Bức linh ảnh.

Nhân dịp đại hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Krakow, Ba Lan, nhiều người trong số 2.5 triệu thanh thiếu niên sẽ có cơ hội thăm viếng thánh địa Czestochowa ở gần đó để chiêm ngưỡng một bức linh ảnh lừng danh tên là Đức Bà Đen, làm tăng thêm bội phần con số 2 triệu người hành hương tới thánh địa này mỗi năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia Ngày Giới Trẻ Thế Giới và sau đó cũng đi tới Czestochowa, thăm viếng đan viện Jasna Gora là nơi bảo quản bức linh ảnh và cử hành thánh lễ kỷ niệm 1050 năm ngày nước Ba Lan gia nhập Thiên Chuá Giáo.

Tên chính thức cuả bức linh ảnh là Đức Bà Czestochowa, nhưng thường được gọi là Đức Bà Đen vì có màu da ngâm đen giống như nhiều bức ảnh có nguồn gốc Chính Thống Giáo từ thời đế quốc Bizantine. Được biết có khoảng 500 bức ảnh cũng mang tên là Đức Bà Đen ở Châu Âu, riêng ở Pháp có tới 180 Vierges Noires (Đức Trinh Nữ Đen), nhưng dựa vào tài liệu văn khố tìm được cho tới hôm nay thì Đức Bà Czestochowa là bức ảnh đầu tiên có danh xưng này.

Bức ảnh bằng gỗ cao 1.2m (4ft) vẽ theo một khuôn mẫu rất thịnh hành thời Trung Cổ gọi là "Hodegetria" nghiã là "Đức Bà chỉ bảo đàng lành", mô tả Đức Trinh Nữ đang chỉ tay qua Đức Chuá Giêsu là nguồn mọi ân sủng. Riêng bức ảnh Czestochowa có một bộ áo thêu nhiều nhánh hoa huệ, mà người ta nghĩ rằng đã được thêm thắt vào để cho giống y phục cuả những bậc vương tước thời xưa.

Nét đặc biệt cuả bức linh ảnh Czestochowa là ở trên mặt có hai vết chém, không thể nào sửa chữa được, sẽ được bàn tới ở đoạn sau.

Được tung hô với tước hiệu "Nữ Vương Ba Lan" vì đã từng cứu thoát nước Ba Lan qua khỏi một cuộc ngoại xâm, nhưng sự sùng kính bức linh ảnh đã vượt qua biên giới quốc gia, với nhiều đền thờ tôn vinh ở Đông Âu, Ukraine, Belarus và Nga, không chỉ ở các thánh đường Công Giáo mà còn ở thánh đường Chính Thống Giáo nữa. Đây là một bức linh ảnh hiếm hoi được cả hai hệ phái Kitô giáo cùng tôn kính.

Sở dĩ như vậy là vì trước khi "định cư" với người Ba Lan, Đức Bà Đen đã "chu du" khắp miền Đông Âu qua nhiều thời đại.

Nguồn gốc, cổ tích, lịch sử và thành tích cuả bức linh ảnh.

Truyền thuyết kể lại rằng bức linh ảnh đã có từ thời 12 thánh Tông Đồ, được vẽ bởi chính tay của Thánh Sử Luca, sử dụng một chiếc bàn thợ mộc mà Chúa Giêsu đã dùng.

Khi Thánh Luca vẽ thì ngài cũng lắng nghe những câu chuyện cuả Mẹ Maria kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu, do đó mà trong Tin Mừng cuả Thánh Luca có việc kể lại sự tích Giáng Sinh.

Sự thực về truyền thuyết này như thế nào thì người ta chưa thể chắc chắn được. Khoa Khảo Cổ đã cho thử nghiệm xem tấm hình có số tuổi là bao nhiêu nhưng không thể đưa đến một kết luận vì qua nhiều thời đại, người ta đã vẽ thêm vào bức tranh nhiều lần, nhất là sau cái nạn bị loạn quân Hussite cướp đi vào năm 1430 thì theo tài liệu ghi chép lại cuả ông Risinius, chiếc bảng gỗ nguyên thủy đã bị vỡ và bị thay thế, tấm vải luạ (canvas) bị rách đã được tẩy xóa để vẽ lại, và chiếc mũi trong hình cũng được sửa cho thành hình chiếc muĩ trái xoan.

