Một bé gái 10 tuổi ở Tây Ban Nha đã hoàn thành ước mơ thời thơ ấu của mình là trở thành một nhà truyền giáo Công Giáo từ giường bệnh của em ngay trước khi chết vì khối u não vào tuần này.

Teresita Castillo de Diego qua đời ngày 7/3 tại Madrid sau 3 năm chống chọi với khối u ở não.

Cha Ángel Camino Lamela, một vị đại diện cho Đức Hồng Y Carlos Osoro Sierra, là Tổng Giám Mục Madrid tại Bệnh viện La Paz và giáo hạt thứ tám của Madrid, đã kể lại câu chuyện của nhà truyền giáo trẻ tuổi trong một video và một bức thư mà ngài gửi cho tất cả các tín hữu trong giáo hạt của ngài.

Vào ngày 11 tháng 2 vừa qua, khi Cha Camino dâng thánh lễ tại Bệnh viện La Paz, linh mục tuyên úy ở đó, cùng các bác sĩ và y tá, đã đề nghị ngài đến thăm một cô gái trẻ bị bệnh nặng, đã được lên lịch phẫu thuật vào ngày hôm sau để loại bỏ khối u não.

“Chúng tôi đến Khoa Chăm Sóc đặc biệt với trang bị đầy đủ, tôi chào các bác sĩ và y tá, sau đó họ đưa tôi đến Teresita, mẹ em là Teresa đang ở bên giường bệnh của em. Một dải băng trắng quấn quanh đầu cháu bé, nhưng khuôn mặt của cháu lộ ra ngoài đủ để nhận ra một khuôn mặt thực sự rực rỡ và đặc biệt”.

Cô gái trẻ nói với vị linh mục rằng cô rất yêu mến Chúa Giêsu và muốn trở thành một nhà truyền giáo.

Cảm động sâu sắc trước lời nói của cô, Cha Camino trả lời: “Teresita, cha nhận con vào hàng ngũ các nhà truyền giáo của Giáo hội ngay bây giờ, và chiều nay cha sẽ mang đến cho con giấy chứng nhận điều đó và cây thánh giá của nhà truyền giáo”.

Sau đó, vị linh mục đã ban Thánh Thể cho cô gái trẻ và ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

“Đó là một khoảnh khắc cầu nguyện, vô cùng đơn giản, nhưng có ý nghĩa siêu nhiên sâu sắc. Một số y tá đã tham gia cùng chúng tôi và tự động chụp một số bức ảnh về chúng tôi. Những bức ảnh này sẽ mãi là kỷ niệm không thể xóa nhòa. Chúng tôi chào tạm biệt trong khi cô bé và mẹ cô cầu nguyện và tạ ơn”.

Cuối buổi sáng hôm đó tại Tòa Giám Mục, Cha Camino soạn thảo các tài liệu chính thức về việc chứng nhận Teresita là một nhà truyền giáo. Sau đó ngài cầm cây thánh giá truyền giáo và trở lại bệnh viện vào buổi tối.

Teresita yêu cầu mẹ cô treo cây thánh giá bên giường bệnh, nơi cô có thể dễ dàng nhìn thấy nó, nói: “Ngày mai con sẽ đưa cây thánh giá này vào phòng phẫu thuật. Bây giờ con là một nhà truyền giáo”.

Mẹ cô giải thích với đài truyền hình Infomadrid rằng Teresita không phải là con ruột của bà. Bà đã nhận nuôi cháu từ Siberia và đưa đến Tây Ban Nha khi cháu mới ba tuổi. Ngay từ khi còn nhỏ, cháu bé đã bộc lộ một đời sống tinh thần mạnh mẽ. Cháu đã từng tham dự Thánh lễ hàng ngày tại trường học của cháu ở Madrid do các nữ tu dòng Nữ Tử của Trái Tim Chúa Giêsu điều hành.

Khối u trong não của Teresita lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2015. Quá trình điều trị ban đầu bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u và hóa trị đã thành công. Tuy nhiên, vào năm 2018, khối u bắt đầu phát triển trở lại và cô gái trẻ phải trải qua một cuộc phẫu thuật mới và điều trị mới ở Thụy Sĩ.

