GIỚI THIỆU SÁCH « VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN »

VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN

Của Ban Báo Giáo xứ
Do Giáo Xứ Việt Nam xuất bản
Paris, 2004 ; 640 trang, 20 euros

Có 5 lý do để bất kỳ người việt nam nào cũng nên đọc cuốn sách thứ 14 [1] của Ban Tu thư Giáo xứ Việt Nam Paris biên soạn, xuất bản và phát hành. Đó là cuốn sách VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN.

1. Bức tranh văn hoá Việt Nam

Lý do thứ nhất là vì bất cứ người Việt Nam nào cũng gắn bó với văn hoá Việt Nam. Trong cuốn VĂN HOÁ VÀ ĐỨC TIN, khung cảnh đầu tiên rất đẹp và rất cảm kích là bức tranh văn hoá việt nam, đã được Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh dùng ca dao tục ngữ hoạ lại với hai nét “Niềm tin và lòng nhân trong Văn Hoá Việt Nam” : tin linh hồn, tin quỉ thần, yêu thương con người, tương nhượng những khác biệt, dung nạp các tôn giáo. Qua cái khung niềm tin và lòng nhân này, ba nét độc đáo đặc biệt đã được trình bày.

Với ba mầu rất nổi là ngôn ngữ, văn chương và triết lý, Luật sư Lê Đình Thông và Bác sĩ Nguyễn Văn Ái đã vẽ nét thứ nhất và xác định rằng “Đất Việt là quê hương của đạo Trời“. Từ việc so sánh đối chiếu chữ “Trời“ trong ba nhóm ngôn ngữ Việt Hán, Latinh Pháp Ý Tây Ban Nha và Anh Mỹ Đức, luật sư Thông tóm lược đạo Trời trong văn học, từ văn học dân gian đến văn chương bác học, rồi rảo qua triết học đối chiếu Khổng Mạnh, để bàn về từ đạo Trời đến đạo Thiên Chúa và tìm cách dung hợp văn hoá để loan báo tin mừng. Bác sĩ Ái thì phân tích “Chữ Trời trong một số cổ thi quốc âm Việt Nam”, của những tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trần Tế Xương, Chu Mạnh Trinh, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du và đặc biệt là Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc.

Nét nổi thứ hai của văn hoá Việt Nam đã được Ông Bà Bình Huyên trình bày qua bài “Đức Hiếu Thảo“. Mở đầu, hai tác giả giới thiệu Dạo Hiếu của người việt nam về mặt văn hoá, với ảnh hưởng của tam giáo và việc thực hành đạo hiếu qua các giai cấp xã hội hoặc những đòi hỏi hay tự nguyện khác nhau. Tiếp đó Đạo Hiếu trong Công Giáo đã đươc giới thiệu với những nét nền tảng của Thánh kinh, những giáo huấn căn bản của Giáo Hội và qua tác phẩm chính yếu việt nam “Hiếu Tự Ca“ của Cụ Sáu Trần Lục. Rồi đi đến kết luận rằng người Công Giáo đã và đang củng cố và nâng cao chữ Hiếu của Việt Nam.

Nết nổi thứ ba của văn hoá việt nam là “Tôn kính Tổ Tiên”. Để mở lời trình bày đề tài này, Linh Mục Mai Đức Vinh đẵ xác định ngay từ đầu rằng : “Tôn kính Tổ Tiên đã có lâu đời ở Việt Nam. Và đây là một điểm son của nền văn hoá tâm linh của dân tộc. Nó mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng và với thời gian đã trở thành tín ngưỡng cổ truyền của người Việt, người ta quen gọi là Đạo thờ Ông Bà. Vì thế, trước khi là Nho sĩ, Phật tử hay Kitô hữu, người Việt Nam, ai cũng mang tâm thức sâu đậm về việc tôn kính tổ tiên”. Qua 74 trang sách, đề tài đã được quảng diễn qua năm phần : 1- Những nét chính yếu về việc tôn kính tổ tiên theo truyền thống Việt Nam, 2- Tôn kính tổ tiên trong Thiên Chúa giáo, 3- Từ va chạm đến dung hoà, 4- Tôn kính tổ tiên của người Công Giáo việt nam hiện nay tại quê nhà và ở hải ngoại, 5- Tôn kính tổ tiên với việc sống đạo và truyền giáo hôm nay.

