Bài thuyết trình cho Hội Đồng Giáo Xứ toàn Giáo phận 23.1.2005

GẶP GỠ ĐỨC KITÔ - BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI MÌNH

"Tất cả đều được mời gọi để nên thánh,

và chỉ có người thánh thiện mới có thể canh tân và đổi mới nhân loại
. " (SĐNGTTG số 7)

-------------------

“Gặp gỡ ĐK - biến đổi cuộc đời mình”.

Đó là một điểm nhấn quan trọng trong Sứ Điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2005 của ĐTC Gioan Phaolô II mà cách đây ít tuần tôi đã có dịp chia sẻ cho anh chị em sinh viên tại Huế. Hôm nay tôi cũng muốn dùng để chia sẻ với quý chức và các bạn, bởi vì, theo tôi nghĩ, khi trao gửi những suy tư này cho "Giới trẻ", Vị Cha Chung Giáo Hội tòan cầu chắc hẵn cũng muốn nhắn gửi lại cho tất cả mọi thành phần kitô-hữu đang sống trong xã hội hiện đại hôm nay.

Thật vậy, ĐTC viết: "Hỡi những người bạn trẻ thân thương của Cha, Giáo Hội cần đến những chứng nhân đích thực cho Công Cuộc Rao Giảng Tin Mừng Mới: những người nam, những người nữ mà cuộc sống đã được biến đổi qua việc gặp gỡ Chúa Kitô, các bạn hãy biết chia sẻ kinh nghiệm này cho tha nhân. Giáo Hội rất cần đến những vị Thánh. Tất cả đều được mời gọi để nên thánh, và chỉ có người thánh thiện mới có thể canh tân và đổi mới nhân loại. Rất nhiều người đã bước theo con đường này, trước chúng ta, để trở nên những người anh dũng cho Phúc Âm, và Cha muốn gọi mời tất cả các bạn hãy biết trông nhờ vào sự thông công, chuyển cầu của các vị đó, qua lời cầu nguyện" (số 7).

Như quý chức và các bạn vừa nghe: Theo ĐTC, Công Cuộc Rao Giảng Tin Mừng Mới của Giáo Hội "hôm nay" cần đến những chứng nhân đích thực, bởi vì một xã hội phát triển và tiến bộ dựa trên nền tảng của Khoa Học Kỹ Thuật chắc hẵn không thể dễ dàng chấp nhận "một sự thật Tin Mừng", nếu sự thật đó thiếu bằng chứng. Như vậy, cốt lõi của việc rao giảng Tin Mừng hôm nay là làm chứng nhân đích thực. Và chứng nhân đích thực của Tin Mừng là ai? Đó chính là những người đã gặp gỡ Đức Kitô và đã được Ngài biến đổi.

1 - Gặp gỡ Đức Kitô để biến đổi cuộc đời mình

Tôi rất tâm đắc với Bài ca sinh họat mà chúng ta vừa hát. Dầu chưa phải là ca sĩ, tôi vẫn thường ngâm nga: "Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Kitô, chân thành mình gặp mình. Gặp gỡ Đức Kitô nẩy sinh tình đệ huynh." Xin cám ơn các tác giả Tiến Lộc và Quang Uy, qua một ít lời vắn gọn, đã nêu lên được cốt tủy của đời sống Kitô hữu. Vâng. Chỉ nhờ gặp gỡ Đức Kitô đời con người mới thực sự được biến đổi, vì chỉ nhờ Đức Kitô, con người nhận được Ơn tái sinh thành một thụ tạo mới; vì chỉ trong Đức Kitô, con người mới khám phá thấy "sự thật trọn vẹn" về chính mình là nghĩa tử của Thiên Chúa, để cùng nhau nối vòng tay lớn đắp xây trần thế trong hòa bình, trong yêu thương, vì chợt nhận ra mình là anh em con cùng một Cha.

