THẦN HỌC BÓNG ĐÁ!

Khoảng 50 năm trở lại, có nhiều tư tưởng thần học ra đời, có mục đích minh họa, gây ấn tượng, để giáo lý của Đức Kitô thích ứng với người đương thời. Những trào lưu thần học này, ồn ào cũng có, âm thầm cũng có, tranh cãi lùm xùm nhất là thần học giải phóng. Tôi đã nghe nhiều bài diễn thuyết, đọc một số sách, nhưng chẳng hiểu gì nhiều, vì ít hiểu nên sinh ra hay tranh luận thần học với các linh mục thân quen, mà người ta thường gọi là” linh mục cấp tiến”, quen mấy ổng lâu ngày, ít ra tôi hiểu được tư tưởng mấy ổng tóm gọn thế này:

- Jésus Christ (Chúa Kitô)? - Oui (vâng).

- L‘église (Giáo Hội)? - Non (không).

Hiểu như thế, đừng lấy làm lạ khi mấy ông ưa phê bình Giáo Hội. Vậy thần học giải phóng mà họ theo là gì? Trong thâm tâm họ cho rằng Đức Kitô luôn phê phán giai cấp thống trị và đứng về phía những người bị áp bức, các linh mục cũng phải đứng về phía những người này; nghĩa là phải làm chính trị, làm cách mạng… trong thời gian nay có nhiều linh mục làm bộ trưởng trong chính quyền ở Nicaragoa.

Sau thần học giải phóng, đáng kể nhất là thần học hi vọng, nhà thần học J.B.Metz giải thích thần học hi vọng dựa trên câu: “ Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”. Có nghĩa là lưu tâm, là đề cao sự chết, sự đau khổ trong thế giới ngày nay, nơi mà người ta chỉ biết tới sự sống, cái trẻ, cái khỏe, cái đẹp. Không lưu tâm đến người già, người bệnh, người xấu, người thấp hèn, người bị loại ra ngoài rìa xã hội, quên đi linh đạo Kitô giáo: Phải biết đi ngược với bản tính tự nhiên, phải thấy Chúa trong lòng tha nhân. Ta có thể diễn tả thần học hi vọng bằng văn thể kể chuyện cổ tích như sau: Một hôm Thiên Chúa mở cửa trời nhìn xuống hạ giới, Ngài ngạc nhiên thấy các giáo xứ tổ chức liên hoan Giáng Sinh, bổn mạng, kỷ niệm khánh nhật, các màn văn nghệ ca múa, diễn nguyện, các xơ dùng toàn những em nữ xinh đẹp, thậm chí cắt băng khánh thành nhà thờ, nhà xứ lui tới cũng chỉ là mấy con a đầu hoa khôi ca đoàn…

Để diễn tả thần học hi vọng, một dịp mừng Giáng sinh ở giáo xứ Vĩnh Bình, tôi cho các xơ biết, năm nay phải cho tất cả các “sinh viên” năm thứ nhất và hai, bất kể nam nữ, xấu đẹp đều được lên sân khấu. Các xơ biết rõ ngôn ngữ của Chiêu Hạ, ‘sinh viên’ năm 1 và 2, có nghĩa là sinh viên đại học trường làng, mẫu giáo 1 và 2. Như chuyện cổ tích Cô Bé Lọ Lem: có con bé kia, da ngăm đen, gò má cao, mắt to hơi lồi, dưới mắt các xơ, con bé này làm sao làm thiên thần, hoặc ca múa, thôi thì vâng lời, cho làm thiên thần, đứng nép sau hang đá cũng được. Không dè sau khi trang điểm, dưới ánh đèn sân khấu, với những đường nét ăn ảnh, từ con vịt xấu xí dưới con mắt các xơ, bỗng trở thành con thiên nga. Ở Vĩnh Bình thời gian này, có một thằng bé, xem Chiêu Hạ là thần tượng và thề sẽ vượt thần tượng của mình. Chiêu Hạ là linh mục ư, ta phải làm linh mục, và thế là trở thành linh mục. Cha Hiệu có nick name là Chiêu Hạ ư? Ta phải lấy tên là Chật Nhà. Chiêu hạ làm MC ư? Ta cũng phải làm MC và phải nói hay hơn Chiêu Hạ. Và thế là có liên hoan ở Vĩnh Bình nhân ngày ơn gọi. MC Chật Nhà mở đầu văn ngghệ, hát bài “ Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau” đổi thành “ Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ, minh đi tu, mình được Giêsu”. Khán giả vỗ tay rầm rầm. Lần sau Chật Nhà nên nhắc: Mình đi tu, mình được Giêsu, mà chính là Giêsu chịu đóng đinh”.

