Trên tạp chí Vatican Insider, nhà báo kỳ cựu Andrea Tornielli vừa cho phổ biến toàn bộ cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Colombia trở về Rôma. Các ký giả đã hỏi và Đức Giáo Hoàng đã trả lời các vấn đề liên quan tới di dân, bão lụt, việc Ông Trump bãi bỏ luật DACA, tình thế Venezuela và triển vọng hòa bình ở Colombia.

Giáo Hội Ý vừa lên tiếng tỏ ý thông cảm với chính sách của chính phủ nhằm hạn chế người tỵ nạn rời khỏi Libya. Đã có tin về việc Đức Thánh Cha gặp Ông Gentiloni, Chủ Tịch Đương Nhiệm Hội Đồng Ý Đại Lợi: Đức Thánh Cha có nói về vấn đề này không? Và Đức Thánh Cha nghĩ gì về chính sách ngăn cản các vụ rời khỏi này, khi biết rõ sự kiện này là các di dân còn lại ở Libya đang sống trong những điều kiện bất nhân?

"Cuộc gặp gỡ với Ông Gentiloni là một cuộc gặp gỡ tư riêng, diễn ra trước khi có vấn đề này, và không nói gì về chủ đề này cả. Tuy nhiên, tôi cảm thấy có bổn phận phải tò bầy lòng cảm ơn đối với Ý và Hy Lạp vì họ đã mở lòng ra với di dân. Chào đón di dân là một lệnh truyền của Thiên Chúa… Nhưng chính phủ phải quản lý vấn đề này một cách hợp đức khôn ngoan. Nên, trước hết, (là vấn đề) các ông có bao nhiêu chỗ? Thứ hai, không những “chào đón họ” mà còn phải “hội nhập họ” nữa. Tôi đã thấy nhiều điển hình hội nhập tốt đẹp ở Ý. Khi tới Đại Học Roma Tre, dường như tôi đã nhận ra sinh viên sau cùng trong bốn sinh viên hỏi tôi nhiều câu hỏi, vì tôi thấy khuôn mặt cô khá quen thuộc. Cô vốn là một trong những người đến với tôi trên chuyến bay từ Đảo Lesvos. Cô học ngôn ngữ, các bằng cấp đại học của cọ đã được công nhận. Điều này được gọi là hội nhập. Thứ ba: có vấn đề nhân đạo. Nhân loại biết rõ các điều kiện trong đó các di dân này phải sống trong sa mạc, tôi đã thấy một số tấm hình. Tôi có cảm tưởng Chính Phủ Ý đang làm bất cứ điều gì có thể trong phạm vi nhân đạo, thậm chí giải quyết cả các vấn đề họ đáng lẽ không nên bận tâm. Thành thử, chúng ta hãy luôn có một tấm lòng rộng mở, thận trọng, hội nhập và gần gũi nhân đạo. Nhưng cũng có thứ suy nghĩ tập thể vô ý thức: Phải bóc lột Châu Phi. Chúng ta phải đảo ngược điều đó: Châu Phi là bạn và phải được trợ giúp”.

Máy bay của chúng ta vừa qua gần Bão Irma, một trận bão, sau khi gây tử thương cho hàng chục người ở vùng Caribbean, hiện đang hướng về Florida nơi có hàng triệu người đang tản cư. Các nhà khoa học nghĩ rằng việc hâm nóng biển cả khiến cho các trận cuồng phong trở nên dữ dằn hơn. Liệu có một trách nhiệm luân lý nào đó cho các nhà lãnh đạo chính trị từ khước hợp tác với các quốc gia khác bằng cách bác bỏ việc thay đổi khí hậu là do con người không?

“Những người bác bỏ điều đó phải hỏi các nhà khoa học: họ nói rất rõ, họ nói chính xác. Hôm nọ có tin về một chiếc tầu Nga từ Na Uy đi Nhật Bản, đã vượt qua Bắc Cực mà không thấy có đá băng. Từ một trường đại học, các nhà khoa học nói rằng chúng ta chỉ còn 3 năm 'để lùi lại', nếu không, hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Tôi không biết 3 năm có đúng hay không, nhưng nếu ta không lùi lại, ta sẽ xụp! Ta có thể thấy việc thay đổi khí hậu trong các hậu quả của nó, và mọi người chúng ta đều có trách nhiệm luân lý khi đưa ra quyết định. Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Mọi người chúng ta đều có trách nhiệm luân lý và các nhà chính trị có trách nhiệm của họ. Hãy để họ đi hỏi các nhà khoa học và sau đó quyết định. Lịch sử sẽ phán đoán các quyết định của họ".

