, nơi nhiều người Inuit chuyển đến làm việc trong quá trình xây dựng một căn cứ không quân của Mỹ.

Thành phố nhỏ có sáu trường học, một trường cao đẳng, năm nhà trẻ và ba trạm xăng. Cư dân nói tiếng Anh và tiếng Inuktitut, ngôn ngữ của người Inuit ở cực bắc Canada. Bất chấp khí hậu vùng cực và vĩ độ cao của thành phố, nó thực sự nằm ở phía nam của vòng bắc cực. Nó đã từng là một trung tâm đánh cá quan trọng của người Inuit trong nhiều thế kỷ.

Nunavut, một lãnh thổ do người Inuit cai quản, có dân số khoảng 40,000 người. Khoảng 80% là người Inuit. Ở Iqaluit, có 3,900 người Inuit.

Đức Phanxicô sẽ ở trên không chỉ hơn năm giờ trong chuyến bay từ Thành phố Québec đến Iqaluit.

Có người Công Giáo ở Iqaluit không?

Theo đài truyền hình quốc gia Canada, cơ quan truyền giáo Công Giáo đầu tiên ở Nunavut được thành lập bởi Dòng Hiến sĩ của Đức Mẹ Vô nhiễm [Oblates of Mary Immaculate] ở Chesterfield Inlet vào năm 1912.

Hãng tin AP đưa tin, có một giáo xứ Công Giáo ở Iqaluit: Đức Bà Mông Triệu. Theo lời của cha xứ, Daniel Perreault, chỉ một số ít giáo dân của ngài là người Inuit. Những người còn lại đến từ các quốc gia thuộc ít nhất năm lục địa khác nhau. Giáo xứ của ngài phục vụ hơn 100 người trong Thánh lễ mỗi Chúa nhật.

Giáo phận Vịnh Churchill-Hudson, bao trùm hầu hết lãnh thổ Nunavut, cho biết họ phục vụ khoảng 9,000 người Công Giáo tại 17 giáo xứ và cơ sở truyền giáo với hai linh mục giáo phận, năm linh mục dòng, và hai chị thuộc các Hội dòng Canada, một phó tế vĩnh viễn, một nam tu sĩ, và ba nhân viên mục vụ.

Đức cha Anthony Wieslaw Krótki lãnh đạo giáo phận.

Tại sao Đức Phanxicô đến đó?

Lý do chính cho chuyến thăm Iqaluit của Đức Thánh Cha là để có một cuộc gặp riêng với học sinh của các trường nội trú cũ. Hơn một chục trường nội trú hoạt động tại Nunavut ngày nay.

Từ quan điểm thực tế, Đức Giám Mục địa phương, Krótki, nói rằng “Iqaluit cũng được chọn vì các biện pháp an toàn hàng không, số lượng phòng khách sạn đủ chỗ cho sinh viên và du khách, và khả năng tiếp cận của nó với cơ quan quản lý chính trị, Giáo hội và tổ chức bản địa ở Ottawa.”

Ngài cũng cho biết Giáo phận Vịnh Churchill-Hudson là giáo phận Canada đầu tiên xin lỗi các học sinh cũ của một trường nội trú vào năm 1996. Cùng với các giáo phận khác ở Canada, nó đã đóng góp vào Quỹ Hòa giải Bản địa Canada của các Giám mục Canada.

Iqaluit có trường học nội trú không?

Đức Cha Krótki nói với Vatican News, Giáo phận Vịnh Churchill-Hudson đã tham gia vào việc điều hành một trường học trong khu vực trong vòng chưa đầy 15 năm. Ngài nói về những tác động tích cực và tiêu cực của ngôi trường đó.

Ngài cho biết, “Những lợi ích giáo dục của định chế đó đã được chứng minh bởi nhiều học sinh cũ đã trở thành những nhà lãnh đạo trong xã hội, chính phủ của họ và trong lĩnh vực đàm phán yêu sách đất đai. “Trường học cũng mang lại một số đau đớn và đau khổ với những người trẻ không sống ở nhà quanh năm cũng như một số hành vi lạm dụng không thể chấp nhận được.”

Lịch trình của Đức Phanxicô ở đó ra sao?