2. Bối cảnh các tín ngưỡng truyền thống và các tôn giáo đã du nhập vào Việt Nam

Lý do thứ hai khiến bất kỳ người Việt Nam nào cũng nên đọc VĂN HOÁ VÀ ÐỨC TIN vì ỡ đây họ tìm thấy một phân tích sâu sắc và độc đáo về bối cảnh các tín ngưỡng truyền thống và các tôn giáo đã du nhập vào Việt Nam. Ðây là bài viết của Linh Mục Mai Ðức Vinh giới thiệu luận án tiến sĩ thần học của cụ Nguyễn Huy Lai, trình tại Ðại Học Công Giáo Paris vào mùa hè năm 1979 dưới tựa đề «La tradition religieuse spirituelle sociale au Vietnam » (Truyền thống Tôn Giáo Tâm Linh Xã Hội tại Việt Nam). Luận án này đã được Nhà xuất bản Beauchesne Paris phát hành, năm 1981, dày 530 trang.

Cha Vinh trước nhất đã tóm lược tổng quát 7 chương của luận án : 1- Các tín ngưỡng cổ thời, 2- Khổng giáo, 3-Lão giáo, 4- Phật giáo, 5- Ðạo Cao Ðài và Ðạo Hoà Hảo, 6- Kitô giáo hay lịch sử của Giáo Hội Việt Nam và 7- Ðối chiếu các tín ngưỡng và các tôn giáo ở Việt Nam với Kitô giáo.

Sau đó, cha Vinh đặc biệt giới thiệu công trình của Tiến Sĩ Lai qua chương 7 của luận án, trình bày « Ðối chiếu các tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam ». 1- Từ một nhận định chung của Giáo Hội, theo đó, ai cũng vấn nạn tại sao số người Việt Nam trở lại đạo Công Giáo không ngừng gia tăng và trong đó, Giáo Hội vẫn giữ thái độ kính trọng văn hoá việt nam, 2- Tiến sĩ Lai đã phân tích bản tuyên ngôn « Nostra aetae » về những liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. 3- Sau đó, ông phân tích các giá trị tiền Kitô giáo của các tín ngưỡng cổ thời : đạo thờ Trời, đạo thờ cúng tổ tiên. 4-Rồi các giá trị tiền Kitô giáo của đạo Khổng : nhân và nghĩa. 5- Các giá trị tiền Kitô giáo của đạo Lão : đức khiêm nhường, đức khó nghèo. 6- Các giá trị tiền Kitô giáo của đạo Phật : đức từ bi, đức bác ái. 7- Ta là đường, chân lý và sự sống. Ðó là nguyên tắc căn bản để đối thoại liên tôn, trong khiêm tốn và hoà giải, với tình yêu.

Cùng một chiều hướng là tìm hiểu các tôn giáo ở Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thị Hảo giớí hạn đề tài vào « Ðức tin Công Giáo và Niềm tin phật giáo ». Sau khi đã trình bày tổng quát về đức tin Công Giáo và niềm tin phật giáo, Luật sư Hảo đã so sánh những khác biệt của chúng qua 7 khía cạnh : về bản chất của các Ðấng sáng lập Ðạo, Về Thiên Chúa và sự tạo dựng vũ trụ, về ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, về sự tôn thờ Ðấng sáng lập Ðạo, về lòng bác ái, về Hữu ngã và vô ngã và về Thiên đàng và Niết bàn. Tiếp nối so sánh của Luật sư Hảo, Linh Mục Mai đức Vinh đặt vấn nạn « Ðạo nào cũng giống nhau ? » và đặc biệt đối chiếu Phật giáo và Công Giáo qua ba đề tài : Ðấng sáng lập Ðạo, niềm tin và sống đạo, để đặt vấn đề « Phật giáo là tôn giáo ? ». Có ý kiến thuận, có ý kiến nghịch. Ðây là một vấn đề tế nhị với người Việt Nam. Và trong đời sống cụ thể hằng ngày, chúng ta nên « Kính trọng và đối thoại nhưng kiên vững sống đức tin ».

