VAI TRÒ NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG ĐẠI GIA ĐÌNH NHÂN LOẠI

Trong hội thảo với chủ đề “Sống đạo theo cung cách Việt Nam” được tổ chức tại Huế trong mùa Phục Sinh 2004 vừa qua, tôi nhận thấy những đề tài ôn lại cách sống đạo trong quá khứ nhiều hơn số đề tài nhìn về hiện tại và vạch đường hướng mới cho tương lai. Thời gian dành cho thảo luận lại càng hạn hẹp hơn, nên thật thú vị khi chúng ta có dịp gặp gỡ hôm nay để cùng nhìn hiện tại và hướng về tương lai.

Đề tài tôi xin trình bày về “Vai trò người giáo dân trong đại gia đình nhân loại” gồm có ba phần :

1/ Đâu là vị trí người giáo dân trong lòng Giáo Hội ?

2/ Người giáo dân cần được trang bị gì ?

3/ Người giáo dân có thể làm gì ?

I. ĐÂU LÀ VỊ TRÍ NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG LÒNG GIÁO HỘI ?

Theo công đồng Vatican II, Giáo hội được trình bày như một cộng đoàn Dân Thiên Chúa, có Đức Kitô làm thủ lãnh, có phẩm giá và sự tự do hào hùng của con cái Chúa, nơi tâm hồn họ Chúa Thánh Thần ngự như trong đền thờ và luật của họ là giới răn yêu thương, như chính Đức Kitô đã yêu chúng ta. Chiều hướng thần học này đặt nổi tính bình đẳng về phẩm giá, căn tính và ơn gọi nền tảng của tất cả các kitô hữu trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.

Theo nhà thần học Congar, “ Giáo hội là một gia đình và như trong mọi gia đình nhân loại, mọi thành viên đoàn kết và phụ thuộc nhau”. Hoặc như một tác giả vô danh gửi thư cho Diognète, một người ngoài công giáo: “Linh hồn đối với thân xác như thế nào, thì người kitô-hữu đối với trần thế cũng như vậy… Linh hồn ở trong thân xác nhưng không phải là thân xác, cũng như Kitô-hữu sống trong trần thế nhưng không thuộc trần thế “.

Mảnh đất nhân bản và sinh hoạt trần thế được xem là môi trường riêng biệt của người giáo dân để sống lý tưởng Tin Mừng,bằng chính cuộc sống chứng tá, nhằm biến đổi cuộc đời từ bên trong, theo lý tưởng men trong bột. Nói cách khác,theo công đồng Vatican II, “giáo dân được đặc biệt mời gọi giúp Giáo hội hiện diện và hoạt động trong tất cả những nơi và hoàn cảnh mà Giáo hội chỉ có thể trở thành muối trần gian nhờ sự trung gian của giáo dân” (Gaudium et spes, số 43).

II. NGƯỜI GIÁO DÂN CẦN ĐƯỢC TRANG BỊ GÌ ?

Người giáo dân cần được đào tạo liên tục trong hai lãnh vực đạo và đời.

A. Lãnh vực đời :

Theo dữ liệu của “Tổng điều tra dân số Việt Nam”, trình độ học vấn ở VN rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Trong dân số từ 5 tuổi trở lên, VN có 37% dân số ở bậc tiểu học, 50% ở bậc trung học và <3% bậc đại học. Số người không có trình độ chuyên môn rất cao (91% dân số).

So với tỷ lệ chung của cả nước, số người công giáo đi học tiểu học cao hơn 2%, ở bậc trung học hầu như bằng nhau, tuy nhiên ở trình độ đại học lại thua 1%.

Nhân loại đang bước vào thế kỷ XXI, thời đại của văn minh trí tuệ. Tài nguyên đất nước tùy thuộc óc sáng tạo, khả năng nhận diện xu hướng của thế giới và sử dụng kỹ thuật. Ngân hàng Thế giới công nhận “kiến thức là nhân tố quyết định công cuộc phát triển trong mọi lãnh vực”. Giáo hội VN đang làm gì để khuyến khích giới trẻ nâng cao trình độ học vấn?

