Thật vậy, nếu con người muốn được nâng lên trên chính họ, thì họ cũng cần phải tiến lên phía trước, phiá trước họ: sự tiến bộ trần gian của thế giới là điều kiện sơ khai của việc họ lên đến đỉnh cao trong Thiên Chúa. Nói cách khác, “nhân bản tiến lên phía trước” và “Kitô hữu tiến lên phía trên” phải được “kết hợp” với nhau: nghĩa là phải nói rằng điều thứ hai phải được lồng vào điều thứ nhất, “không bị chìm ngập trong nó”! nhưng bằng cách “siêu tự nhiên hóa [supernaturalizing] nó” (37).



Đây là một kết luận bắt buộc nếu, một mặt, người ta coi trọng sự kiện biến hóa phổ quát, hướng về hữu thể lớn hơn và do loài người đảm trách, và nếu, mặt khác, theo quan điểm Kitô giáo, người ta coi vận mệnh của nhân loại như vận mệnh tập thể. Làm cho Trái đất trưởng thành để chuẩn bị cho sự ngây ngất của họ trong Thiên Chúa: những từ ngữ khác của Teilhard cũng diễn đạt cùng một ý tưởng này. Nhưng chúng ta đừng rơi vào nguy cơ hiểu lầm ở đây. Teilhard cũng nói rằng cần phải kết hợp niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào thế giới. Điều này không có nghĩa là "Thiên Chúa từ phía trước" của ngài là thế giới! Càng không phải "Thiên Chúa từ trên cao" là một hữu thể, khởi đi từ thế giới, đã lên trên thế giới là "Thiên Chúa từ phía trước" một vị Thiên Chúa sẽ tiến bộ theo thời gian để đạt được cùng đích vượt thời gian. Điều không thích hợp là gán cho Thiên Chúa chuyển động hai chiều này, một chuyển động vốn của con người. Thiên Chúa của Teilhard là Thiên Chúa mà con người đang hướng tới trên con đường của họ băng qua chuyển động kép, kết hợp đưa họ lên cả phía trên lẫn phía trước (38). Teilhard luôn luôn tìm kiếm “Sự Xuất phát” [Issue] (đây vốn là chủ đề của La Grande monade năm 1918) (39): giờ đây, "sự Xuất phát" này là "cả phía trên lẫn phía trước". Sự thống nhất hoàn toàn mà nhân loại hằng mơ ước, và là điều mà nhân loại chỉ có thể thể hiện trong Thiên Chúa, tỏa sáng cả “ở đỉnh trời lẫn ở chân trời”. Nói cách khác, Thiên Chúa vừa ở “bên ngoài vừa ở bên trên chúng ta” [40], vừa ở bên ngoài vừa ở bên trên thế giới. Và đây là lý do tại sao Người có thể là “trung tâm” của thế giới. “Omega, điều mà trong đó mọi sự đều hội tụ, cũng hỗ tương là điều mà từ đó mọi sự đều tỏa sáng. Không thể đặt nó làm tiêu điểm ở tuyệt đỉnh của vũ trụ mà không đồng thời khuếch tán sự hiện diện của nó trong một bước nhỏ nhất của biến hóa” (41).

