Từ ngày 19 đến ngày 21/6/2016, chúng tôi cùng một linh mục Thừa Sai Lòng Thương Xót Chúa đã đến giáo xứ Tam Trang, giáo hạt Nguồn Son, giáo phận Vinh, Quảng Bình để chia sẻ về lòng thương xót của Thiên Chúa, giải tội cho những hối nhân, thăm hỏi những bệnh nhân và sinh hoạt với các em thiếu nhi.

Xem Hình

Ngày thứ nhất, vừa đến sân bay Đồng Hới, chúng tôi đã được cha quản xứ Micae Trần Trung Năng đến đón về nhà xứ. Cảnh đẹp hai bên đường của Quảng Bình chúng tôi đã có dịp biết đến, nhưng lần này mới quan sát kỹ vùng thôn quê sâu trong rừng, nơi có ba giáo họ của giáo xứ được coi là nghèo nhất giáo phật Vinh.

Ngay tối hôm đó, chúng tôi được tham dự thánh lễ Chúa Nhật tại một giáo họ có tên là Phú Trang. Khi thấy giáo dân nườm nượp bước vào lòng nhà thờ, khoảng một nửa các bà các chị mặc áo dài, ngồi chật kín hai dãy ghế bên trái lòng nhà thờ. Nhìn cung cách sốt sắng và dáng vẻ khắc khổ của các “mệ” (mẹ), chúng tôi dạt dào cảm xúc.

Trong chuyến đi này, cha Giêronimô Nguyễn Đình Công, một trong sáu linh mục được Đức Thánh Cha trao tác vụ Thừa Sai Lòng Thương Xót Chúa chia sẻ mục vụ và giải tội cho các giáo dân, còn chúng tôi trợ giúp bệnh nhân và chia sẻ quà phù hợp cho các cháu thiếu nhi tại ba giáo họ.

Trong bài giảng, cha Giêrônimô giới thiệu cha là một trong 1071 vị mục tử được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm thừa sai trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016. Cha giải thích, các vị mục tử này được sai đi khắp thế giới, đi bất cứ chỗ nào, đi bất kể ngày đêm để làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa bất chấp thời gian và giải tội cho các hối nhân, làm thế nào để Lòng Thương Xót đụng chạm đến các hối nhân. Các vị mục tử này còn được trao một năng quyền đặc biệt chỉ dành cho Năm Thánh Lòng Thương Xót là tha những vạ chỉ dành cho Tòa Thánh.

Cha đưa ra các tiêu đề:

1. Lòng Thương Xót là gì?

2. Chúng ta có cần Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không?

3. Chúng ta sống Lòng Thương Xót như thế nào?

Và giải thích cụ thể những tiêu đề đó. Thí dụ như trong tiêu đề thứ nhất, lòng thương xót thì khác lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn là bản năng của con người, có điều kiện và chỉ có giới hạn; trong khi đó lòng thương xót là bản chất của Thiên Chúa, không giới hạn và đến muôn đời...Trong tiêu đề thứ hai, cha đưa ra những ví dụ cụ thể trong đời sống gia đình để mọi người thấy rằng chúng ta cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa để biết yêu thương cho trọn vẹn. Tiêu đề thứ ba, cha giúp giáo dân muốn sống lòng thương xót thì phải biết tha thứ. Có thể nói nếu không biết tha thứ là dấu chỉ chưa trải nghiệm được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vì Thiên Chúa tha thứ cho con người.

Khi được biết cha sẽ giải tội cho đến tối khuya, nhiều giáo dân đã ở lại để xưng tội; Chúng tôi chia quà cho các cháu trong lòng nhà thờ; quà của chúng tôi vẫn quen thuộc là áo pull, khăn tay, kẹp tóc và bánh kẹo. Ngoài sân nhà thờ hôm nay rộn rã bước chân của những người phục vụ. Chúng tôi ngồi uống trà và mời bánh quí ông trùm, giáo lý viên...lòng tràn ngập niềm vui khi thấy ở đây ai cũng quí khách.

Chúng tôi nghỉ đêm tại nhà xứ Tam Trang, ngôi nhà khang trang cứng cáp có thể hội họp, đón một số khách, được xây sau cơn bão Hải Yến năm 2013, khi cha xứ mới về đây và cơn bão đánh sập nhà xứ nhỏ (mà chúng tôi có dịp nhìn thấy khi đến đây cứu trợ bão lụt).

Ngày hôm sau, cha Thừa Sai LCTX ở lại nhà xứ có việc riêng, còn chúng tôi đi thăm bệnh nhân. Con đường quê của vùng này rộng thoáng, hai bên đường cây xanh mướt làm chúng tôi dễ chịu, dù cái nóng từ sáng đến trưa lên cao dần đến 37 độc C. Ở đây, các ông các bà thường bị tai biến mạch máu não do lao lực quá sức, ăn mặn và ăn uống không điều độ. Nhiều nhà con cái phải đi làm, các ông bà cứ nằm đó, đến chiều tối mới có người về nhà chăm sóc. Cả buổi sáng và nửa buổi chiều chúng tôi mới thăm được 21 gia đình, mỗi nhà mỗi cảnh. Lòng chúng tôi nhủ thầm, quả là đến vùng này chia sẻ thật đúng chỗ đúng lúc!

Đến buổi tối của ngày thứ hai, 20/6/2016, niềm vui còn dâng cao hơn nữa tại nhà thờ chính của giáo xứ khi không có thánh lễ, chỉ thông báo có cha giảng, giải tội và sinh hoạt thiếu nhi, thế mà nhà thờ đông vui đến bất ngờ. Trẻ em ngồi kín ghế bên trên, còn người lớn ngồi bên dưới, tòa giải tội để ngoài sân “cho mát”.

