Ngày 27 tháng 7, 12:00 p.m.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến Québec hôm nay. Toàn quyền Canada, Mary Simon, sẽ chào đón ngài trong tư cách đại diện Nữ hoàng Elizabeth II, nguyên thủ quốc gia của Canada. Đức Giáo Hoàng cũng sẽ gặp Thủ tướng Justin Trudeau, các cơ quan dân sự, đại diện của người dân bản địa, và các thành viên của đoàn ngoại giao.

Ngày 27 tháng 7, 4:55 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Québec và được chào đón bởi các quan chức chính phủ hàng đầu, bao gồm cả Thủ tướng Justin Trudeau và toàn quyền Canada, Mary Simon.



Ngày 27 tháng 7, 6:00 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký vào cuốn sách danh dự tại Citadelle de Québec. Ngài viết: “Là một người hành hương tại Canada, một vùng đất trải dài từ biển này sang biển khác, tôi cầu xin Thiên Chúa để đất nước vĩ đại này sẽ luôn là một tấm gương trong việc xây dựng một tương lai bảo tồn và trân trọng cội nguồn, đặc biệt là những người dân bản địa của nó, và là một ngôi nhà chào đón tất cả mọi người."

Ngày 27 tháng 7, 6:28 chiều:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau chiều nay, 27 tháng 7, tại Thành phố Quebec, trong khuôn khổ “chuyến hành hương đền tội” kéo dài một tuần của ngài tới Canada.

Cuộc gặp gỡ hôm nay không phải là cuộc gặp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Trudeau; Thủ tướng đã chào đón Đức Giáo Hoàng khi ông đến Sân bay Quốc tế Edmonton hôm Chúa nhật. Trudeau và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có một cuộc gặp mặt trực tiếp trước đó, tại Vatican vào năm 2017. Trong cuộc gặp gỡ này, Trudeau đã mời Đức Phanxicô thăm Canada.

Chuyến đi đó giờ đã thành hiện thực và có kèm theo lời xin lỗi công khai từ Đức Phanxicô về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành phần lớn hệ thống trường nội trú của Canada do chính phủ tài trợ.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào năm 2017 không phải là chuyến thăm đầu tiên của Trudeau tới Vatican. Là một người Công Giáo, ông đã gặp Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1980 trong cuộc gặp của cha ông, cựu Thủ tướng Canada Pierre Trudeau, với Đức Gioan Phaolô II.

Trudeau đã bị chỉ trích trong nhiệm kỳ thủ tướng vì đã thúc đẩy các chính sách trái ngược với đức tin Công Giáo của ông, bao gồm thúc đẩy mạnh mẽ việc tiếp tục phá thai hợp pháp ở Canada, cũng như hỗ trợ an tử

Ngày 27 tháng 7, 7:00 tối:

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bày tỏ 'sự xấu hổ sâu xa' ở Canada, cảnh cáo về ‘văn hóa triệt tiêu' mới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã yêu cầu sự tha thứ đối với các tổn hại đã gây ra cho người bản địa Canada bởi những người Công Giáo trong một bài diễn văn hôm thứ Tư trước các quan chức chính phủ hàng đầu và đại diện của người dân bản địa ở Canada.

“Tôi bày tỏ sự xấu hổ và đau buồn sâu xa của mình, và cùng với các giám mục của đất nước này, tôi tiếp tục yêu cầu sự tha thứ cho những điều sai trái của rất nhiều Kitô hữu đối với người dân bản địa,” vị giáo hoàng 85 tuổi nói như thế, khi nhắc đến vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong việc điều hành nhiều trường nội trú do chính phủ tài trợ cho trẻ em bản địa của đất nước.

Đức Phanxicô lên án “hệ thống đáng trách” đã “chia cắt nhiều trẻ em khỏi gia đình” trong một bài diễn văn trước toàn quyền Canada, Mary Simon, Thủ tướng Justin Trudeau, các nhà chức trách dân sự và tôn giáo, đại diện của người dân bản địa, và các thành viên của đoàn ngoại giao ở Québec.

Trong cuộc hành hương mà ngài gọi là “cuộc hành hương đền tội” ở Canada, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công khai xin lỗi về những tổn hại đã gây ra cho người Canada bản địa và nhiều lần bày tỏ sự xấu hổ và đau buồn của ngài.

Ngài nói: “Đức tin Kitô giáo đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc hình thành những lý tưởng cao nhất của Canada, đặc trưng bởi mong muốn xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn cho tất cả người dân. Đồng thời, khi thừa nhận lỗi lầm của mình, cần phải cùng nhau làm việc để hoàn thành một mục tiêu mà tôi biết tất cả qúy vị đều chia sẻ: cổ vũ các quyền hợp pháp của người dân bản địa và ủng hộ các diễn trình hàn gắn và hòa giải giữa họ và những người không phải bản địa của đất nước."

Sau cuộc gặp gỡ với đại diện của các dân tộc bản địa ở Rome và bây giờ, ở Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn về tương lai.