Teilhard chỉ rõ, “Điểm Xuất phát” này có một cái tên: đó là Chúa Kitô, đồng thời là “Đấng cứu độ của các linh hồn cá nhân” và là “động lực cuối cùng của diễn trình hình thành con người [anthropogenesis]” (42). Như thế, ở đây, chúng ta nằm trong Kitô giáo cách trọn vẹn. Trong tư tưởng của ngài, Teilhard luôn quan tâm đến việc biện phân sự đóng góp của suy tư thuận lý (dựa trên kiến thức thực nghiệm) và suy tư mạc khải của Kitô giáo (nhận được trong đức tin). Ngài thường phê phán ảo tưởng của những người, nhầm lẫn “một cách ngây thơ, các bình diện của thực tại”, không thấy sự khác nhau giữa “điều được dạy” và “điều được tìm thấy”, giữa “sự thật được tổng hợp trên Trái đất ” và “sự thật từ trên trời ban xuống” (43). Ngài nói, “Không có lãnh vực nào, Khoa học và Mạc khải lại xâm lấn lẫn nhau — sao chép lẫn nhau ”: đó nên là “sự kiện hiển nhiên” đối với mọi người (44). Ngoài các tuyên bố của ngài về chủ đề này, chỉ cần nhìn thoáng qua, chẳng hạn, cách trong đó, ngài dẫn nhập việc xem xét “hiện tượng Kitô” như lời nói đầu cho cuốn Phénomène humain, hay trong đó, ngài nại tới “nhà huyền nhiệm Kitô giáo” ở cuối cuốn Réflexions sur le bonheur, để hiểu rằng ngài không có ý định trộn lẫn các bình diện và phương pháp, như cơn cám dỗ vĩnh viễn của thuyết tương hợp [concordism] (45). Nhưng sự gắn bó với nhau [coherence] không phải là thuyết tương hợp. Với mọi điều, từ bất cứ nguồn nào nó phát xuất, thâm nhập vào bên trong tinh thần, thì tinh thần không thể làm gì khác, để đồng hóa nó, hơn là tổ chức nó một cách gắn bó với những điều nó đã thu nhận được trước đó. “[Mọi] kinh tuyến khác nhau nhất thiết phải gặp nhau ở đâu đó trên một cực của tầm nhìn chung” (46). Và sự thật nhận được từ mạc khải có tính sinh hoa trái. Nó phải trở thành nguyên tắc để hiểu tất cả những gì là có thật.

Như thế, trung thành với quy luật cơ cấu này của tư tưởng, cũng như tín lý Công Giáo về sự hòa hợp của hai trật tự, “tự nhiên” và “siêu nhiên” (47), Teilhard đã tìm ra một tổng hợp cho chính mình, một tổng hợp trong đó các dữ kiện của đức tin nơi ngài đóng vai trò chính.

Điều mà đức tin của ngài vốn dạy cho ngài trước hết là Thiên Chúa là Tình yêu. Sự mạc khải này xác nhận các kết luận mà phép biện chứng của ngài đã dẫn ngài tới. Bất chấp mọi điều, điều vẫn mãi trừu tượng và do đó xem ra “mơ hồ” và “phỏng đoán” giờ đây đã xuất hiện với ngài trong một ánh sáng ấm áp (48). Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa đáng yêu (49). Kinh nghiệm tập thể về tình yêu Kitô giáo, phát xuất từ Thiên Chúa, cho phép tín hữu thâm nhập một chút vào mầu nhhiệm hai mặt này. Và mầu nhiệm hai mặt này soi sáng mọi điều.

Nếu đúng là “việc kết hợp dị biệt hóa”, và thậm chí, ở bình diện hữu thể cao hơn, “việc kết hợp bản vị hóa” (50), thì vì vốn phát xuất từ toàn bộ phép biện chứng của Teilhard há quy luật này không tìm thấy sự thể hiện hoàn hảo của nó trong Thiên Chúa đó sao? Đó là mầu nhiệm của sự hiệp nhất thần linh trong Ba Ngôi Vị. “Hành động dị biệt hóa và thông truyền tình yêu” tự mạc khải trong trạng thái tinh tuyền của nó, một cách mạnh mẽ tuyệt đối của nó (51).

Chúng ta đã bước vào giai đoạn tích cực và tăng tốc của nghiên cứu khoa học và tổ chức xã hội. Cả hai đều là các nhân tố của tiến bộ. Như thế, trong chính chúng, chúng không phải là điều đáng sợ. Ngược lại, Teilhard mời gọi Kitô hữu đóng góp cho chúng với hết mọi nhiệt thành của họ. Thậm chí, ngài còn tự đảm nhiệm nghĩa vụ làm cho chúng đạt đến một kết luận thành công. Vì sự biến hóa của thế giới, trong hình dạng hai mặt mà nó hiện đang được mặc cho, sẽ đáng sợ gấp đôi nếu tình yêu có tính bản vị bị trục xuất khỏi nó. Việc sùng bái khoa học và sùng bái xã hội, như việc thực hành của chúng đang lên hình dạng như ngày nay trong một bộ phận quan trọng của nhân loại, cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến một tình huống vô vọng. Và dưới đây là việc sùng bái thứ nhất trong số hai việc sùng bái này:

Nếu thế giới của chúng ta hiện hữu, là hoa trái của một sự sáng tạo mà mọi sự đều thúc giục chúng ta suy nghĩ tự do, nhưng mọi sự lại khiến chúng ta không tin vào sự tùy tiện, thì điều này há không phải vì nó là hoa trái của tình yêu hay sao? Há chúng ta không được dẫn dắt để hiểu rằng, ở chiều sâu này, “tính tất yếu tối cao và tính tự do tối cao” gặp nhau, hay đúng hơn “nhìn nhận sự hiện diện của người tự do như dấu hiệu không thể sai lầm của một tình yêu liên kết đó sao?” (52).

Vì thế giới này không có kết thúc nào khác ngoài việc cuối cùng được hợp nhất với sự sống thần linh. Dựa trên đòi hỏi thuận lý, chúng ta đã thành công trong việc đề ra một Trung tâm tối cao, bản vị và siêu việt, có khả năng tập hợp vào chính mình mỗi một trung tâm cá vị mà chúng ta đang trong diễn trình xuất hiện: bây giờ Trung tâm tối cao này tiếp nhận sự sống và khuôn hình trước mắt chúng ta. Và chúng ta hiểu rằng sự hợp nhất cuối cùng mà chúng ta được mời tiến tới "không hề là thuyết phiếm thần" hay "sự đồng nhất" làm chúng ta tan hòa vào một đại dương hữu thể vô hình dạng (53): hoàn toàn ngược lại, nó hoàn thành chúng ta trong sự khác biệt hữu thể học của chúng ta, hoàn hảo đến mức viễn kiến của Thánh Phaolô về “Thiên Chúa trong mọi sự” (54) có thể trở thành viễn kiến của chúng ta, mà không có bất cứ sự thận trọng sai lầm nào có thể khai tử tính táo bạo của nó. Trong khi chờ đợi, viễn kiến khai mở trước chân trời tương lai này, “thay vì để cho linh hồn chìm đắm trong sự kết hợp mơ hồ và biếng nhác, theo đuổi nó mỗi ngày một cao hơn trên những con đường hành động chính xác” (55).

Dọc con đường này, vẫn chính là đức tin Kitô giáo, đức tin vào một Thiên Chúa “Nhân ái và Yêu thương” (56), nâng đỡ chúng ta. Ở đây, Cha Teilhard trở nên đặc biệt năng nổ và cương nghị. Ngài nói, đối với toàn bộ khối quần chúng “những người mới tin vào nhân loại, Tin mừng chỉ là một thứ thuốc phiện nguy hiểm. Nhưng làm thế nào họ lại không thấy rằng, nếu không có Kitô giáo, thế giới sẽ trở nên nghẹt thở đến hai lần đó ư? Nghẹt thở, đầu tiên vì nó bị bịt kín một cách vô vọng ở phía trước, đối diện với một cái chết hoàn toàn. Và cũng nghẹt thở, vì nó không còn hơi ấm sống động nào nữa để kích hoạt bộ máy đáng run sợ của nó” (57). Tóm lại, một thế giới hoàn toàn “tục hóa”, mà đức tin Kitô giáo đã biến mất khỏi đó, sẽ là một“ thế giới hoàn toàn tan rã và là một thế giới băng giá ”; nó sẽ là một “vũ trụ không có trái tim và không có lối thoát” (58).

Một hiện tượng ở tầm cỡ này không thể là hời hợt, và nó không thể được giải thích chỉ dựa trên một ý muốn sai trái. Đó là dấu hiệu của một nhu cầu sâu sắc của thời kỳ này. Như các nhà hộ giáo vốn luôn làm trong những trường hợp như vậy, Teilhard, do đó, sẽ tìm cách giải thích điều này; ngài sẽ cố gắng nắm bắt chính cách diễn đạt trong đó nhu cầu này được phát biểu để điều chỉnh ý nghĩa của nó. Không phải là một việc tình cờ nếu nó được bắt gặp, theo cả hai nghĩa của nó, vào chính những ngày tháng giống nhau và trong các bài viết có đặc điểm hoàn toàn hộ giáo: đầu tiên là năm 1933-1934, sau đó là năm 1955.