Tuy nhiên, đọc lại Tin Mừng, chúng ta thấy có một thực tế khá trớ trêu: là tông đồ của Đức Kitô, sống và làm việc bên cạnh Ngài chưa chắc đã gặp được Ngài và chưa hẳn đã được Ngài biến đổi: Ngày kia, Thầy trò đang đi trên đường, Đức Giêsu đột nhiên hỏi các tông đồ: "Người ta gọi Thầy là ai?" Các ông nhao nhao đáp lời, nhưng hình như Ngài không mấy lưu tâm đến các câu trả lời đầu tiên của họ. Ngài hỏi lại như để lưu ý rõ đối tượng mà Ngài muốn hỏi: "Còn các anh, các anh nghĩ sao? Thầy là ai?"(Mt 16,15). Thực vậy, dù đang sống bên cạnh ĐG, các tông đồ lúc đó vẫn chưa gặp được Ngài, bởi vì họ vẫn bị cuốn hút theo giòng chảy của dư luận quần chúng, chỉ muốn nhận ra nơi Ngài khuôn mặt của một vị Anh-Hùng mang tính trần thế hay, tệ hại hơn, khuôn mặt của một Đấng chỉ "bảo đảm lợi lộc" cho riêng bản thân họ.

Và phải chăng mãi tới hôm nay, ĐK vẫn phải tiếp tục chất vấn từng thế hệ kitô-hữu chúng ta: "Đối với các con, các con nghĩ Thầy là ai ?", bởi vì Ngài biết rõ rằng rất nhiều người mang danh kitô-hữu, nhưng chưa hẵn là đã gặp gỡ hay thực sự muốn gặp gỡ Ngài.

Dựa trên kinh nghiệm mục vụ, Đức Hồng Y Suenens quả quyết: "Quá nhiều kitô hữu được rửa tội và thêm sức lúc còn bé, nhưng lớn lên không chứng thực nguồn phong phú của bí tích nằm sẵn nơi mình. Sở dĩ có tình trạng nầy là vì họ chưa từng gặp gỡ thật sự Chúa Giêsu Kitô, chưa khám phá khuôn mặt, lời nói, những đòi hỏi của Ngài và chưa từng liên kết với Ngài bằng một mối liên lạc thâm tình".

Theo Đức Hồng y, gặp gỡ Đức Kitô thật sự là phải gắn bó với Đấng đã Phục sinh cách trọn vẹn, để Ngài làm linh hoạt cuộc sống chúng ta và biến chúng ta trở thành tông đồ của Ngài giữa lòng thế giơí. Quan điểm sống đạo lý tưởng này hướng chúng ta tới chứng tá sống động của Thánh Phaolô, vị tông đồ Dân Ngọai: Sau lần gặp gỡ ĐK Phục Sinh trên đường Damas, con người Saolo kiêu căng và đầy thù hằn đối với kitô hữu ấy đã được biến đổi hoàn toàn, từ tâm tư đến hành động, thành một thụ tạo mới mang tên Phaolô, sống một cuộc sống mới, trung kiên "theo ĐK" và chu tòan một sứ mạng mới là đem Tin Mừng cứu độ cho chư dân. Lời xác quyết của Ngài đã nói lên trọn vẹn sự biến đổi kỳ diệu ấy: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là CK sống trong tôi”.

Đây chính là điểm đặc thù của Luân Lý Kitô-Giáo. Cốt lõi nền Luân Lý-Kitô Giáo chất chứa trong lệnh truyền của ĐK, Ngôi Lời Nhập Thể: "Hãy theo Thầy!" Bởi chỉ nơi Ngài, con người tìm thấy được "sự thật" về chính Thiên Chúa và về chính mình. Do đó, thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và sự thật là gặp gỡ Đức Kitô để được Ngài biến đổi và kitô-hóa chúng ta.

Sau khi thấy Ông Nicôđêmô, một thủ lãnh của người do thái, đầy thiện chí muốn tìm gặp Ngài, Chúa Giêsu đã nói với ông: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên". Ông Nicôđêmô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh lại được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào bụng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?" Chúa Giêsu nói với ông: "Thật. Tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3, 3-5).