Ngài nói: “Khoảng thời gian chúng ta ở cùng nhau đã gây ấn tượng với tôi và để lại mong muốn vững chắc là đáp lại sự phẫn nộ và xấu hổ đối với những đau khổ mà người dân bản địa phải chịu đựng, và tiến về phía trước trên hành trình huynh đệ và kiên nhẫn với tất cả người dân Canada, phù hợp với sự thật và công lý, hoạt động để hàn gắn và hòa giải, và không ngừng được truyền cảm hứng bởi lòng hy vọng."

Ngài cảnh cáo chống lại các hình thức thực dân hóa, đặc biệt là "thực dân hóa ý thức hệ", mà ngài nói ngày nay vẫn còn được thực hiện.

Ngài nói: “Trong quá khứ, não trạng thực dân coi thường đời sống cụ thể của con người và áp đặt một số mô hình văn hóa đã định sẵn, nhưng ngày nay cũng vẫn có hình thức thực dân hóa ý thức hệ xung đột với thực tại cuộc sống, kìm hãm sự sự gắn bó tự nhiên của các dân tộc với các giá trị của họ, và cố gắng nhổ bỏ các mối liên hệ truyền thống, lịch sử và tôn giáo của họ”.

Ngài liên kết loại thực dân này với điều ngài gọi là “văn hóa triệt tiêu”.

Ngài nói: “Não trạng này, khi tự phụ nghĩ rằng những trang đen tối của lịch sử đã bị bỏ lại phía sau, đã trở nên cởi mở đối với ‘nền văn hóa triệt tiêu’ vốn đánh giá quá khứ hoàn toàn dựa trên một số phạm trù đương thời nào đó. Kết quả là một phong cách văn hóa đánh đồng mọi sự, làm cho mọi sự đều bằng nhau, chứng tỏ không khoan dung đối với các khác biệt và tập trung vào thời điểm hiện tại, vào nhu cầu và quyền lợi của cá nhân, trong khi thường xuyên bỏ bê nhiệm vụ của họ đối với những người yếu kém và dễ bị tổn thương nhất trong các anh chị em của chúng ta.”

Ngài xác định những người dễ bị tổn thương là người nghèo, người di cư, người già, bệnh tật và trẻ sơ sinh - hoặc “những người bị lãng quên trong ‘các xã hội giàu có’”, những người “bị vứt sang một bên như những chiếc lá khô bị cháy”.

“Thay vào đó, những tán lá phong phú đa sắc của cây phong nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của toàn thể, tầm quan trọng của việc phát triển các cộng đồng con người không phải là độc dạng một cách nhạt nhẽo, mà thực sự cởi mở và hòa nhập,” ngài nói thế khi đề cập đến những chiếc lá mang ý nghĩa quốc gia tại Canada.

Trong suốt bài phát biểu của mình, ngài đã liên tục nhắc đến hình ảnh lá phong.

“Chúng ta cần lắng nghe và đối thoại với nhau xiết bao, để lùi lại khỏi chủ nghĩa cá nhân đang thịnh hành, khỏi những phán xét vội vàng, tính hung hăng lan tràn và sự cám dỗ chia cắt thế giới thành người tốt và người xấu!” ngài đã thốt lên như thế. “Kích thước lớn của những chiếc lá phong, có tác dụng hấp thụ không khí ô nhiễm và từ đó cung cấp oxy, mời chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sáng thế và đánh giá cao những giá trị lành mạnh hiện diện trong nền văn hóa bản địa.”

Ngài nói thêm: “Chúng có thể truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta và giúp chữa lành các khuynh hướng lợi dụng có hại”.

Đức Giáo Hoàng nhiều lần đề cao người bản địa Canada như một hình mẫu để noi theo trong việc chăm sóc và bảo vệ gia đình, làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai, và “nhắc nhớ tầm quan trọng của các giá trị xã hội”.

Ngài nói thêm: “Giáo Hội Công Giáo, với chiều kích phổ quát, quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, phục vụ chính đáng cho sự sống của con người, từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, rất vui được cống hiến những đóng góp cụ thể của mình”.

Ngài nói, quá khứ nên thông tri cho tương lai.

Ngài nói: “Mong những điều sai trái mà người dân bản địa phải chịu đựng sẽ là lời cảnh cáo cho chúng ta ngày nay, kẻo việc quan tâm đến gia đình và quyền lợi của gia đình bị làm ngơ trước lợi ích cá nhân và năng suất cao hơn”.

Ngài kết luận với một thông điệp về sự đoàn kết.

Ngài nói: “Chính bằng cách hợp tác chung, tay trong tay, mà những thách thức cấp bách ngày nay phải được đối đầu. Tôi cảm ơn vì lòng hiếu khách, sự quan tâm và tôn trọng của qúy vị, và với tình cảm tuyệt vời, tôi bảo đảm với qúy vị rằng Canada và người dân của nó thực sự gần gũi với trái tim tôi.”

Cuộc tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục diễn ra vào Thứ Năm, 28 tháng 7. Ngài sẽ cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Thánh Anne de Beaupré. Cuối ngày hôm đó, Đức Thánh Cha sẽ đọc Kinh Chiều với các giám mục, linh mục, phó tế, những người thánh hiến, chủng sinh, và các nhân viên mục vụ tại Nha thờ Chính tòa Đức Bà.

Còn tiếp