Theo Paulina Guzik của tạp chí Crux, trong mùa đại dịch, người năng nổ nhất hoạt động ở ngoài đường phố chính là Đức Hồng Y Konrad Krajewski, người phát chẩn của Đức Phanxicô.



Theo cô, trong khi Rôma cấm cửa dân chúng, ngài đã lái xe hàng trăm dặm mỗi ngày qua các con phố vắng tanh của Rôma, thu lượm thực phẩm từ các nhà máy và cơ sở kinh doanh và đích thân phân phối chúng cho người nghèo thành phố.

Ngài nói nửa đùa nửa thật: có lúc, ngài đã mơ ước làm người trao sữa. Ngài vừa cười vừa nói “bây giờ giấc mơ của tôi đã thành sự thực” sau khi đã chất xong một xe tải đầy các sản phẩm bơ sữa.

Cuối tháng ba, ngài đã lái các chuyến xe đầy thực phẩm đến cho hai nữ tu viện nơi hàng tá nữ tu bị lây nhiễm Covid-19. Ngài cũng cung cấp thực phẩm cho một nhà dưỡng lão đặt tên theo Đức Gioan XXIII.

Ngài nói với tạp chí Crux: “các công ty cho đi hàng tấn thực phẩm. Chúng tôi phải phân phối chúng trước khi chúng hư thối”.

Công ty Sản xuất Bơ sữa của Đức Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo mỗi ngày đều tặng không sữa tươi và sữa chua.

Ngài cho biết “chỉ mới Thứ bẩy rồi, tôi đã lái xe 250 cây số quanh thành phố - ít nhất với những đường phố vắng tanh, tôi có thể lái xe không gặp trở ngại”.

Với ai lo ngại ngài có thể bị lây nhiễm, Đức Hồng Y cho biết ngài đã xét nghiệm, nhưng âm tính đối với Covid-19.

Ngài giải thích “tôi làm thế vì người nghèo và những người làm việc với tôi – họ cần được an toàn”.

Đức Hồng Y Krajewski, có biệt hiệu là “Don Corrado” tại Vatican, là người phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, một chức vụ phụ trách việc bố thí trong thành phố Rôma nhân danh Đức Giáo Hoàng. Chức vụ này dưới thời Đức Phanxicô, được nhiều người biết đến và Đức Hồng Y được coi là một trong các cộng tác viên gần gũi nhất của Đức Phanxicô. Điều này càng đúng trong thời gian đại dịch Covid-19 khi nước Ý bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Ảnh hưởng của ngài được chứng minh vào ngày 13 tháng Ba, khi ngài cho mở cửa nhà thờ giáo xứ do tước hiệu của ngài để người ta đến Thờ Lạy Thánh Thể, bất chấp một sắc lệnh ban hành một ngày trước đó nhằm dóng cửa các nhà thờ ở Rôma.

Ngài nói với tạp chí Crux ngay sau hành động “nổi loạn” ấy rằng “tổ ấm luôn phải mở cửa cho con cái mình”. Và sau đó cùng ngày, sắc lệnh trên đã được viết lại.

Có thể nói giáo xứ của Đức Hồng Y Krajewski là đường phố, và không virút nào ngăn cản được ngài giúp đỡ người nghèo.

Ngài nói với tạp chí Crux: “Hôm nay tôi đi một vòng các giáo xứ Rôma. Tôi nói với họ rằng rửa chân cho những người thiếu thốn cũng giống như truyền phép trong lúc cử hành Thánh Thể”.

Ngài thúc giục các linh mục thời cấm cửa mở các phòng tắm cho người nghèo, “trong khi tôn trọng mọi thủ tục phòng vệ” khỏi coronavirus.

Ngài kể có lần đến một tu viện, hỏi có bao nhiêu người ở đấy, họ bảo 20. Ngài bảo “20 người có thể phục vụ người nghèo! Chúng ta không nên đặt các thiện nguyện viên giáo dân vào thế nguy hiểm, người của Giáo Hội có thể làm việc này!”

Ngài nhấn mạnh rằng cầu nguyện mà không bố thí trong những ngày tháng này là “không đầy đủ”; ngài nói thêm: Đức Phanxicô nêu gương sáng trong khía cạnh này: “Trước khi ban Phép lành Urbi et Orbi (cho Thành Phố và cho Thế Giới), Đức Thánh Cha tặng 30 máy thở cho các bệnh viện, rồi ngài cầu nguyện cho thế giới”.

Đức Hồng Y Krajewski cũng có một lời nhắn đặc biệt cho hàng trăm linh mục khắp thế giới đang học tại các giáo hoàng đại học tại Rôma: “dẹp các sách vở thần học vào lúc này đi, có một Tin Mừng đang thành hình trên các đường phố”.

Ngài bảo “phép lạ đang diễn ra trong những ngày tháng này” vì gần đây có một cha xứ nói với ngài “con cần cú đá của Đức Hồng Y để hành động”.

Ngài thực hành điều ngài giảng dậy, ngay trong căn hộ của ngài. Hai người vô gia cư và một phụ nữ Hồi Giáo thường xuyên chuẩn bị các bánh mì san-đuýt cho người nghèo thành phố trong căn hộ trên văn phòng của ngài trong nội thành Vatican. Đồ đạc của ngài trước đây vốn của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, tức Đức Bênêđíctô XVI hiện nay. Ngài bảo “đây quả là Giáo Hội tại gia".

Trong Thánh lễ Chúa Nhật, cử hành một mình ở Vatican, ngài bảo “Lần đầu tiên, tôi nghe người nghèo nói trong những ngày tháng này – chúng tôi đói. Không có nơi nào cho họ tới xin giúp đỡ; các quán bar và nhà hàng đều đóng cửa cả”.

Thúc giục các linh mục ra ngoài và phục vụ người nghèo, ngài nói “chúng ta có hai tay, trí khôn của Tin Mừng: chúng ta chỉ thiếu can đảm”.

Đức Hồng Y Krajewski luôn tìm ra cách đầy sáng tạo để giúp người nghèo và đồng thời giữ an toàn khỏi Covid-19. Ngài điều chỉnh việc phân phối các bữa ăn cho người túng thiếu và vô gia cư 2 lần một tuần tại các ga xe lửa Rôma, nhờ thế các bữa ăn này được gói trước và phân phối trứơc, các thiện nguyện viên khỏi phân phối từng ngày.

Khi được hỏi liệu ngài có sợ bị lây nhiễm Covid-19 hay không, ngài đùa trích dẫn câu ca dao Ba Lan: “qủy có bao giờ đụng đến người xấu”.