Vào tháng Giêng năm nay, cô trở lại bệnh viện với những cơn đau đầu dữ dội. Cô đã giao phó mình cho Chân phước Carlo Acutis và Bậc Đáng Kính Montse Grases.

Một ca phẫu thuật ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 11 tháng Giêng. Tuy nhiên, nó không thể được thực hiện do các biến chứng, bao gồm chứng hydrocephalus nghĩa là tích tụ chất lỏng trong não. Sau đó Teresita và mẹ của cô đều có kết quả dương tính với coronavirus nên họ phải được đưa vào phòng cách ly.

Ống dẫn lưu được đặt trong đầu của Teresita để loại bỏ chất lỏng dư thừa bị tắc và bắt đầu hỏng nhiều lần, khiến cô đau đớn dữ dội. Trong khi đó, khối u vẫn tiếp tục phát triển mà không có khả năng phẫu thuật.

Mẹ cô cho biết niềm tin của cô gái trẻ đã giúp cô vượt qua hoàn cảnh. “Khi bé dâng lên Chúa những đau khổ của mình, tôi nảy ra ý nghĩ rằng Chúa Giêsu đang tận dụng những đau khổ này để cứu ngày càng nhiều linh hồn hơn”, mẹ cô nói, khi nhớ lại những lời của cô gái trẻ: “Con đang dâng những đau khổ này cho người dân; những người bị bệnh, và các linh mục”.

Trong những tuần cuối cùng của cuộc đời, Teresita đã nhắc nhở mẹ mình về Chúa Kitô trên thập tự giá, đặc biệt là khi bé không thể uống nước được nữa, và các y tá phải đặt gạc tẩm nước vào miệng cháu.

9 giờ sáng ngày 7 tháng 3, Teresita qua đời. Cô được chôn cất vào ngày hôm sau. Đức Hồng Y Carlos Osoro, tổng giám mục Madrid, đã đến tận nơi để hỗ trợ gia đình cô với sự hiện diện của ngài và đưa ra “một số lời đầy hy vọng có thể an ủi cha mẹ, họ hàng và những người bạn trẻ của cô gái Teresita”.

Cha Camino kết thúc thông điệp của ngài bằng cách yêu cầu mọi người “cầu nguyện cho Teresita và trên hết, hãy giao phó bản thân cho cô ấy bởi vì tôi tin rằng cô ấy sẽ bảo vệ một cách đặc biệt toàn bộ giáo hạt của chúng ta, nơi cô ấy được giao trách nhiệm là một nhà truyền giáo”.


Source:Catholic News Agency

2. First Things: Các Giám Mục âu lo rằng từ 25% đến 40% giáo dân sẽ không đến nhà thờ nữa sau đại dịch.

Francis X. Maier là thành viên cao cấp trong nhóm Nghiên cứu Công Giáo tại Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công, và là cộng tác viên nghiên cứu cao cấp về Nghiên cứu Hiến pháp tại Đại học Notre Dame. Ông đã liên lạc với 33 giám mục — 31 giám mục ở Hoa Kỳ và hai giám mục ở hải ngoại trong số các nước nói tiếng Anh. Trên tờ First Things, ông đã tóm lược kết quả những cuộc trò chuyện với các Giám Mục trong một bài báo có nhan đề “Somebody Needs To Be Dad”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Somebody Needs To Be Dad

By Francis X. Maier

Cần Phải Có Ai Đó Làm Cha


Đối với người Công Giáo, Công đồng Vatican II (1962–65) là sự kiện quan trọng trong 60 năm qua. Công đồng đổi mới sự hiểu biết về bản thân của Giáo hội. Công đồng tái định hình lại mối quan hệ của Giáo Hội với người Do Thái, những Kitô hữu của các hệ phái khác và thế giới. Công đồng cũng thừa nhận một cách mới mẻ và mạnh mẽ tầm quan trọng của ơn gọi giáo dân.

