SẼ ĐƯỢC DƯ DẬT
“Ai có, sẽ cho thêm và sẽ được dư dật;
còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Dụ ngôn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay xem ra có một cái gì đó không công bằng. Ông chủ chuẩn bị đi xa, gọi các gia nhân lại, trao cho người nhiều kẻ ít những đồng vốn; khi trở về, ông tính sổ, người đã lãnh ít nhất không làm gì, bị ném ra ngoài; và nhất là kết luận của Chúa Giêsu, “Ai có, sẽ cho thêm và sẽ được dư dật; còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi”. Và sẽ rất thú vị khi chúng ta thử dừng lại để xem, ai là người ‘sẽ được dư dật’ trước mặt Thiên Chúa.

Ông chủ là hình ảnh của Thiên Chúa, những nén bạc là các tài năng; trước hết, Thiên Chúa giao cho mỗi người một lượng tài năng xem ra không đồng đều. Vậy mà trong thời đại ngày nay, người ta có khuynh hướng đề cao ‘quyền bình đẳng’; người ta ghen tị và tức giận nếu ai đó được ban nhiều hơn; và nhiều người sẽ không ngại nặng lời với bất cứ gì được coi là thiếu công bằng. Chúng ta cảm thấy thế nào khi chỉ nhận một nén đang khi những người khác những năm nén hoặc hai và họ ‘sẽ được dư dật’; chúng ta cảm thấy mình bị lừa dối, để rồi phàn nàn. Và dẫu trọng tâm dụ ngôn là về những gì người ta làm với cái nhận được, nhưng thú vị ở chỗ, Thiên Chúa ban các phần khác nhau cho những con người khác nhau; người nhiều kẻ ít, nhưng không ai không được ban.

Thiên Chúa luôn luôn công bằng, công bằng của Người là thương xót và công lý của Người luôn được thực thi trong bất cứ trường hợp nào. Vì vậy, dụ ngôn này giúp chúng ta chấp nhận một sự thật rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng ‘phải hiển nhiên’ là công bằng và bình đẳng; đó là quan điểm thế gian, không phải là quan điểm của Thiên Chúa. Từ tâm tưởng Thiên Chúa, những người được ban cho rất ít trong tầm nhìn của thế gian vẫn có nhiều khả năng sinh ra bao trái trăng tốt lành như những người được giao phó nhiều. Thật dễ dàng để so sánh với những người khác, những người vốn ‘sẽ được dư dật’, nhưng điều quan trọng duy nhất là, chúng ta đã sử dụng thế nào với những gì nhận được. Nếu là một người ăn mày nghèo túng vốn gặp phải một hoàn cảnh rất khó khăn trong cuộc sống, chúng ta vẫn có nhiều khả năng để tôn vinh Thiên Chúa và sinh nhiều hoa trái như bất cứ ai khác trong hoàn cảnh mình.

Bài đọc sách Châm Ngôn hôm nay giới thiệu hình ảnh một người vợ hiền thục, một người mẹ đoan trang, một nội trợ khiêm tốn chuyên chăm bổn phận. Trong khả năng nhỏ nhoi, bà sản sinh bao hoa trái tốt lành; vì thế, bà được sách Châm Ngôn gọi là người “tài đức”, “đáng giá hơn ngọc ngà”; được coi là người kính sợ Chúa; công quả tay bà làm ra, bà được an hưởng, bà ‘sẽ được dư dật’ như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa”.

Hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, cuộc sống là một hành trình hướng tới cõi vĩnh hằng; chúng ta hãy sử dụng mọi tài năng đã lãnh nhận để làm vinh danh Chúa; đồng thời, không bao giờ quên, “Trên đời này, chúng ta không có thành trì vững chắc, chúng ta đang đi tìm thành trì tương lai” như thư Do Thái nói. Theo quan điểm này, mọi khoảnh khắc đều trở nên quý giá; do đó, hãy sống và hành động khi còn ở trên trần gian như những người khao khát thiên đàng. Đôi chân dính trên đất, đi trên đất, làm việc trên đất, và cả những việc lành phúc đức cũng gặt hái trên đất… nhưng trái tim chúng ta lại hướng lên cao để khao khát thiên đàng; ở đó chúng ta ‘sẽ được dư dật’.

