Chương 3: Ghi chú về Teilhard và Vấn đề Sự Ác *

Trong một bức thư ngày 2 tháng 1 năm 1952, Teilhard chỉ ra “tầm quan trọng lớn hơn mà việc minh nhiên xem xét sự ác nắm giữ trong suy nghĩ của tôi”. Nơi mà nó luôn luôn nắm giữ thật là lớn lao. Bản chất một công trình như Phénomène humain không cho phép ngài xem xét mọi khía cạnh của nó. Divin Milieu có thể minh nhiên hơn — mặc dù loại “khảo luận về sự hoàn thiện” này được ngỏ với một Kitô hữu đã dấn thân vững chắc vào con đường cứu rỗi. Sự ác, không những của đau khổ hay cái chết thể lý, mà nếu ta dám nói, thì cả sự ác đệ nhất hạng, kẻ thù xấu xa của Thiên Chúa, là Tội lỗi, được trình bầy ở đó với những đặc điểm rất đáng lưu ý. Chính vì điều này mà tác giả, trong một tinh thần hết sức dũng cảm, đã dành cả phần cuối cùng, với tiêu đề quan trọng: “Bóng tối bên ngoài và những linh hồn đã mất”, để đề cập tới một số giáo huấn nghiêm khắc nhất của Tin Mừng. Sức mạnh của sự ác được trình bầy với chúng ta như đang hoạt động trong Vũ trụ, và “không những chỉ là những lực phi ngã của giảm tốc và lệch hướng: mà còn có những sự hiện diện tối tăm xung quanh chúng ta, trà trộn với Sự hiện diện sáng láng của Thiên Chúa”. Nơi một số hữu thể, “sự ác, như thể, đã trở thành nhập thể, đã được bản chất hóa”. Dưới ảnh hưởng của chúng, như Kinh thánh dạy chúng ta, ngày tận cùng thời gian sẽ được đánh dấu bằng một cuộc ly giáo sâu xa. Ngay từ khi khởi nguyên loài người chúng ta, một lỗi lầm nguyên thủy bí nhiệm đã “làm phức tạp và xấu thêm” tình huống của con người, và chúng ta phải qui cho gánh nặng của nó rất nhiều “sự quá trớn đến bối rối trong việc tràn ngập tội lỗi” đến nỗi chúng ta phải thực sự lưu ý. Việc hình thành của thế giới được theo đuổi, nhưng, trên thực tế, nó sẽ không tiến hành, mà không có "sự mất mát dứt điểm": "Có những bóng tối, không những thấp hơn, mà còn ở bên ngoài". Do đó, chúng ta được mời gọi suy niệm một cách nghiêm túc “mầu nhiệm của việc trầm luân” mà cuộc đào ngũ của những linh hồn sa ngã đã tạo ra “giữa Nhiệm Thể”, xem xem làm thế nào “người bị trầm luân bị loại trừ khỏi thánh nhan sáng láng và khỏi hạnh phúc”của Sự Viên Mãn [Pleroma]. Đó có thể là kết thúc cho mỗi người chúng ta: được gọi để "tập hợp", chúng ta có nguy cơ "phân rẽ". Hỏa ngục hiện hữu như một yếu tố cấu trúc vũ trụ. Không thể nói rằng ngài đã không hiểu được bi kịch của Chúa Kitô trong cuộc đấu tranh của Người với việc từ khước của con người và với tội lỗi của họ. Viễn kiến của ngài về thế giới rất cảm kích. “Lạy Chúa Giêsu, ít nhất con muốn đưa tính trầm trọng mỗi ngày một khủng khiếp hơn của Việc Trầm Luân vào quan điểm và thực hành thông thường của con về Thế giới”. "Lửa hỏa ngục và lửa thiên đàng không phải là hai lực lượng khác nhau mà là các biểu hiện trái ngược nhau của một và của cùng một năng lực". Ngài sẽ lặp lại cho đến cùng rằng, nếu con người lớn lên, thì đó là “vì điều thiện hay điều ác”. Ngài sẽ khẩn cầu ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người qua “một lời cầu nguyện táo bạo” (191-92).
__________________________________________

Ghi Chú: * Chưa được công bố

Chương 4: Thư gửi cho một Nghị phụ Công đồng mà từ ngài tôi vừa nghe thấy, ở Phòng Họp Khoáng đại Đại tại Nhà Thờ Thánh Phêrô, một can thiệp không có lợi cho Teilhard *

Rôma, ngày 22 tháng 10 năm 1965

... Những lời tốt lành mà ngài đã nói vào ngày hôm kia về các chuyên viên khuyến khích con viết cho ngài.