Tuy nhiên, Công đồng đã không hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ, đặc biệt là về vấn đề quyền bính. Công đồng nhấn mạnh rằng nơi vị giám mục địa phương “Chúa Giêsu Kitô... hiện diện ở giữa các tín hữu”. Mọi giám mục địa phương đều có thẩm quyền dạy dỗ, khuyến khích, cai quản và sửa sai các tín hữu được giao phó. Vì vậy, với tư cách là “người cha và người mục tử” của dân mình, ngài phải là “tấm gương về sự thánh thiện trong đức bác ái, khiêm nhường và giản dị trong cuộc sống”, có bổn phận “uốn nắn đàn chiên của mình thành một gia đình” để tất cả “được sống và hành động trong sự hiệp thông của đức ái”.

Đó là những lời đẹp đẽ và cũng rất tỉnh táo. Đọc các tài liệu của Công đồng về các nhiệm vụ được giao cho một giám mục là một kinh nghiệm đầy khích lệ. Tham vọng trong Giáo hội không nhất thiết là một điều xấu; thật là dại dột khi nghĩ ngược lại. Nhưng bất kỳ người nào khao khát công việc tốt hơn nên suy nghĩ cẩn thận và kỹ lưỡng. Mọi đặc ân từng đi với công việc của một giám mục đã giảm dần trong vài thập kỷ qua trong khi các đòi buộc lại tăng lên. Vụ tai tiếng lạm dụng trong 20 năm qua, sự thù địch của môi trường văn hóa và chính trị ngày nay, và bản chất độc hại của những lời chỉ trích trong chính Giáo hội đã khiến nhiều người từ chối chức giám mục khi được đề nghị - theo một số báo cáo số người từ chối như thế lên đến một phần ba số ứng viên. Những người tầm thường, bất tài, và thậm chí là người xấu vẫn trở thành giám mục. Điều đáng chú ý là có cơ man các giám mục của chúng ta, chiếm tuyệt đại đa số, là những người tốt làm việc hết sức mình và làm tốt điều đó, với tư cách là một “người cha và một mục tử”. Tôi đã tận mắt chứng kiến điều này trong 27 năm phục vụ giáo phận. Tôi đã chứng kiến một lần nữa và rồi một lần nữa trong hai tháng qua.

Vào tháng 11 năm 2020, tôi đã liên lạc với 33 giám mục — 31 giám mục ở Hoa Kỳ và hai giám mục ở hải ngoại trong số các nước nói tiếng Anh — cho một dự án mà tôi đang theo đuổi trong việc đổi mới văn hóa và Giáo hội với chương trình Nghiên cứu Hiến pháp tại Đại học Notre Dame. Mục đích của dự án rất đơn giản. Nếu Giáo hội muốn tìm cách trở thành một tác nhân đổi mới đời sống của một quốc gia và nền văn hóa của quốc gia đó, thì chính Giáo hội cũng phải được đổi mới. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta làm điều đó? Trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 12 năm 2020 đến ngày 17 tháng 2 năm nay, tôi đã thực hiện các cuộc phỏng vấn một cách tín cẩn với 28 giám mục trong số đó. Hai cuộc phỏng vấn nữa đang chờ tổng kết; hai giám mục không trả lời; và một giám mục — là Đức Tổng Giám Mục Philip Tartaglia của Glasgow, người mà tôi đã gặp và hỗ trợ ngài tại Thượng hội đồng năm 2015 — đã chết trước khi cuộc phỏng vấn của chúng tôi có thể diễn ra. Trong những tháng tới, tôi sẽ thực hiện các cuộc phỏng vấn tương tự với các giáo sĩ và các tu sĩ nam nữ, sau đó là các cuộc phỏng vấn với các giáo dân — là nhóm cuối cùng và lớn nhất.

Các giám mục Hoa Kỳ mà tôi đã nói chuyện phục vụ ở 20 tiểu bang khác nhau trong mọi vùng của đất nước. Các ngài có những tính cách, tài nguyên, bối cảnh và các kỹ năng rất khác nhau. Các ngài cũng phải đối mặt với những vấn đề chuyên biệt: Các vấn đề có tính cách địa phương ở vành đai kỹ nghệ suy thoái của Mỹ, ở các trang trại nông nghiệp, và ở phía nam / tây nam có thể rất khác nhau. Tuy nhiên, các ngài có cùng những quan điểm và kinh nghiệm nhất định đáng được đề cập ngắn gọn ở đây.

