VI. Phúc thay ai có lòng thương xót

Sứ điệp thương xót của Thiên Chúa không phải là một lý thuyết xa lạ đối với hành động và thực tại của thế giới, nó cũng không dừng lại ở bình diện phát biểu cảm xúc thương hại. Chúa Giêsu dạy ta phải có lòng thương xót như Thiên Chúa (Lc 6:36). Trong Bài Giảng Trên Núi, Người tuyên bố ai có lòng thương xót là người có phúc (Mt 5:7). Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, ta đọc thấy: “Bởi thế anh em hãy trở nên những người bắt chước Thiên Chúa, như những đứa con qúy yêu, và hãy sống trong tình yêu, như Chúa Kitô yêu thương chúng ta và phó mình cho chúng ta, như lễ dâng và hy lễ thơm tho dâng lên Thiên Chúa” (Ep 5:1-2). Chủ đề quán xuyến imitatio Dei, bắt chước Thiên Chúa và hành động của Người nơi Chúa Giêsu Kitô này, là điều nền tảng đối với Thánh Kinh (1). Do đó, sứ điệp thương xót của Thiên Chúa có nhiều hậu quả đối với đời sống của mọi Kitô hữu, đối với triết lý hành động mục vụ của Giáo Hội, và đối với các đóng góp mà các Kitô hữu nên cung hiến cho việc cơ cấu hóa xã hội một cách nhân ái, công chính, và đầy lòng thương xót.

1. Tình yêu: giới răn chính của Kitô Giáo

Trong Cựu Ước, các chữ “có lòng thương xót” và “thương xót” ít khi xuất hiện để lên đặc điểm cho tác phong con người; tuy nhiên, thực tại mà các chữ này muốn ám chỉ quả có trong Cựu Ước. Thánh Vịnh 15 trả lời câu hỏi:

“Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa?
được ở trên núi thánh của Ngài?

Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,

miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.

Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời,
lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,

cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ
mà hại đến người ngay” (Tv 15:1-5).

Thánh Vịnh 112:5 cũng nói một điều tương tự:

“Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn,
biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình”.

Chúng ta cũng đã nói một cách chi tiết về trật tự xã hội trong Cựu Ước, vốn được sắp đặt cho việc bảo vệ người yếu và người nghèo. Chúng ta cũng đã nói đến sứ điệp của các tiên tri: lời chỉ trích của các ngài đối với các liên hệ bất công khiến ta không còn gì để nói thêm (2). Tiên Tri Mikha tóm lược điều Thiên Chúa mong chờ ở con người:

"Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt,
điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn:
đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa
và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn." (Mk 6:8; xem Tb 12:8).

Nghĩa vụ làm phúc bố thí đã được nhấn mạnh cách riêng (Tb 4:7-11; Hc 7:10, 29). Trên nền tảng này, các việc yêu thương trong Do Thái Giáo sơ khai đóng một vai trò quan trọng (3).

Chúa Giêsu đứng trong truyền thống Cựu Ước – Do Thái Giáo trên. Sự liệt kê các việc yêu thương trong diễn từ long trọng của Người về Phán Xét Chung đặc biệt tương hợp với truyền thống Do Thái này: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà đỗ nhờ, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ yếu đau và bị giam cầm (Mt 25:35-39). Điều ngạc nhiên trong bảng liệt kê này là: Chúa Giêsu hoàn toàn chỉ nêu các việc bác ái chứ không phải các việc đạo đức làm tiêu chuẩn để phán xét. Khi làm như thế, Người đã dựa vào lời tiên tri Hôsê: “Ta muốn lòng thương xót, chứ không muốn hy lễ” (Mt 9:13; 12:7; xem Hs 6:6; Hc 35:3). Do đó, trong Bài Giảng Trên Núi, Người nói: “Bởi thế, khi các con dâng của lễ ở bàn thờ, nếu các con nhớ anh chị em các con có điều gì chống lại các con, các con hãy để của lễ lại trước bàn thờ và đi đi; trước nhất hãy giảng hòa với anh chị em các con đã, rồi mới trở lại và dâng của lễ của các con” (Mt 5:23-24; xem Mc 11:25). Nếu ta thực sự coi trọng các lời lẽ này của Chúa Giêsu, ta phải hỏi ta có hay tìm cách giảng hòa trước khi đến cử hành Thánh Thể không và có hay giữ mình đừng rước lễ hay không?

