Sống theo sứ mệnh

Và vì vậy sự trưởng thành của Kitô hữu không phải là vấn đề đơn giản và dễ hiểu như hầu hết mọi người tin tưởng. Nó không đơn thuần chỉ là vấn đề đào tạo lương tâm người ta theo một số loại nguyên tắc được cho là của Kitô giáo. Lương tâm, bao lâu còn thuộc bản chất con người chúng ta, quả thực là nền tảng của các hành động luân lý tự nhiên của chúng ta, nhưng bao lâu còn là Kitô hữu, lương tâm của chúng ta vẫn phải thường xuyên cởi mở và chú ý đến Thần Khí của Chúa Kitô, Đấng ngự trị và cai trị trong chúng ta và trên chúng ta, một cách tự do và ngoài mệnh lệnh của chúng ta. Thần Khí không phải là điều chúng ta có thể đóng nắp, một lần và mãi mãi, trong chai và nguyên tắc; chỉ có sự tươi mát sống động của một lắng nghe vĩnh viễn mới có cơ hội nghe thấy Người, chứ đừng nói là hiểu Người. Điều này giả định một tinh thần cực kỳ ngoan ngoãn, một bản năng vâng lời siêu nhiên nhập thể, nói cách khác, trái ngược với những gì chúng ta, trong tính nhạy cảm hết sức thô thiển của mình, có thể tự hình dung như là “trưởng thành”. Càng vâng phục Thần Khí tự do của Chúa Kitô, chúng ta càng có thể tự coi mình là tự do và trưởng thành hơn. Tất cả những điều còn lại chỉ là sự tự lừa dối mình cách gian xảo.
Các điều kiện để đạt được trạng thái như vậy đã được phác thảo. Nói một cách nghiêm túc, đây là vấn đề coi cái chết của Chúa Kitô trên Thập giá như hình thức căn bản của đời sống trên mặt đất của chúng ta, vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể cảm nghiệm được “các sức mạnh của thời đại sắp tới” trong “sự tốt lành của lời Thiên Chúa ”, những sức mạnh vĩnh cửu, bất diệt ấy, nghĩa là các sức mạnh mà từ tính ưu trội siêu việt của chúng, Kitô hữu có nghĩa vụ phải biện phân, quản lý, làm chủ trên mọi sự việc trần thế. Những “sức mạnh” này về bản chất không phải là của chúng ta, nhưng chúng được tạo sẵn đó cho chúng ta; chúng ta có thể “mặc chúng vào” như một bộ quần áo hoặc đúng hơn, như một thân thể mới; chúng ta có thể mặc chúng vào và đồng hóa với chúng. Đây là điều được Kinh thánh gọi là “mặc lấy Chúa Kitô”, “mặc lấy con người mới” (Rm 13:14; Gl 3:27; Ep 4:24; Cl 3:10). Nếu chúng ta làm những gì con người- Kitô mới này mong muốn, thì thực sự chúng ta là người tự do và trưởng thành. Nhưng chừng nào chúng ta còn ở trên trái đất, sự tự do này vẫn phải duy trì đặc tính phục vụ. Vì chúng ta đâu có cho mình con người mới, tự do này; đúng hơn, chúng ta mắc nợ chúng nơi ân sủng của Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Từng là nô lệ tội lỗi, giờ đây chúng ta đã trở thành “tôi tớ của Thiên Chúa”, để kết quả của sự phục vụ này là “sự nên thánh”, và “cùng đích của nó, là sự sống đời đời” (Rm 6:22). Người ta có thể mô tả cuộc sống tự do phụng sự Thiên Chúa này như sự hiện hữu trong sứ mệnh. Để được giao phó việc này, người ta phải hiến thân cho nó một lần và mãi mãi. Về mặt bí tích, tính dứt khoát [finality] này là phép rửa và dấu ấn không thể xóa nhòa của nó, nhưng điều này đòi hỏi sự phê chuẩn ở bình diện hiện sinh. Với Thiên Chúa, không có điều gọi là một cử nhiệm hay một ủy nhiệm “tạm thời”. “Việc nhân dụng toàn thời gian” này là cơ sở để người đầy tớ có thể liên tục nhận được những mệnh lệnh cá nhân mới và bất ngờ. Họ thường xuyên phải chờ lệnh: “người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9: 6). Cuối cùng thì không một đầy tớ nào được tự ý bỏ đi không chờ lệnh, với ảo tưởng họ đã hiểu trọn vẹn và đầy đủ nhiệm vụ, không cần phải kiểm tra lại nữa, không cần tìm hiểu ý muốn của Chủ nhân nữa, cứ tự tiện thi hành nó. Dù sao, những sức mạnh mà nhờ đó họ đang sống không thuộc về thế giới này, mà thuộc “thời đại sắp tới”; bản thân họ là một “hữu thể cánh chung”; con người mới của họ hoàn toàn dựa vào các hành vi đức tin (vào Chúa Kitô), đức cậy (vào điều vẫn chưa nắm được), đức mến (tránh xa những điều của bản thân, hướng về Thiên Chúa và người lân cận). Khả năng di chuyển vĩnh viễn của hành vi ba chiều này giữ cho người đầy tớ có một khởi đầu mới vĩnh viễn, một sự liên tục chạy trở lại với Thiên Chúa.



