1. Tổng giáo phận Boston có giáo xứ Việt Nam đầu tiên

Sau nhiều thập kỷ thỉnh nguyện, người Công Giáo Việt Nam tại Tổng giáo phận Boston giờ đây có thể cử hành Bí tích Thánh Thể bằng tiếng mẹ đẻ của họ với việc thành lập giáo xứ Việt Nam đầu tiên của Tổng giáo phận vào hôm Chúa Nhật 13 tháng 6.

Khoảng 600 tín hữu đã lấp đầy các hàng ghế của Nhà thờ Saint Clement ở Medford - nay là một phần của Giáo xứ Chân phước Anrê Phú Yên. Đức Cha phụ tá Mark O'Connell của Boston nói với tờ Crux rằng ngài cảm thấy giống như “một ngày đại lễ” với một dàn hợp xướng lớn, trống và khiêu vũ.

“Trong Thánh Lễ ngày hôm qua tôi đã tràn đầy lòng biết ơn về thời điểm và tất cả mọi thứ”, Cha Phong Phạm, là người mà Đức Cha O'Connell đã giới thiệu với anh chị em là quản nhiệm của họ. “Tôi vô cùng biết ơn vì Chúa đã thực sự đáp lại tiếng kêu của người Công Giáo Việt Nam và tôi nghĩ đây là thời điểm hoàn hảo và chỉ có thần khí của Chúa và bàn tay của Chúa đã viết ở mọi nơi và trên khuôn mặt của mọi người”.

“Mọi người đều rất vui, rất hạnh phúc”, cha nói với tờ Crux.

Đức Cha O'Connell lần đầu tiên nhận được yêu cầu thành lập một giáo xứ Việt Nam trong tổng giáo phận vào năm 2017, chưa đầy một năm sau khi ngài trở thành Giám Mục Phụ Tá. Vào thời điểm đó, ngài nói sẽ xem xét điều đó, nhưng cảnh báo rằng ngài sẽ không thúc đẩy điều này trừ khi họ sẵn sàng ủng hộ giáo xứ về mặt tài chính. Phản hồi của giáo dân Việt Nam là yêu cầu Đức Cha O'Connell chính thức thành lập một giáo xứ và họ sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho giáo xứ đó.

Đức Cha O'Connell kể thêm: “Sau đó, tôi nhận được điện thoại gọi đến tổng giáo phận mời đến một cuộc họp khẩn cấp vì Giáo xứ St. Clement đang xuống dốc. Tôi nói, 'tốt, người Việt Nam đang tìm kiếm một giáo xứ.' Tôi gọi cho Đức Hồng Y Seán O'Malley và ngài rất vui vì có ý tưởng giải quyết.”

Với sự hỗ trợ của giáo phận, Đức Cha O'Connell đã nhận được sự chấp thuận của các cộng đồng Việt Nam. Sau đó, vào tháng 8 vừa qua, ngài đã đưa Cha Phong Phạm vào để giảm bớt lo ngại của cộng đồng nói tiếng Anh đã có từ trước.

Giáo dân Việt Nam của giáo xứ đến từ ba cộng đồng Massachusetts - Chelsea, Malden và East Boston.
Source:Crux

2. Tình trạng nghiêm trọng của Giáo Hội tại Ấn

Trong bản tin đánh đi hôm thứ Năm 17 tháng 6, Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Cha Lakra của giáo phận Gumla đã là giám mục thứ tư qua đời kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Sáng 17 tháng 6, Đức Cha Paul Alois Lakra của giáo phận Gumla đã qua đời tại bệnh viện Orchid ở Ranchi. Giáo phận của ngài nằm ở Bang Jharkhand. Đức Cha qua đời ở tuổi 65 sau khi đã phải nhập viện vì nhiễm một biến thể nguy hiểm của coronavirus.

Cái chết của ngài diễn ra sau cái chết của Đức Cha Joseph Neelankavil, Giám Mục hiệu tòa của giáo phận Công Giáo Syro-Malabar Sagar, Đức Cha Antony Anandarayar Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Pondicherry-Cuddalore, và Đức Cha Basil Bhuriya của giáo phận Jhabua.

Ngoài các vị Giám Mục trên, Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ đã mất 283 linh mục và 252 nữ tu vì COVID-19. Những con số thống kê này được thu thập bởi Cha Suresh Mathew của Indian Currents và Cha Shaiju Chacko của Giáo phận Jammu-Srinagar.