Trung bình, COVID đã gây ra ít thiệt hại tài chính trong ngắn hạn cho nhiều giáo phận Hoa Kỳ hơn mức dự kiến ban đầu. Hầu hết các giám mục báo cáo doanh thu giảm từ 4% đến 8% so với năm trước vì vi rút. Các giáo xứ nghèo đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại nhất. Ở một số nơi, lời kêu gọi hàng năm của giáo phận hoặc các tổ chức bác ái Công Giáo đã thực sự làm tăng doanh thu. Nhưng khi virus và các đợt khóa cửa kéo dài, điều này không thể tiếp tục, và những lo lắng sâu sắc hơn của hầu hết các giám mục mà tôi đã nói, tập trung vào sự suy tàn trong sự tham gia lâu dài của giáo dân trong đời sống Giáo hội. COVID và khả năng gây chết người của nó đã không tạo ra bất kỳ sự gia tăng đáng chú ý nào trong mối quan tâm của mọi người về nơi họ sẽ sống ở thế giới bên kia. Hầu hết các giám mục dự đoán từ 25% đến 40% giáo dân sẽ vĩnh viễn không tham dự các Thánh lễ và tham gia các công việc của giáo xứ ngay cả sau khi virus đã bị đẩy lùi thành một câu chuyện của quá khứ. Kết hợp với xu hướng suy giảm bí tích đã xảy ra, điều này gợi ý một tương lai nhỏ hơn, gọn gàng hơn cho nhiều giáo phận, sớm hơn nhiều dự định.

Những mối quan hệ với các cơ quan dân sự đang thay đổi. Một giám mục, được Rôma chuyển từ một giáo phận phía đông sang một giáo phận ở Trung Tây, đã so sánh sự hiếu chiến của thống đốc tiểu bang cũ của mình với sự nồng nhiệt và ủng hộ cá nhân của thống đốc ở tiểu bang mới của ngài. Mặc dù vậy, nhìn chung, có một chủ đề phổ biến là “chúng ta là những vị tướng không có quân đội, và chính quyền dân sự biết điều đó”. Các giám mục hoàn toàn nhất trí bày tỏ những lo lắng về tinh thần tiêu cực và những thiệt hại tiềm tàng từ chính quyền Biden.

Hầu hết các giám mục, khi được hỏi về những cú sốc lớn nhất mà các ngài trải qua khi trở thành giám mục — ngay cả những vị từng là cố vấn cho linh mục đoàn hoặc tổng đại diện, và do đó biết địa hình — và hình dung được trọng lượng, số lượng và dòng gánh nặng hành chính không ngừng nghỉ. Những điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng kết nối mật thiết với mọi người của họ. Làm tốt công việc giám mục để lại ít thời gian cho việc nghỉ ngơi, và hầu hết những người ngoài cuộc không biết gì về giá phải trả của cá nhân vị giám mục. Tất cả các giám mục đều thừa nhận sự phụ thuộc của các ngài vào sự cộng tác của các cố vấn và nhân viên giáo dân, và nhu cầu ngày càng tăng trong việc phát triển các nhà lãnh đạo giáo dân.

Đồng thời, hầu hết các giám mục cho biết các ngài rất hài lòng với thừa tác vụ của mình và tin rằng quy trình tuyển chọn giám mục là hợp lý. Các ngài ủng hộ một cuộc tham vấn rộng rãi, bí mật trong việc đề cử các giám mục trong đó có sự tham gia nhiều hơn từ các tín hữu giáo dân hiểu biết. Nhưng các ngài phản đối mọi hình thức “dân chủ hóa” quá trình lựa chọn giám mục vì làm như thế sẽ lôi kéo thứ chính trị áp lực tồi tệ nhất của Mỹ vào cuộc sống của Giáo Hội. Một chủ đề được lặp đi lặp lại là các ngài lo lắng về sự can thiệp vào tiến trình tuyển chọn từ các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Điều này thường liên quan đến sự mất tin tưởng một Hồng Y người Mỹ chưa tiện nêu tên. Sự thiếu tin tưởng ấy đôi khi được thể hiện bóng gió, và đôi khi được thể hiện một cách công khai. Hầu hết các giám mục bày tỏ sự hài lòng với tình trạng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Một số đã lên tiếng bực tức với Hồng Y Wilton Gregory của Washington vì đã xói mòn quyền lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục về vấn đề Rước lễ và tình trạng bí tích có vấn đề của Tổng thống Biden.

