Theo Tuần san The Catholic Weekly của Tổng giáo phận Sydney (https://www.catholicweekly.com.au/church-leaders-call-pm-to-embrace-ethical-vaccines), ba Tổng Giám Mục, đại diện cho ba tín phái khác nhau của Kitô Giáo, đã viết thư cho Thủ Tướng Scott Morrison, bày tỏ nỗi thất vọng của họ trước việc Chính Phủ Liên Bang Úc lưu ý tới vắcxin chống Covid-19 được bào chế từ các tế bào có liên hệ tới các phôi thai người từng bị phá nhiều năm trước đây.



Thư trên tiếp theo việc Ông Morrison tuyên bố vào tuần trước rằng Chính phủ đang thảo luận với công ty dược phẩm AstraZeneca để bảo đảm có được vắcxin đang trong giai đoạn thử nghiệm của Đại Học Oxford và đang tạo áp lực để buộc mọi người dân Úc phải được chích ngừa với loại vắcxin này.

Vắcxin của Đại Học Oxford đang bị tranh luận về phương diện đạo đức vì được chế tạo bằng một tuyến tế bào lấy từ phôi thai người từng bị phá thai trong thập niên 1970.

Lá thư được ký bởi Tổng Giám Mục Công Giáo của Sydney, Anthony Fisher, O.P., Tổng Giám Mục Anh giáo của Sydney và là Tổng Giám Mục Giáo tỉnh New South Wales, Glenn Davies, và Giáo chủ Tổng giáo phận Úc của Chính thống giáo, Makarios.

Thay vào đó, các giáo phẩm cao cấp trên thúc giục Thủ tướng Morrison chọn thứ vắcxin không bị tranh cãi về phương diện đạo đức nếu có sẵn từ nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng hiện đang diễn ra trên khắp thế giới, không dùng tới các tuyến tế bào lấy từ phôi thai người.

Các vị kêu gọi Thủ tướng không biến vắcxin của Đại Học Oxford thành bó buộc nếu chấp nhận nó, và bảo đảm việc không ai bị bắt buộc phải chấp nhận nó “ngược với các niềm tin tôn giáo hay luân lý hữu thức của họ hay bị mất thế vì không chấp nhận nó”.

Các vị viết “dù chấp nhận rằng loại vắcxin đề nghị có thể đã đủ cách xa vụ phá thai từng tạo cơ hội cho việc lấy tuyến tế bào, chúng tôi vẫn gợi ý để ngài thấy rằng bất cứ loại vắcxin nào được cấy lên một tuyến tế bào phôi thai đều sẽ nêu lên nhiều vấn đề nghiêm trọng về lương tâm cho một tỷ lệ dân chúng của chúng ta”.

Ông Morrison vốn nói với các phương tiện truyền thông rằng ông muốn vắcxin chống coronavirus trở thành “bắt buộc bao nhiêu có thể” với “rất nhiều khuyến khích và biện pháp” để có được mức độ chấp nhận cao.

Nhưng Bộ trưởng Y tế Liên bang, Greg Hunt, đi xa hơn, dự kiến sẽ đưa ra chế tài đối với những người từ khước vắcxin chống coronavirus khi có sẵn, như truất quyền hưởng trợ cấp xã hội hay không được quyền hưởng trợ cấp con cái hoặc ghi danh học vườn trẻ.

Tuần này, ông nói với các phương tiện truyền thông: “Chúng tôi tuyệt đối cân nhắc các ý niệm như ‘không chích, không chơi’, ‘không chích, không trả’ (no jab, no play; no jab, no pay)”.

Tổng Giám Mục Fisher, một nhà đạo đức sinh học, nói rằng ngài không tin việc dùng vắcxin Oxford hợp đạo đức nếu có những vắcxin khác thay thế nhưng không hợp tác với các vụ phá thai quá khứ hay tương lai”.

Giáo sư Margaret Somerville thuộc Đại Học Notre-Dame Úc nói rằng “tôi rất bối rối về nó” vì việc dùng nó sẽ chia rẽ xã hội một cách không cần thiết.

Theo bà, nhiều người sẽ phản đối lương tâm đối với việc chích ngừa có liên hệ với phôi thai người bị phá.

Bà nói “Họ không đồng ý bị chích ngừa, vì họ tự coi mình như đồng loã với việc sai trái là việc phá thai. Đây không hẳn là một vấn đề mới mẻ gì.

“Người ta vốn từ khước nhiều loại vắcxin khác có liên quan đến các tế bào hay các mô lấy từ phôi thai người”.

Bà nhận định “Hiện đang có công trình thực hiện trên 160 vắcxin có tiềm năng trên khắp thế giới”, trong đó, chắc chắn có những vắcxin không dùng đến các tế bào lấy từ phôi thai người để chính phủ chọn.

Catherine Nunes, một giáo dân thuộc xứ Mẫu Tâm Maria ở Lewisham, nói bà sẽ bất chấp bất cứ chính quyền nào “tìm cách buộc người ta cộng tác trong sự dữ” có liên hệ tới phá thai này.

Bà cho hay “quả là đáng trách khi một vắcxin nhằm để che chở các công dân dễ bị thương tổn của xã hội ta lại dược bào chế bằng việc phải hy sinh đứa trẻ nhỏ tuổi nhất và dễ bị thương tổn nhất. Sức khỏe và sự an toàn của chúng ta không nên gây thiệt hại cho sự sống của một người khác”.

Nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung Tâm Đạo đức Sinh học Anscombe đặt trụ sở ở Anh, Tiến sĩ Helen Watt, tác giả một khảo luận được nhiều người tôn trọng về Covid-19, nói rằng vắcxin không liên quan gì tới tế bào phôi thai người “sẽ là một giải vây to lớn” đối với những người muốn tránh bất cứ liên hệ nào với một vụ phá thai đã lâu đời.

Theo Cơ Quan Y Tế Liên Hiệp Quốc, hiện có 167 ứng viên Vắcxin chống Covid-19, trong đó, 30 hiện đang được thử nghiệm vào người.

Trong bức thư của các vị, các nhà lãnh đạo đức tin nói rằng dù các Giáo Hội không chống đối chính việc chích ngừa và ủng hộ các biện pháp chống đại dịch của chính phủ, nhiều người trong các cộng đồng của các vị, vì vốn chống đối việc sử dụng các tế bào của phôi thai người, nên sẽ phải đối đầu với thế lưỡng nan giữa việc rơi vào áp lực phải sử dụng một vắcxin gây hại về đạo đức, và các mất thế nếu từ khước...

Các vị viết thêm “nhiều người cảm thấy rất bối rối không biết phải hành xử ra sao”.