Thưa quý chức và các bạn, Bí tích đã biến đổi Saolô thành Phaolô và biến đổi mỗi chúng ta thành Kitô hữu là Bí Tích Rửa Tội. Chính bí tích Rửa Tội giúp chúng ta được sinh ra thành con người mới nhờ nước và Thần Khí, được tái sinh thành con người mới trong Đức Kitô. Chính nơi giếng nước Rửa Tội, con người cũ của chúng ta đã gặp gỡ Đức Kitô và đã được biến đổi thành tạo vật mới nhờ máu cứu chuộc của Ngài. Tuy nhiên, qua Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta mới chỉ lãnh nhận "mầm sự sống" làm con cái Chúa. Mầm sự sống ấy cần được nuôi lớn lên qua từng ngày sống đời kitô hữu chúng ta, qua từng cố gắng "tìm gặp gỡ Đức Kitô" và "theo Đức Kitô" của chúng ta.

2 - Tìm gặp Đức Kitô là một con đường dài và nhiều gian khổ

Tuy nhiên, tìm gặp Đức Kitô là một con đường dài và nhiều gian khổ vì phải đáp lại cách tận cùng những đòi hỏi của Ngài, những đòi hỏi mà cả một đời theo đuổi tập luyện vẫn có thể chưa đạt tới mức tận cùng. Trong dịp này, chúng ta cũng hãy dành thì giờ để chân thành nhìn lại đời sống đạo của chúng ta, để xem chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô và đã thực sự được Ngài biến đổi chưa?

Phải chăng trong đời sống đạo hằng ngày của chúng ta, vẫn còn có nhiều dấu chỉ biểu lộ một lọai "đức tin ngoài da", chưa thâm nhập được vào cốt tuỷ của đời sống. Mỗi người hãy thực lòng tự hỏi: "Tôi đi lễ Chúa nhật thế nào? Cách xác tín hay cách vội vã, hững hờ, chiếu lệ … do thói quen và tâm trạng sợ tội. Có thể trong nhà thờ, tôi sốt sắng quỳ đứng bái lạy, đọc kinh, nhưng ra khỏi nhà thờ thì tôi cũng chửi rủa, đánh bậy, nói tục, gian dối, hàm hồ, thù hận hơn cả những "kẻ bất lương"! Phải chăng tôi đang sống một đời sống đạo hòan tòan thiếu tính nhất quán, nơi bản thân tôi hiện rõ sự bất nhất giữa hình thức thể hiện đức tin bên ngoài và tinh thần sống đức tin bên trong? (Dĩ nhiên sự phân biệt này không phải là dễ dàng. Gs. Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng, viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo Hà nội xác nhận:”Chưa có ai định nghĩa đầy đủ khái niệm này. Sống đạo (vécu religieux) phải chăng có khác đời sống tôn giáo (la vie religieuse) nói chung? Nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo cũng thấy khó phân biệt các sự kiện tôn giáo và việc sống đạo, bởi vì việc thực hành tôn giáo thường được thực hiện một cách bình lặng dù đó là những cử hành phụng vụ thường kỳ. .. hay các hoạt động giáo dục, từ thiện …"); (Tháng 04 / 2004, Uỷ Ban giáo dân thuộc HĐGMVN kết hợp với TTGM Huế đã tổ chức 3 ngày Hội thảo về « Sống đạo theo cung cách VN » tại Trung Tâm Mục Vụ GP Huế. Trong bài tham luận dành cho Hội Thảo, Giáo sư Ts Đỗ Quang Hưng thuộc Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Hà Nội đã trích dẫn bài viết của Tư Cù như sau:"Trong cung cách sống đạo hiện nay, nếp sống của người Kitô hữu thường được quy định bằng những luật lệ, được diễn giải thành những hành vị cụ thể: làm dấu, đọc kinh, xưng tội, sinh hoạt mùa Vọng, mùa Chay, kiêng thịt, ăn chay. .. Có lẽ nhiều "chức sắc" trong Giáo hội vẫn đặt người Kitô hữu vào vị thế như những tín hữu thời trung cổ, nghĩa là những Kitô hữu ít học và cần những hướng dẫn tỉ mỉ, rõ ràng để giữ luật bằng cách chu toàn những việc cụ thể. .. Người Kitô hữu cố gắng giữ luật để khỏi phạm tội chứ ít hiểu rằng giữ luật là một sự tín trung với Chúa; người Kitô hữu đi lễ như một trách nhiệm phải chu toàn chứ không sống tinh thần hiệp thông liên đới với cộng đoàn. .." )