3. Vài hình thức cụ thể mà Công Giáo đang hội nhập và đóng góp vào văn hoá việt nam

Những sự kiện Hội nhập và Ðóng góp lớn của người Công Giáo Việt Nam vào văn hoá Việt Nam thì ai cũng đă thấy : việc các linh mục truyền giáo và đặc biệt cha Ðắc Lộ học và nói tiếng việt thông thạo, hoà mình theo tập tục việt nam, đưa nghệ thuật dân gian vào tôn giáo, tổ chức các lễ hội Công Giáo và nhất là việc sáng chế ra chữ quốc ngữ bằng cách dùng mẫu tự latinh để phiên âm tiếng Việt Nam. VĂN HOÁ VÀ ÐỨC TIN khiêm tốn giới thiệu bốn hình thức cụ thể, qua đó Công Giáo đang hội nhập và đóng góp vào văn hoá Việt Nam: thánh ca, âm nhạc, thơ và báo chí. Ðây là lý do thứ ba khiến mọi người Việt Nam nên đọc cuốn sách.

Là một trong những người chứng kiến và tham gia sự khởi xuất của phong trào hát tiếng Việt Nam từ những năm 1940-1945 với nhóm những nhạc sĩ như Hoàng Quí, Phạm Ðình Chương, Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên, cùng với Hùng Lân, Thiên Phụng, TâmBảo là những người đầu tiên sáng lập Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh và dùng tiếng Việt Nam để sáng tác thánh ca, đưa tiếng việt vào phụng vụ Công Giáo. Qua bài « Hội nhập văn hoá qua thánh ca việt nam », nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên, bút hiệu Hồng Nhuệ, đã mô tả kinh nghiệm sống của mình trong việc hội nhập văn hoá Việt Nam và đức tin Công Giáo, trong lãnh vực âm nhạc. Theo nhạc sĩ Xuyên, « việc hội nhập văn hoá qua thánh ca có thể được thể hiện qua ba trường hợp chính yếu : ngắm 15 sự thương khó hay ngắm đứng, các cung kinh sách và vãn dâng hoa ». Và yếu tố thứ tư đã góp phấn hội nhập văn hoá qua thánh ca là thánh nhạc mà những người tiên phong là các nhạc sĩ trong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh.

Cũng trong chiều hướng kinh nghiệm sống hội nhập đức tin và văn hoá, qua bài « Âm nhạc cổ truyền việt nam trong phụng vụ Công Giáo », giáo sư Phương Oanh bày tỏ nỗi rung cảm « Tiếng đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị hoà với tiếng vĩ cầm, đại hồ cầm trong các bài thánh ca được viết trên âm giai ngũ cung đã tạo nên một khung cảnh rất đặc biệt và đã được tất cả cộng đoàn các nước có mặt khen ngợi », trong ngày lễ phong hiển thánh cho 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, tại Rôma năm 1988 ; Và « tha thiết mong ước nhạc cụ dân tộc sẽ được nhiều người chiếu cố học hỏi » .

Là một toát yếu văn học sử Công Giáo Việt Nam, bài « Ðóng góp của thơ Công Giáo vào việc truyền bá tin mừng » của Thầy sáu Phạm bá Nha đã giới thiệu các thi sĩ Công Giáo việt nam qua tiến trình ba giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu từ thế kỷ XVII, với : Thầy giảng Phanxicô, công chúa Catarina, Giáo sĩ Lữ Y Ðoan, Linh mục Ðặng đức Tuấn, Danh sĩ Phạm trạch Thiện, Linh mục Philiphê Rosario Bỉnh, Thánh linh mục Philiphê Phan Văn Minh, ..và hai tác phẩm khuyết danh : Tập thơ Inê tử đạo văn và Kịch ông thánh Lý Mỹ tử đạo. Giai đoạn các thi sĩ tiên phong, từ thế kỷ XIX, với : Cụ Sáu Trần Lục, Giám mục Nguyễn Bá Tòng, Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn, Nhiều tác giả trong Tuần báo Nam Kỳ Ðịa phận (1908-1945),Thi sĩ Hàn Mạc Tử. Giai đoạn các thi sĩ mới đương thời, với Linh Mục Lê Xuân Mầng, Vân Uyên, Xuân Ly Băng, Minh Châu, Phương Du Nguyễn Bá Hậu, Linh Mục Cao Vĩnh Phan, Linh Mục Võ Thanh Tâm, Linh Mục Ðinh Ðồng Thượng Sách, Lê Ngọc Hồ, Nguyễn Tầm Thường, Trăng Thập Tự.