Bất chấp bằng cách phi bản vị hóa việc tập thể hóa các cá nhân hoặc thậm chí bằng mối đe dọa không thể vô hiệu hóa của một cái chết hoàn toàn, không có một "tôn giáo" nào trong mọi tôn giáo cho đến nay phát sinh từ Khoa học, trong đó vũ trụ không bị đóng băng và khép kín một cách tuyệt vọng (nghĩa là, cuối cùng, không thể ở được) ở phía trước, trong các vùng "cực" của nó. Đó là sự thật! (59).

Và bây giờ, đến việc sùng bái thứ hai:

Điều làm cho tính tập thể thuần túy trở nên quái dị là, đa phức trong bản chất, nó không có suy nghĩ, không có trái tim, cũng không có khuôn mặt, để từ sâu thẳm hữu thể của mình, chúng ta có thể bám vào. Xã hội có thể bóp nghẹt chúng ta trong vô số vòng tay của nó: nó không thể tiếp cận chúng ta cũng như không thể kết nối chúng ta lại với nhau bằng chính xương tủy của chúng ta. Bị ngưng lại về phương diện tập thể, nhân loại, từng được tôn vinh trong hai thế kỷ qua, nay là một thần Moloch đầy run sợ. Chúng ta không thể yêu thương nó cũng như không được yêu thương trong nó. Đó là lý do tại sao nó cơ khí hóa chúng ta thay vì đưa chúng ta đến chỗ hoàn thiện (60).

Và Teilhard, sau đó, kết luận rằng “chỉ có tình yêu, dứt khoát như thế, nhờ vào sức mạnh chuyên biệt và độc đáo của nó trong việc bản vị hóa các phức thể', mới có thể thực hiện phép lạ siêu nhân hóa con người qua và bằng các lực lượng tập thể hóa", cũng giống như "Một mình nó, trong giai đoạn còn có tính quyết định hơn, có thể mở đường cho họ tiếp cận với Omega” (61). Đó là lý do tại sao vai trò của Kitô hữu trong thế giới của chúng ta có tính không thể thay thế.

Ghi Chú

37 Le Coeur du problème, 5: 348.

38 Luôn luôn ở dưới tác động của Thiên Chúa, Đấng mà sáng kiến là chính yếu. Để biết chi tiết, xem Maurice Blondel et Pierre Teilhard de Chardin, 129-53: “Descente et montée dans l’oeuvre du père Teilhard”.

39 Năm 1918, Écrits, 233-48. Chữ “issue [lối thoát]” này thường gặp ở Teilhard; nó là dấu hiệu của mối bận tâm chính của ngài. Xem Le Goût de vivre (1950), 7: 246: “Để biết rằng chúng ta không bị cầm tù! Để biết rằng có một lối thoát và không khí và ánh sáng và tình yêu, ở một nơi nào đó, vượt qua tất cả Cái chết. Để biết nó, không ảo tưởng hoặc hư cấu!"

40 Réflexions sur le bonheur (1943); Cahiers Pierre Teilhard de Chardin, 2 (1960), 63. Để biết về “Vị Thiên Chúa của phía trước”, xem thêm Coeur de la matière.

41 L’Énergie humaine, 6: 183.

42 On the Christ Omega: Mon univers [Về Chúa Kitô Omega: Vũ trụ của tôi], 9: 82-88.

43 La Maîtrise du monde et le règne de Dieu (1916), phần dẫn nhập; Écrits, 67.

44 Ma position intellectuelle [Chủ trương trí thức của tôi] (1948); Les Études philosophiques (1955), 580-81; Le Phénomène humain, 315-17; Barrière de la mort et co-réflexion (1955), phần phụ lục: “Science et révélation”, 7: 426-29.

