CHÚA KITÔ, VUA HÒA BÌNH
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN

Gần nửa thế kỷ, từ năm 1870-1914, Hội Thánh liên tục đối diện nhiều khó khăn. Trong những khó khăn ấy, rất nhiều đe dọa có thể gây nguy hiểm cho Hội Thánh về mặt đức tin cũng như ngoại giao, kinh tế và nền hòa bình.

Bằng chứng, nước Tòa Thánh từng bị giải thể. Ngày 22.9.1870, người Ý tiến vào và chiếm đóng Rôma. Đến ngày 2.10, Tòa Thánh và chính quyền Rôma mở cuộc trưng cầu dân ý. Người ta nhất trí, nước Tòa Thánh phải thuộc đất Ý. Ba tuần sau, chính quyền Ý tuyên bố Rôma là thủ đô của Ý.

Lãnh thổ mất, sứ mạng Hội Thánh không mất. Cùng cuộc phát kiến đất mới khắp nơi, lịch sử Hội Thánh từ đó sang trang: Hội Thánh bung ra thế giới.

Người ta nhận ra thánh ý Chúa nhiệm mầu và lớn lao: Lãnh địa bị mất, nhường chỗ cho vương quốc tinh thần lan rộng. Chúa sử dụng hoàn cảnh tưởng chừng khó khăn để tạo những thuận lợi lớn chưa từng có: phong trào truyền bá Phúc Âm lan nhanh. Công tác truyền giáo gặt hái nhiều thành công.

Tuy nhiên, bất ổn trên thế giới ảnh hưởng đến thế giới Công Giáo không nhỏ. Thực tế Tòa Thánh bị giải thể. Người Công Giáo gặp khó khăn: họ chạm trán nhiều đe dọa cho an ninh của mình, lẫn những thử thách riêng trong nội bộ. Nhiều nơi, Công Giáo bị nghi kỵ, ruồng rẫy, bị xem là sự cản trở những mưu toan thâm hiểm của nhiều quốc gia...

Cuối thế kỷ XIX, do các đế quốc đi tìm và tranh giành thuộc địa cùng nhiều lý do, đã có những mâu thuẫn ngấm ngầm hay những cuộc chiến lớn nhỏ. Chúng ta ghi nhận bốn cuộc chiến lớn:
- Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha (1898). Mỹ chiếm Cuba và Philippine.
- Chiến tranh Anh – Buren (1899-1902): Anh chiếm hai quốc gia của người Buren, sáp nhập họ vào Nam Phi.
- Liên quân tám đế quốc can thiệp vũ trang vào Trung Quốc (1900) đàn áp phong trào Nghĩa Hòa Đoàn.
- Và từ 1904-1905, Nga – Nhật tuyên chiến.

Bất ổn âm ỷ lâu ngày, đến lúc phát nổ. Năm 1914, chiến tranh thế giới lần I bắt đầu. Nó khiến cả nhân loại sống trong hận thù, giết hại, máu đổ khắp nơi.

Lý do chủ yếu của cuộc chiến: Các đế quốc tranh chấp về ảnh hưởng và quyền lợi trên các thuộc địa. Thế giới hình thành hai phe kình địch nhau: Khối Liên Minh gồm Đức, Áo Hung, Ý - Khối Hiệp Ước gồm Anh, Pháp, Nga.

Chiến tranh thế giới lần I đưa tới kết quả thảm khốc: tám triệu người chết; 20 triệu người bị thương; kinh tế thế giới kiệt quệ; bản đồ thế giới sắp xếp lại.

Giữa cảnh thương tâm cho thế giới, người Công Giáo đón nhận tin mừng và hạnh phúc trọng đại: Năm 1917, liên tiếp từ tháng Năm đến tháng Mười, tại Phatima ở Bồ Đào Nha, Mẹ Thiên Chúa nhiều lần viếng thăm thế giới. Qua ba trẻ chăn đàn vật, Đức Maria, Đấng được tuyên xưng là Nữ Vương Hòa Bình, đã an ủi thế giới nói chung và con cái mình là Hội Thánh nói riêng.

Ngoài mệnh lệnh Đức Mẹ đòi tín hữu ăn năn đền tội, siêng lần chuỗi, tôn sùng Trái tim Đức Mẹ, Đức Mẹ còn tiên báo: chiến tranh thế giới sắp kết thúc.

Đúng như lời Đức Mẹ, cuối năm 1918, đại chiến kết thúc. Chiến tranh tự nó đã khủng khiếp. Giờ đây, chiến tranh đi qua, hậu quả nó để lại còn khủng khiếp hơn: hàng đoàn người đói khắp nơi. Nhân loại gánh vô vàn sự đổ nát, tan vỡ và thiếu thốn trầm trọng. Thế giới phải bắt tay xây dựng lại.

Sau những tương tàn, giết hại nhau quá sức đau lòng, năm 1925, Đức Piô XI thiết lập lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, với một lý do quan trọng: Hiến dâng thế giới và nền hòa bình của nhân loại cho Chúa Kitô. Bởi chỉ có Chúa Kitô là Vua Hòa bình, là Chúa của sự bình an.

Thiết lập và tiếp theo là mừng lễ Chúa là Vua Vũ Trụ hàng năm, Hội Thánh xin Chúa, vì tình thương, hãy làm cho thế giới được bình an. Xin Chúa giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi của chiến tranh bạo tàn.

Thời buổi chúng ta đang sống, hầu như không ngày nào thế giới bình yên, nhân loại khó hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Thế giới đầy cảnh chém giết.

Ta cầu xin Vua Tình Yêu ban cho thế giới bình an. Xin cho lòng ta cũng bình an, đừng hận thù, đừng nuôi lòng oán ghét anh em. Xin Chúa thương giải thoát thế giới khỏi chiến tranh, tai ương và giết chóc kinh hoàng.

Đặc biệt, dịch tễ corona đang trở nên kẻ thù mạnh nhất của nhân loại. Nó giết chết gần một triệu bốn trăm ngàn người. Nhân loại vẫn loay hoay tìm cách chữa trị mà chưa có phương pháp ngăn chặn khả dĩ. Con số người chết vì dịch tễ chắc chắn tăng lên từng ngày.

Trong nỗi sợ, chúng ta hãy hiến dâng thế giới, hiến dâng sự an nguy của nhân loại cho Chúa Kitô. Xin Chúa, Đấng là Vua Hòa bình, là Chúa Bình an, hãy mở tay ban phúc lành cho nhân loại. Xin Chúa thống trị mọi sự dữ trong thiên nhiên, trong lòng người trên khắp thế giới.