Hãng tin CNA tiếp tục đưa tin về các hoạt động của Đức Phanxicô trong cuộc tông du gần một tuần củ ngài tại Canada:

Ngày 28 tháng 7, 9:25 sáng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đang đến Nhà thờ St. Anne de Beaupré ở Québec để cử hành Thánh lễ. Nguyên khởi được xây dựng vào thế kỷ 17 để chào đón một bức tượng lạ lùng của vị thánh, đây là ngôi đền cổ kính nhất ở Bắc Mỹ. Theo truyền thống, một trong những người xây dựng nhà thờ đầu tiên bị chứng vẹo cột sống nặng và đã được chữa lành. Thánh Anna, bà ngoại của Chúa Giêsu Kitô, được tuyên bố là bổn mạng của Québec vào năm 1876. Phần lớn chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập chú vào vị thánh này.



Chính quyền địa phương ước tính hôm nay, có khoảng 2,000 người hiện diện ở đền thờ này.

Trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thuyết giảng về niềm hy vọng và ơn cứu chuộc mà Chúa Kitô ban cho khi đối diện với sự xấu hổ, và Thiên Chúa đã tìm cách ra sao để đến gần chúng ta trong những khoảnh khắc thất bại sai sót.

“Trên nẻo đường cuộc sống và đức tin, khi chúng ta tìm cách đạt được những ước mơ, kế hoạch, hy vọng và kỳ vọng sâu thẳm trong trái tim mình, chúng ta cũng phải chống lại những momg manh và yếu đuối của chính mình; chúng ta trải nghiệm các đình đốn và thất vọng, và chúng ta thường bị giam cầm trong cảm thức thất bại đến tê liệt. Tuy nhiên, Tin Mừng nói với chúng ta rằng vào chính những thời điểm đó chúng ta không cô đơn, vì Chúa đến gặp chúng ta và đứng bên cạnh chúng ta,” Đức Thánh Cha nói như thế và giảng bằng tiếng Tây Ban Nha mẹ đẻ của ngài.

“Người đồng hành với chúng ta trên con đường của chúng ta theo suy sét chín chắn của một người bạn đồng hành hiền từ muốn mở rộng tầm mắt chúng ta và khiến trái tim chúng ta một lần nữa bừng cháy trong chúng ta. Bất cứ khi nào thất bại của chúng ta dẫn chúng ta đến chỗ gặp gỡ với Chúa, sự sống và niềm hy vọng được tái sinh và chúng ta có thể được hòa giải: với chính mình, với anh chị em của chúng ta và với Thiên Chúa.”

Bài đọc Tin Mừng theo Thánh Luca kể về cuộc gặp gỡ của hai môn đệ với Chúa Kitô Phục Sinh trên đường Emmaus, và việc các môn đệ mở mắt nhận diện Chúa Giêsu lúc bẻ bánh. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng có thể có “cảm giác thất bại ám ảnh tâm hồn của hai môn đệ sau cái chết của Chúa Giêsu”, điều này đã trở thành niềm hy vọng khi họ gặp gỡ Chúa Giêsu.

Đức Giáo Hoàng nói, “Tin Mừng cho chúng ta thấy… chính trong những tình huống thất vọng và đau buồn như thế - khi chúng ta kinh hoàng trước bạo lực của sự dữ và xấu hổ vì tội lỗi của mình, khi nguồn nước sống của cuộc đời chúng ta cạn kiệt bởi tội lỗi và thất bại, khi chúng ta bị tước bỏ mọi sự và dường như không còn gì – chính lúc đó, Chúa đến gặp chúng ta và đi bên cạnh chúng ta”.

“Trên đường đến Emmaus, Chúa Giêsu nhẹ nhàng đến gần và đi theo các bước chân thất thần của những môn đệ buồn bã đó. Và Người làm gì? Người không đưa ra những lời động viên chung chung, những lời an ủi đơn giản và phiến diện nhưng thay vào đó, bằng cách mạc khải mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Người từng được báo trước trong Kinh thánh, Người đã làm sáng tỏ cuộc sống của họ và những sự kiện họ đã trải qua. Bằng cách này, Người mở rộng đôi mắt của họ để nhìn mọi sự một cách mới mẻ ”.

Đức Hồng Y Gérald Lacroix của Québec là người chủ tế chính của Thánh Lễ, được cử hành bằng tiếng Pháp. Đền thờ, Vương cung thánh đường Sainte-Anne-de-Beaupré, là địa điểm hành hương Công Giáo lâu đời nhất ở Bắc Mỹ, là nhà thờ đầu tiên được xây dựng tại địa điểm này vào năm 1658. Dâng kính bà ngoại của Chúa Giêsu, đền thờ từ lâu đã được tôn kính như một nơi chữa lành.

AP đưa tin, Chính quyền địa phương ước tính có 2,000 người đã có mặt tại ngôi đền hôm thứ Năm. Ở tỉnh Québec, mặc dù phần lớn dân số có nguồn gốc Công Giáo, nhưng ít hơn 10% tham dự Thánh lễ thường xuyên, so với 90% cách đây vài thập niên.