Phân tích tình trạng sống đạo này, Đức Cha Gilbert Louis, Giám mục địa phận Chalons en Champagne, Pháp, đã phân biệt hai loại đức tin: "Đức tin "truyền thống" (foi de tradition) và "đức tin xác tín" (foi de conviction). Khi được hỏi về tình trạng sống đạo của Giáo Hội Pháp, Đức Cha xác nhận rằng 90% người công giáo Pháp không còn đến nhà thờ ngày chúa nhật nữa. Có nhiều lý do thuộc các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, nhưng lý do sâu xa nhất là đa số người Pháp hiện chỉ còn giữ đức tin truyền thống và đã đánh mất đức tin xác tín. "Đức tin truyền thống" ở đây hiểu là: được rửa tội vì sinh ra trong một gia đình công giáo, để rồi lớn lên, theo cha mẹ đến nhà thờ, chấp hành các luật đạo, nhưng thiếu xác tín cá nhân. Dưới tác động mãnh liệt của những thay đổi sâu rộng về kinh tế, xã hội, văn hoá, tư tưởng của xã hội mới, não trạng và xu hướng tôn vinh tự do như giá trị tuyệt đối, độc tôn đã và đang ngự trị khiến họ phải xét lại mọi vấn đề, kể cả truyền thống đức tin.

Phải chăng phần đông giáo hữu VN cũng đang giữ đức tin truyền thống, do được thừa hưởng đức tin như một gia sản trong khuôn khổ của xứ đạo? Phải chăng cơ chế tổ chức và việc giáo dục tôn giáo lâu đời đã "hòan hảo hóa" một nếp sống đạo "cha truyền con nối" nơi chúng ta? Một số nhận định mang tính "khách quan" của các nhà trí thức về cung cách sống đạo của người tín hữu Việt Nam phải chăng phản ảnh một phần sự thật khiến chúng ta phải cảnh tĩnh. Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, một "tân tòng" đầy nhiệt huyết, đã nhận định: "Hình như người Công giáo Việt nam chỉ mới có lòng sùng đạo (religieux, pieux), có thể là quảng đại, sẵn sàng hy sinh tài sản, thì giờ, sức lực, nhưng mới chỉ là giữ đạo chứ chưa thể hiện đạo, nghĩa là chỉ đặt nặng về phụng tự (culte) và luật lệ chứ ít thấy có một đời sống nội tâm thiêng liêng sâu sắc (vie intérieure, spirituelle)…".

Chưa thể hiện đạo là thế nào? Là chưa có đời sống nội tâm sâu sắc, chưa có xác tín cá nhân. Chỉ mới "giữ đạo", nghĩa là chỉ biết thể hiện đức tin chung chung mang tính tập thể và hình thức hơn là đạt đến một xác tín tôn giáo mang tính cá nhân. Do đó, khi thiếu vắng sự nâng đỡ của cái "khung" tập thể, đức tin truyền thống dễ dàng bị chao đảo. Tác giả Tư Cù, qua bài "Vài nhận định về đời sống Kitô giáo tại Việt Nam" đăng trên "Thời Sự Thần học" số 23 (3/2001) đã ghi nhận: "Trong một thời gian dài, người Kitô hữu Việt Nam thường tụ tập lại thành xóm đạo và đời sống có phần đóng kín trong những sinh hoạt của làng xóm mình. .. Mọi sinh hoạt đạo và đời thường được tổ chức một cách kỹ lưỡng bao trùm hết đời sống. Đời sống Đức tin của mỗi người, do đó, vẫn còn được tháp nhập vào sinh hoạt đạo đức trong giáo xứ và vẫn "chạy" trong quỹ đạo của những tổ chức tôn giáo"...