Ý đang cảm nghiệm việc thay đổi khí hậu. Trong những ngày này, có rất nhiều vụ chết chóc và rất nhiều tai hại… Tại sao có việc các chính phủ trì hoãn cái hiểu này, trong khi, ở các vấn đề khác, họ nằng nặc gạ gẫm, như thi đua vũ trang ở Triều Tiên, chẳng hạn?

“Một câu trong Cựu Ước xuất hiện trong đầu tôi: con người thật đần độn, thật ương ngạnh, không biết nhìn, họ là giống vật duy nhất sa vào cùng một chiếc hố đến hai lần. Ngạo mạn và tự phụ… rồi còn ông “Đôla vạn năng” nữa. Nhiều quyết định tùy thuộc tiền bạc. Hôm nay, ở Cartagena (Colombia), tôi bắt đầu bằng cách đi thăm một khu nghèo của thành phố. Phía kia là phía du lịch, xa hoa, và là một loại xa hoa bất cần thước đo luân lý nào. Nhưng há những người ở đó không nhận thấy điều đó hay sao? Há các nhà phân tích xã hội chính trị không hiểu ra điều đó hay sao? Khi bạn không muốn thấy thì bạn sẽ không thấy. Về Bắc Hàn: tôi thực sự không hiểu thế giới địa chính trị, nhưng tôi tin rằng đang có cuộc tranh giành quyền lợi mà tôi không hiểu”.

Mỗi lần gặp giới trẻ, Đức Thánh Cha luôn nói với họ: đừng để hy vọng và tương lai bị tước khỏi các con. Ở Hiệp Chúng Quốc, việc Tổng Thống Trump bãi bỏ luật DACA, tức luật về “những người có giấc mơ” có nghĩa 800,000 thanh niên thiếu nữ vào [nước này] bất hợp pháp lúc còn vị thành niên sẽ mất hết tương lai. Đức Thánh Cha nghĩ gì về vấn đề này?

“Tôi có nghe về việc bãi bỏ luật này, nhưng tôi không có dịp đọc các bài nói về việc quyết định này đã được đưa ra cách nào và tại sao. Tôi không rõ tình thế lắm. Tuy nhiên, tách ly người trẻ khỏi gia đình họ không đem lại kết quả tốt nào cho người trẻ và gia đình họ. Luật này phát sinh từ hành pháp, chứ không phải từ Quốc Hội: nếu đúng như thế, thì tôi hy vọng rằng họ sẽ nghĩ lại một chút. Tôi có nghe Tổng Thống của Hiệp Chúng Quốc nói, ông ấy tự trình bầy mình là người phò sự sống. Nếu ông ấy là người phò sự sống tốt, hẳn ông ấy hiểu tầm quan trọng của gia đình và sự sống: sự hợp nhất của gia đình phải được bảo vệ. Khi người trẻ cảm thấy bị bóc lột, cuối cùng họ sẽ cảm thấy vô vọng. Và ai cướp mất hy vọng này? Ma túy, các loại nghiện nhập khác, tự tử… (những điều) có thể thực hiện được khi gốc rễ nguồn cội của bạn bị cắt đứt. Bất cứ điều gì chống lại gốc rễ đều cướp đi hy vọng”.

Lúc Đức Thánh Cha kết thúc chuyến đi này, Đức Thánh Cha có nói đến Venezuela, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho việc kết thúc bạo lực ở nước đó. Và ở Bogota, Đức Thánh Cha đã gặp một vài giám mục Venezuela. Tòa Thánh có dấn thân vào cuộc đối thoại nhưng Tổng Thống Nicolas Maduro dùng nhiều từ ngữ hung dữ chống các giám mục, trong khi quả quyết rằng ông ta về phía “với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Đức Thánh Cha nghĩ gì về việc này?