Chúa Giêsu giải thích giáo huấn của Người bằng các dụ ngôn đầy ngạc nhiên (4). Dụ ngôn Người Samaria nhân hậu của Người đã trở thành châm ngôn. Thời ấy, người Samaria không được coi là người Do Thái chính thống. Thành thử, việc Chúa Giêsu chọn ngay người Samaria làm mẫu mực cho tác phong chân chính quả có tính khiêu khích, và Người phán: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10:25-37). Trong dụ ngôn người đầy tớ không biết tha thứ, Chúa Giêsu lại giải thích một lần nữa rằng ta phải tỏ lòng thương xót với những ai mắc nợ ta, giống như Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót với ta (Mt 18:23-35). Nếu Thiên Chúa đã xử với ta một cách thương xót, thì ta, ta cũng phải tha thứ và tỏ lòng thương xót lẫn nhau. Trong các hành vi thương xót của ta, lòng thương xót của Thiên Chúa với người lân cận của ta được thể hiện một cách cụ thể. Trong các hành vi thương xót của ta, người lân cận của ta cảm nghiệm được một điều gì đó lạ lùng về sự thống trị vương giả của Thiên Chúa, một sự thống trị đã bắt đầu ló dạng một cách bí mật. Nhờ cách này, lòng thương xót có nghĩa hơn một phúc lợi an sinh xã hội hay một cơ quan bác ái hay chính trị xã hội (dù dĩ nhiên không loại bỏ các cơ quan này).

Do đó, chúng ta không ngạc nhiên bao nhiêu khi có người yêu cầu Chúa Giêsu nhận diện giới răn lớn nhất, trong tinh thần Cựu Ước, Người đã chó đó là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận (Mc 12:29-31; Mt 22:34-40, Lc 10:25-28) (5). Cả hai giới răn vừa kể đều có trong Cựu Ước, tuy ở hai chỗ khác nhau (Đnl 6:5 và Lv 19:18), nhưng đã có khuynh hướng muốn đem chúng lại một chỗ (6). Với Chúa Giêsu, chúng tạo thành một thể thống nhất hoàn toàn không thể phân ly. Khi làm như thế, Chúa Giêsu đã mở rộng quan niệm người lân cận, vượt quá các quan niệm của dân Do Thái, để áp dụng vào mọi người. Điều có tính căn bản từ nền tảng là phải giữ cho cả hai giới răn đi đôi với nhau; sẽ không có tình yêu Thiên Chúa nếu không có tình yêu người lân cận. Chỉ khi nào hai giới răn đi với nhau, chúng mới tóm lược và chu toàn được trọn bộ lề luật. Đi với nhau, chúng mới là tinh túy, là tóm lược, và là hình ảnh thu nhỏ của hiện sinh Kitô Giáo.

Thánh Augustinô đã mô tả một cách đẹp đẽ cách hai giới răn này đi đôi với nhau:

“Đừng có ai nói rằng: ‘Tôi không biết tôi phải yêu gì’. Họ hãy yêu người anh em của họ, và họ sẽ yêu chính tình yêu ấy… Đối tượng của tình yêu bác ái phải là một điều mà đức ái khiến ta phải yêu; và, nếu ta phải bắt đầu từ những người gần nhất, thì đó chính là người anh em của ta… Dòng tư tưởng làm sáng tỏ đủ điều này là cũng tình yêu huynh đệ này (tình yêu khiến ta yêu nhau) không phải… chỉ là tình yêu ' vì Thiên Chúa' mà là tình yêu 'Thiên Chúa'… Từ điều vừa nó, ta có thể suy ra rằng Hai Giới Răn này không thể tách biệt nhau” (7).

Nếu ta xem xét sự nối kết trên một cách nghiêm túc, thì, lẽ dĩ nhiên, ta sẽ không thể để tình yêu Thiên Chúa bị tan hòa vào tình yêu người lân cận, là tình yêu chỉ có thể kết thúc bằng một chủ nghĩa nhân đạo một chiều, trong đó, tình yêu Thiên Chúa và mối tương quan với Thiên Chúa, nói chung, sẽ biến mất. Tình yêu triệt để đối với người lân cận mà Chúa Giêsu vốn đòi hỏi sẽ là điều bất khả nếu không có sức mạnh phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa (8).