Vấn đề nhạy cảm nhất trong các cuộc phỏng vấn khác nhau của tôi liên quan đến thái độ của các giám mục đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Tất cả các giám mục mà tôi đã nói chuyện đều bày tỏ lòng trung thành chân thành với Đức Thánh Cha. Nhiều người ca ngợi những nỗ lực của ngài trong việc định hình lại Giáo triều Rôma theo hướng nâng đỡ nhiều hơn, phục vụ nhiều hơn trong tương quan với các giám mục địa phương. Nhưng nhiều người cũng bày tỏ sự thất vọng mạnh mẽ không kém đối với những gì các ngài coi là những nhận xét và hành vi không rõ ràng của Đức Thánh Cha, những điều này thường gây ra sự nhầm lẫn giữa các tín hữu, khuyến khích xung đột và làm suy yếu khả năng giảng dạy và lãnh đạo của các giám mục. Tình cảm không thích Hoa Kỳ của Đức Phanxicô, mà nhiều người cảm nhận, không giúp ích được gì. Theo lời của một giám mục Tây Mississippi bối rối, “Cứ như thể ngài thích chọc vào mắt chúng tôi”.

Khi bị thúc ép, không giám mục nào mà tôi truy vấn có thể báo cáo dù chỉ một chủng sinh duy nhất của giáo phận được Đức Giáo Hoàng hiện tại truyền cảm hứng để theo đuổi đời sống linh mục. Không ai thích thú khi thừa nhận điều này. Tuy nhiên, các chủng sinh mà các ngài có — và một số giáo phận đang làm tốt một cách đáng ngạc nhiên trong lĩnh vực này — có xu hướng là những người có động cơ mạnh mẽ. Một số đến từ các gia đình rạn nứt, những người khác đến từ các gia đình có nền tảng giáo dục tại nhà. Vẫn còn những người khác có một cuộc gặp gỡ mạnh mẽ nào đó với Chúa, một sự hoán cải bất ngờ về tôn giáo hoặc trải nghiệm tâm linh, dẫn họ đến chủng viện mặc dù họ không được giáo dục tôn giáo chính thức. Điều này làm cho năm dự bị hay năm “linh đạo” của một chủng viện trở thành một sự chuẩn bị quan trọng cho việc giáo dục chính thức tại chủng viện.

Tóm tắt hàng chục giờ phỏng vấn vào một cột web là một nhiệm vụ vô vọng và tôi sẽ không thử ở đây. Nhưng tôi sẽ chia sẻ một kinh nghiệm cuối cùng. Tôi hỏi mỗi giám mục mà tôi đã phỏng vấn một câu hỏi kết luận: Cuối cùng, điều gì khiến ngài lo lắng và điều gì khích lệ ngài nhất? Hết trường hợp này đến trường hợp khác, các giám mục đưa ra những câu trả lời giống nhau cho mỗi câu hỏi — đó là những người trẻ tuổi. Nỗi đau lớn nhất là số người trẻ rời bỏ Giáo hội. Nguồn hy vọng lớn nhất là lòng nhiệt thành và tính cách của những người trẻ trung thành và yêu mến Chúa Giêsu Kitô. Và đây là lý do tại sao, ở một mức độ mầu nhiệm nào đó, mọi giám mục mà tôi phỏng vấn đều cảnh giác rõ ràng trước những thách thức mà ngài phải đối mặt và đồng thời cảm thấy bình an.

Gia đình cần những người cha. Như chính cha tôi đã nói với sự khó chịu nhưng với sự đều đặn chính xác, “cần phải có ai đó làm cha” - vì lợi ích của mọi người, bất kể người ấy có bao nhiêu mụn cóc. Sự thật phi thường của đời sống Công Giáo ở Hoa Kỳ không phải là một số giám mục đã hạ nhục chúng ta một cách cay đắng, mà là nhiều vị đang làm công việc rất tốt.
Source:First Things