Rồi, có một điều thứ hai. Kitô hữu chỉ là một Kitô hữu trong tư cách là một thành viên của Giáo hội. Bí tích Rửa tội là một hành vi của Giáo hội kết hợp chúng ta vào sự hiệp thông sống động của Giáo hội. Không ai là Kitô hữu cho riêng mình. Và Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho người ta trưởng thành, với điều kiện họ sẵn lòng, trước hết và trên hết là Thần Khí của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân thể thánh thiện của Chúa Kitô và là Nàng dâu không tì vết của Người. Trong trường hợp này, Giáo hội không có nghĩa là hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Giáo Hội cũng không chỉ có nghĩa là bất cứ loại hiệp hội nào mà người ta có thể tham gia với hội phí tối thiểu. Thần Khí của Giáo Hội là Thần Khí của sự thánh thiện. Thần Khí của Đức Maria, của các tông đồ, của các thánh vĩ đại mà Chúa đã biến thành “cột trụ trong Đền Thờ Thiên Chúa của Ta” (x. Kh 3:12). Kitô hữu chưa trưởng thành là người không muốn hoặc không cố gắng biến Thần Khí này thành của mình. Họ được "các nhà giáo dục" cảnh cáo về sự kiện này; họ được dẫn nhập vào các phương pháp và thực hành để nó có thể xâm nhập và phát triển bên trong họ, tháo gỡ mối liên hệ bên ngoài và biến nó thành mối liên hệ bên trong. Chừng nào họ còn tiếp tục thù nghịch đối với Thần Khí này, thì đối với họ, các thực hành của nó cũng sẽ có vẻ xa lạ và vụ luật, và họ sẽ ta thán về chủ nghĩa hình thức của Giáo hội. Họ phải qui những nhạy cảm như vậy cho sự non nớt của chính mình. Nếu họ quyết tâm đồng nhất hóa với Thần Khí của Giáo hội một lần và mãi mãi, thì họ sẽ trở thành một Kitô hữu trưởng thành, và nay, vì đã đảm nhiệm một phần trách nhiệm chung, họ không còn có thể áp dụng thái độ xa cách và chống đối, hững hờ quan sát và ghi chép nữa (8).