Ai được ban nhiều, sẽ được kỳ vọng nhiều; đôi khi, cuộc sống có vẻ hơi quá sức, chúng ta có thể cảm thấy mình không đủ những gì cần thiết và sinh ra phàn nàn; vậy mà Chúa không bao giờ trao những gì vượt quá đôi tay chúng ta có khả năng nắm lấy. Mỗi người được ban một số tài năng nhất định; do đó, được kỳ vọng một số kết quả nhất định, chúng ta không được mong đợi những kết quả ngoài những tài năng được ban; chỉ cần trung thành theo mức độ, trong đó, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa bằng cách sử dụng mọi tài năng của mình. Tài năng là sự uỷ thác, không phải của chúng ta mà là của Chúa; tài năng là một thách đố, là trách nhiệm sẽ gánh vác ràng buộc với lòng chung thủy hôm nay và phần thưởng mai ngày ‘sẽ được dư dật’. Hãy sử dụng nó hoặc đánh mất nó!

Nhạc sĩ Michael Costa đang điều khiển một buổi diễn tập với hàng trăm nhạc khí hoà vào một dàn đại hợp xướng tuyệt vời. Đang khi hoà tấu, tiếng kèn trumpet, tiếng trống lăn và những chiếc vĩ cầm réo rắt những giai điệu tuyệt mỹ… thì một nhạc công piccolo lẩm bẩm, “Mình thổi tốt làm sao! Thôi, nghỉ một chốc; dù sao cũng không ai có thể nghe thấy”. Vì vậy, cô giữ cây sáo trên miệng, nhưng không phát ra âm thanh. Thoạt nhiên, người soát vé kêu lên, “Dừng lại! Dừng lại! Piccolo đâu?”; đôi tai của ‘người quan trọng nhất’ ấy đã không nghe được nó.

Anh Chị em,

Cách thức một Kitô hữu và việc người ấy sử dụng tài năng của mình cho Thiên Chúa cũng tương tự như thế; vậy mà đôi tai của Chúa Thánh Thần sẽ tinh tế hơn bội phần so với đôi tai của người soát vé. Nếu trong “Dàn nhạc cuộc sống” tuyệt vời có tiếng la lên, “Dừng lại! Dừng lại! Piccolo đâu?”, thì chúng ta hãy bảo đảm với nhạc trưởng Thánh Thần rằng, Ngài sẽ không thiếu bạn hoặc tôi! Dù tài năng của chúng ta nhiều hay ít, lớn hay nhỏ thì màn trình diễn cũng sẽ không hoàn thành cho đến khi chúng ta cố gắng hết sức với những gì mình có. Hãy tạ ơn Chúa về tất cả những gì Chúa ban; hãy tìm cho được đâu là những tài năng còn bị che khuất; chúng ta đã làm được gì cho Chúa? Đó là những phúc lành vật chất, những hoàn cảnh, những con người, những thầy dạy, những tài năng thiên bẩm và cả những ân sủng phi thường; đừng so sánh, thay vào đó, sử dụng những gì Chúa ban cho vinh hiển của Người và chúng ta ‘sẽ được dư dật’ phần thưởng của cõi đời đời.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con dâng lại ‘cho Chúa những gì Chúa cho’; con cám ơn Chúa về tất cả. Xin cho con biết sử dụng mọi năng lực cho vinh quang Chúa, cho việc xây dựng Vương quốc Ngài. Đừng để con so sánh, một chỉ trông chờ thực hiện ý Chúa trong đời và chắc chắn con ‘sẽ được dư dật’ không chỉ mai ngày ở chốn trời cao, nhưng ngay hôm nay, khi con còn phải lang thang ở chốn đất thấp”, Amen.

(Tgp. Huế)