Ngài mạnh mẽ nhắc lại, trong can thiệp của ngài, sự hiện hữu của cái ác trên thế giới và ảnh hưởng mà ma quỷ gây ra trong đó. Không nghi ngờ gì nữa, hãy cho phép con, cùng với nhiều người khác, bày tỏ lòng biết ơn của con đối với ngài về điều đó. Nhưng, nếu ngài cũng cho phép, con xin nói thêm rằng ngài sẽ rất vui mừng nếu ngài biết rằng sự thật quá chắc chắn ấy đã được Cha Teilhard de Chardin nhắc lại một cách mạnh mẽ không kém.

Tất nhiên, trong các bài viết về khoa học và triết lý khoa học của mình, Cha Teilhard thường không có dịp nói về những điều này. Nhưng trong cuốn Milieu divin, một tác phẩm tôn giáo mà ngài đặc biệt coi trọng, ngài mời người đọc suy gẫm về mầu nhiệm sự ác, về sự rối loạn hiển hiện trong thế giới, một rối loạn mà nguyên nhân của nó không những là lỗi lầm nguyên tổ được nhắc nhớ cách rõ ràng mà còn trong hành động của các quyền lực bản vị xấu xa (ma quỷ). Và trong cùng cuốn Milieu divin này, cũng như trong một số trước tác khác, không hề giảng dạy bất cứ loại “Chủ nghĩa Origen” nào (nếu người ta hiểu chủ nghĩa này như là học lý phục nguyên vạn vật [apocatastasis]), ngài nhất quán đặt chúng ta trước sự kiện ghê gớm của việc có thể bị trầm luân. Theo hiểu biết của con, không có nhà văn tôn giáo đương thời nào nói về tín điều hỏa ngục với sự kiên quyết can đảm như Cha Teilhard.

Cái được gọi là “chủ nghĩa lạc quan” của ngài thoạt đầu đối lập với tất cả những chủ nghĩa bi quan vô thần, bất kể chúng xuất phát từ môi trường khoa học (như Henri Poincaré) hay từ các trào lưu triết học gần đây hơn (như với Sartre); ngài cũng phản ứng chống lại những lệch lạc trong suy nghĩ của các tín hữu, nhân danh đức tin và đức cậy Kitô giáo, đặt cơ sở trên sự chiến thắng dứt khoát của Chúa Kitô phục sinh. Nhưng ngài tuyệt đối không dẹp bỏ thảm kịch của cõi nhân sinh. Việc lựa chọn không thể tránh giữa Thiện và Ác (giữa Nổi Loạn và Thờ Lạy), tạo ra sự chọn lựa giữa cứu rỗi và trầm luân, liên tục được gợi lên trong các trước tác của Cha Teilhard, ngay trong các trước tác không trực tiếp nại tới ánh sáng của Mạc khải.

Không có cuốn sách nào ở đây, nên con không thể chỉ ra cho ngài rất nhiều bản văn mà con vốn dựa vào ở đây. (Một số nhất định đã được trích dẫn trong tác phẩm của con về La Pensée Relgieuse du Père Teilhard de Chardin [1962], một tác phẩm đã được các Bề trên của con, ở Pháp và Rôma, yêu cầu con viết và đã nhận được trọn sự chấp thuận của họ). Nhưng chỉ cần đọc Milieu divin (trong các chương cuối cùng của nó) cũng có thể đủ cho những gì thiết yếu. Con biết rằng những sai lầm liên quan tới Cha Teilhard rất thường xuyên, vì những người được gọi là môn đệ (một số người trong số họ, nói tiếng Đức, đã phản bội nghiêm trọng tư tưởng của ngài) cũng nhiều như vì một số người gièm pha. Đó là lý do tại sao con cảm thấy có nghĩa vụ khiêm tốn cung cấp cho ngài lời chứng này. Nó phát xuất từ một người không đặc biệt “theo trường phái Teilhard” nhưng là người đã biết đủ về con người và công việc của Cha để có cơ hội không bị nhầm lẫn nghiêm trọng về chúng.

