SAAIGÒN -- Sài Gòn những ngày đầu năm mới 2006 này, nắng vàng êm ả, và gió hiu thổi nhẹ nhàng làm mát rượi. Phố phường đông đúc người qua lại, ngang con đường Tôn Đức Thắng với từng đợt lá vàng bay rớt rơi xuống đường, rẽ vào ngôi nhà cổ kính quen thuộc trong khuôn viên Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn nay là Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin (NTT/VH&ĐT) thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn, đi trên con đường lượn quanh từ cổng bước vào bất chợt thoảng nghe nhè nhẹ tiếng nhạc đâu đây từ những chiếc loa gắn chìm dưới đất khiến lòng tôi có một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản như quên đi những muộn phiền, lo toan trong cuộc sống hằng ngày…

Nhà Truyền Thống Văn Hoá và Đức Tin tọa lạc giữa khu đất dài 192m rộng 56m trước đây là Chủng Viện Sài Gòn do cha Wibaux và Hội Thừa sai Balê xây dựng năm 1863 gồm Nhà Trưng Bày, Nhà Nguyện và mộ phần vị sáng lập, cha Wibaux.

Nhà Trưng Bày là dãy nhà ba tầng dài 52,55m rộng 23,4m đã qua nhiều lần sửa chữa và trùng tu lần cuối năm 1960. 44 năm sau vào đầu năm 2003, cả ba cơ sở được đại tu trong suốt hai năm để bây giờ trở thành Nhà Truyền Thống Văn Hóa & Đức Tin và đã được chính Đức Hồng Y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Bộ Rao Truyền Phúc Am Cho Các Dân Tộc, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn và Đức Giám Mục Giuse Vũ Duy Thống, Chủ Tịch Ban Điều Hành NTT/VH&ĐT đồng cắt băng khánh thành ngày 04.12.2005 vừa qua nhân chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Sepe tại Việt Nam. Một cuộc tiếp đón để lại ấn tượng cho ngài với hơn 1.000 người tham dự cùng những nghi thức đặc sắc mang đậm nét văn hóa dân tộc như múa rồng, múa lân, giả gạo.. v.v…

Quần thể phù điêu chủ đề “ Nhân Chứng Đức Tin “ của Điêu Khắc Gia Phạm Văn Hạng và các bạn hữu của ông là một tác phẩm giá trị, giá trị không chỉ về mặt ý nghĩa “ tinh thần “: Hình tượng Đức Maria và mỗi gương mặt người là một khuôn nhà Thánh được Chúa Thánh Thần đóng ấn như sẵn sàng tuyên xưng đức tin trong bất cứ tình huống nào… mặt khác tôi muốn nói đến “giá trị“ đúng nghĩa về “vật chất“. Quần thể tượng do điâu khắc gia Phạm Văn Hạng sáng tác, chỉ tên tuổi của ông thôi cũng đủ nói lên trị giá của những kiệt tác này.

Nói lên điều này để cho thấy sự cố gắng của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống Chủ Tịch Ban Qủan Trị và các cha trong Ban Qủan Trị NTT/VH&ĐT như Linh mục Giuse Trịnh Tín Ý, Phó Ban Điều Hành, cùng các linh mục Ủy viên như Linh mục Anrê Vũ Bình Định, đặc trách Hội Hoạ - Kiến Trúc, linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên, Loan Báo Tin Mừng, linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, linh mục Giuse Nguyễn Duy Diễm, Nghiên Cứu Nghệ Thuật, v.v...

Được sự cho phép của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống CT/BĐH và hướng dẫn của ông cố Trọng, người nắm giữ “ chìa khoá “ của ngôi nhà, tôi lần bước vào thăm các phòng trưng bày theo từng chủ đề…

Tầng 1 (Trệt) Về Nguồn, tầng 2 Hội Nhập, tầng 3 Dấn Thân.