Bởi vì cá nhân là thành viên của Giáo hội, và tinh thần và sự sống đến với họ từ toàn thể Chúa Kitô, như Đầu và Thân thể, nên sứ mạng Kitô giáo của họ luôn cùng một lúc là một “đặc sủng” của Giáo hội (sứ mệnh phục vụ nhờ ân sủng). Thánh Phaolô mô tả việc Chúa Thánh Thần phân phối các ân sủng trong Giáo Hội giữa các thành viên của Giáo Hội như là tùy theo nhu cầu của toàn thể cơ thể nói chung, theo “thước đo đức tin” hoặc “tương xứng với đức tin của chúng ta” (Rm 12: 3, 6). Theo quan điểm Kitô giáo, “thước đo” nhiệm vụ được giao cho tôi không nằm ở nơi tôi; tôi phải chấp nhận nó như là thước đo được trao cho tôi, và đây là “sự tuân phục có tính giáo hội” rất căn bản đối với các thành viên; nó sâu sắc hơn và căn bản hơn sự vâng lời của giáo dân đối với hàng giáo sĩ, đến mức sự vâng lời sau biểu thị một chức năng bên ngoài để bảo vệ trật tự và một thẩm quyền chính thức để bảo vệ sự tinh ròng và việc truyền tải tín lý và các bí tích. Mối liên hệ của thành viên với việc chỉ định nhiệm vụ, như một mối liên hệ dựa trên mạc khải, là mối liên hệ khách quan và đồng thời quan yếu về mặt tâm linh, đến nỗi biểu thức cụ thể của nó trong mối liên hệ đặc sủng-chính thức của sự vâng lời đối với “bề trên” ( trong điều gọi là "lời khuyên" vâng lời của Tin Mừng) là hoàn toàn phù hợp với những điều đã nói ở trên (9). Theo cách này, các Tông đồ, những người đã bỏ mọi sự vì Chúa Giêsu Kitô, đã vâng lời Người như một người phát biểu cụ thể ý muốn của Thiên Chúa cho họ rất lâu trước khi họ nhận ra rằng người này, theo nghĩa chặt chẽ nhất, chính là Con Thiên Chúa. Cũng theo cách này, Thánh Phaolô đòi hỏi các cộng đồng của ngài (chẳng hạn, trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô) một sự vâng lời mà, trong những đòi hỏi quyết liệt và đột ngột cũng như sự đa dạng và cường độ thực thi nó, vốn vượt xa thẩm quyền chỉ có tính thừa tác của hàng giáo sĩ thông thường. Do đó, quả là vô nghĩa khi, từ giọng điệu của những mệnh lệnh khẩn thiết như vậy, người ta có thể cho rằng cộng đồng ở Côrintô chủ yếu chứng tỏ mình “chưa trưởng thành”. Thánh Phaolô rất có thể, với việc hoàn toàn ý thức được các ân sủng do Chúa Thánh Thần ban cho (1 Cr 7:40), phản công các Kitô hữu chưa trưởng thành (bị đánh dấu bởi thái độ khoe khoang giả trưởng thành), khá thường xuyên với giọng mỉa mai trổi vượt:

“Tôi xin anh em chớ bắt buộc tôi, khi có mặt, phải mạnh dạn ra oai mà tính đến chuyện thẳng tay với những kẻ cho rằng chúng tôi chỉ biết sống theo tính xác thịt... Thật vậy, khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn luỹ. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô. Chúng tôi sẵn sàng sửa trị mọi kẻ bất tuân, một khi anh em đã hoàn toàn vâng phục (2 Cr 10: 2–6)”.

Thánh Phaolô tin rằng chỉ khi đó, nhờ đức vâng lời, cộng đồng mới đạt tới sự trưởng thành giúp họ mở mắt nhìn thấy tính chân thật và đúng đắn của sự can thiệp khuyên răn của ngài.

Bất cứ ai không hiểu được sự hợp nhất giữa sự trưởng thành và sự vâng lời Kitô giáo và Giáo hội thì người ấy vẫn chưa trưởng thành. Tuy nhiên, vì các mối liên kết giữa chúng chỉ được tỏ lộ cho người cầu nguyện bằng một đức tin sống động và vì nếu không có điều kiện tiên quyết này, mọi thứ đều biến mất trong những câu chuyện phiếm nông cạn và nguy hiểm, chúng ta nên sử dụng thuật ngữ “trưởng thành” một cách chừng mực và cẩn thận. Hầu hết những người thường xuyên có nó trên môi rõ ràng không hiểu ngữ điệu của Kinh thánh. Với Chúa ở sau lưng, họ nói về những điều (vox temporis, vox Dei = tiếng thời đại là tiếng Thiên Chúa) vốn được cho là bắt buộc bởi hoàn cảnh của thời đại và cấu trúc của con người hiện đại. Họ không tự hỏi Chúa Kitô đòi hỏi điều gì. Họ tự nghĩ ra sứ mệnh cho chính họ; họ cho là họ biết Vương quốc của Thiên Chúa được phục vụ tốt nhất bằng cách nào; và do đó, họ không ngại cả việc loại bỏ những phần quan trọng nhất của mạc khải cho phù hợp với chiếc giường Procrustes (*) của họ bất cứ khi nào những điều này không phù hợp với các khái niệm hiện đại của họ. Họ gọi quá trình này là phi thần thoại hóa.
____________________________________________________________________
(*) Trong thần thoại Hy Lạp, Procrustes tấn công người ta bằng cách kéo dài hay cắt ngắn cẳng chân nạn nhân cho vừa với chiếc giường sắt của y. Từ đó, tĩnh từ "Procrustean" có nghĩa 1 tiểu chuẩn võ đán dùng để đo thành công, hoàn toàn không đếm xỉa tới các nguy hại việc này gây ra (Theo Từ điển mở Wikipedia)

Kỳ tới: Tình yêu, Mô thức của Đời sống Kitô hữu