Xin ngài, người Cha tôn kính nhất của con, chấp nhận sự bày tỏ lòng kính trọng và sự tận tâm sâu sắc của con trong Chúa Giêsu Kitô.

Tái bút: Ngài đã trích dẫn, nếu con nhớ không lầm, bài Thánh ca Vật chất (Hymne à la matière). Con xin ngài lưu ý tới sự kiện này là Bài Thánh ca này thường được sao lại một cách không hoàn chỉnh đến hai lần! Một mặt, một số câu bị lược bỏ, chính lại là những câu gợi lên sự nguy hiểm của Vật chất, sự cần thiết của việc chiến đấu với nó và chống lại sự hấp dẫn của nó. Mặt khác, người ta quên nói rằng nó đóng vai trò kết luận cho một nghiên cứu biểu tượng về La Puissance Spirituelle de la Matière [Sức mạnh tinh thần của vật chất], mà từ đó có việc bài Thánh ca này được đặt trên môi miệng của một Kitô hữu từng trải qua các giai đoạn khổ hạnh [ascesis] và hy sinh. Cũng hơi giống như cách mà Thánh Gioan Thánh Giá đã thốt lên, khi diễn giải Thánh Phaolô: “Trời là của tôi, Đất là của tôi...”

___________________________________________

Ghi Chú

* Bản văn chưa được công bố. Tại Công Đồng, một diễn giả (không phải người Pháp) tuyên bố tại Phòng Đại hội (Aula) năm 1965, tin rằng mình phóng một mũi tên chống lại Teilhard: “Haec terra numquam paradisum erit!” [trái đất này không bao giờ là thiên đàng cả!]. Vì ngài không thiên kiến bao nhiêu, nên không có gì dễ dàng hơn, qua trao đổi thư từ, để soi sáng ngài, và ít lâu sau, tôi rất vui mừng được ngài viếng thăm tại Nhà thờ Thánh Phêrô, ở diễn đàn chuyên viên: xem ra ngài rất vui được biết Teilhard tốt hơn một chút. (Teilhard posthume [Paris, Fayard, 1977], 147).

Chương 5: Teilhard và Newman *

Ngay từ khi còn học tập, Pierre Teilhard de Chardin, giống như và thậm chí còn hơn bạn của ngài, là Pierre Rousselot, đã có được một nền giáo dục tiếng Anh thực sự. Danh sách các tác giả người Anh mà ngài quen thuộc khá dài, ngoài các tác phẩm kỹ thuật, trong đó chúng tôi liệt kê chuyên khảo nổi tiếng của A. White, Warfare of Science with Theology. Trong số những cuốn sách mà ngài đặc biệt quan tâm, từ khoảng năm 1910 đến năm 1920, có những tên Newman, Kipling, Wells, Benson - cũng như một số người Mỹ: Edgar Allen Poe, Emerson và William James.