Đối với Thánh Phaolô cũng thế, tình yêu là chu toàn lề luật (Rm 13:10; Gl 5:14) và là mối dây liên kết tuyệt hảo (Cl 3:14). Giống Chúa Giêsu, Thánh Phaolô cũng tiếp nhận sứ điệp của Tiên Tri Hôsê để khuyên ta, “vì lòng thương xót của Thiên Chúa”, hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12:1; xem Ep 5:1tt). Hành động thương xót và tha thứ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô phải là mẫu mực cho hành động của người Kitô hữu: “anh em phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Ep 4:32; xem Cl 3:12). Một lần nữa, ta không hành động dựa trên một cơ sở duy nhân đạo, mà đúng hơn, minh nhiên dựa trên một cơ sở yêu người lân cận của Kitô học.

Đỉnh cao và cũng là hệ quả thực tiễn mà quan điểm Kitô học này dẫn ta tới đã trở nên hết sức rõ ràng, trước hết, trong bài ca ngợi tình yêu mà Thánh Phaolô đã viết trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (13) (9). Vì tính phê phán cao độ và trổi vượt của nó, ta phải hiểu đoạn văn này ngược với sự phấn khích của những người cực đoan. Chống lại thứ phấn khích này, Thánh Phaolô muốn dẫn khởi tình yêu làm thuốc sửa sai duy nhất cần thiết. Không có tình yêu, mọi điều khác, nói tiên tri, hiểu biết các mầu nhiệm, kiến thức, đức tin, ngay cả các công trình vĩ đại và việc bác ái, đều là số không; tất cả đều vô ích, không mang lại hiệu quả nào. Điều này cũng đúng đối với những bài giảng chải chuốt nhất về mỹ từ học, những nền thần học bác học nhất, những dấn thân nhiệt thành nhất với đức tin chính thống, nếu chúng có tính tự cho mình là công chính, giáo điều, cao ngạo, và thiếu yêu thương. Ngay việc tử đạo, ngay trong nó, cũng không đáng kể. Các người lạc giáo, các người cộng sản, và nhiều nhóm khác cũng có các tử đạo của họ vậy. Tình yêu mới là đặc điểm phân biệt người Kitô hữu đích thực (10). “Nếu tôi… không có tình yêu, tôi là số không” (1Cr 13:2-3).

Tuy nhiên, ta không nên nói tới một thứ ca khúc yêu đương, vì bài mô tả của Thánh Phaolô không hề có tính cảm tình sướt mướt. Nó có tính cụ thể và hết sức hiện thực. Chúa Giêsu Kitô chỉ cho ta con đường tình yêu. Con đường Chúa Giêsu đã dùng để leo xuống với chúng ta là con đường duy nhất để ta leo lên tới Người (11). Xét cho cùng, mọi điều khác đều sẽ qua đi; chỉ có tình yêu là tồn tại. Tình yêu là cao cả nhất trong mọi sự vật (13:13). Nếu chỉ có tìh yêu là tồn tại, thì các việc làm của tình yêu cũng sẽ tồn tại. Chúng là những điều duy nhất ta có trong tay vào lúc phán xét cánh chung và, có thể nói, chúng là những điều duy nhất mà chúng ta có thể trưng ra trước khi bị phán xét. Chúng còn mãi trong sự hiện hữu liên tục của thực tại. Trong cái say sưa của tình yêu, sự việc cuối cùng (eschaton) đã bắt đầu ló dạng ngay từ bây giờ.