45 Có người đã viết rằng nơi Teilhard “khoa học của các học giả đã...bị cuốn hút và đắm chìm trong một dòng chảy lớn của việc suy tư tìm hiểu trong đó, khoa học, đức tin, thần bí, thần học và triết học ở trạng thái tản mạn đã bị trộn lẫn và làm cho mơ hồ một cách vô phương cứu chữa”; đây có lẽ là một "tội lỗi chống lại trí hiểu", một tội mà Teilhard được cho là đã phạm "một cách hoàn toàn vô tội", "ý tưởng về sự khác biệt chuyên biệt giữa các mức độ kiến thức khác nhau luôn luôn vẫn hoàn toàn xa lạ với ngài”; tuy nhiên, "tự nó", một tội lỗi như vậy có lẽ là "không thể nào khắc phục được". Tội lỗi của việc giải thích rằng một phán đoán như vậy có thể nói được (lần này là sự thật) là hoàn toàn vô tội, theo nghĩa các tuyên bố và giải thích của Teilhard cho đến nay vẫn hoàn toàn không được tác giả của chúng biết đến; nhưng, mặt khác, nó hoàn toàn có thể khắc phục được. Xem Jacques Maritain, Le Paysan de la Garonne, 176-77.

46 Ma position intellectuelle, đã trích ở đây. Xem Le Phénomène humain, lời nói đầu, 22: “Giống như các đường kinh tuyến khi chúng tiếp cận các cực, khoa học, triết học và tôn giáo nhất định hội tụ khi chúng đến gần hơn với tổng thể. Tôi nói 'hội tụ' một cách thận trọng, nhưng nếu không hội tụ, và không dừng lại, ở chính cùng đích, là tấn công thực tại từ các góc độ khác nhau và trên các bình diện khác nhau".

47 Xem một số bản văn trong Pensée Relgieuse, chương. 11: “Nature et grâce”.

48 Xem Hérédité sociale et progrès (1938), 5:51; vv

49 ngày 19 tháng 1 năm 1929; Lettres de voyage, 118.

50 La Grande option [Lựa chọn Vĩ đại] (1939), 5: 73-78; La Centrologie, no. 27-28; 7: 122-25; Les Singularités de l’espèce humaine, 2: 368-69; vv

51 Introduction à la chrétienne (1944). Cf L’Énergie humaine: “Kết hợp dị biệt hóa. Tình yêu chỉ là biểu thức cụ thể của nguyên tắc siêu hình.... Tình yêu thương không những có đức tính hợp nhất mà không phi bản vị hóa, nhưng nó cực kỳ bản vị hóa bằng cách hợp nhất ”, 6: 189-90.

52 Comment je vois, no. 28.

53 Teilhard phản đối nền huyền nhiệm (bản vị hóa) việc hợp nhất nền huyền nhiệm (phi bản vị hóa) việc đồng nhất hóa. Đây là một chủ đề mà ngài sẽ trở lại không ngừng, từ La Vie cosmique (1916) đến cuối đời ngài.

54 1 Cr 15: 26-28. Xem Teilhard, Journal, ngày 7 tháng 4 năm 1955, 5: 404-5.

55 Mon univers, 9:87. Đã dẫn: “Sự nguy hiểm của chủ nghĩa phiếm thần sai lạc đã biến mất; tuy nhiên, chúng tôi bảo vệ sức mạnh không thể thay thế của đời sống tôn giáo vốn bị những người theo thuyết phiếm thần độc quyền một cách bất chính”.

56 Xem thêm Le Phénomène humain, 297.

57 Trois choses que je vois (1948).

58 Le Coeur du problème, 5: 344. Đây là lý do tại sao, "xét hoàn toàn một mình, đức tin vào Thế giới không đủ để đưa Trái đất đi về phía trước”.

59 Le Christique (1955). Xem La Mystique de la science: “Về căn bản, không nền huyền nhiệm nào có thể sống mà không có tình yêu. Tôn giáo khoa học đã nghĩ đến tìm một đức tin, một đức cậy. Nó chết vì đã đóng cửa đối với đức mến. Nhiều nhân tính hơn có thể quan niệm được mà không có khoa học. Nhưng nhiều khoa học hơn là điều khả hữu mà không cần bất cứ tôn giáo nào làm sinh động nó. Kitô giáo là một hình thức mẫu mực của tôn giáo khoa học này”, 5: 222-23.

60 L’Atomisme de l’esprit (1941), 7:54.

61 La Centrologie, no. 29, 7: 126. Esquisse d’un univers personnel (1936), 6: 104.

Còn tiếp