Theo nhà thờ Đức Bà Mông Triệu, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến lúc 3:50 chiều giờ EDT vào thứ Sáu, ngày 29 tháng 7. Ngài sẽ khởi hành trở về Rome lúc 6:45 chiều. Trong thời gian ở đây, ngài sẽ gặp gỡ các học sinh của các trường nội trú cũ của Canada.

Giáo xứ cho biết, khi đến nơi, Đức Giáo Hoàng sẽ đến trường tiểu học Nakasuk và tổ chức một buổi tiếp kiến riêng tại phòng thể dục. Sau đó, ngài sẽ tham dự một biến cố cộng đồng công khai bên ngoài và đọc một thông điệp. Sau đó, sẽ có một "Bài hát Kinh Lạy Cha."

Cha xứ Perreault thông báo trên trang web của nhà thờ: “Trong một vài ngày tới, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta sẽ hát rất to lời cầu nguyện này lên Đức Chúa Cha của chúng ta. Mong khoảnh khắc này là một cơ hội thực sự để hòa nhã và chào đón lẫn nhau cho tất cả những người tham gia, bất kể họ ở đâu và xuất xứ văn hóa nào.”



Ngày 29 tháng 7, 9:45 sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự một cuộc họp riêng với các tu sĩ Dòng Tên ở Québec vào sáng nay tại Tòa Tổng Giám Mục Québec, như thông lệ của các chuyến tông du của ngài.

Theo VanticanNews, Đức Giáo Hoàng cũng đã trả lời các câu hỏi trong một cuộc trò chuyện thân mật với những người hiện diện. Các câu hỏi này thường được soạn sẵn và cung cấp bởi chủ bút tờ La Civiltà Cattolica, Cha Antonio Sparado.

Ngày 29 tháng 7, 10:30 sáng

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ một phái đoàn các dân tộc bản địa ở Québec. Ngài ca ngợi họ trước khi rời Québec

Trong một bài diễn văn ngắn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài đang trở về nhà “rất giàu có” sau “chuyến hành hương đền tội” kéo dài một tuần tới Canada, trong đó ngài công khai xin lỗi nhiều lần về những lạm dụng trong quá khứ của người Công Giáo chống lại người bản địa của quốc gia.



“Tôi đến với tư cách là một người anh em, để tận mắt khám phá trái tốt và trái xấu do các thành viên của gia đình Công Giáo địa phương sinh ra trong suốt nhiều năm. Tôi đã đến với tinh thần sám hối, để bày tỏ nỗi đau chân thành trước những điều sai trái đã gây ra cho anh chị em bởi không ít người Công Giáo ủng hộ các chính sách áp bức và bất công đối với anh chị em,” vị giáo hoàng 85 tuổi nói như thế, trước phái đoàn tập hợp tại dinh thự của Đức Tổng Giám Mục ở thành phố Québec.

Đức Thánh Cha nói tiếp, “Tôi đến với tư cách một người hành hương, bất chấp những hạn chế về thể chất của mình, để thực hiện những bước tiến xa hơn với anh chị em và vì anh chị em. Tôi làm điều này để có thể đạt được tiến bộ trong việc tìm kiếm sự thật, để các quá trình hàn gắn và hòa giải có thể tiếp tục, và để hạt giống hy vọng có thể tiếp tục được gieo cho các thế hệ tương lai - những người bản địa và không phải bản địa - những người mong muốn sống với nhau, trong hòa hợp, như anh chị em”.

Ngài cảm ơn người dân bản địa đã chào đón ngài đến Canada. 22 đại biểu tham dự hôm thứ Sáu đại diện cho Các Quốc Gia Đầu tiên Mi’kmaq, Algonquin, Mohawk, Cree, Innu, Atikamekw, Malecite, Abenaki và Naska.

Vị Đại diện Chúa Kitô cho hay, “Tôi thực sự có thể nói rằng, trong khi tôi đến với anh chị em, chính cuộc sống và kinh nghiệm của anh chị em, những thực tại bản địa của những vùng đất này, đã làm tôi xúc động, ở lại với tôi và sẽ luôn là một phần của tôi”.

Ngài nói thêm, “Tôi dám khẳng định, nếu anh chị em cho phép tôi, rằng bây giờ, ở một khía cạnh nào đó, tôi cũng cảm thấy mình là một phần của gia đình anh chị em, và vì điều này, tôi rất vinh dự”.