“Tôi tin rằng Tòa Thánh đã nói cách lớn tiếng và rõ ràng rồi. Điều Ông Maduro nói, ông ấy hãy tự giải thích. Tôi không biết ông ấy nghĩ gì. Tòa Thánh đã làm nhiều việc, phái đi một nhóm làm việc với người ta và một cách công khai. Tôi cũng thườn lên tiếng lúc đọc Kinh Truyền Tin, mong một “lối thoát”, sẵn sàng giúp đỡ để thoát được tình thế, nhưng xem ra rất khó và điều đau khổ nhất là vấn đề nhân đạo: quá nhiều người phải bỏ đi và đang đau khổ.Ta phải giúp giải quyết tình thế bằng bất cứ cách nào. Tôi tin Liên Hiệp Quốc phải tự làm cho người ta ở đó cảm nhận và ra tay giúp đỡ”.

Đức Thánh Cha tới Colombia, một quốc gia bị chia rẽ giữa những người chấp nhận các hòa ước và những người không chấp nhận chúng. Cần phải làm gì để thắng vượt hận thù? Nếu Đức Thánh Cha trở lại đó trong vài năm tới, Đức Thánh Cha thích tìm thấy gì ở Colombia?

“Khẩu hiệu chuyến đi này là ‘chúng ta hãy thực hiện bước đi đầu tiên’. Nếu tôi trở lại đó, tôi muốn khẩu hiệu lúc đó là ‘Chúng ta hãy thực hiện bước đi thứ hai’. Chúng ta nói đến 54 năm chiến tranh du kích, và nhiều hận thù đã tích lũy, nhiều linh hồn bệnh hoạn. Ta không thể trách cứ cơn bệnh, nó xẩy tới… Các du kích và dân quân ấy đã phạm những tội lỗi xấu xa và đem đến thứ bệnh hận thù này. Nhưng vẫn có những bước đi đem lại hy vọng. Bước mới nhất là cuộc ngưng bắn của Quân Đội Giải Phóng Quốc Gia (ELN), và tôi xin cám ơn họ rất nhiều. Tôi đã tri cảm được một ước nguyện muốn tiến lên, vượt quá các cuộc thương thuyết hiện thời, một lực lượng tự phát. Ở đấy, người ta thấy ước nguyện của dân. Dân muốn được thở và ta phải giúp họ bằng sự gần gũi và cầu nguyện”.

Colombia đã chịu nhiều thập niên bạo lực do tranh chấp vũ trang và buôn bán ma túy. Tham nhũng không phải mới mẻ gì tại nước chúng con, nhưng nay không còn tin tức về chiến tranh nữa, thì tham nhũng trở nên hết sức hiển thị. Đức Thánh Cha làm gì với đại họa này? Có nên ra vạ tuyệt thông cho những tên tham nhũng hay không?

“Có thể tha thứ cho những kẻ tham nhũng hay không? Tôi tự hỏi thế, và ở một tỉnh kia của Á Căn Đình, khi diễn ra một trường hợp vũ phu và bạo hành một thiếu nữ có liên quan tới thế lực chính trị, tôi đã viết một cuốn sách nhỏ tựa là 'Tội lỗi và tham nhũng'. Tất cả chúng ta đều là người có tội, và chúng ta biết rằng Chúa gần gũi chúng ta và không mệt mỏi tha thứ cho ta. Nhưng kẻ có tội biết xin tha thứ, còn kẻ tham nhũng thì mệt mỏi trong việc xin lỗi và quên cả cách ngỏ lời xin lỗi: anh ta ở trong trạng thái vô cảm đối với các giá trị, vô cảm đối với việc bóc lột người ta. Rất khó có thể giúp một ai đó tham nhũng, tuy thế, Thiên Chúa vẫn có thể làm được”.

Đức Thánh Cha nói tới bước đi đầu tiên, hôm nay, Đức Thánh Cha nói rằng muốn đạt được hòa bình, cần phải có sự can dự của nhiều tác nhân khác nhau. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng có thể mô phỏng mô thức Colombia tại các cuộc tranh chấp khác không?

“Việc nhiều người khác can dự: thì đây không phải lần đầu nó đã diễn ra, nó đã được thực hiện trong rất nhiều vụ tranh chấp khác. Cách khôn ngoan là “tiến lên phía trước”, khôn ngoan là xin sự giúp đỡ. Các thỏa ước chính trị đôi khi giúp và đôi khi cần sự can thiệp của Liên HIệp Quốc để thoát được một cuộc khủng hoảng, nhưng diễn trình hòa bình thì chỉ có thể tiến triển nếu nhân dân tự đảm nhiệm lấy”.