Ngày gia đình thảo luận về ‘‘Trao Truyền Văn Hóa Và Đức Tin Cho Con Cái’’

Tại Giáo Xứ Việt Nam ở Paris, khoảng 70 người có mặt tham dự ngày Gia Đình lần thứ 3. Thành phần tham dự đa số là những cha mẹ trẻ, có con nhỏ, các bạn trẻ của khóa Dự Bị Hôn Nhân. Bên cạnh cũng có những vị đã là bà hay ông, giáo lý viên và huynh trưởng. Một vài cặp trẻ tình nguyện giữ trẻ để cha mẹ rảnh rang tham dự ngày hội. Hoan hô tinh thần những người trẻ này. Chương trình ngày hội từ 14g và kết thúc bằng thánh lễ lúc 17 giờ. Ls. Lê Đình Thông điều khiển chương trình. Anh Giang Minh Đức và Anh Bành Đình Hùng hoạt náo, và giúp vui.

Từ 13g30, các vị trong Ban Mục Vụ Hôn Nhân và các anh chị trong nhóm Gia Đình Trẻ đã chờ sẵn niềm nở đón tiếp từng người đến tham dự. Không bao lâu, sau khi chào hỏi thân quen, mọi người tham dự có sẵn chương trình và étiquette mang tên trên áo, kèm theo tài liệu ‘‘Gốc rễ Văn Hoá VN’’ của Gs Trần Văn Cảnh, hân hoan vui vẻ đi vào ngày hội. Đập vào mắt là bức vải trải dài bên tường hội trường từ trên xuống dưới, 2 m X 4 m, ghi chữ NGÀY GIA ĐÌNH 2004. Chữ xanh lá cây in trên nền vải xanh lạt. Hứa hẹn và gây nhiều nét vui tươi cho ngày gặp gỡ.

Sau lời giới thiệu chương trình của Ls Lê Đình Thông, tới phần Chia sẻ Lời Chúa, về : ‘‘Cha mẹ và con cái’’ (Ep. 6, 1-4). Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc cha mẹ, đừng làm con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Thày Nha đã dẫn giải theo sứ điệp Mùa Chay năm nay của ĐGH : Ngày nay cha mẹ được thừa hưởng công ơn giáo dục của ông bà thì phải có trách nhiệm giáo dục con cái nên người. Nếu con cái không tốt, đừng đổ lỗi cho xã hội mà phải tự trách vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ giáo dục Chúa trao phó (xem Lời Cha Chung, tr. 4)

Kế đến, ĐÔ. giám đốc Mai Đức Vinh ngỏ lời mở đầu đại hội bằng chào hỏi và nói tới tính cách khẩn trương, thực tế và khó khăn khi thảo luận đề tài : ‘‘Trao truyền đức tin và văn hoá cho con em từ lứa tuổi 3-4 đến 11-12’’. ĐÔ. đã nhắc tới giáo huấn của Công Đồng Vatican 2 : Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bù đắp lại được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính với Thiên Chúa và tha nhân, hầu chu toàn việc giáo dục cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Nói tắt, gia đình là trường học đầu tiên (dạy cho con em về đức tin và văn hóa dân tộc) (Mv 3)

Kết luận ĐÔ kêu gọi : Hiểu được giáo huấn của Công Đồng, chúng ta sẽ thấy đề tài trao đổi hôm nay là ý nghĩa và rất quan trọng, cũng như việc tổ chức Ngày Gia Đình chắc chắn đem lại cho quí phụ huynh nhiều giải đáp trong phạm vi của đời sống lứa đôi, đời sống gia đình theo tinh thần của Giáo Hội và xã hội hôm nay.

Tiếp theo, Gs. Tạ Thanh Minh-Khánh dẫn nhập vào đề tài thảo luận với ba điểm chính sau : Giáo dục là đề tài muôn thuở vì ảnh hưởng tác động chính bản thân con người và cách hành xử của một người liên quan đến gia đình, họ hàng thân cận và nhân quần xã hội. Mỗi ngưới trải qua ít nhất qua hai đoạn ‘‘được giáo dục’’ và ‘‘tự giáo dục’’.