Như lần đầu tiên ngài làm trong bài phát biểu xin lỗi hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa ca ngợi tầm quan trọng mà các cộng đồng bản địa gán cho gia đình và truyền thống. Ngài cũng khai triển chủ đề này vào thứ Ba nhân ngày lễ Thánh Anna, vị thánh bổn mạng của ông bà.

Đức Giáo Hoàng nói “Trong một thế giới mà, bi thảm thay, thường là quá duy cá nhân, ý thức chân chính sâu xa của anh chị em về gia đình và cộng đồng là điều đáng quý xiết bao. Điều quan trọng biết bao là vun đắp mối dây liên kết giữa trẻ và già, và duy trì mối liên hệ lành mạnh và hài hòa với mọi tạo vật!”.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục bài phát biểu của mình bằng cách nêu bật tấm gương của ba người phụ nữ mà ngài nói “hiểu rõ nhất về cách bảo vệ những điều quan trọng nhất trong cuộc sống”. Người đầu tiên là Thánh Anna, người đã nuôi nấng Đức Trinh Nữ Maria; người thứ hai là Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cuối cùng là Thánh Kateri Tekakwitha, người Mỹ bản địa đầu tiên được phong thánh và là thành viên của dân tộc Mohawk.

Đức Thánh Cha nói, cả Đức Maria lẫn Thánh Kateri đều “nhận được từ Thiên Chúa một kế hoạch cho cuộc đời họ, và không cần hỏi bất cứ người đàn ông nào, đã can đảm đồng ý với nó”.

Ngài tiếp tục nói, “Hai người phụ nữ đó có thể phản ứng một cách giận dữ với bất cứ ai phản đối kế hoạch đó, hoặc chỉ đơn thuần tuân phục các quy tắc gia trưởng của thời đó và đầu hàng, mà không chiến đấu cho những giấc mơ mà chính Chúa đã truyền cảm hứng cho họ. Họ đã chọn không làm điều đó, nhưng thay vào đó, với sự hiền lành và quyết tâm, với những lời tiên tri và cử chỉ dứt khoát, họ đã đánh dấu một con đường và hoàn thành những gì họ được kêu gọi phải làm".

Đức Thánh Cha kết luận, “Xin các ngài chúc lành cho cuộc hành trình mà chúng ta đang chia sẻ, và cầu bầu cho chúng ta cũng như cho công việc chữa lành và hòa giải vĩ đại làm đẹp lòng Thiên Chúa này. Tôi chúc phúc cho tất cả các anh chị từ trái tim của tôi. Và xin vui lòng tiếp tục cầu nguyện cho tôi”.

Sau bài phát biểu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến bay đến Iqaluit, thủ đô và thành phố duy nhất của Nunavut, vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt và cực bắc của Canada, đến đó lúc 3:50 chiều giờ EDT. Sau khi gặp gỡ các cựu học sinh của các trường dân cư của Canada ở Iqaluit, ngài sẽ khởi hành trở về Rome lúc 6:45 chiều.



Ngày 29 tháng 7, 1:00 chiều

Khi ở trên máy bay tới Iqaluit, Đức Thánh Cha Phanxicô tưởng nhớ Thánh Kateri Tekakwitha. Tekakwitha, còn được gọi là “Lily of the Mohawks,” trở thành vị thánh người Mỹ bản địa đầu tiên vào năm 2012. Bà được nuôi dưỡng ở New York bởi chú của bà, một tù trưởng Mohawk, sau khi cha mẹ bà qua đời vì dịch bệnh đậu mùa. Sau khi gặp các linh mục Dòng Tên trong làng của mình, bà đã trở lại Công Giáo ở tuổi 19. Họ hàng của bà và dân làng đã cố gắng trừng phạt bà vì niềm tin của bà. Sau đó, bà chạy đến Montreal, Canada, nơi bà có thể thực hành đức tin của mình và sống cuộc đời của mình như một trinh nữ thánh hiến.

Ngày 29 tháng 7, 5:00 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ thanh niên và người lớn tuổi trước khi tham dự buổi lễ chia tay ở Iqaluit, thủ đô và thành phố duy nhất của Nunavut, vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt và cực bắc của Canada. Trong buổi gặp gỡ này, tại quảng trường của trường tiểu học, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với những người trẻ tuổi ở Iqaluit rằng “Hãy chọn ánh sáng thay vì bóng tối”. Ngài khuyến khích những người trẻ tuổi bản địa và người lớn tuổi không nên chán nản mà hãy tìm kiếm những gì tốt đẹp.