Công việc cụ thể thứ tư mà bgười Công Giáo đang đóng góp vào Văn hoá Việt Nam là báo chí. Qua bàì « Thư mục Báo chí Công Giáo Việt nam 1908-2003», Linh muc Trần Anh Dũng đã tiết lộ rằng đây « là một công trình biên soạn khiêm tốn chào mừng sinh nhật lần thứ 20 : "Báo Giáo Xứ Việt Nam–Paris" (1984-2004). Công việc nghiên cứu không nguyên giới hạn ghi nhận tính liên tục của những tờ bản tin, đặc san hay báo chí do Giáo Xứ Việt Nam-Paris ấn hành; nhưng còn mang hoài bão thống kê sự hiện diện và phát triển của nền "Báo Chí Công Giáo Việt Nam" trong suốt một trăm năm qua tại quốc nội cũng như hải ngoại kể từ số 1 phát hành đầu tiên của "Tuần Báo Nam Kỳ Địa Phận" ngày 26-11-1908 cho đến hôm nay. Cho dầu hoài bão không quá lớn lao vĩ đại, nhưng khoảng cách không gian và thiếu sót tài liệu vẫn là trở ngại cho công việc sưu tầm biên khảo. Cầu mong được bổ khuyết, góp ý xây dựng để lần tái bản được thập phần viên mãn ». Với một cố gắng liên tục và công phu, Cha Dũng đã sưu tầm được tất cả 179 tờ báo Công Giáo Việt Nam phát hành trong suốt 100 năm qua, từ 1908 đến 2003.

4. Văn hoá Việt Nam được trồng vun trong một xứ đạo Công Giáo, Giáo Xứ Paris

Đức Tin Công Giáo và Văn hoá Việt Nam cuốn quyện vào nhau trong cuộc sống thường ngày của một cộng đoàn việt nam ở hải ngoại. Đó là chủ đề mà Giáo Sư Trần Văn Cảnh đã trình bày qua bài « Cây Văn hoá Việt nam trồng tại giáo xứ Paris » để giới thiệu một sự nhập thể của Đức Tin Công Giáo vào Văn Hoá Việt Nam, qua 131 trang. Đó cũng là lý do thứ tư khiến mọi người Việt Nam, lương cũng như giáo, đạo cũng như đời, bênh hay chống Công Giáo, nên tìm đọc cuốn VĂN HOÁ VÀ ĐỨC TIN để thấy một cách cụ thể sự đối thoại, hội nhập, cộng tác và xây dựng chung giữa Văn Hoá Việt Nam và Đức Tin Công Giáo, trong cuộc sống hằng ngày.

Qua lời kết, Giáo Sư Cảnh đã tóm tắt rằng : « Một sinh vật được tồn sinh theo những yếu tố di truyền mà nó đã lãnh nhận từ dòng giống, và được phát triển theo những yếu tố môi trường nơi nó cư ngụ. Cái biểu lộ tổng hợp xã hội của hai yếu tố di truyền và môi trường đó gọi là văn hóa. Cái biểu lộ tổng hợp xã hội của những thành quả và sáng chế dụng cụ của hai yếu tố đó gọi là văn minh. Văn hóa được biểu lộ nhiều ở tính tình, cách sống và sinh hoạt của một xã hội. Văn minh được xác định bởi những dụng cụ, di vật, công trình mà xã hội ấy sáng chế, sản xuất và xây dựng nên. Cây văn hóa Việt Nam trồng ở Giáo Xứ Paris có thể được họa với hai nét đậm, đỏ máu đức tin Công Giáo và vàng da văn hóa Việt Nam.

