TIẾT C: CÁCH ÐẶT BIỆT HIỆU CỦA NGƯỜI TÂY PHƯƠNG, ĐẶC BIỆT LÀ HOA KỲ

Người tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, rất thích đặt biệt hiệu và hầu như người Hoa Kỳ nào cũng có biệt hiệu. Biệt hiệu của người Hoa Kỳ cũng không ra ngoài nguyên tắc chung của tính danh học là được chia làm hai loại: (1) Biệt hiệu để tỏ lòng ngưỡng mộ, (2) Biệt hiệu để chê bai, diễu cợt.

1. Biệt Hiệu Để Tỏ Lòng Ngưỡng Mộ: Người Hoa Kỳ có bốn tiêu chuẩn để đặt biệt hiệu tỏ lòng ngưỡng mộ: (a) Dựa vào tiêu chuẩn tài năng, (b) Dựa vào đức tính, (c) Dựa vào thành quả, (d) Dựa vào lòng thương của cha mẹ đối với con cái.

a. Dựa vào tiêu chuẩn tài năng: Loại biệt hiệu dựa trên tiêu chuẩn tài năng thường được đặt cho những người có biệt tài ở một lãnh vực nào đó, như các vận động viên thể thao, nghệ sĩ. Xin trưng ra một số ví dụ:

-Cầu thủ Pelé (1940- )của Ba Tây được người Việt đặt là vua phá lưới, thì người Ba Tây đặt cho là Perola Negra: Ngọc Trai Đen, người Mỹ đặt cho là Black Pearl: Ngọc Trai Đen hay King of Soccer: ông vua bóng đá

- Danh thủ bóng rổ Michael Jordan (1963- ) của Hoa Kỳ ghi nhiều bàn thắng nhất, có tài nhảy cao, tên giống với tên nước Jordan ở Trung Ðông nên có biệt hiệu Air Jordan: Hàng Không Jordan.

- Julius Erving (1950- ),danh thủ bóng rổ, thế hệ đàn anh của Michael Jordan, có văn bằng Tiến Sĩ nên được đặt biệt hiệu Dr. J nghĩa là Tiến Sĩ J.

- Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan (1911- ) có biệt tài ăn nói duyên dáng trước công chúng nên được đặt là The Great Communicator: Đại thuyết khách.

- Võ sĩ quyền Anh hạng nặng Mike Tyson (1966- ), từng hạ đo ván nhiều đối thủ bằng những cú đấm thần sầu quỷ khốc, được đặt là Iron Mike: Mike Sắt.

b. Dựa trên đức tính: Những người có đức tính can đảm, hy sinh cho tha nhân, đều được người Hoa Kỳ đặt cho một biệt hiệu chứa ẩn nội dung kính phục, pha lẫn chút hài hước. Xin nêu một số ví dụ:

- Mẹ Teresa nổi tiếng nhân từ, được giải thưởng Nobel Hòa Bình vì chăm lo cho người nghèo ở Ấn Độ nên được đặt biệt hiệu: The Saint of The Gutters: Thánh Của Những Kẻ Ở Cống Rãnh.

- Cựu Thủ Tướng Anh, Margaret Thatcher (1925- ) nổi tiếng là con người cứng rắn nên được đặt: Iron Lady: Người Đàn Bà Sắt.

- Cựu Tổng Thống Ba Lan Lech Walesa (1943- ) đã can đảm chống Cộng Sản được đặt: The Man of Iron: Ông Mình Đồng Da Sắt.

- Mục sư Tiến Sĩ Martin Luther King Jr. (1929-1968) nổi tiếng nhờ chủ trương đấu tranh bất bạo động, được đặt biệt hiệu: Peaceful Warrior: Chiến Sĩ Hòa Bình.

c. Dựa trên những thành công: Biệt hiệu dựa trên tiêu chuẩn thành công thường được đặt với các chữ: Father of: cha, King: vua, Prince: hoàng tử, Big, Great: vĩ đại. Xin nêu một số ví dụ cụ thể:

- Vị Tổng Thống tiên khởi của Hoa Kỳ là George Washington (1732-1799) được tặng biệt hiệu: The Father of His Country: Cha Già Đất Nước.

- Văn hào Pháp Pierre Corneille (1606-1684) nổi tiếng nhờ những bi kịch như Horace, Le Cid được đặt: The Father of French Tragedy: Cha Già Bi Kịch Pháp.

- Horodotus (484-432 TCN), người Hy Lạp, được coi là cha đẻ của ngành Sử học nên có biệt hiệu: The Father of History.

- Ông Johnny Carson (1925- ) nổi tiếng nhờ tài châm biếm hài hước trong chương trình Tonight Show, được chiếu vào lúc đêm khuya trên hệ thống truyền hình NBC của Hoa Kỳ, nên được đặt biệt hiệu: The Prince of Darkness: Hoàng Tử Về Đêm.