Đức Cha Lakra sinh ngày 11 tháng 7 năm 1955. Ngài được thụ phong linh mục tại Tổng giáo phận Ranchi năm 1988. 5 năm sau đó, ngài gia nhập hàng giáo phẩm của Gumla khi giáo phận này trở thành một giáo phận biệt lập, tách khỏi tổng giáo phận Ranchi. Vào tháng Giêng năm 2006, ngài được bổ nhiệm làm giám mục thứ hai của Gumla.

Tang lễ của Giám mục Lakra đã được tổ chức vào lúc 10 giờ sáng thứ Sáu 18 tháng Sáu tại nhà thờ chính tòa Gumla, nơi thi hài của ngài được an táng. Đức Tổng Giám Mục Felix Toppo của Ranchi chủ trì Thánh lễ.

“Cái chết của Đức Cha Lakra là một mất mát lớn đối với giáo phận Gumla, và đối với tất cả người dân tộc ở khu vực Chota Nagpur”, Đức Tổng Giám Mục John Barwa của Cuttack-Bhubaneshwar nói với AsiaNews về cái chết của Đức Cha Lakra.

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng: “Đức Cha Lakra là một trong những người của vùng đất này. Ngài yêu mến người dân của mình và được họ yêu mến. Cái chết của ngài ấy là một mất mát lớn đối với những người cùng đinh, những người nghèo và các nhóm thiểu số”.

“Đức Cha Lakra đã làm việc không mệt mỏi cho người dân trên mọi lĩnh vực, vì sự thăng tiến và phát triển của họ, về kinh tế, giáo dục, xã hội và tinh thần”.
Source:Asia News

3. George Weigel : Đức Hồng Y Pell ở tuổi tám mươi

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân sinh nhật thứ 80 của Đức Hồng Y George Pell, ông đã có một bài nhận định đăng trên tờ First Things ngày 16 tháng 6, 2021.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

CARDINAL PELL AT EIGHTY

by George Weigel

Đức Hồng Y Pell ở tuổi tám mươi


Mười lăm tháng trước, có vẻ như Đức Hồng Y George Pell sẽ phải trải qua sinh nhật thứ tám mươi của mình trong tù. Một chiến dịch đầy ác ý của cảnh sát tiểu bang Victoria ở Úc, quê hương của ngài, đã dẫn đến bản cáo trạng liên quan đến những cáo buộc vô lý một cách trắng trợn là “lạm dụng tình dục trong quá khứ”. Phiên tòa đầu tiên của ngài đã kết thúc với một bồi thẩm đoàn treo trong đó hầu hết ủng hộ việc tha bổng; nhưng vì tòa án áp đặt lệnh cấm các phương tiện truyền thông đưa tin, nên công chúng không biết rằng người bào chữa đã đập tan hồ sơ của bên công tố bằng cách chứng minh rằng những tội ác bị cáo buộc không thể nào xảy ra trong khung thời gian, và địa điểm mà người khiếu nại cho rằng đã xảy ra. Cuộc tái thẩm của vị Hồng Y kết thúc với một bản án không thể nào hiểu nổi, sau đó là một lời bác bỏ thậm chí còn khó hiểu và vô nghĩa hơn đối với đơn kháng án của vị Hồng Y. May sao, thật hạnh phúc - vì quyền tự do của một người vô tội và danh tiếng của hệ thống tư pháp Úc - Tòa án Tối cao của đất nước đã nhất trí hủy bỏ bản án có tội của các tòa dưới vào ngày 7 tháng 4 năm 2020 và đưa ra phán quyết “vô tội” trong vụ án Pell kiện Nữ hoàng.

Đức Hồng Y Pell đã không lãng phí 404 ngày trong tù, hầu hết trong đó là bị biệt giam. Ngài đã viết nhật ký hàng ngày, và cuốn nhật ký ấy đã trở thành một thứ gì đó thuộc loại kinh điển tâm linh hiện đại; Ignatius Press đã xuất bản nó thành ba tập, tập cuối cùng sẽ xuất hiện vào tháng 10. Thông qua Nhật ký trong tù của ngài, hàng nghìn người trên khắp thế giới đã khám phá ra con người thật của Đức Hồng Y George Pell: một người có đức tin vững chắc, trí thông minh sắc sảo, lòng trắc ẩn sâu sắc đối với những bối rối đang bủa vây loài người, và quyết tâm sống trọn chức linh mục mà ngài đã cam kết khi được Đức Hồng Y Gregory Peter Agagianian tấn phong vào ngày 16 tháng 12 năm 1966. Đức Hồng Y Gregory Peter Agagianian là vị nhiều phiếu thứ hai sau Đức Gioan XXIII trong mật nghị bầu Giáo Hoàng năm 1958.

