CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN
Sinh lời những khả năng Chúa ban
Cn 31,10-13.19-20.30-31; 1 Tx 5,1-6; Mt 25,14-30

Với Chúa Nhật XXXIII thường niên năm A, Lời Chúa mời gọi chúng ta suy niệm về chủ đề: Làm sao trở thành những người tôi tớ đích thực và tốt lành của Chúa. Chúng ta vừa lắng nghe bài đọc I và bài đọc II là những bài đọc rất ý nghĩa. Các bài đọc này chuyển tải những bài học quý giá, giúp chúng ta trở thành những tôi tớ đích thực của Chúa.

1- Những tôi tớ tốt lành của Kinh Thánh

Trong bài đọc I trích sách Châm Ngôn, mẫu người phụ nữ lý tưởng, người vợ lý tưởng được giới thiệu với chúng ta ở đây. Theo đó, nàng là người hội đủ ba đặc tính tuyệt vời này: Trước hết, nàng chăm chỉ làm việc và đảm đang đối với gia đình và chúng ta có thể thấy nội lực và niềm vui khi nàng sẵn sàng phục vụ gia đình. Thứ đến, dù bận bịu với nội trợ, nhưng nàng cũng biết phục vụ người nghèo và làm việc bác ái. Như thế, lòng bác ái của nàng không chỉ dừng lại ở trong gia đình, nhưng nàng còn biết phục vụ cả những ai ở ngoài gia đình, nhất là đối với những người nghèo khó, những người kém may mắn. Thứ ba, nàng còn biết kính sợ Đức Chúa, yêu mến Thiên Chúa. Đó là lý do sâu xa và nền tảng cho việc phục vụ của nàng đối với gia đình và đối với người khác, nhất là người nghèo.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu ở Thêxalônica rằng họ phải phụng sự Thiên Chúa với sự kiên nhẫn và bền chí, họ không thể phụng sự Thiên Chúa trong một lúc rồi lại phụng sự bóng tối trong một lúc khác. Nếu chúng ta phụng sự Thiên Chúa, chúng ta hãy phụng sự Người luôn mãi, liên lỉ khi biết rằng Chúa sẽ trở lại vào thời điểm mà chúng ta không biết và nếu chúng ta đang chờ Người đến, nếu tâm trí chúng ta luôn chú tâm vào Chúa, Đấng sẽ trở lại, lúc đó, chúng ta sẽ cố gắng phụng sự Người với sự kiên trì bền bỉ, chúng ta không đổi Chúa này sang chúa khác. Tôi chỉ có một Chúa duy nhất, tôi chỉ có một Chủ, Người đang đến nên tôi phụng sự Người. Tôi không biết khi nào Người sẽ đến hay đang đến, nhưng khi Người đến, tôi hy vọng rằng Người sẽ thấy tôi đang phục vụ Người và không có phục vụ ông chủ nào khác.

Bài Tin Mừng giới thiệu với chúng ta một dụ ngôn, dụ ngôn rất nổi tiếng về những nén bạc. Chúng ta nghe Chúa Giêsu kể: Có một ông chủ sắp đi xa, ông gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải cho ba người đầy tớ. Người thứ nhất nhận năm yến, người thứ hai hai yến, người khác nữa một yến. Các yến bạc được giao phó theo khả năng từng người. Người thứ nhất lãnh năm yến sinh lời được năm yến khác; người thứ hai lãnh hai yến sinh lời được hai yến khác; người thứ ba lãnh một yến, thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Khi ông chủ trở về lúc không ai biết, như thánh Phaolô trong bài đọc II nói, ông sẽ tính sổ: Hai người đầy tớ đầu tiên được tuyên dương là những tôi tớ tài giỏi và trung tín; còn người cuối cùng là người đã giấu yến bạc và không sinh lời được gì, anh ta được coi là tôi tớ xấu xa và biếng nhác.

2- Làm sao để trở thành những tôi tớ tốt lành?

Chúng ta hãy suy niệm điều này: làm sao chúng ta có thể trở thành những tôi tớ tốt lành? Đó là cách thức mà hai đầy tớ đầu được ông chủ ca ngợi họ và chúng ta hãy luôn ghi nhớ trong tâm trí những bài học mà sách Châm Ngôn và thư 1 Thêxalônica cống hiến cho chúng ta hôm nay:

Trước hết, những yến bạc hay những khả năng đến từ ông chủ. Như thế, những yến bạc mà chúng ta có không chỉ là tiền bạc nhưng là tất cả mọi hồng ân mà chúng ta sở hữu. Chúng ta phải sử dụng chúng để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Tất cả đến từ Thiên Chúa, Đấng trang bị cho chúng ta với tất cả những khả năng với tất cả những cơ hội để chúng ta có thể dùng mà phục vụ nhau.

Thưa anh chị em, đây là thời gian để chúng ta nhìn lại chính mình. Vậy, đâu là những quà tặng mà chúng ta đã đón nhận? Những tài năng, cơ hội, thời gian đó từ đâu đến? Đâu là những gì mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta? Chúng ta ý thức rằng những tài năng này không phải là của chúng ta, chúng đến từ Thiên Chúa, nên chúng ta cần nhận ra chúng như là quà tặng của Thiên Chúa và chúng ta phải dùng chúng theo cách thức mà Thiên Chúa muốn chúng ta dùng để phục vụ. Những quà tặng này phải được phát triển, sinh lời như Thiên Chúa muốn. Chúng sẽ được phát triển và sinh lời hơn khi chúng ta biết dùng chúng để phục vụ người khác. Ở đây không có chỗ cho việc bo bo giữ những quà tặng này như thể chúng ta là những ông chủ của chúng. Không! Chúng ta là những người quản lý những quà tặng này.