Nếu chú ý một chút sẽ thấy những khuôn mặt xương xương, khắc khổ của giáo dân chăm chú nghe bài giảng của cha Thừa Sai về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, hẳn là đụng chạm đến đáy lòng người giáo dân ở đây vì việc mưu sinh của người dân vùng bắc trung bộ này nghèo khổ quá: một năm chỉ có một mùa lúa và một mùa lạc (đậu phộng) trồng ở gần chân núi. Một kg lạc còn nguyên vỏ là 1 Usd, lá cây lạc phơi khô cho bò ăn; sáng nay chúng tôi còn gặp hai người ngồi tuốt lạc mướn. Mùa này nhà nào cũng phơi lạc trước sân. Với hai mùa như thế, nhu cầu đời sống thường ngày còn khó khăn, nhất là khi có bệnh tật; nếu không bám víu vào lòng thương xót của Thiên Chúa thì bất hạnh biết bao!

Cha xứ nói đùa rằng, ở đây có ba nguyên do làm cho giáo dân đến nhà thờ đông, thứ nhất là có trăng sáng, thứ hai là có “cụ mới”, tức là có cha ở nơi khác đến giảng, và thứ ba là giáo xứ có phát gạo; làm cha thừa sai và chúng tôi cười rộn lên.

Các em thiếu nhi của buổi tối này đông đến bất ngờ. Chúng tôi vẫn không bối rối vì đã chuẩn bị quà một cách “chu đáo”. Nếu quí vị có mặt ở đây hay xem những video clip của chúng tôi mới thấy sự hớn hở và nụ cười vui của các cháu rõ nét như thế nào trên khuôn mặt của chúng.

Trở về sân nhà xứ trò chuyện thêm với các bạn thuộc giới trẻ, niềm hạnh phúc nho nhỏ như đang lớn dần, thấm vào người chúng tôi sau một ngày phục vụ. Tại sao trẻ con ở đây lại đông thế? Các bạn trẻ trả lời rằng, gia đình nào cũng có từ ba bốn đến sáu bảy người con, có khi là tám hoặc mười đứa....giáo dân sợ tội nên không dám kế hoạch hóa gia đình. Việc tuyên truyền kế hoạch hóa ở đây là thất bại rõ ràng!

Sáng sớm, lúc 04 giờ 30 ngày thứ ba, 21/6/2016, đoàn chúng tôi được cha xứ chở đến giáo họ Thuận Trang, cách giáo xứ 4 km. Hai bên con đường đất có trồng hàng cây keo chạy dài làm chúng tôi có cảm tưởng đang đi xuyên khu rừng già trong đêm vắng. Thánh lễ sáng nay không được báo trước nên khi đến nơi cha xứ phải bắc loa kêu gọi giáo dân đến tham dự thánh lễ. Khoảng mười lăm phút sau, ngôi nhà nguyện nhỏ cũng có đủ thành phần dân Chúa với lòng sốt sắng, hẳn là đã vốn có nơi gần chân núi này. Cha thừa sai giảng ngắn gọn hơn tối hôm qua nhưng cũng đầy đủ ý nghĩa về sự gặp gỡ, va chạm của lòng thương xót Chúa đến với từng gia đình trong các biến cố cuộc đời, nhất là nơi vùng sâu vùng xa này. Sau thánh lễ cũng có chút quà nhỏ cho trẻ em và giáo dân; chúng tôi đã tiếc rằng không mời mọi người chụp hình chung để có thể giữ lại nét chân chất của người giáo dân vùng quê này.

Thật ra trong chuyến đi này, chúng tôi muốn vận động 120 phần quà người lớn gồm gạo và phong bì tiền nhưng cha xứ giải thích, giáo xứ có khoảng 2.800 giáo dân “nghèo đều nhau”, thật khó chọn lựa gia đình khó khăn để cho cùng một lúc; cho quà giáo họ này thì giáo họ khác hỏi sao không được nhận quà, rồi kiện cáo...không ổn! Thế là chúng tôi chỉ giúp bệnh nhân, chia quà cho thiếu nhi và cho “du kích” những ông bà cụ già, khắc khổ trên đường đến nhà thờ hoặc từ nhà thờ đi về nhà, một cách khéo léo, cũng được khoảng hơn 20 ông bà cụ. Khi “báo cáo” chuyện này với cha xứ, cha chỉ cười xòa về cách “lách luật làng” của chúng tôi!

Ban đầu, chúng tôi định đến Ban Mê Thuột, nhưng chẳng hiểu sao “đường cong của Chúa Thánh Thần” lại khiến chúng tôi bay ra Quảng Bình; và khi đến giáo xứ Tam Trang, chúng tôi rất vui vì trẻ em đông, thanh niên trụ ở nhà làm nông trồng lạc khá nhiều (chứ không vào Sài Gòn làm thuê làm mướn rồi trở thành di dân tạm trú như nhiều thanh niên tỉnh khác) nên cuộc gặp gỡ thật đậm đà.

Cha và chúng tôi về đến Sài Gòn nhanh gọn, như đi một chuyến xe từ miền tây về vậy! Quả là Chúa đã chúc lành khi có cha đi mục vụ Lòng Chúa Thương Xót và cũng chúc lành cho chúng tôi khi đi chia sẻ theo kiểu “cổ điển”. Xin mời các đơn vị từ thiện Công Giáo, nên đi máy bay giá rẻ mà đến đây chia sẻ cho thấm đậm tình quê hương và gặp gỡ một giáo xứ rất dễ thương, đáng mến.