Thánh Gioan đã khai triển thêm các ý tưởng trên và hoàn toàn đào sâu chúng. Theo ngài, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương (Ga 14:21) để ta có thể yêu thương nhau (Ga 13:34). Dưới ánh sáng của nền tảng thần học chặt chẽ này, Thánh Gioan nói đến giới răn yêu thương mới như đặc điểm để nhận biết người Kitô hữu: “Thầy ban cho các con một giới răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau. Bởi điều này, mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13:34-35). Trong diễn trình này, Người nói rõ: tình yêu là dấu ấn đặc biệt của lối sống Kitô Giáo. Thước đo tình yêu này vượt quá mọi thước đo bình thường của con người; nó được đo bằng tình yêu được Chúa Giêsu chứng tỏ cho chúng ta bằng cách hiến mạng sống Người. “Đây là giới răn của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không ai có tình yêu lớn hơn tình yêu này là hiến mạng sống mình vì bạn bè” (Ga 15:12-13).

Thư thứ nhất của Thánh Gioan đã tiếp nhận các câu quả quyết trên:

“Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, … Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối, và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng… Nếu ai nói: 'Tôi yêu mến Thiên Chúa' mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 2:10-12; 4:20-21; xem 5:3; 2Ga 5tt).

Tất cả các điều trên đều tùy thuộc câu khẳng định chính này: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:8, 16).

Ta có thể trích dẫn vô vàn chứng từ của các giáo phụ liên quan tới ý nghĩa nền tảng và trung tâm của tình yêu người lân cận và lòng thương xót. Tôi chỉ xin nhắc đến hai giáo phụ Hy Lạp mà thôi. Vào thời suy thoái kinh tế dẫn tới cảnh thiếu thốn thảm thương cho nhiều bộ phận dân số, Thánh Basilêô đã cương quyết bênh vực các người lao động ăn công ngày không một chút tài sản, các người nô lệ, các nông dân nghèo khổ, các thợ thủ công và các thợ có tay nghề. Khi nạn đói xẩy tới, ngài đả kích những kẻ kiếm lời và đầu cơ vô lương tâm và kêu gọi họ phân phối của cải của họ (12). Giống như Chúa Giêsu, Thánh Chrysostom vạch trần mọi thứ đạo đức giả hình. Theo ngài, tình yêu người lân cận là mẹ của mọi đức tính tốt và là đặc điểm để phân biệt ai là Kitô hữu (13). Vì lý do này, Thánh Basilêô mạnh mẽ kêu gọi lương tâm nhà giầu và bảo họ một cách chắc chắn rằng mọi việc làm đạo đức của họ sẽ hoàn toàn vô ích nếu không có lòng từ nhân (14). Đối với Thánh Chrysostom, tình yêu người lân cận tốt hơn mọi việc nhân đức khác hay mọi hành vi đền tội, thậm chí hơn cả phúc tử đạo (15). Ngài nói: không có đức khiết trinh, người ta vẫn thấy Thiên Chúa, nhưng nếu không có lòng thương xót, họ không thể thấy Thiên Chúa (16). Do đó, khi nói đến các việc bề ngoài, Thánh Tôma cho rằng lòng thương xót là summa religionis christianae (tóm lược Kitô Giáo) (17).

Mối phúc của người có lòng thương xót là một thuyết minh cụ thể của tình yêu người lân cận. Nơi Dietrich Bonhoffer, ta tìm được lời giải thích đầy thuyết phục về mối phúc này:

“Những người không có tài sản hay quyền lực này, những kẻ xa lạ trên trái đất này, những kẻ tội lỗi này, những kẻ theo chân Chúa Giêsu này, trong đời họ, họ đã cùng với Chúa Giêsu từ bỏ phẩm giá của mình, vì họ là người có lòng thương xót. Như thể các nhu cầu riêng của họ và nỗi khốn khổ của họ chưa đủ, họ đã mang lấy các khốn khổ và nhục nhằn cũng như tội lỗi của người khác. Họ có một lòng yêu thương không cưỡng lại được dành cho người bị chà đạp, người ốm đau, người bất hạnh, người bị đối xử bất công, người bị xua đuổi và mọi người bị hành hạ lo âu. Họ ra đi, tìm kiếm tất cả những ai đang vướng mắc vào các lao đao của tội lỗi và mặc cảm tội lệ. Không nỗi khốn khổ nào quá lớn, không tội lỗi nào quá kinh khủng đối với lòng từ bi của họ. Nếu một ai đó sa vào một nhục nhã, người có lòng thương xót sẽ hy sinh chính danh dự của mình để che chở họ, và chuốc lấy sự nhục nhã này. Người ta sẽ thấy họ đi an ủi các người thu thuế và các người tội lỗi, bất chấp sự nhục nhã do việc này gây ra. Để có thể thương xót, họ đã ném bỏ gia bảo vô giá nhất của đời người, là chính phẩm giá và danh dự bản thân. Vì danh dự và phẩm giá duy nhất họ biết là lòng thương xót của Chúa đối với họ, và đời họ chỉ mang ơn lòng thương xót này mà thôi. Người đã không xấu hổ vì các môn đệ của Người, Người đã trở nên bằng hữu của nhân loại, và mang lấy nỗi nhục của họ đế chết trên thập giá. Đó là cách Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, thương xót. Các môn đệ của Người hoàn toàn nợ lòng thương xót này chính sự sống của họ” (18).