  • Tầng trệt bên trái là phòng 1. Mang chủ đề “Nghệ Thuật Dân Tộc“, gồm một số bức tranh sơn dầu của các họa sĩ Công Giáo cũng như các họa sĩ thuộc các Tôn Giáo khác, nhiều tranh vẽ đề tài nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, có bức được vẽ cách đây khoảng hơn 50 năm… đặc biệt có hai chiếc trống đồng từ thời Đông Sơn và thế kỷ 16, bộ sưu tập của linh mục Nguyễn Hữu Triết gồm 450 chiếc đèn cổ đủ loại, đủ kiểu mà cha đã tâm huyết cả hằng bao nhiêu năm trời sưu tầm và dâng toàn bộ cho nhà truyền thống.
  • Phòng 2 là phòng “Chứng Tích Đức Tin“ nơi đây lưu lại xương các Thánh Tử Đạo Annê Thành, Paulus Phạm Khắc Khoan v.v… những mẫu xiềng xích, gươm, giáo đã từng dùng để trói các Thánh Tử Đạo.
  • Phòng 3 “Dấu Ấn Đức Tin“ lưu trữ tài liệu về 117 vị Thánh Tử Đạo VN, đất pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định, nồi đồng đựng đất ở Cống Chém, Huế, bình cát thấm máu các vị tử đạo VN…
  • Phòng 4 “Nghệ Thuật Thánh“ trưng bày một số tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Tạ Tỵ, Bé Ký, Phạm Văn Hạng, Nguyễn Rĩ, Tú Duyên, Hiếu Đệ, Nguyễn Thị Tâm, Lữ Thê, Trọng Nội ….
  • Phòng “Loan Báo Tin Mừng“ trưng bày một số áo lễ của các Giám mục, linh mục từ những năm đầu thế kỷ trước, các Toà kiệu Đức Mẹ, chuông cổ, chân đèn cổ, các đồ thánh… và hình ảnh các Vị Hồng Y, Giám Mục Việt Nam từ Đức Giám Mục Tiên Khởi Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Đaminh Hồ Ngọc Cẩn, Gioan Phan Đình Phùng, Tađêô Lê Hữu Từ, Phêrô Ngô Đình Thục đến các Đức Giám Mục được Tấn Phong gần đây nhất…
  • Thư viện, nơi trưng bày những sách kinh, tài liệu thánh được in ấn từ những năm 1857, 1880, 1883, 1889…
  • Phòng Nghiên Cứu Nghệ Thuật v..v..
Ngoài ra còn một số công trình nghệ thuật như: Các bia đá ghi tên 117 vị Thánh Tử Đạo VN, Thác Hoành Sơn, hồ Thanh Tâm, hồ Bánh và Cá, tượng Đức Mẹ Phước Đức, đài Các Thánh Tử Đạo VN, đuốc lửa Đức Tin… cả ngôi nhà nguyện Tiểu Chủng Viện cũng đã được tu sửa lại rất đẹp.

Hơn hai năm trời miệt mài làm việc của Đức Cha Giám Đốc và các cha trong Ban Quản Trị để ngày hôm nay ngôi nhà truyền thống này được trở nên một điểm tham quan của những vị khách trong và ngoài nước quan tâm đến những giá trị của Văn Hoá và Đức Tin. Theo Đức Cha Vũ Duy Thống cho biết: “ Một số công trình vẫn còn đang tiếp tục thực hiện, để ngôi nhà Truyền thống này được hoàn tất vẫn rất cần lắm những tấm lòng quảng đại của các ân nhân trong và ngoài nước “ những vị nào có tấm lòng vàng xin vui lòng liên lạc với Đức cha Giám Đốc hoặc đến trực tiếp tại Nhà Truyền Thống số 6B Tôn Đức Thắng, quận 1.

Chiều đã tắt nắng, màn đêm đã chực phủ đầy. Nơi ngôi nhà biểu tượng của Đức Tin hàng mấy trăm năm trước đài Đức Mẹ, tôi bắt gặp chừng khoảng 10 Đại Chủng Sinh đứng đọc kinh và hát vang bài hát ca ngợi Đức Maria, một buổi chiều thật bình yên giữa lòng phố phường tấp nập.