Tôi muốn ngỏ lời cách đặc biệt với những người trẻ rằng các bạn đang làm gì với những quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho các bạn? Những năng khiếu tự nhiên, những cơ hội để học tập, những điều kiện mà cha mẹ bạn đang cho bạn, thời gian mà Thiên Chúa ban cho bạn. Bạn sử dụng chúng như thế nào? Bạn có dùng để phát triển chúng không? Bạn có dùng chúng để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân không? Chúng ta hãy nhìn nhận những cơ hội này như là những quà tặng của Chúa và chúng ta chỉ là những người quản lý. Đây là cách thế căn bản để có thể trở thành người tôi tớ đích thực của Thiên Chúa.

Điểm thứ hai, trong dụ ngôn, ông chủ coi hai người đầy tớ đầu tiên là những tôi tớ tốt lành và tài giỏi, và ông cũng chào đón họ tới chia sẻ niềm vui của ông. Họ đã làm điều gì? Họ đã rất chăm chỉ, cần mẫn và tích cực lao động, họ đã làm hết mình để có thể sinh lời những yến bạc được giao phó từ ông chủ. Đâu là điều cốt yếu ở đây? Đó là họ nhìn ông chủ là người mà họ muốn làm hài lòng ông. Họ yêu mến ông và họ là những người rất đáng quý trọng đối với ông chủ. Khi họ làm việc vì vinh quang của ông chủ, chứ không phải vì vinh quang của chính mình. Đây là nguyên tắc căn bản: nếu chúng ta muốn phụng sự Thiên Chúa, chúng ta đừng có để cho bất cứ mối tư lợi ích kỷ nào điều khiển, như thánh Ignatio thành Loyola đã làm: “Tất cả chỉ vì vinh danh của Thiên Chúa,” tất cả vì vinh quang của chủ và không vì bất cứ điều gì khác. Khi điều đó trở thành động lực nền tảng, chúng ta sẽ tích cực làm việc không phải vì vinh quang chính mình, nhưng vì vinh quang của ông chủ.

3- Bài học từ tên đầy tớ xấu

Điểu thứ ba, chúng ta học được điều gì từ những sai lầm của người đầy tớ thứ ba. Tại sao anh không chịu làm việc? Tại sao anh ta đánh mất ý thức về sự siêng năng và kiên trì? Nó đến từ miệng của anh ta. Anh ta nói với ông chủ rằng: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất” (Mt 25,24-25).

Rõ ràng anh ta không có yêu mến ông chủ. Anh ta nhìn ông chủ với nỗi sợ hãi. Vì sợ hãi, nên anh ta mất hết mọi sự sáng tạo. Anh đánh mất mọi năng lực. Đâu là cái nhìn của bạn về Thiên Chúa? Bạn có nhìn Thiên Chúa như là một ông chủ hà khắc, độc ác nên chúng ta không có thể yêu không? Nên chúng ta chỉ sợ Người phải không? Nỗi sợ này làm tôi xa lánh, bây giờ tôi xa lánh ông chủ, trốn chạy khỏi ông chủ. Vì thế, tôi không phục vụ ông. Nếu không yêu mến Thiên Chúa, chúng ta sẽ không thể phục vụ Người. Nhưng có một nỗi sợ lành mạnh mà nó được đề cập trong bài đọc I, đó là lòng kính sợ Thiên Chúa. Đây là nỗi sợ với lòng kính trọng và vâng phục đối với ông chủ. Lòng kính sợ Thiên Chúa khác với nỗi sợ hãi Thiên Chúa. Lòng kính sợ giúp ta muốn đến gần Thiên Chúa, muốn yêu mến Người và muốn phục vụ Người. Còn sợ hãi Thiên Chúa khiến chúng ta xa lánh Người.

Như thế, ước gì những điều này giúp chúng ta xét mình lại: nếu tôi muốn hoàn toàn phục vụ Chúa, đâu là cái nhìn của tôi về Chúa? Tôi có yêu Người không? Hay Người có phải là ông chủ mà tôi trốn chạy không?

Tôi nhớ đến một câu chuyện về một người thầy dạy nhạc. Thầy là một người giáo dân, đã có gia đình, sống trong cảnh đạm bạc ở thành phố Sài Gòn, nhưng thầy luôn tận tụy với công việc dạy kèm cho học sinh. Ngày ngày thầy cứ nhốt mình trong một căn phòng nhỏ với chiếc đàn piano để dạy cho một vài học sinh. Mỗi thứ Bảy và Chúa Nhật, thầy tới nhà thờ tập hát và điều khiển ca đoàn trong thánh lễ Chúa Nhật. Hình ảnh thầy làm tôi ngạc nhiên và hỏi thầy: Động lực nào giúp thầy luôn bền bỉ và trung thành trong cái nghiệp và bổn phận của mình? Thầy trả lời: “Những tài năng Chúa ban cho thầy, thầy phải sinh lời nó, phục vụ người khác để làm vinh Chúa và giúp cho nhiều người. Đó là động lực thúc đẩy thầy làm việc mỗi ngày.”

Đây là chìa khóa cho thầy trở thành người tôi tớ trung tín và tài giỏi cũng như cho mỗi người chúng ta. Đó lòng yêu mến Chúa và nhìn nhận mọi khả năng là do Chúa ban, cần phải sinh lời. Đó là động lực để chúng ta phục vụ Chúa và tha nhân. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/