‘‘Được giáo dục’’ từ trẻ thơ do gia đình, trường học, cộng đoàn...bởi cha mẹ, ông bà chú bác và những người trách nhiệm hướng dẫn

‘‘Tự giáo dục’’ khi biết suy nghĩ chín chắn, do kinh nghiệm trường đời, tìm học hỏi để nếu cần thì bổ khuyết, sửa đổi để có thể thăng tiến với thời gian.

Đề tài hôm nay nay giới hạn ở phần đầu. Giai đoạn tuổi thơ ‘‘được giáo dục’’. Làm cách nào để trao truyền văn hóa VN và đức tin công giáo là mối ưu tư của các cha mẹ trẻ. Chút nữa đây, tất cả những người có mặt sẽ cùng chia sẻ trao đổi kinh nghiệm.

Trong đời sống trăm năm sau, điều quan trọng không phải là tôi có bao nhiêu tiền trong ngân hàng, tôi ở nhà cỡ nào, tôi lái xe mang nhãn hiệu gì... Nhưng thế giới ngày nay có thể trở nên khác hơn vì tôi là phần quan trọng trong cuộc đời một đứa trẻ. Đó là ý thức phần vụ cá nhân, bổn phận thầm lặng của một gia đình. Tưởng chừng nhỏ nhoi, tầm thường nhưng lại là căn bản để cùng góp phần ổn định trật tự xã hội.

Vai trò của cộng đoàn, của những người trách nhiệm hướng dẫn là cung ứng bổ túc kiến thức để các bậc cha mẹ có thể ‘‘tu nghiệp’’ về vai trò làm cha làm mẹ theo từng giai đoạn trong cuộc đời đứa trẻ. Về ảnh hưởng giáo dục trong giai đoạn đầu hiểu biết, mà tôi nghĩ là ‘‘rất quan trọng’’ để định hướng tương lại một con người.

Phần tôi, thử xin nói lên vài suy nghĩ xoay quanh vấn đề giáo dục trẻ con, đặc biệt xin lưu tâm đến ảnh hưởng giáo dục trên tuổi thơ. Hẳn ai cũng đồng ý rằng con trẻ cần được chăm lo thể chất song song với việc dạy tinh thần. Đó là việc làm của cha mẹ. Nhưng việc làm của cha mẹ để sinh sống, tự lực cánh sinh thì được đào tạo, tối thiểu từ vài ba tháng đến 7, 8 mười năm. Còn việc của cha mẹ trong gia đình là ‘‘nghề tự học’’, không lương, không hưu... chỉ nhờ vào sách báo, kinh nghiệm trường đời. Thực hành tốt, nuôi dạy con nên người, ngoài ân sủng Chúa ban, là bởi ý thức trách nhiệm, và chấp nhận hy sinh. Những hy sinh nho nhỏ trải dài theo năm tháng, bớt giải trí cá nhân, bớt tự do hành xử...

‘‘Nói dễ, làm khó’’ thực tế cho thấy sinh hoạt gia đình hài hòa là tùy thuộc vào cách thức xử dụng thời gian còn lại, sau công việc ở sở làm. Mỗi giai đoạn một ưu tiên. Nhìn ra ưu tiên ở một giai đoạn cũng rất quan trọng cần cống hiến thì giờ cho việc nuôi dạy con cái.

Tiếp theo là phần quan trọng thảo luận. Các người tham dự được chia làm 2 nhóm thảo luận với hai đề tài khác nhau.

- Nhóm 1 : Trao truyền Văn Hóa VN trong gia đình cho con cái

Điều hành : Anh Bành Đình Hùng, Anh Bành Đình Dũng, Chị Bích Tiên và Chị Bích Thủy.

Đồng hành : Thày Phạm Bá Nha, Gs. Trần Văn Cảnh, Bs Vũ Kim Uyên, và Bs. Nguyễn Ngọc Đỉnh.

- Nhóm 2 : Trao truyền Đức Tin trong gia đình cho con cái

Điều hành : Anh Giang Minh Đức, Anh Bùi Công Tính, Anh Thanh Phong và Chị Thu Thủy.

Đồng hành : ĐÔ. Mai Đức Vinh, Cha Đinh Đồng Thượng Sách, và Bs. Tạ Thanh Minh.