Những "khung truyền thống" này dĩ nhiên là rất tốt, nhưng cũng ẩn chứa lắm nguy cơ: Ở trong giáo xứ thì "giữ đạo" sốt sắng, nhưng ra khỏi giáo xứ thì hụt hẩng, không còn biết sống đạo cách nào với vốn liếng đức tin là năm ba kinh thuộc lòng và vài khái niệm mập mờ về Giáo lý! Hiện tượng này đã xảy diễn rõ nét nơi lớp giáo dân trẻ đi lao động trong các thành phố lớn. Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, chúng ta thấy lối đào tạo huấn giáo của chúng ta hiện vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tâm linh của thời đại. Hầu như trong lãnh vực giáo lý, người tín hữu Việt Nam chỉ được truyền đạt một số kiến thức về đức tin, nhưng thiếu chiều sâu và thiếu những thực hành sống đạo, để có thể đạt tới mức trưởng thành tâm linh và có được một đức tin "xác tín"cá nhân. Thực vậy, một đức tin xác tín và trưởng thành phải đủ khả năng thực hiện những chọn lựa cá nhân. Thuỡ nhỏ, cha mẹ tôi đã chọn Đức Kitô cho tôi. Nay trưởng thành và hiểu biết rồi, chính tôi phải lãnh trách nhiệm về sự chọn lựa quan trọng làm nên ý nghĩa của cuộc đời tôi. Tuy nhiên, tiến trình trưởng thành trong đức tin này đòi hỏi nhiều cố gắng và thời gian.

Ngày 6 tháng 10 năm 1986, với giới trẻ tại Gerland, chính ĐTC Gioan Phaolô II đã thành thật chia sẻ những bước đường trường thành tâm linh của bản thân Ngài như sau: "Đức Giêsu Kitô! Nhiều người trẻ hoặc trưởng thành đã khám phá Ngài, cảm nghiệm về một đặc ân nào đó của Ngài và nhờ Ngài, thay đổi đời sống, sám hối, trở về. Nhưng phần đông đã nhận lãnh đức tin từ thuở nhỏ qua Giáo hội, nhưng sau đó đặt vấn đề, ngờ vực về đức tin của mình, rồi vượt qua các ngờ vực ấy. Cha rất cảm thông. Phần Cha, Cha đã sống tuổi thơ và thanh niên trong một bầu khí đức tin mà, có thể nói, Cha không bao giờ bị cắt đứt. Vấn đề căn bản của Cha không phải là ngờ vực, mà là vấn đề bước chuyển, từ một đức tin được thừa ke, nặng tình cảm hơn lý trí, qua một đức tin ý thức và trưởng thành đầy đặn, sâu sắc về mặt lý trí, bằng một sự lựa chọn cá nhân. Trên nền tảng của niềm xác tín chủ yếu là Thiên Chúa hiện hữu, nhờ Tin Mừng và nhờ Giáo hội, Cha đã đào sâu đức tin nơi Chúa Giêsu, "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" theo công thức tuyên tín tuỵệt vời của Thánh Phêrô (xem Mt 13,16). Và rồi Đức Giêsu đã giúp Cha hiểu biết Chúa Cha và sống với Chúa Thánh Thần"

Vâng. Không phải cha mẹ tôi có thể chọn Chúa thay cho tôi để tôi được Rửa Tội và được ơn làm con Chúa là đủ. Là kitô-hữu trưởng thành và là tông đồ trong Giáo Xứ, tôi không thể bằng lòng với một di sản, cho dù di sản ấy quý giá và phong phú đến bao nhiêu đi nữa, tôi không thể sống đạo với niềm tin "thừa kế"! Chính tôi bây giờ phải nói lên khát vọng sâu xa của bản thân như những người Hy Lạp xưa: "Chúng tôi mong muốn được nhìn thấy Chúa Giêsu" (TĐGTTG 2004). Chính tôi phải can đảm lên đường khám phá và sống chân lý cách trung thực, như các Đạo sĩ (TĐGTTG 2005). Chính tôi phải trực tiếp trả lời: "Đối với tôi, Đức Kitô là ai?"