- Elvis Presley (1935-1977) từng làm mưa gió trên sân khấu ca nhạc Hoa Kỳ trong hai thập niên 1960-1970 với loại nhạc Rock và Roll, được đặt: The King of Rock and Roll: Vua Nhạc Rock và Roll.

d. Dựa trên yếu tố tình thương: Ngoài các tiêu chuẩn kể trên, người Hoa Kỳ còn dùng tiêu chuẩn tình thương để đặt biệt hiệu. Trong gia đình, loại tên này thường do bố mẹ đặt cho con lúc còn bé, và sẽ mất đi khi lớn khôn. Người ta thường dùng chữ “My”: của Tôi, hay “Little”: Bé đi kèm với biệt hiệu. Ví dụ My Angel: Thiên thần của tôi ơi, hay My Little Babe: Cô bé xinh xinh của tôi ơi. Xin kể một số biệt hiệu:

Angel: thiên thần, Babe: Cô bé xinh xinh, Baby Doll: Cô bé búp bê, Birdie: Chim non, Bud: Lộc non, Bunnny: Thỏ con, Chickie: Gà con, Cutie: Em bé dễ thương, Dovey: Bồ câu con, Ducky: Vịt con, Honey: Con yêu, Honeychild: Con yêu, Lollypop: Cây kẹo, Peachy: Đào tơ, Piggy: Heo con, Precious: Quý giá, Pretty: Đẹp xinh, Puss: Mèo con, Sugar: Ngọt, Sweety: Ngọt dịu, Toots: Tí te.

Những biệt hiệu vợ chồng dùng để gọi nhau như Darling: Anh yêu/Em yêu, Baby: Em cưng, Honey: Mật ngọt, Sweetheart: Trái tim ngọt, Precious: Quý giá, Sweety Pie: Bánh ngon ngọt.

Ngoài những tên trên, người Hoa Kỳ còn có tục lệ đặt tên thân mật để biểu lộ lòng yêu thương và họ gọi loại tên đó là Pet Names. Tên thân mật là một loại biệt hiệu do cha mẹ và anh chị em trong gia đình đặt cho mỗi người nên hầu như người Hoa Kỳ nào cũng có biệt hiệu thân mật. Ví dụ

-Tổng Thống Clinton có tên thật là William Clinton (1946- ) nhưng ai cũng gọi ông là Bill Clinton vì Bill là tên thân mật của William.

-Tổng thống Ronald Reagan có tên thân mật là Ron.

- Nhà văn Eugene Field trong tác phẩm Jest Fore Christmas đã viết về các biến thể của tên William: Cha tôi gọi tôi là William, chị em tôi gọi tôi là Will, mẹ tôi gọi tôi là Willie, còn bạn bè tôi gọi tôi là Bill.

-Phó Tổng Thống Mỹ Albert Gore (1948- ) thường được gọi là Al Gore vì Al là tên thân mật của Albert.

-Nữ tài tử Elizabeth Taylor (1932- ) thường được gọi là Liz do chữ Elizabeth.

Theo các nhà tính danh học, nguyên tắc tổng quát để đặt tên thân mật là rút gọn tên chính. Nhưng rút gọn thế nào thì vấn đề rất phức tạp. Sau đây là một số nguyên tắc chính mà ta thường thấy:

- Chỉ lấy âm vận khởi đầu của tên chính: Ví dụ Diana thành Di, Albert thành Al, Violet thành Vi. Các tên Edmond, Edward, Edwin đều thành Ed..

- Lấy âm vận giữa của tên chính: Elizabeth thành Liz.

- Lấy âm vận tận cùng của tên chính. Ví dụ Gertrude thành Trude, Elizabeth thành Beth, Anthony thành Tony, Andrew thành Drew.

- Chỉ lấy mẫu tự khởi đầu của tên chính: Charles thành Chuck, Conrad thành Curt. Joseph thành Joe

- Nếu tên dài có thể lấy hai âm vận. Ví dụ Alexander thành Alex, Josephine thành Fifine.

- Thay đổi một chút cách phát âm tên chính. Ví dụ Katherine thành Kate, James thành Jim, Walter thành Wat.

- Thêm tiếp vĩ ngữ. Ví dụ John thành Johnnie hay Johnny, George thành Georgie, James thành Jimmie hay Jimmy, Jessica thành Jessie.

Nói chung, ở Âu Châu, nước nào cũng có tục lệ đặt tên thân mật. Sau đây là những bằng chứng:

Tên Quốc Gia/ Tên Chính/ Tên Thân Mật

Hoa Kỳ/ Jacqueline/ Jackie

Nga/ Irina/ Ira/

Pháp/ Élizabeth/ Élise

Ý Đại Lợi/ Isabella/ Bella

Anh Quốc/ Laurence/ Laurie

Tô Cách Lan/ Murray/ Moray

Ái Nhĩ Lan/ John/ Johnny/Johnnie

Welsh/ Helen/ Elen

Đức/ Joachim/ Achim/Akim

Tây Ban Nha /Concepcion/ Conchita

Ngoài các biệt hiệu để tỏ lòng tôn kính yêu thương, người tây phương còn đặt biệt hiệu để chê bai diễu cợt.