Huyền thoại cùng cho rằng chính Thánh Nữ Helena đã đến Jerusalem vào năm 326 để tìm Thánh Giá thật, Bà đã tìm thấy bức ảnh này. Bà đã đem tặng cho con trai là hoàng đế Constantine, và vị hoàng đế đã xây dựng một ngôi đền ở thành đô Constantinople để tôn kính.

Khi thành Constantinople bị quân Hồi Giáo Saracens vây hãm, người ta đã rước bức linh ảnh lên tường thành và quân Saracen đã bị đánh bại.

Khi vua Charlemagne thống nhất Châu Âu và được tấn phong Hoàng Đế cuả 'Đế Quốc Thánh Roma' (Holy Roman Emperor), ông đã tặng bức linh ảnh cho vua Leo của Ruthenia (phía tây bắc Hungary, là vùng đất cuả giống người Slav, bao gồm Lithuania và Balan ).

Vào thế kỷ 11 Ruthenia bị xâm lăng bởi một vương quốc lớn mạnh hơn nhiều, nhà vua đã cầu nguyện với Đức Mẹ để che chở cho mình, và sự việc xẩy ra là trời đất đã đen khịt lại, bóng tối che phủ toàn thể quân địch, và họ đã tấn công tiêu diệt lẫn nhau.

Vào thế kỷ 14 thì bức linh ảnh được đưa tới Jasna Gora ở Ba Lan, từ đó chúng ta bắt đầu có những ghi chép cẩn thận vể những biến cố xảy ra sau này.

Năm 1382 quân Tartar vây hãm pháo đài Belz đang lưu giữ bức linh ảnh, một mũi tên đã ghim vào cổ của hình Đức Mẹ. Ông hoàng trấn thủ pháo đài lo sợ bức ảnh có thể rơi vào tay địch quân nên đã chạy trốn trong đêm và mang bức linh ảnh tới thị trấn Czestochowa.

Bức linh ảnh được đặt trong một nhà thờ nhỏ, và sau đó một tu viện được xây lên để đảm bảo sự an toàn cho bức linh ảnh.

Tuy nhiên vào năm 1430, loạn quân Hussites đã tràn ngập tu viện cướp được linh ảnh. Một tên cướp đã đặt bức linh ảnh vào một chiếc xe ngựa để đem đi. Nhưng những con ngựa không chịu bước. Tức giận, nó đã rút gươm và chém vào bức tranh hai lần, khi nó vung gươm lên lần thứ ba, thì đột nhiên ngã xuống, quằn quại trong đau đớn, và chết.

Những nỗ lực để sửa chữa những vết sẹo từ mũi tên và thanh kiếm đã gặp rắc rối và người ta đã phủ lên bức linh ảnh một lớp sơn pha với lòng trứng và sáp. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn thấy dấu tích cuả các vết thương.

Vào năm 1655 thì Ba Lan đã thua trận và gần như hoàn toàn bị tàn phá bởi Vua Charles X của Thụy Điển, chỉ còn vùng chung quanh tu viện cuả bức linh ảnh là chưa bị chiếm. Một cách kỳ diệu, với chỉ có 70 thày tu và 180 dân quân tình nguyện từ các làng xã lân cận mà họ chống trả được một lực lượng tinh nhuệ cuả Thuỵ Điển đông đến 4000 trong suốt 40 ngày đêm, sau cùng quân Thuỵ Điển đã nản chí phải lui binh. Từ đó nước Ba Lan đã lật ngược thế cờ và đánh đuổi được quân xâm lược.

Sau sự kiện kỳ diệu đó, vua John II Casimir Vasa đã đăng quang bức linh ảnh Đức Bà Czestochowa là Nữ Hoàng Ba Lan, đặt quốc gia dưới sự bảo vệ cuả Mẹ.

Ngày nay

Trong thời cận đại, đã vẫn có những câu chuyện lạ được truyền tụng liên quan đến bức linh ảnh, như trong cuộc xâm lược của Nga vào Ba Lan năm 1920, khi quân Nga tiến đến bờ sông Vistula và đe dọa thành phố Warsaw, thì họ nhìn thấy hình ảnh của Đức Mẹ xuất hiện trong đám mây trên thành phố, và họ đã rút. (Xin xem Note * về quan điểm lịch sử.)