Vào lúc 16 g : Sau giải lao tới các nhóm trình bày kết quả đã thảo luận. Được biết, giữa tháng 2, Ông bà Tạ Thanh Minh và nhóm gia đình trẻ đã họp cùng bàn thảo đưa ra một số câu hỏi làm sườn cho dễ thảo luận.

A.Hai điểm chính thảo luận về trao truyền Văn Hóa :

1. Tiếng Việt có phải là phương tiện trao truyền văn hóa không ?

- Cần dạy nói tiếng Việt không ? Nếu cần, từ lớp nào ?

- Cách nào và phương tiện nào để tập nói tiếng Việt ?

- Cha mẹ có cần nói tiếng Việt với con cái không ? Cả hai hay chỉ một người, còn người kia cứ nói tiếng Pháp ?

- Tạo dịp cho các con thực hành tiếng Việt cách nào ? (gặp gỡ bạn hữu, gia đình, cộng đoàn, tham gia sinh hoạt Thiếu Nhi.

- Cần học tiếng Việt không ? Khi nào và ở đâu ?

2. Giữ gìn phong tục VN, đặc biệt chữ Hiếu và Lễ - Cách nào để tập con cái hiểu và giữ Lễ, Hiếu - Làm thế nào giúp con cái hội nhập vào nền văn hóa Pháp mà vẫn giữ được văn hóa VN ? - Mức độ dung hợp giữa văn hóa VN và Tây Phương. Chỉ giữ văn hóa VN thôi. Không lưu ý đến văn hóa Tây Phương ? Hay ngược lại chỉ hội nhập văn hóa Tây Phương, mà không biết đến văn hóa Việt ? - Trao truyền văn hóa có làm giảm sút khả năng hội nhập không ? - Đề nghị nếu có các chứng từ thiết thực, có thể áp dụng. B. Bốn điểm cần thảo luận về trao truyền Đức Tin : 1.Vai trò khai tâm của cha mẹ : - Dạy những điều phải tin và thực hành - Có cần dạy con đọc kinh sáng, tối mỗi ngày, trước khi ăn và ngủ không ? - Có cần dẫn con đi lễ đều đặn mỗi Chúa nhật và lễ buộc không ? - Tới tuổi biết đọc biết viết, cho con học giáo lý - Tìm sách vở, tài liệu giúp con phân biệt thiện, ác, tốt, xấu. 2. Có cần phải dạy con duy trì những bí tích phụng vụ không ? Rửa Tội, Rước lễ lần đầu... Cần giải thích phải thực hành với tấm lòng, chớ không bằng hình thức. 3. Ảnh hưởng của cha mẹ : cần dạy và làm gương. Thí dụ kính Chúa yêu người bằng hành động. 4. Hướng dẫn con dự lễ với cộng đoàn. Nhắc nhở con về sự tôn nghiêm nhà thờ. Giúp con cái bằng cách chuẩn bị tâm lý giữ yên lặng, không chạy tới gây lo ra.

Do chuẩn bị chu đáo như trên, nên kết quả thảo luận rất kết quả và các anh chị điều hành làm việc đắc lực và nhịp nhàng. Xin hoan hô tinh thần phục vụ của các cha mẹ trẻ. Và đây là kết quả thảo luận.

Nhóm 1 trao đổi về ba điểm : Về dạy con tiếng Việt, giữ phong tục tập quán và tập cho con có tính hiếu thảo và lễ phép. Nghệ thuật và phương pháp giáo dục VN luôn là ‘‘dạy con, dạy thuở còn thơ, và uốn tre uốn thuở còn non’’. Gia đình là trường học, lớp học là bữa ăn, giờ coi TV, trao đổi truyện trò, gặp gỡ bạn bè, thăm viếng người thân và tham gia sinh hoạt cộng đoàn và đoàn thể. Đừng quên đem con đến Giáo Xứ VN sinh hoạt trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Tổ chức trong gia đình ngày lễ, giỗ, tết, kỷ niệm...

Lòng hiếu thảo và tôn kính cha mẹ là bài học đầu tiên. Muốn thế bầu khí gia đinh luôn ấm êm, hòa thuận kính trên nhường dưới. Để con em không đi tìm thú vui bên ngoài. Nên thận trọng và tế nhị, đừng khinh chê những gia đình hay trẻ em VN không nói được tiếng Việt. Để tạo bầu khí liên kết tình Việt người Việt trong cộng đoàn.