Người Việt Nam Công Giáo vì là Việt Nam, bám sâu vào rễ Âu Lạc, Bách Việt và Tam Giáo, nên dù ở ngoại quốc cũng biết nói, đọc và viết tiếng việt, nặng tình huynh đệ giống nòi rồng tiên, có tâm tính khoáng đạt siêu thoát, ưa cương thường hiếu thảo, vì là Công Giáo, được đào luyện trong khung nhân bản, thuần lý và đức tin, nên khăng khít với Giáo Hội, trung thành với đức tin, sẵn sàng tham dự các hoạt động tông đồ.

Giáo Xứ Việt Nam Công Giáo ở Pháp và đặc biệt ở Paris, gặp một môi trường thuận lợi cho nên dẫu còn non trẻ, mà được đầy sức sống tươi mát, có một tổ chức trong sáng và dệt được những tương quan hữu ích. Đó là thân cây. Từ những rễ sâu và thân tốt này, cây văn hoá viêt nam trồng tại Giáo Xứ Paris đã trổ sinh nhiều cành rậm rạp.

Ở cành thứ nhất, trong các sinh hoạt xã hội hàng ngày, người Công Giáo Việt Nam Paris vẫn thường gặp nhau luôn, trong các lễ hội chung đạo đời, qua các lễ giỗ tư sinh tử, và liên đới với nhau trong các ngành nghề.

Ở cành thứ hai, trong các sinh hoạt văn học, người Công Giáo Việt Nam ở Giáo Xứ Paris vẫn duy trì, trau dồi và bồi dưỡng những văn nghệ cổ truyền dân tộc, vẫn xây dựng được một hệ thống báo chí và mạng lưới tin học tiếng việt đáng chú ý ; vẫn tổ chức được những cuộc thuyết trình thảo luận giá trị, đã bắt đầu kiến tạo được một thư viện và một nhà xuất bản có tầm vóc nghiên cứu.

Ở cành thứ ba, trong các sinh hoạt giáo dục người Công Giáo việt nam ở Giáo Xứ Paris đã biết tạo cho mình một hệ thống giáo dục gần như hoàn hảo, bao gồm giáo dục khởi đầu ở mọi lớp tuổi ấu, thiếu, sĩ, tráng, và giáo dục liên tục rộng mở ra cho nhiều lứa tuổI, cho mọi cấp bậc xã hội và trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là pháp văn, mục vụ và hôn nhân gia đình.

5. Tương quan mật thiết giữa các nền văn hoá với đời sống đức tin và những đóng góp tạo hình quan trọng của người Công Giáo vào văn hoá Việt Nam

VĂN HOÁ VÀ ĐỨC TIN càng đáng đươc người việt nam tìm đọc vì nó đã được xây dựng với một cấu trúc đơn sơ và trong sáng qua hai tiếp cận hỗ tương bổ túc nhau. Tiếp cận nghiên cứu trình bày tổng quát cái khung văn hoá tôn giáo Việt Nam ; phân tích cái bối cảnh các tín ngưỡng truyền thống và các tôn giáo đã du nhập vào Việt Nam, từ Phật, Lão, khổng đến Công Giáo. Tiếp cận cụ thể giới thiệu vài hình thức cụ thể của việc hội nhập đức tin Công Giáo và văn hoá Việt Nam ; mô tả các sinh hoạt hàng ngày của một cộng đoàn Việt Nam Công Giáo, trong đó văn hoá Việt Nam và đức tin Công Giáo cuốn quyện vào nhau với những đối thoại, bổ túc và xây dựng lẫn cho nhau cả về nhận thức lẫn tổ chức và ứng xử[2].

VĂN HOÁ VÀ ĐỨC TIN do nhiều tác giả cộng tác nhưng có một văn phong chung, rất nghiêm chỉnh và nhẹ nhàng, cô đọng mà dễ hiểu. Ðiều đó không có nghĩa là không có những sự sáng tạo phong phú đặc biệt, như giọng bình dị của một bà mẹ, uy đanh thép của một người cha, cách lý sự của một nhà luật, cung lý luận của một linh mục, tính cảm xúc của mõt thi sĩ, nét khách quan của một giáo sư.

