NGƯỜI KHÔN NGOAN
(Mt 25, 1-13)

Tôi xin bắt đầu bài suy niệm này bằng việc giải thích cấu trúc của từ Triết học. Triết học, tiếng Anh viết là philosophy. Từ này đến từ tiếng Hy Lạp gồm hai từ kết hợp lại, đó là philo, tức là yêu mến; và sophia, nghĩa là sự khôn ngoan. Như vậy, triết học có nghĩa là yêu mến sự khôn ngoan hay đi tìm sự khôn ngoan. Môn triết học đưa ta đi tìm hiểu những gì liên quan đến đời sống của con người và vũ trụ, không chỉ có giới hạn ở cuộc sống hiện tại mà đề cập đến những gì xảy ra trong quá khứ và ngay cả trong tương lai. Triết học không chỉ có đặt câu hỏi về một thực trạng thuộc trần gian mà cả đến cuộc sống mai sau của con người.

Những câu hỏi mà các triết gia thường đưa ra, đó là “Thiên Chúa có tồn tại hay không?” “Con người là ai, con người có nguồn gốc từ đâu và sẽ đi về đâu? “Con người có khả năng nhận biết hay không, căn cứ vào đâu để con người nhận biết sự thật?” “Sự thật là gì, sự thiện được hiểu như thế nào, làm sao con người có thể trở nên một người tốt?” “Con người có tương quan như thế nào với nhau, với môi trường và với Thượng Đế?”

Đây là kho tàng của sự khôn ngoan mà môn triết học có ý muốn giúp con người đạt đến. Tuy nhiên, nghịch lý thay môn triết học trong các nhà trường ngày hôm nay thường bị coi nhẹ. Sinh viên thời nay chỉ muốn chọn những môn học nào có liên quan đến sở thích của mình và họ cho là có ích cho nghề nghiệp tương lai. Hay nói cách họ chỉ chọn những môn học liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, kỷ thuật, thương mại, y học... chứ ít ai muốn chịu khó dành thời gian nghe và bàn thảo những chủ đề về sự khôn ngoan.

Thật không ngoa khi ta nhận xét rằng con người thời nay đang thờ ơ với việc yêu mến và tìm kiếm sự ngoan mặc dầu họ biết sự khôn ngoan theo cách hiểu của các triết gia và thần học gia rất cần thiết cho họ. Nói cách khác họ chỉ muốn tìm kiếm sự “khôn ngoan” nào nhằm giúp họ khi ra trường có được việc làm và kiếm được nhiều tiền. Còn những đề tài “Thiên Chúa có tồn tại hay không, con người là ai, làm sao để trở thành người tốt, có sự sống sau khi chết hay không..,” thì họ chẳng màng quan tâm.

Còn đối với người Công Giáo, tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các linh hồn, nên chúng ta có cơ hội để suy niệm về chiều sâu của cuộc đời, cụ thể hơn về cái chết, về đời sống mai hậu, để tìm xem chúng ta cần có thái độ như thế nào để chuẩn bị đón nhận cái chết mà không ai có thể chạy trốn. Dĩ nhiên Hội thánh không muốn chúng ta phải chìm đắm trong một cảm giác đau buồn hay nơm nớp sợ hãi về cái chết, nhưng Hội thánh muốn ta luôn sẵn sàng nhìn vào sự chết với thái độ lạc quan và hy vọng, nhìn về một thời khắc quan trọng sẽ đến với mỗi người chúng ta. Vậy làm sao để chúng ta có được sự sẵn sàng đó?

Trong cuốn sách Đường Hy Vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận có kể một câu chuyện như sau: khi một đám trẻ đang vui chơi dưới sân, một giáo viên đến hỏi các em bé rằng: “Nếu trong vòng 5 phút nữa các con chết, các con sẽ làm gì?” Một em trả lời một cách rất tỉnh táo: “Con sẽ vào nhà thờ cầu nguyện.” Em khác lại hối hả thưa: “Con sẽ đi xưng tội...” Cuối cùng một em bé hết sức điềm tĩnh trả lời: “Con-sẽ-tiếp-tục-vui-chơi.” Vâng, đó là câu trả lời của thánh Luy Gonzaga. Câu trả lời này khiến chúng ta cảm thấy hết sức bất ngờ và rất ưng ý, bởi nó mang một ý nghĩa thật là quan trọng, đó là chúng ta cần có cảm giác tự tại và tinh thần sẵn sàng trước mọi tình huống của cuộc sống ngay đến cái chết. Nếu chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng thì đứng trước cái chết không có lý do gì khiến chúng ta sợ hãi cả.

Thật vậy, sẵn sàng chu toàn mọi công việc là sự khôn ngoan để chúng ta luôn vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh mà mọi biến cố của cuộc sống. Như dụ ngôn mà Chúa dùng để cảnh tỉnh chúng ta hôm nay, dụ ngôn về 10 cô gái được mời đi đón Tân lang để vào dự tiệc. Tuy nhiên, trong mười cô gái đó, chỉ có 5 cô, khi ra đi biết chuẩn bị đèn và đổ đầy dầu. Vì thế khi chàng rể đến họ cầm đèn cháy sáng trên tay để đón chàng rể và hân hoan đi vào dự tiệc. Chúa gọi họ là những cô trinh nữ khôn ngoan. Còn 5 cô gái khác, ra đi dự tiệc cưới, mang theo đèn nhưng không đổ dầu cho đầy bình. Hôm đó chàng rể lại đến muộn, họ không có đủ dầu, vội vã đi xin dầu, nhưng không ai cho vì không ai cho. Oái ăm thay họ đã luống cuống chạy đi xa để mua, nhưng khi trở về, vì đã quá muộn, nên họ đã bị từ chối. Kinh thánh gọi họ là những cô khờ dại.

Bạn thân mến, cuộc đời chúng ta là một chuỗi những lựa chọn. Chúng ta cần chọn và yêu mến sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Lắng nghe lời Chúa dạy và đem Lời Ngài ra thực hành trong cuộc sống là một thái độ hết sức khôn ngoan của chúng ta. Chúa dạy chúng ta phải biết tỉnh thức và sẵn sàng chuẩn bị tâm hồn. Hằng ngày không phải chỉ có biết đâm đầu vào công việc, kiếm tiền, mà quên đi chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng để sẵn sàng đi đón Chúa. Vì giờ phút thiêng liêng đó có thể đến rất bất ngờ, đến bất cứ lúc nào không ai biết.

Hạnh phúc thay cho chúng ta khi luôn tỉnh thức đợi chờ và cầm đèn cháy sáng trong tay để ra đón Chúa. Xin đừng để tâm hồn chúng ta ra ô uế, mê muội chạy theo sự khôn ngoan của trần thế mà đánh mất linh hồn. Và xin cho chúng ta luôn biết tìm đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chuẩn bị sẵn tâm hồn, để khi nghe tiếng Chúa gọi, chúng ta mau mắn đáp lại: “Lạy Chúa, này con đây” (Tv 39, 8).