Czestochowa là địa điểm hành hương quan trọng nhất cuả người Ba Lan. Từ năm 1711 cho đến nay vẫn có nhiều người tham gia một cuộc hành hương đi bộ, họ khời hành từ Warsaw vào ngày 6 tháng 8 và đi qua một đoạn đường dài 230 km (140 dặm) đến nơi đây. Ngay trong những lúc khó khăn nhất vẫn có người thm gia cuộc hành hương này, nhiều cụ già vẫn còn nhớ lại những đêm tối mò mẫm, bất chấp hiểm nguy, đi lén lút theo những con đường mòn trong thời Ba Lan bị Đức Quốc Xã xâm chiếm. Thánh Giáo Hoàng John Paul II cũng từng đi lén lút như vậy trong thời Ngài còn là một sinh viên.

Ngày nay người ta hy vọng Czestochowa sẽ là một cánh cửa mở rộng cho sự cảm thông giữa Đông và Tây. Theo ý kiến của Đức Hồng Y Dziwisz thì dựa vào lịch sử cuả Ngày Giới Trẻ và bức linh ảnh Czestochowa, thì sự kiện Ngày Giới Trẻ năm nay sẽ mang một ý nghĩa rất đặc biệt cho nhiều quốc gia Châu Âu, như Ukraine chẳng hạn, nơi mà người dân đang phải đối mặt với những xung đột chính trị và sắc tộc.

"Chúng ta không được quên rằng Ngày Giới trẻ Thế giới đã từng diễn ra tại Czestochowa 25 năm trước đây và đó là lần đầu tiên có thanh thiếu niên đến từ các nước phía đông. Khoảng 200.000 người, đến từ Ukraine, Nga và Belarus ", Ngài nhắc lại.

"Lúc đó là lần đầu tiên, sự kiện Ngày Giới trẻ Thế giới đã trở thành toàn cầu thực sự. Chúng tôi đã có dịp giúp đỡ những thanh thiếu niên từ các nước miền Đông tới.. . đặc biệt từ Belarus và Ukraine," Ngài thêm rằng dù cho cuộc xung đột hiện nay ở Ukraina làm cho việc du lịch trong khu vực trở nên khó khăn hơn, " chúng tôi không loại trừ bất cứ ai. "

-------------

Note * Trận Warsaw 1920: Hồng quân Nga do thống tướng Mikhail Tukhachevsky chỉ huy tiến vào Ba Lan như vũ bão theo trục Đông-Tây, phá tan quân Ba Lan và tiến đến bờ sông Vistula ngày 12 tháng 8 năm 1920. Ông đã không đánh thốc vào Warsaw để tránh những thất bại phải vượt sông cuả những tướng ngày xưa, mà định đi vòng lên phiá Bắc để bao vây. 4 ngày sau, ngày 16 tháng 8 năm 1920, tướng Jozef Pitsudski cuả Ba Lan đã bất ngờ phản công từ phía Nam trong một kế hoạch mà bộ tham mưu cuả Ba Lan đã gạt qua một bên vì cho là 'tài tử', và ngay chính gián điệp bên Nga cũng cho đó chỉ là một mẹo vặt nhằm đánh lạc hướng.

Trước cuộc phản công bất ngờ này, Hồng Quân Nga đã bị rối loạn hàng ngũ phải rút về sông Neman. Trong trận này Nga thiệt hại đến 10 ngàn người, 500 mất tích, 30 ngàn bị thương và 66 ngàn bị bắt. Ba Lan mất 4500, 10 ngàn mất tích và 22 ngàn bị thương.

Lenin lúc đó nhận định rằng trận Warsaw là một thất bại nặng nề, sau đó vài tháng, quân Nga tiếp tục thua và phải ký với Ba Lan và Ukraine một hiệp ước về biên giới và nền độc lập cuả Ba Lan. Ba Lan giữ được nền độc lập này cho đến Thế Chiến II.

Sử gia Norman Davies trong cuốn sách "The Soviet Command and the Battle of Warsaw," (Lãnh đạo Xô Viết và trận đánh Warsaw) cho rằng quân Xô Viết thất trận bởi vì đã chậm không tiền vào Warsaw trong khi quân Ba Lan nhanh nhẹn gây cho quân Xô Viết nhiều khó khăn chồng chất mỗi ngày mỗi thêm lên.

Xin ghi chú rằng những người viết sử không bao giờ dùng một sự kiện tâm linh làm bằng chứng, tuy nhiên không ai đã giải thích nổi một cách hữu lý vì sao tướng Mikhail Tukhachevsky lại chần chờ tới 4 ngày trước một thành phố Warsaw đã bỏ trống.