VĂN HOÁ VÀ ĐỨC TIN chắc hẳn sẽ làm giầu kiến thức và mở lối suy luận cho độc giả. Đó cũng là chủ đích của Ban Biên Tập, khi họ xác định trong lời mở rẳng họ “nằm lòng giáo huấn của Giáo Hội về tương quan mật thiết giữa các nền văn hoá với đời sống đức tin và việc truyền bá đức tin” và họ “ý thức sâu đậm những đóng góp tạo hình của người Công Giáo việt nam vào văn hoá Việt Nam. Nếu từ thế kỷ X, Tam giáo đã đưa cho văn hoá việt nam một chìa khoá văn học là chữ nho để đi vào văn hoá Á đông, thì từ thế kỷ XIX, Công Giáo đã tìm cho văn hoá việt nam một dụng cụ mới là chữ quốc ngữ, nhờ đó, văn hoá Việt Nam mở ra với văn hoá Âu Mỹ và văn hoá toàn cầu“.

Paris, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,

Ngày 13 tháng 11 năm 216

Trần Văn Cảnh

Chú thích

[1]. Cho đến hôm nay, ngày 13 tháng 11 năm 2016, 56 cuốn sách đã được Ban Tu thư biên soạn và Giáo Xứ Việt Nam xuất bản, phát hành. Ðó là những cuốn sau đây :

1. Kỷ Yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, 1947-1997 ; A4 ; 110 trang ; 1998

2. Giáo lý cho người trưởng thành ; 1998

3. Têrêxa vị thánh lớn của thời đại mới. 1998

4. Hành trang sống thế kỷ XXI; 1998

5. Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII, 2000 ; 540 tr ;

6. Fatima, hoà bình – tình thương, 2000

7. Đường vào tình yêu (chuẩn bị hôn nhân, đời sống gia đình Công Giáo), 2000 ; 336 tr.

8. Tâm tình tuổi xuân (Hỏi để biết sống), 2001 ; 456 tr.

9. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn I : Từ nguồn gốc cho đến thánh Grégoire Cả, 606, 2 tập, 2002 ; 852 tr.

10. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn II : Thời trung cổ, 600-1500, 2 tập, 2003 ; 850 tr.

11. Niên giám Liên Đới Nghề Nghiệp ; 2003 ; 78 tr.

12. Hội ngộ Niềm Tin ; 2003

13. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn III : Cải cách và chống cải cách, 2 tập, 2004 ; 918 tr. ;

14. Văn hoá và Đức tin, 2004 ; 640 tr.

15. Kỷ niệm 20 năm tái bản báo Giáo Xứ Việt Nam 1984-2004, Báo Giáo xứ Việt Nam, N° 200, số đặc biệt,; 01.02.2004 ; 128 tr.

16. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn IV : Kỷ nguyên ánh sáng, các cuộc cách mạng và canh tân, 2 tập, 2005 ; 840 tr.

17. Kỷ yếu Curia Maria Nữ Vương nước Việt Nam, 40 năm thành lập 1965-2005 tại GXVN Paris, 2006 ; 138 tr. ;

18. Tặng cho nhau (Kỷ niệm 60 năm Hội LTS/VN/P), 2006 ; 270 tr. ,

19. Văn hoá gia đình ; 2006 ; 552 tr.

20. Suy niệm Tin Mừng, Bộ I (A,B,C) ; 2006

21. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn V,Giáo Hội trong thế giới hiện đại, 1848 đến ngày nay, 2 tập, 2007, 1202 tr.

22. Trần Văn Cảnh và các vị khác ; Đức Hồng Y Jean–Marie Lustiger với Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, 2007 ; 106 tr.

23. Tọa Đàm : Kỷ niệm thành lập : 25 năm Hội Đồng Mục Vụ, 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, Báo GXVN, số đặc biệt, n°239 ; 2008 ; 96 tr.

24. Hội Đồng Quý Chức, 2008 ; 444 tr.

25. Tân Lịch sử Giáo Hội, cuốn VI : Đời sống các Đức Giáo Hoàng qua 2000 năm lịch sử, 2009 ; 308 tr.

26. Suy niệm Tin Mừng, Bộ II (A,B,C), 2009.

27. 60 năm Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-2007, 2 tập, 2010 ; 1190 tr.