Một số người tập trung tại quảng trường trường tiểu học để lắng nghe Đức Giáo Hoàng đã từng gặp ngài tại Vatican hồi tháng 3. Trước khi Đức Giáo Hoàng phát biểu, một số nghệ sĩ bản địa đã chào đón ngài bằng cách hát các bài hát, và ngài được tặng một chiếc trống Inuit.



Vị giáo hoàng 85 tuổi nói, “Sau cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Rome, tôi đã cố gắng tưởng tượng những nơi rộng lớn mà anh chị em đã sinh sống từ thời xa xưa không ai nhớ nổi và bị những người khác coi là không hiếu khách. Anh chị em đã tiến đến chỗ yêu những nơi này, tôn trọng, trân qúi và nâng cao chúng, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, những giá trị căn bản như tôn trọng người già, tình huynh đệ chân chính và quan tâm đến môi trường”.

Ngài nói tiếp, “Có một mối liên hệ tuyệt đẹp giữa anh chị em và vùng đất mà anh chị em đang sinh sống, vì nó cũng rất mạnh mẽ và kiên cường, và phản ứng bằng ánh sáng rực rỡ với bóng tối bao phủ nó trong hầu hết năm tháng”.

“Thế nhưng mảnh đất này, cũng như mỗi cá nhân, mỗi con người, cũng mong manh và cần được chăm sóc. Chăm sóc, dạy dỗ và học cách quan tâm: những người trẻ tuổi đã được kêu gọi cách đặc biệt đảm nhiệm trách vụ này, được hỗ trợ bởi gương sáng của những người lớn tuổi! Hãy quan tâm đến trái đất, chăm sóc cho người dân của anh chị em, hãy quan tâm đến lịch sử của anh chị em”.

Iqaluit đánh dấu điểm dừng cuối cùng trong chuyến công du kéo dài một tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Canada. Địa điểm cực bắc là thành phố duy nhất trong lãnh thổ Nunavut do người Inuit cai quản.

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô lại cầu xin sự tha thứ “vì tội ác gây ra bởi không ít người Công Giáo, những người đã góp phần vào các chính sách đồng hóa và giải phóng văn hóa trong các trường học đó”. Ngài phản đối việc tách trẻ em khỏi cha mẹ của chúng,

Ngài nói, “Thật là xấu xa biết bao khi phá vỡ mối dây liên kết giữa cha mẹ và con cái, làm hỏng các mối liên hệ thân thiết nhất của chúng ta, làm tổn hại và gây tai tiếng cho các trẻ nhỏ!”.

Phát biểu trước những người trẻ tuổi trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã nói về “một loại ‘lực hấp dẫn tinh thần’ dấu mặt cố gắng kéo chúng ta xuống, giết chết ước muốn của chúng ta và làm giảm niềm vui của chúng ta.”



Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “ Thiên Chúa không bao giờ ngừng tin tưởng vào các con, không một giây phút nào. Người tin tưởng vào tài năng của các con. Khi các con tìm kiếm Người, các con sẽ nhận thấy rằng con đường mà Người kêu gọi các con đi theo luôn đi lên như thế nào. Các con sẽ nhận ra điều này khi các con nhìn lên bầu trời lúc cầu nguyện, và đặc biệt là khi các con chiêm ngắm Người trên thập giá”.

“Các con sẽ nhận thấy rằng Chúa Giêsu, từ thập giá, không bao giờ chỉ tay vào các con; Người ôm các con và động viên các con, bởi vì Người tin vào các con ngay cả những lúc các con không còn tin vào bản thân. Vì vậy, đừng bao giờ đánh mất hy vọng, hãy chiến đấu, hãy cống hiến hết mình và các con sẽ không phải hối tiếc ”.

Đức Giáo Hoàng lưu ý rằng ngài đã chứng kiến sự thắp sáng của qulliq, một loại đèn dầu truyền thống của người Inuit được đốt cháy bằng cách sử dụng mỡ hải cẩu hoặc mỡ cá voi.