Tôi rất vui vì giờ đây có rất nhiều người khác đã khám phá ra sự thật về người đàn ông tốt lành và vĩ đại này, đặc biệt là vì ngài và tôi đã là bạn của nhau kể từ khi ngài trải qua mùa hè sau khi thụ phong ở giáo xứ Baltimore của tôi, giữa thời gian học thần học ở Rôma và làm luận án tiến sĩ tại Oxford. Hơn nửa thế kỷ đó, chúng tôi đã thảo luận về mọi thứ. Và dù Đức Hồng Y đã không chuyển đổi được tôi thành một cầu thủ cricket, chúng tôi tâm đắc về rất nhiều thứ khác mà chúng tôi đã làm việc chặt chẽ trong nhiều dịp khác nhau.

Do đó, điều đập vào mắt tôi như ơn Chúa quan phòng là sinh nhật thứ tám mươi của Đức Hồng Y Pell rơi vào một thời gian khi Giáo Hội hoàn vũ đang rối tung lên bởi “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức: một quá trình thiếu vắng một sự can thiệp có tính quyết định của Rôma, và có lẽ đang diễn ra bất kể sự can thiệp của Rôma, và dường như đang xác nhận rằng thể chế Công Giáo ở Đức đang trong tình trạng bội giáo. Tôi nói là ơn Chúa quan phòng bởi vì, nếu không có sự lãnh đạo của Đức Cha George Pell với tư cách là Tổng Giám Mục Melbourne và sau đó là Hồng Y Tổng Giám Mục Sydney, thì nước Úc có lẽ đã trở thành một vùng thảm họa của Giáo Hội như nước Đức ngày nay — mặc dù người Úc đã đạt đến mức đó 25 năm trước.

Kẻ thù của ngài sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó, nhưng Đức Hồng Y George Pell đã cứu Giáo hội ở Úc khỏi bị tan rã thành một Đạo Công Giáo lỏng lẻo không thể phân biệt với Đạo Tin lành Tự do. Ngài đã làm như vậy bằng cách bảo vệ Công đồng Vatican II như một sự đổi mới trong truyền thống; bằng cách cải cách chức tư tế và bằng sự chăm sóc của ngài đối với các nạn nhân lạm dụng tình dục trong các giáo phận mà ngài lãnh đạo; bằng sự ủng hộ kiên định của ngài đối với chủ nghĩa chính thống Công Giáo giữa cuồng phong văn hóa đã khiến nhiều giám mục anh em của ngài phải nao núng; bằng cách ủng hộ đời sống trí thức Công Giáo nghiêm túc trong nhiều sáng kiến khác nhau; và bằng cách tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới ở Sydney năm 2008, tiếp thêm sinh lực truyền giáo cho những người Công Giáo Úc trẻ tuổi như Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1993 của Denver đã thực hiện cho những người trẻ Công Giáo Hoa Kỳ. Nếu không có sự lãnh đạo của George Pell và sự sẵn sàng đứng ra bảo vệ sự thật trước những lời chỉ trích ác ý, thì Công Giáo ở Miệt Dưới vào năm 2021 có thể trông giống như một Giáo hội giàu có ở phần lớn nước Đức ngày nay, nhưng vắng bóng khối tài sản khổng lồ được hỗ trợ từ thuế của người Đức.

Công việc của Đức Hồng Y Pell để dọn dẹp chuồng ngựa Augean của tài chính Vatican vẫn đang được hoàn thành và các câu hỏi về mối liên hệ có thể có giữa công việc đó và việc truy tố ngài vẫn chưa được giải đáp. Tuy nhiên, ân sủng của vị Hồng Y dưới áp lực phi thường và phẩm giá mà ngài hành xử trước, trong và sau khi bị cầm tù đã khiến ngài trở thành một trong những trưởng lão có ảnh hưởng nhất trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay. Việc ngài hết quyền bầu cử trong một mật nghị tương lai vào ngày 8 tháng 6 vừa qua không có nghĩa là ngài sẽ bị gạt sang một bên trong các cuộc thảo luận thực sự có hậu quả lớn lao đối với tương lai của Giáo hội. Ngài sẽ ở vị trí rất là trung tâm của những cuộc thảo luận đó, sử dụng thẩm quyền đạo đức mà ngài đã giành được một cách xứng đáng với tư cách là một cha giải tội đương thời.

Người đàn ông mà tôi biết và trân trọng kể từ mùa hè năm 1967 không được hình thành để im lặng. Giọng nói của ngài sẽ được lắng nghe. Và nó sẽ được nghe ở nơi cần thiết.
Source:First Things