Newman đã giữ một vị trí vô song trong sự quí mến của ngài. Có lẽ chính Auguste Valensin là người đầu tiên khiến ngài đọc Newman, vào thời điểm họ nghiên cứu triết học ở Jersey. Dù sao, trong khuôn viên thần học ở Ore Place, ngài không thể không gặp vị này. Chắc chắn ngài đã đọc hai bài báo quan trọng mà Cha Léonce de Grandmaison, trên Études năm 1906, đã dành cho “John Henri Newman được coi như bậc thầy” (1). Các giáo sư và những người bạn làm việc của ngài thường nói về cách trong đó Tyrrell và Loisy đã sử dụng Newman và lạm dụng học thuyết của vị này. Teilhard vô cùng ngưỡng mộ Newman. Vào tháng 10 năm 1911, Teilhard rất vui khi được đến thăm nơi lưu giữ ký ức của vị này tại Oxford. Mỗi lần được gặp vị này, ngài đều cảm thấy thiện cảm của mình gia tăng và sự hợp đồng tư tưởng với vị này càng trở nên gần gũi hơn. Ngài viết vào năm 1919 rằng cuốn Apologia [Hộ Giáo] của Newman cách nào đó là một trong những cuốn sách cần thiết, cuốn sách duy nhất nên được viết ra (2). Trong Tiểu luận về Development [Khai triển] của vị này, Teilhard cũng nhận ra một công trình phát sinh từ chính những nhu cầu đời sống nội tâm của tác giả. Ngài thấy trong đó một con người đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tôn giáo, vấn đề tổng thể, khi nó xuất hiện trong cuộc đời mình. Đó là điều mà bản thân ngài hằng khao khát khi khởi sự viết tiểu luận đầu tiên vào năm 1916 về “La Vie cosmique” [Đời sống vũ trụ]. Hai điều khác ở Newman đã thu hút ngài. Vị này biết cách giải thoát mình khỏi những tranh chấp hết sức đặc thù để đi đến những vấn đề nền tảng, “hữu cơ”, những vấn đề liên quan đến lợi ích nguyên thủy của Nước Thiên Chúa. Ngoài ra, tuy không bị lung lay trong đức tin của mình, vị này cảm thấy các phản bác một cách thấm thía; vì vậy ngài run sợ khi thấy những người trẻ, những tâm hồn cởi mở đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tôn giáo của thời đại họ, và thành công thực sự đối với ngài dường như là nhờ những nghiên cứu dũng cảm và táo bạo, bên ngoài bất cứ “vòng vây” trí thức nào. Trong những năm sau đó, Teilhard rất thường suy tư về vấn đề phát triển tín lý; trong một bối cảnh hoàn toàn khác về hoàn cảnh và ý nghĩ, ngài cũng hiểu rằng đối với ngài, đó là một vấn đề quan trọng, và người ta có thể nói, mặc dù dường như ngài đã quên Newman vào cuối đời, nhưng vị này vẫn là một trong những người đã nuôi dưỡng tư duy của ngài.

Trong thế chiến 1914-1918, ngài đã viết cho Cha Victor Fontoynont (ngày 15 tháng 3 năm 1916): “Do nhu cầu và lý lẽ, tôi đã trở lại với việc suy nghĩ và cầu nguyện, thỉnh thoảng vẫn phấn khích được đọc một trong những cuốn sách đó (những cuốn sách duy nhất nên được viết ra) trong đó một cuộc đời đã được tiết lộ, cuốn Apologia của Newman...”

Vào ngày 2 tháng 2 năm 1916, ngài viết thư cho Marguerite Teilhard: “em vẫn chưa rời cuốn Apologia của Newman...” Vào ngày 22 tháng 7 năm 1916, một lần nữa: “Để giải tỏa sự nhàm chán của chiến hào, em đã đọc Newman catholique của Thureau-Dangin. Hơn bao giờ hết, em có thiện cảm với Đức Hồng Y vĩ đại, người rất táo bạo, rất tin tưởng, rất ‘tràn đầy sức sống và suy nghĩ’, như chính ngài đã nói — và đồng thời cũng rất mâu thuẫn. Và em cảm thấy, một lần nữa, trong sâu thẳm của mình, thần khí kêu gọi người ta tới với công trình vĩ đại hòa giải giữa Tình yêu tối cao và dứt khoát của Thiên Chúa với Tình yêu Sự sống thấp hơn (nhưng chính đáng và cần thiết) được bao trùm trong các hình thức tự nhiên của nó.. Một loạt các ý tưởng của Newman... rất khoáng đạt, rất đơn giản, rất hiện thực,... đã đi vào tâm trí em như đi vào một ngôi nhà chúng vẫn cư ngụ từ lâu. Và em càng thấy an ủi hơn khi tìm thấy việc hợp đồng khuynh hướng và ý kiến này vì người cảm thấy chúng một cách nhạy bén như thế đã, tuy không bị chướng tai gai mắt, trải qua cách khó khăn cơn cám dỗ khắc nghiệt phát xuất trước thời và mùa suy nghĩ của mình”.