B. Lãnh vực đạo :

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có lời tâm huyết như sau : “Tôi xin hiệp ý với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đề nghị thành lập ở cấp giáo phận hay cấp quốc gia những trung tâm đào tạo giáo dân, để chuẩn bị họ làm công việc thừa sai như những chứng nhân cho Đức Kitô tại Á Châu ngày nay”.

Giáo dân cần được đào tạo về 2 chương trình :

Đào tạo thần học chiều sâu để giáo dân trở thành những con người tôn giáo đích thực. Gắn liền với đời thường, cầu nguyện đích thực phải làm phát sinh nơi các tín hữu chứng từ trong sáng về yêu thương và phục vụ (theo đại hội lần thứ 7 của Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á châu).

Mục vụ chuyên biệt cho từng ngành nghề để giúp giáo dân tự thánh hóa trong cuộc sống gia đình, nghề nghiệp và xã hội. Đời sống thường nhật là một cơ hội kết hiệp với Chúa và phục vụ tha nhân bằng cách đưa họ tới hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô (Gioan Phaolô II, Người tín hữu giáo dân, số 17).

III. NGƯỜI GIÁO DÂN CÓ THỂ LÀM GÌ ?

Chứng từ của bà Clara Ly:

Bà Clara Ly sinh năm 1946 tại Battambang, Campuchia trong một gia đình theo đạo Phật và là giáo sư Triết từ năm 1968. Bà đã khám phá Thiên Chúa trong trại tập trung của Khmer đỏ từ năm 1975 đến năm 1979 qua con đường của hận thù, vì bà đã trút cho Thiên Chúa tất cả nỗi căm thù chế độ độc tài. Từ năm 1980, bà xin tị nạn tại Pháp, bà được rửa tội và khi trở thành giảng viên ở viện Khoa học và Thần học tại Marseille, bà đã đi giảng thuyết nhiều nơi tại Pháp. Gần đây, bà được một giám mục tại Campuchia mời về nước để đào tạo cộng đoàn giáo dân tại đó và nghiên cứu về tác động của Chúa Thánh Thần trong truyền thống dân tộc, khám phá những bước đi của Thiên Chúa trong đạo Phật và loan báo đạo Chúa như một sự kiện toàn hơn là một sự cắt đứt với đạo Phật.

Chứng từ này giúp giáo dân Việt Nam chúng ta suy nghĩ về cách chúng ta đối thoại với các anh chị em thuộc tôn giáo bạn và cách chúng ta giới thiệu Chúa Giêsu cho họ.

Kết luận

Trong phần kết luận bài thuyết trình của cha Nguyễn Thái Hợp tại cuộc tọa đàm ở Huế, cha đã kể câu chuyện của một trứng chim phượng hoàng được một tiều phu mang về cho gà ấp. Phượng hoàng con này sống y như những con gà con khác đến một ngày thấy một chim phượng hoàng bay lượn trên không và nhìn thấy hình ảnh của mình dưới hồ nước. Con phượng hoàng chợt “ngộ” về căn tính của mình và bắt đầu vỗ cánh bay lên trời cao.

Người giáo dân không chỉ như đàn gà con theo sau gà mẹ trong khuôn viên nhà thờ, không giới hạn hoạt động trong việc phục tùng, thụ động chờ lệnh và ta thán hàng giáo sĩ trong các sinh hoạt tôn giáo cổ điển, nhưng có thể nhận ra căn tính phượng hoàng của mình để tung cánh bay đi khắp mọi môi trường và thực hiện sứ mạng yêu thương được Chúa giao phó, không phải trong sự phô trương, thống trị, nhưng trong âm thầm, ẩn kín của men, của muối trong trần thế…