Sau thần học hi vọng có lẽ là thần học kể chuyện (Theologie narative), được nói đến nhiều nhất. Thật ra toàn bộ Tân Ước không có là gì khác, đó là kể về những lời nói và việc làm của Đức Kitô. Đi đôi với phong trào hội nhập văn hóa, lác đác có vài bài đưa ra thần học con trâu, thần học cây tre, nhưng chưa có bài bản sáng giá.

Còn thần học bóng đá thì sao?

Lần đầu tiên tôi nghe nói đến thần học bóng đá, đó là năm 1990, nhân dịp WorldCup. Từ đó đến nay tôi khám phá ra những diểm như sau:

Đội bóng nhỏ nhất là đơn vị giáo xứ.

Mỗi giáo xứ như một đội bóng, quả bóng chính là linh hồn, cầu môn đối diện là cửa Thiên Đàng. Tất cả vì mục đích đưa quả bóng linh hồn con người vào cửa Thiên Đàng. Mục đích của đội khách là không cho quả bóng vào Thiên Đàng của ta. Ngược lại tìm cách đưa bóng vào Thiên Đàng của họ. Đội bóng nhà tìm cách cản phá, vì biết đâu Thiên Đàng của đối thủ lại là Hỏa Ngục của phe ta.

Hãy nhìn mô hình bóng đá để biết phải làm gì?

Nếu xem đơn vị giáo xứ là một đội bóng. Huấn luyện viên là Cha xứ, sẽ sắp xếp đội hình chiến đấu cho thích hợp, các hội đoàn ở vào các vị trí của mình, tiền đạo có Legio; các hội đoàn như Phạt Tạ Thánh Tâm, Khôi Bình, Lòng Chúa Thương Xót ở vị trí tiền vệ hoặc trung phong; Mẹ Gia Đình ở vị trí hậu vệ; giảng viên giáo lý, cựu chủng sinh, ban thường vụ Hội đồng giáo xứ ở vị trí thủ môn, cũng có thể cha xứ vừa ở vị trí thủ môn, vừa là đội trưởng đội bóng. Các linh mục cũng nên chơi bóng để biết đưa bóng vào cầu môn Thiên Đàng khó biết bao.

Điều hành đội bóng thế nào? Ta hãy lấy đội bóng Chelsia làm thí dụ, dù huấn luận viên tài giỏi, như người đặc biệt José Mourinho, cũng không phải là ông chủ đội bóng, chủ đội bóng là nhà tỉ phú Roman Abramovich, nếu đội bóng đá bết bát thì huấn luận viên sẽ bị ông chủ sa thải, nói nhẹ dễ nghe một chút là bị bãi nhiệm. Thất bại phần lớn là do quản lý nhân sự không tốt, trách nhiệm do huấn luận viên. Hãy nhìn vào đội bóng Leicester hoặc Real Madrid hiện tại, hai đội bóng dẫn đầu ngoại hạng Anh, ta thấy gì? Đó là bầu không khí của đội bóng thật hòa hợp, không có cảnh người đại diện của đội bóng (đội trưởng hay siêu sao) thay nhau đăng đàn chỉ trích huấn luận viên, ai cũng hài lòng chấp nhận vị trí của mình, đâu có cảnh kèn cựa nhau trong phòng thay đồ. Một đội bóng có tương lai lâu dài, phải lo hệ thống kế thừa, tức là đào tạo thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ của đội bóng giáo xứ là junior, dự tu, hội giúp lễ, ca đoàn nhỏ,v.v…

Môi trường xã hội biến đổi, mục vụ của Giáo Hội cũng biến đổi. Một đội bóng đá phải có nhà tài trợ. Điều răn thứ 5 trong năm điều răn của Hội thánh là đóng góp cho các nhu cầu của Hội thánh( Giáo lý toàn cầu số 15), thành ra muốn đáp ứng nhu cầu của Hội Thánh như phát triển xã hội và làm việc từ thiện thì phải cần người tài trợ, nói theo ngôn ngữ bóng đá là phải giải bài toán tài chính. Nếu Chúa Giêsu sống vào thời nay có lẽ Chúa không gọi các môn đệ là thợ gặt, là ngư phủ đánh cá người mà là “cầu thủ bóng đá”.

Chiêu Hạ