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng một đời sống đạo có tính nhất quán thật sự phải gồm cả tinh thần bên trong lẫn hành động bên ngoài. Chỉ thờ Chúa "tại tâm" vẫn không đủ, vì có thể chủ quan, lệch lạc; ngược lại chỉ có hoạt động bề ngoài sẽ dẫn đến nguy cơ duy hình thức đã bị Thiên Chúa lên án: "Dân này thờ ta ngoài môi miếng!" Sống đạo là một đòi hỏi tòan diện đăt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa như động lực duy nhất tạo nên sự nhất quán giữa tri và hành của người tín hữu.

3 - Biến đổi bản thân để canh tân và đổi mới nhân lọai

Hơn nữa, bản chất ơn gọi Kitô hữu luôn phải là men, là muối, là ánh sáng cho thế trần, do đó, gặp gỡ Đức Kitô và được Ngài biến đổi là để canh tân và đổi mới nhân lọai. Trong Sứ Điệp gửi Giới Trẻ Thế Giới năm nay, ĐTC đã khai triển điểm này thật sâu sắc và đầy đủ. Chúng ta chỉ cần chăm chú lắng nghe Ngài.

Khi phân tích sự kiện ba nhà đạo sĩ, sau khi gặp gỡ Hài Nhi Giêsu, đã trở về xứ sở mình bằng con đường khác, ĐTC ghi nhận: "Việc thay đổi lộ trình có thể biểu trưng cho sự biến đổi mà tất cả chúng ta, những người cùng hội ngộ với Chúa Giêsu, được mời gọi, để trở nên những người thờ kính thật sự mà Ngài mong muốn..." (số 6)

Và ĐTC tha thiết kêu gọi: ”Hỡi những người bạn trẻ thân thương của Cha, Giáo Hội cần đến những chứng nhân đích thực cho công cuộc rao giảng Tin Mừng mới: các bạn, những người nam, người nữ mà cuộc sống của các bạn đã được biến đổi qua việc gặp gỡ Chúa Kitô, hãy biết chia sẻ kinh nghiệm này cho những người khác. Giáo Hội rất cần đến những vị Thánh. Tất cả đều được mời gọi để nên thánh, và chỉ có người thánh thiện mới có thể canh tân và đổi mới nhân loại. Rất nhiều người đã bước theo con đường này, trước chúng ta, để trở nên những người anh dũng cho Phúc Âm, và Cha muốn gọi mời tất cả các bạn hãy biết trông nhờ vào sự thông công, chuyển cầu của các vị đó, qua lời cầu nguyện” (số 7)..

Và để chứng minh tính xác thực trong lời kêu gọi của ĐTC GP II, tôi chỉ xin trao gửi đến tất cả quý chức và các bạn một chứng tá rất thiết thân đối với anh em Linh Mục chúng tôi như một món quà Xuân tốt đẹp nhất trong Năm Thánh thể:

"Một ngày giá lạnh của tháng 2 năm 1818, Cha Gioan Maria Vianney được bổ nhiệm làm cha sở Họ Ars, một làng nhỏ bé không mấy ai biết tới. Người ta nói với Ngài: "Ở đấy sẽ không có việc gì cho Ngài làm đâu?" Nhưng thánh nhân đã trả lời: "Ồ. Nếu vậy, thì tôi sẽ có rất nhiều việc phải làm!" Và ngài đã bắt tay làm ngay. Ngài đã làm gì, thưa quý chức và các bạn? Thưa đó là tìm gặp gỡ Đức Kitô: Thức dậy từ 2 g 00 sáng, Thánh nhân đến cầu nguyện gần Bàn Thờ trong Ngôi Nhà Thờ nhỏ tối tăm và vắng vẻ của Xứ Ars ấy. Ngài sốt sắng đọc kinh Nhật Tụng, nguyện gẫm và dâng Thánh Lễ. Sau Thánh Lễ, Ngài ở lại cám ơn Chúa lâu giờ. Có ngày Ngài cầu nguyện tới trưa, quỳ gối trên nền Nhà Thờ, tay cầm tràng Hạt Mân Côi, mắt chăm chú nhìn lên Nhà Tạm... Và cứ tiếp tục như vậy, ngày qua ngày. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, Thánh nhân đã phải thay đổi thời khóa biểu và chương trình sống của mình, bởi vì chung quanh Ngài đã có nhiều tâm hồn được ơn hóan cải. Họ lũ lượt tìm đến xưng tội với Ngài và ngày càng đông. Sách ghi lại rằng, sau đó, Cha Gioan Maria Vianney đã phải ngồi tòa Giải tội từ 10, rồi 15 và 18 giờ mỗi ngày! Đâu là động lực của sự "biến đổi lớn lao" ấy nơi một Giáo xứ nghèo chỉ có một ngôi Nhà Thờ nhỏ, một Nhà Tạm từ lâu bỏ trống, một tòa Cáo Giải cũ kỹ và một cha sở không mấy thông minh?