Ngài nói, “Khi các con cảm thấy buồn hoặc thất vọng, hãy nghĩ đến qulliq: Nó có một thông điệp dành cho các con. Thông điệp gì? Các con phải bước ra ánh sáng mỗi ngày. Không những vào ngày các con sinh ra, khi nó không phụ thuộc vào các con, mà là mỗi ngày. Mỗi ngày các con được kêu gọi mang ánh sáng mới vào thế giới, ánh sáng của đôi mắt các con, ánh sáng của nụ cười các con, ánh sáng của lòng tốt mà các con và một mình các con mới có thể mang lại”.

“Tuy nhiên, để bước ra ánh sáng, để được tái sinh, các con cần phải chiến đấu mỗi ngày chống lại bóng tối. Vì có một cuộc đụng độ hàng ngày giữa ánh sáng và bóng tối, không diễn ra ở đâu đó ngoài kia, mà ở trong mỗi chúng ta. Đi theo con đường của ánh sáng đòi hỏi những quyết định can đảm và chân thành để chống lại bóng tối của sự dối trá ”.

Đức Giáo Hoàng đưa ra một số tiêu chuẩn để những người trẻ tuổi có thể phân biệt ánh sáng và bóng tối tốt hơn.

Ngài nói, “Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta muốn trở nên tốt hơn, phải học cách phân biệt ánh sáng và bóng tối. Chúng ta bắt đầu từ đâu? Các con có thể bắt đầu bằng cách tự hỏi bản thân: Đâu là những điều khiến tôi chú ý đầu tiên coi như lấp lánh và quyến rũ, nhưng sau đó lại để lại trong tôi cảm giác trống rỗng sâu thẳm? Đó chính là bóng tối! Mặt khác, điều gì tốt cho tôi và để lại cảm giác bình yên trong lòng tôi, ngay cả khi nó thoạt đầu kêu gọi tôi từ bỏ những tiện nghi nào đó và làm chủ những bản năng nào đó? Đó là ánh sáng!”

Đức Giáo Hoàng nói, cách làm vui lòng Thiên Chúa là sử dụng quyền tự do của mình để chọn làm điều tốt.

Ngài nói, “Tự do không có nghĩa là làm mọi thứ mình muốn và hành động theo ý mình. Tự do không phải là những gì tôi có thể làm bất chấp người khác, mà là những gì tôi có thể làm cho người khác. Tự do không phải là giá trị hoàn toàn, mà là trách nhiệm. Tự do, cùng với sự sống, là hồng ân lớn nhất mà Cha trên trời đã ban cho chúng ta”.

Lời khuyên cuối cùng của Đức Thánh Cha dành cho những người trẻ tuổi là “Hãy trở thành một phần của một đội”. Để minh họa tinh thần đồng đội, ngài đã sử dụng hình ảnh từ môn thể thao phổ biến nhất của Canada, khúc côn cầu.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Khúc côn cầu kết hợp giữa kỷ luật và sự sáng tạo, chiến thuật, và sức mạnh thể chất; nhưng tinh thần đồng đội luôn tạo ra sự khác biệt; đó là điều cần thiết để ứng phó với sự không thể đoán trước của mọi trận đấu”.

Ngài nói tiếp, “Làm việc theo nhóm có nghĩa là tin rằng, để đạt được những mục tiêu lớn, các con không thể đi một mình; các con phải di chuyển cùng với nhau, có sự kiên nhẫn để luyện tập và thực hiện các vở kịch phức tạp. Làm việc theo nhóm cũng bao gồm việc nhường chỗ cho những người khác, lao ra nhanh chóng khi đến lượt và cổ vũ đồng đội của các con. Đó là tinh thần đồng đội!”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận, “Niềm hy vọng và lời cầu nguyện của tôi là, bằng cách lắng nghe những người lớn tuổi của các con và rút ra từ sự phong phú của truyền thống và quyền tự do cá nhân của các con, các con sẽ đón nhận Tin Mừng do tổ tiên của các con gìn giữ và lưu truyền, và do đó đến để nhìn thấy khuôn mặt Inuk của Chúa Giêsu Kitô”.

Sau bài phát biểu, Toàn quyền Canada, Mary Simon, dự kiến sẽ tiễn Đức Thánh Cha Phanxicô tại Sân bay Quốc tế Iqaluit.