Bài đọc thứ nhất nói về sự xấu hổ mà Ađam và Êva cảm thấy do tội lỗi của họ. Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần nói về sự xấu hổ cá nhân của mình trước việc ngược đãi trẻ em bản địa tại các trường nội trú do Giáo Hội điều hành ở Canada, hoạt động cho đến những năm 1990.

Ngày 28 tháng 7, 12:50 chiều

Sau Thánh lễ tại Đền thờ Quốc gia Thánh Anne de Beaupré ở Québec, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các vị khách của trung tâm linh đạo và chào đón Huynh đệ Thánh Alphonse.

Ngài được chào đón trong khu vườn của trung tâm bởi những vị khách thường trú và những người thường xuyên lui tới trung tâm - tổng cộng có khoảng 50 người bao gồm cả người già, những người nghiện ngập và bệnh nhân HIV / AIDS. Cha André Morency, cha giám đốc phụ trách cũng có mặt. Đức Giáo Hoàng chào thăm họ, lắng nghe câu chuyện của họ và thu thập những lời cầu nguyện của họ.

Trước khi giã từ, ngài đã tặng họ một bức tượng "Đức Bà Giêrusalem Rất Thánh".

Ngày 28 tháng 7, 5:00 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đọc Kinh Chiều với các giám mục, linh mục, phó tế, những người thánh hiến, chủng sinh và những người làm công tác mục vụ tại nhà thờ chính tòa Đức Bà.



Ngày 28 tháng 7, 5:20 chiều

Đức Thánh Cha Phanxicô đọc một bài giảng trong giờ cầu nguyện buổi tối tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà ở Québec, Canada. Ngài nhấn mạnh: Phàn nàn rằng thế giới xấu xa là ‘không phải Kitô hữu’. Ngài kêu gọi những người hiện diện trở thành điển hình của niềm vui và tình huynh đệ Kitô giáo cho những người mà họ phục vụ.

“Niềm vui của Kitô hữu là trải nghiệm một sự bình an cứ còn mãi trong tâm hồn chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang bị thử thách và đau khổ vùi dập, để rồi chúng ta biết rằng chúng ta không đơn độc, nhưng được đồng hành với một Thiên Chúa không thờ ơ với phần số của chúng ta. Khi biển động: bề mặt luôn có giông tố nhưng trong sâu thẳm vẫn êm đềm và bình an. Điều đó cũng đúng với niềm vui của người Kitô giáo: Đó là một hồng phúc miễn phí, sự chắc chắn của việc biết rằng chúng ta được Chúa Kitô yêu thương, nâng đỡ và bảo bọc trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống,” Đức Thánh Cha nói như thế trong bài giảng của mình như một phần của buổi đọc Kinh Chiều tại nhà thờ chính tòa.

Đức Giáo Hoàng nhận định rằng Giám mục đầu tiên của Québec, Thánh François de Laval, đã mở một chủng viện vào năm 1663 và dành toàn bộ thừa tác vụ của mình cho việc đào tạo các linh mục.

Đức Thánh Cha nói, “Anh chị em thân mến, Tin Mừng cần được công bố nếu chúng ta muốn truyền đạt niềm vui đức tin cho những người đàn ông và đàn bà ngày nay. Tuy nhiên, sự công bố này chủ yếu không phải là vấn đề bằng lời nói, mà là bằng một chứng tá tràn đầy tình yêu thương nhưng không, vì đó là cách của Thiên Chúa ở với chúng ta. Một lời công bố nên tạo khuôn hình trong lối sống bản thân và giáo hội có thể khơi dậy lòng khao khát Chúa, truyền dẫn hy vọng, và chiếu tỏa sự tin cậy và khả tín tính”.

Tránh 'tiếc nuối vô ích'

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói về những thách thức đương thời đối với đức tin, bao gồm cả khái niệm thế tục hóa, mà ngài mô tả như “loại bỏ Thiên Chúa, có thể nói như thế, đẩy Người vào hậu trường”. Tuy nhiên, ngài cảnh cáo “chúng ta phải cẩn thận để không trở thành con mồi cho bi quan hoặc oán giận, đưa ngay ra những phán xét tiêu cực hoặc tiếc nuối vô ích”.

Đức Thánh Cha khẳng định, phàn nàn “một cách cay đắng" rằng "thế giới xấu xa không phải là Kitô hữu”.

Đức Thánh Cha giảng thêm, “Thay vào đó, chúng ta được kêu gọi có một cái nhìn tương tự như cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng biện phân điều gì là tốt và kiên trì tìm kiếm nó, thấy nó và nuôi dưỡng nó”.

Ngài nói, “Nếu chúng ta nhượng bộ quan điểm tiêu cực và đánh giá vấn đề một cách hời hợt, chúng ta có nguy cơ gửi sai thông điệp, như thể những lời chỉ trích mang mặt nạ thế tục hóa về phía chúng ta là tiếc nuối một thế giới thánh thiêng hóa, một xã hội đã qua, trong đó Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội có quyền lực lớn hơn, và sự thích đáng đối với xã hội. Nhưng đây là cách nhìn sai lầm về mọi sự… thế tục hóa đòi chúng ta phải suy nghĩ về những thay đổi trong xã hội đã ảnh hưởng đến cách trong đó, người ta suy nghĩ về và tổ chức cuộc sống của họ. Nếu chúng ta xem xét khía cạnh này của câu hỏi, chúng ta sẽ nhận ra rằng điều đang gặp khủng hoảng không phải là đức tin, mà là một số hình thức và cách thức chúng ta trình bày nó.”