Hướng về tương lai, chẳng hạn một gia đình có nhiều anh em đang tản mát sinh sống ở nhiều nước trên thế giới. Nếu không dạy con cháu nói tiếng Việt, thì khi gặp nhau chúng nó sẽ không còn gì để hiểu nhau. Vì đứa nói tiếng Anh, đứa nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hòa Lan... Còn gì là gia đình Việt Nam. Lúc đó chúng tự hổ thẹn vì là con cháu VN mà không nói được tiếng mẹ đẻ. Quá muộn.

Nhóm 2 thảo luận qua ba câu hỏi : tại sao, và bằng cách nào để trao truyền đức tin và cha mẹ gặp khó khăn gì. Ông bà, cha mẹ là những người đã trao truyền đức tin cho mình thì đến lượt mình cũng phải trao lại cho con cái mình. Hơn nữa, mỗi người đã chịu phép rửa tội đều có nhiệm vụ truyền giáo. Truyền giáo trong gia đình. Cha mẹ (hay người công giáo) là nhịp cầu giữa Thiên Chúa và gia đình. Dạy con và uốn nắn ngay từ nhỏ ấu thơ bằng gương sáng và nhiệt tình. Khó khăn nhất là ngày nay con khôn hơn tuổi, và hiểu biết hơn cha mẹ. Do đó, cha mẹ luôn phải học hỏi trau dồi thêm và đổi mới về giáo dục. Để gây uy tín và lời dạy bảo mới có kết quả. Thực tế là dạy con những kinh ngắn và nghĩ tưởng đến Chúa. Đức tin khó khăn mới là đức tin sống động.

Phần đúc kết, Ls. Lê Đình Thông tán đồng với những ý kiến thảo luận của hai nhóm và đưa ra những ý kiến bổ túc mới. Trách nhiệm phụ huynh trong việc giáo dục con về văn hóa và đức tin là sứ mệnh ‘‘được sai đi trong khuân khổ năm truyền giáo đang thực hiện tại Giáo xứ’’. Trách nhiệm thật khó khăn và nặng nề. Nhưng với niềm tin sẽ đạt tới. Xây dựng gia đình tức là xây dựng cộng đoàn. Điểm quan trọng nhất cha mẹ phải sống xứng đáng là người gương mẫu và tốt. Để tránh như có trường hợp ‘‘con đã tuyên bố trước tòa án là không nhận cha mình là cha’’. Vì cha đã không phải là người tốt, không xứng đáng là cha.

Giữa đại hội có giải lao, là dịp gặp gỡ thêm và trao đổi tin tức sinh hoạt cá nhân. Và đặc biệt sen kẽ sinh hoạt, hai anh Giang Minh Đức và anh Bành Đình Hùng đã làm cho bầu khí đại hội và mọi người thoải mái và cười tươi, bằng các bài hát tập thể :

- Như một hòn bi sống

- Trái đất này quay tròn

- Anh và tôi cùng chọn

- Nơi này làm quê hương

- Bạn ơi, trong mỗi con tim

- Nhớ mang quê hương của mình

- Gặp nhau đây rồi chia tay

- Ngày vàng như đã vượt qua trong phút giây

- Niềm hăng say còn chưa phai - Đường trường sông núi hẹn mai sau xum vầy.

Thánh lễ vào lúc 17g. Ban Mục Vụ Hôn nhân và các Bạn Trẻ làm thành ca đoàn hát lễ. Sốt sắng. Bốn bài thánh ca được lựa chọn rất phù hợp với tinh thần Chủ nhật thứ V Mùa Chay : Điều gì phải lo. Như hạt miến. Vào đời. Cầu xin Thánh Gia.

Sau lễ, Cha Cẩn và thày Nha đã trao chứng chỉ cho học viên khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân. Những kỷ niệm đầy ý nghĩa cho ngày vui còn luôn để lại những khuôn mặt vui tươi trong hai tấm hình chụp chung của Ngày Gia Đình và Khóa Chuẩn Bị Hôn Nhân. (Giaoxuvnparis.org)