Kỳ sau: 2. “Tha thứ cho nhau” và giới răn yêu thương kẻ thù
______________________________________________________________________________________________________________
(1) Martin Buber, “Nachahmung Gottes” trong Gesammelte Werke (Frankfurt-a-Main: S. Fischer, 1964), 2:1953-65; Ulrich Luz, Matthew 1-7: A Commentary, bản dịch của James E. Crouch (Minneapolis: Fortress, 2007), 289.
(2) Xem chương III.
(3) Paul Billerbeck và Hermann Leberecht Struck, hiệu đính, Kommentar zum Neuen Testament aus Talmud und Midrasch (Munich: Beck, 1922-61) I:203-5; IV: 559-610).
(4) Xem chương IV.
(5) Về việc giải thích và lịch sử giải thích giới răn này, xem Joachim Gnilka, Das Evangelium nach Markus (Neukirchen-Vluyn: Neukirchener Verlag, 1979), 162-68; Luz, Matthew 21-28: A Commentary, bản dịch của James E. Crouch (Minneapolis: Fortress, 2005), 75-87.
(6) Về lối giải thích Do Thái Giáo, xin xem Billerbeck và Struck, Kommentar zum Neuen Testament aus Talmud und Midrasch, I:900-8.
(7) Thánh Augustinô, Về Chúa Ba Ngôi, VIII, 8. Theo bản tiếng Anh Augustine: Later Works của John Barnaby (Philadelphia:Westminster, 1955), 52-53. Nhiều đoạn trong T.J. van Bavel, “Love” trong Augustine through the Ages: An Encylopedia, do Allan Fitzgerald và nhiều người khác hiệu đính (Garnd Rapids, MI: W.B. Eerdmans, 1999), 510f.
(8) Xem Luz, Matthew 21-28, 81-85. Chúng ta biết ơn Karl Rahner về các suy tư mạnh mẽ của ngài, dù có hơi một chiều, về sự hợp nhất giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận cũng như về ý nghĩa hiện nay của chúng: Karl Rahner, “Reflections on the Unity of the Love of Neighbour and the Love of God” trong Theological Investigations, cuốn 6, bản dịch của Karl H. và Bonfiace Kruger (Baltimore: Helicon, 1969), 231-49; cũng nên xem “ ‘Commandment’ of Love in Relation to the other Commandments” trong Theological Investigations, vol. 5, bản dịch của Karl-H. Kruger (Baltimore: Helicon, 1966), 439-59.
(9) Xem Wpolgang-Schrage, Der erste Brief an die Korinther (Zurich: Benziger, 1999), 273-373, nhất là phần tóm lược ở các trang 319 tt.
(10) Thánh Augustinô, In evangelium Ioannis, 76, 2.
(11) Đức Lêô Cả, Tractatus, 74.
(12) Thánh Basilêô, Bài Giảng, 6.
(13) Thánh Gioan Chrysostom, Chú Giải Thánh Mátthêu, Bài Giảng 18, n.8.
(14) Thánh Basilêô, “Bài giảng cho Người Giầu”, 3.
(15) Thánh Chrysostom, Chú Giải Thánh Mátthêu, Bài Giảng 77, n.5tt.
(16) ThánhChrysostom, Bài Giảng 47, n.4.
(17) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. II/II q.30, a.4, ad.2
(18) Dietrich Bonhoeffer, The Cost of Discipleship, bản dịch của R.H. Fuller (New York:Macmillan, 1972) 100-1.