Ba thách thức trong thời đại thế tục

Đức Giáo Hoàng đưa ra ba “thách thức” đối với những người làm công tác mục vụ mà ngài nói có thể lên khuôn cho việc cầu nguyện và phục vụ mục vụ của họ trong một thế giới bị sự tục hóa định khuôn.

Thách thức đầu tiên mà Đức Giáo Hoàng nêu ra là “làm cho Chúa Giêsu được biết đến”, công bố Người theo cách tương tự như các tông đồ trong Sách Công Vụ, qua “tính sáng tạo mục vụ có khả năng tiếp cận mọi người ngay tại nơi họ đang sinh sống, tìm kiếm cơ hội để lắng nghe, đối thoại và gặp gỡ”.

Thử thách thứ hai mà ngài đưa ra là “làm chứng”. Trong phần phát biểu này, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa thừa nhận và xin lỗi về những hành vi ngược đãi mà học sinh bản địa phải chịu đựng tại các trường nội trú do Giáo Hội điều hành ở Canada.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tin Mừng được rao giảng một cách hữu hiệu khi chính cuộc sống nói lên và biểu lộ sự tự do giúp người khác được tự do, lòng cảm thương không đòi được đáp trả, lòng thương xót vốn thầm lặng nói về Chúa Kitô”.

Đức Giáo Hoàng nhận xét, “Giáo hội ở Canada đã bắt đầu đi một con đường mới, sau khi bị tổn thương và tàn phá bởi cái ác do một số con trai và con gái của mình gây ra”.

Ngài nhấn mạnh, “Tôi đặc biệt nghĩ đến việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, những vụ tai tiếng đòi phải hành động kiên quyết và cam kết không thể thay đổi. Cùng với anh chị em, một lần nữa tôi muốn xin sự tha thứ của tất cả các nạn nhân. Nỗi đau và sự xấu hổ, mà chúng ta cảm thấy, phải trở thành một cơ hội để hoán cải: Không bao giờ nữa!”.

Ngài khẳng định, “Và khi suy nghĩ về quá trình hàn gắn và hòa giải với các anh chị em bản địa của chúng ta, không bao giờ cộng đồng Kitô giáo có thể cho phép mình bị lây nhiễm bởi ý niệm cho rằng nền văn hóa này vượt trội hơn nền văn hóa kia, hoặc việc sử dụng các cách ép buộc người khác là điều hợp pháp”.

“Chúng ta hãy phục hồi lòng nhiệt thành của vị Giám mục đầu tiên của anh chị em, Thánh François de Laval, người đã khiển trích những kẻ hạ thấp người bản địa bằng cách dụ họ say rượu để sau đó đánh lừa họ,” Đức Giáo Hoàng nói như thế. “Chúng ta đừng cho phép bất cứ ý thức hệ nào làm tha hóa hoặc sai lệch các phong tục và cách sống của các dân tộc chúng ta, như một phương tiện để khuất phục hoặc kiểm soát họ.”

Thách thức thứ ba mà ngài đưa ra là “tình huynh đệ”. Đức Thánh Cha khuyến khích các nhân viên mục vụ nam nữ kiểm tra cách họ đang làm về việc xây dựng “mối liên hệ huynh đệ với tất cả mọi người”.

“Chúng ta là anh em, hay đối thủ cạnh tranh chia thành các bè phái? Và phải hành xử ra sao đối với mối liên hệ của chúng ta với những người không phải 'của chúng ta,' với những người không tin, với những người có truyền thống và phong tục khác? Đây là cách: xây dựng mối liên hệ huynh đệ với mọi người, với anh chị em bản địa, với mọi anh chị em mà chúng ta gặp gỡ, vì sự hiện diện của Thiên Chúa được phản chiếu trên từng khuôn mặt của họ”.

Đức Giáo Hoàng đã phát biểu sau lời giới thiệu và chào mừng của Đức Cha Raymond Poisson, Giám mục giáo phận St-Jérôme-Mont-Laurier. Đức Giáo Hoàng đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt sau bài giảng của ngài.

Sau đó, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục của Québec, Gérald Lacroix, đã tháp tùng Đức Thánh Cha đến lăng mộ của Thánh François de Laval, nơi các ngài đã cầu nguyện trong thầm lặng.

Tiếp tục điều mà ngài gọi là “cuộc hành hương đền tội” ở Canada, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bay về phía bắc vào thứ Sáu, ngày 29 tháng 7, đến Iqaluit, để gặp gỡ riêng với các học sinh của các trường nội trú cũ. Ngài sẽ trở lại Rome cùng ngày, đến đó vào hôm thứ Bảy, ngày 30 tháng Bảy.