Vào ngày 5 tháng 12 năm 1916: “Ngài và em, Newman nói đâu đó trong Apologia của ngài, khi đề cập tới cảm giác sâu sắc mà ngài đã trải qua tại một thời điểm nhất định về hai Điều Chủ Yếu duy nhất đang được suy xét — những điều mà trong đó mọi điều còn lại được tóm lược và giữa chúng mọi điều còn lại được sắp xếp" (Ngày 28 tháng 2): “Càng đọc Newman, em càng cảm thấy mối liên hệ (thật khiêm tốn, chắc chắn là như vậy!) giữa tâm trí của ngài và tâm trí của chính em. Và một hệ quả của sự hòa hợp này là sự phấn khởi mà tấm gương của ngài đã truyền cho em về việc hoàn thành công việc của mình”.

Chính trong Newman, ngài đã đọc được suy nghĩ này mà ngài luôn được truyền cảm hứng: “Những ai muốn làm cho chân lý chiến thắng trước thời của nó đều có nguy cơ kết cục ở dị giáo” (“Genèse d’une pensée”, 145).
____________________________________________________

Ghi Chú: *Bản văn chưa được đăng tải.

1 Études, 109 (1906), 721-50.

2 Blondel et Teilhard: Correspondance (Beauchesne, 1966), 104-5.

Chương 6. Tinh thần sâu sắc nhất của công trình Teilhard

“Đức tin của tôi phải bao hàm Giáo hội (chính thức) và những chỉ dẫn của Giáo hội đối với tôi, ở mức độ cao nhất” (20 tháng 10 năm 1943). Đó là lý do tại sao ngài không muốn mạo hiểm, bằng cách hơi tách mình ra khỏi cộng đồng tín hữu, “trở thành những cymbalum tinniens [chũm chọe om xòm] được Kinh thánh nói đến”. Giờ đây, ngài biết mình có thể sai lầm, giống như bất cứ ai khác: “Hạnh phúc thay cho chúng ta vì có thẩm quyền của Giáo hội! Để mặc chúng ta, chúng ta sẽ có nguy cơ bị trôi dạt xiết bao? Thậm chí ngài còn đi xa hơn khi nói rằng chính tính khí của ngài khiến việc bảo vệ thẩm quyền này còn cần thiết với ngài hơn với những ai khác (Teilhard et notre temps [Paris: Aubier, 1971], 119).

“Đối với tôi, dường như tôi hiếm khi làm việc hoàn toàn cho một mình Thiên Chúa. Tôi tin tưởng rằng Người sẽ ban cho tôi ánh sáng và sức mạnh để kết thúc tốt đẹp những gì tôi mong muốn chỉ làm cho Người mà thôi”(Peking, ngày 8 tháng 2 năm 1940, khi đang viết Phénomène humain).

“Tôi hy vọng rằng Chúa sẽ giúp tôi, vì chính chỉ để cố gắng làm cho khuôn mặt của Người được nhìn thấy và yêu thương mà tôi đã phải trải qua tất cả những rắc rối này... ” (NLV, 41-42, gửi M. T.-C, ngày 7 tháng 3 năm 1940).

Chứng cớ có thể đưa ra để chứng minh rằng mục tiêu “duy nhất” trong hành động của ngài trong thế giới là “làm cho Khuôn mặt của Chúa được nhìn thấy và yêu thương” có ở đó. Trong một tiểu luận mà ngài đã suy gẫm vào năm 1937, đó là “chương cuối cùng về Tình yêu của Thiên Chúa” mà ngài muốn đặt tất cả sự quan tâm của mình vào, “phần còn lại là một bệ đỡ của các khối đã được biết đến”; tương tự như vậy, vào cuối đời, ngài muốn kết thúc công trình của mình bằng một tác phẩm được dành hoàn toàn cho “Tình yêu của Thiên Chúa”. Ngài không được ban cho thời gian để làm như vậy. Nhưng ngài đã có thể làm tốt hơn thế: hoàn thành trọn vẹn niềm hy vọng mà ngài luôn ấp ủ đó là vượt qua đến cùng mọi xung đột, bên ngoài hay bên trong, “bằng tình yêu thương”.