28. Tân lịch sử Giáo Hội, cuốn VII, Lịch sử các Công Đồng, 2010 ;

29. Thơ Vân Uyên, 2011

30. Điểm nóng gia đình, 2011 ; 464 tr. ,

31. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 1 : 60 năm xây dựng nền mục vụ, 1947-2007 ; Paris : 2011 ; A4 ; 336 tr. ;

32. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 2 : Những sinh hoạt mục vụ cụ thể ; Paris : 2011 ; A4 ; 322 tr.

33. Giáo xứ Việt Nam Paris 63 năm hành trình đức Tin, 1947-2010 ; tập 3 : Mừng Năm Thánh 2010 với Giáo Hội Việt Nam ; Paris : 2011 ; A4 ; 176 tr.

34. Công Giáo Việt Nam tại Pháp 226 năm hành trình Đức Tin, 1784-2010 », 2011 ; A4, 363 tr.

35. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ; 2012

36. Lưu niệm Đại Hội Lộ Đức 2013 của Các Cộng Đoàn Công Giáo VN tại Pháp ; 2013 ; A4 ; 133 tr.

37. Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam, 2013

38. Thánh Gioan Maria Viannê, 2013

39. Lịch sử biên niên Giáo xứ Việt Nam Paris 1787-2013, 2014

40. Linh đạo hôn phối theo thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, 2014

41. Tuyển thơ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 2014

42. Triết học nhân bản theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 2014

43. Kính trọng tuổi già 1 : Giáo Hội quan tâm đến tuổi già, 2014 ; 82 tr.

44. Kính trọng tuổi già 2 : Suy niệm và cầu nguyện của người cao niên, 2014 ; 136 tr.

45. Kính trọng tuổi già 3 : Lời hay ý đẹp về người trọng tuổi, 2014 ; 38 tr

46. Kính trọng tuổi già 4 : Những bài viết về tuổi thọ, 2014 ; 174 tr.

47. Kính trọng tuổi già 5 : Tuyển thơ bô lão, 2014 ; 136 tr.

48. Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI, 2015.

49. Tuyển tập Hoàng Anh Tài, 2015, 530 trang.

50. Chứng nhân của Thầy, Kim Khánh Linh mục của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, 1965-2015, 2015 ; 302 trang.

51. Phó tế vĩnh viễn, thầy là ai ? 2015 ; 558 tr.

52. Cây văn hóa Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris, 2016 ; 302 tr.

53. Gia đình sống đạo; 2016; 146 tr.

54. Người trẻ sống đức tin ; 2016 ; 152 tr.

55. Con cái là hồng ân của Thiên Chúa ; 2016 ; 122 tr.

56. Giáo dục con cái ; 2016 ; 188 tr.

[2]. Cuốn « Văn Hoá và Ðức Tin » đã không được trình bày theo bố cục 4 phần tiếp cận Văn hoá, nhưng theo 15 bài của 15 tác giả, kể cả bài giới thiệu và bài lời mở, như sau :

1. Lời giới thiệu, do Ðô Giuse Ðinh Ðức Ðạo

2. Lời mở, do Lm Mai Ðức Vinh

3. Niềm tin trong Văn hoá Việt Nam, do Gs Tạ Thanh Minh Khánh

4. Ðất Việt là quê hương của Ðạo Trời, do Ls Lê Ðình Thông

5. Chữ Trời trong một số cổ thi quốc âm Việt Nam, do Bs Nguyễn Văn Ái

6. Ðối chiếu các t1n ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam với Kitô giáo, do Lm Mai Ðức Vinh

7. Ðức tin Công Giáo và Niềm tin Phật giáo, do Ls Nguyễn Thị Hảo

8. Ðạo nào cũng giống nhau ?, do Lm Mai Ðức Vinh

9. Âm nhạc cổ truyền Việt nam trong phụng vụ Công Giáo, do Gs Phương Oanh

10. Hội nhập văn hoá qua thánh ca Việt Nam, do Hồng Nhuệ

11. Ðức hiếu thảo, do Vs Bình Huyên

12. Tôn kính tổ tiên, do Lm Mai Ðức Vinh

13. Ðóng góp của thơ Công Giáo vào việc truyền bá tin mừng, do Pt Phạm Bá Nha

14. Thư mục Báo chí Công Giáo Việt nam, do Lm Trần Anh Dũng

15. Cây Văn hoá Việt Nam trồng tại Giáo Xứ Paris, do Gs Trần Văn Cảnh