Phải chăng sự biến đổi kỳ diệu ấy đã đến từ một con người đã thực sự "gặp gỡ Đức Kitô" hiện diện trong Phép Thánh Thể?

Và trong Năm Thánh Thể này, nếu tất cả chúng ta hiện diện hôm nay đều quyết tâm "gặp gỡ Đức Kitô" như Cha Thánh họ Ars, chắc chắn lời ĐTC sẽ trở thành hiện thực: "Hỡi những người bạn trẻ thân thương của Cha, Giáo Hội cần đến những chứng nhân đích thực cho Công Cuộc Rao Giảng Tin Mừng Mới: những người nam, những người nữ mà cuộc sống đã được biến đổi qua việc gặp gỡ Chúa Kitô, các bạn hãy biết chia sẻ kinh nghiệm này cho tha nhân. Giáo Hội rất cần đến những vị Thánh. Tất cả đều được mời gọi để nên thánh, và chỉ có người thánh thiện mới có thể canh tân và đổi mới nhân loại."

Trong niềm vui đón mừng Xuân mới, chúng ta hãy hướng về Mẹ Lavang và cùng cầu nguyện với ĐTC: "Nguyện xin Mẹ Maria, “người phụ nữ tôn kính phép Thánh Thể,” và là người Mẹ của Sự Thông Thái, hãy luôn hỗ trợ, đỡ nâng chúng con luôn suốt trọn đường đời. Xin Mẹ giúp chúng có những quyết định sáng suốt. Xin Mẹ dạy cho chúng con biết yêu thương những gì là chân thật, là thiện hảo và là sự tốt đẹp. Xin Mẹ hướng dẫn chúng con đến gặp người Con của Mẹ là Đấng Duy Nhất có thể thỏa mãn với những khao khát thầm kín nhất của tâm trí và trái tim nhân loại chúng con", để chúng con được thật sự biến đổi và góp phần canh tân nhân lọai. (xem SĐGTTG số 7)

GỢI Ý CHIA SẺ VÀ THẢO LUẬN :

Chắc hẵn, là kitô-hữu đã trưởng thành, ai trong chúng ta đã không một lần gặp gỡ ĐK và đã có những cảm nghiệm sâu sắc, sống động về Ngài. Hơn nữa, đến tham dự ngày gặp gỡ hôm nay trong trách nhiệm của người tông đồ giáo dân, mỗi người chúng ta đều có những suy tư về đời sống đạo. Trong những phút trao đổi sắp tới, theo lời ĐTC kêu gọi, chúng ta hãy cùng nhau chân thành chia sẻ cảm nghiệm của bản thân để giúp nhau xác tín và hạnh phúc hơn trên con đường tìm gặp ĐK trong đời sống đạo của chúng ta.

Chúng ta cũng có thể nêu lên những thắc mắc hay những khó khăn cụ thể trong những cố gắng tìm gặp ĐK. Có hai gợi ý:

  • Bạn nghĩ gì về đức tin truyền thống và đức tin xác tín?
  • Bạn có đồng ý với quan điểm của ĐTC: "Chỉ có những người thánh thiện mới có thể canh tân và đổi mới nhân lọai"? Tại sao?


Đặc Trách Giáo Dân Tổng Giáo phận Huế