Bức tranh tuyệt đẹp về Lòng Thương Xót

Đôi mắt vị Phó tế[1] - người thầy dạy Kinh Thánh của tôi dường như đang chìm đắm chiêm ngưỡng một khung cảnh xa xăm nào đó trong tâm trí và ký ức của thầy. Cả con người đang bất động bỗng như choàng tỉnh từ một giấc mơ và thốt lên: “Đúng, một bức tranh tuyệt đẹp. Theo mềnh (mình), đây là một bức tuyệt tác của Tin Mừng”. Cái giọng Quảng đặc sệt với mấy điểm nhấn phát ra từ một con người đang hoàn toàn bất động ấy đã in sâu vào ký ức của tôi và khiến tôi không khỏi thắc mắc, tò mò mà thèm biết cho được tường tận kể từ đó đến nay.

Tất cả trạng thái vừa xảy ra cho thầy bây giờ như đã hoàn toàn chuyển sang cho tôi. Đáp lại ánh mắt ngây dại và tò mò của tôi, khi trong tâm trí vẫn như chưa tan đi cái khung cảnh vừa chiêm ngưỡng, thầy chậm rãi mô tả:

“Cả đám người già trẻ trong áo xống thùng thình, râu ria loàm xoàm, bộ mặt méo xệch đi vì căm giận và xấu hổ đang dần quay lưng chực muốn bỏ đi; một người đàn ông vẻ mặt hiền từ đang đăm chiêu viết một cái gì đó lên mặt đất khô khốc; một người đàn bà tóc tai rối bù, áo quần tả tơi, thân hình tiều tụy, đang nhoài người vươn cánh tay tới người đàn ông nọ, vẻ mặt như chưa hết bàng hoàng, kinh hãi, lộ rõ lòng cảm tạ trong nước mắt giàn dụa; bên cạnh hai người, một đống đá đủ để phủ lấp một tấm hình hài đầy đủ sắc cạnh và kích cỡ như vẫn còn phảng phất những làn khói bụi chết chóc”.

Đến đây, tôi đã hiểu ngay thầy đang nói về câu chuyện “Người đàn bà bị kết án phạm tội ngoại tình” (x. Ga 8,1-11) trong Kinh Thánh. Một câu chuyện mà tôi đã nghe đi nghe lại biết bao lần. Tuy nhiên, để có thể nhìn thấy vẻ đẹp của bức tranh về câu chuyện ấy thì đến lúc bấy giờ tôi mới bắt đầu cảm nghiệm.

Một khung cảnh nhìn có vẻ đơn giản, một câu chuyện chỉ gói gém trong vài tình tiết và vài lời đối thoại thôi, nhưng lại chất chứa biết bao điều trong cuộc sống và diễn tả rất nhiều những quan điểm, thái độ, lối sống hay cảm xúc… Tôi nhìn thấy trong đó đầy đủ mọi hạng người: Kẻ quyền thế, kẻ kiêu căng tự ban cho mình quyền sinh, quyền sát đối với người khác; kẻ tự nhận mình là đức cao vọng trọng có uy tín điều khiển dân; lắm kẻ chỉ a dua theo đám đông; lắm kẻ chỉ vì tò mò và hiếu kỳ… Nhưng ở đó, tôi cũng được thấy “khuôn mặt” của Thiên Chúa – một khuôn mặt đầy Lòng Thương Xót được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, bức tranh đẹp không phải chỉ vì nó mô tả được một sự tha thứ của Lòng Thương Xót Chúa đối với một tội nhân, tại một thời điểm và một nơi chốn. Nhưng, bức tranh đó thực sự trở thành một tuyệt tác, bởi lẽ nó mang đến thông điệp của Lòng Thương Xót Chúa cho con người ở mọi nơi và mọi thời đại. Nó còn là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang sống trong tình trạng dửng dưng mà lòng lại đầy ác cảm, kiêu căng và tự mãn với lối sống nệ Luật, thói vô cảm trước nỗi đau khổ của đồng loại,… Nó cũng là một lời mời gọi con người tìm kiếm và chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa để được tha thứ, để được biến đổi và bắt đầu lại một cuộc sống mới.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã diễn tả cách rõ ràng các khía cạnh vừa nêu trên trong thông điệp của ngài về Lòng Thương Xót:

“Quan điểm cho rằng đức công chính chỉ là sự tuân thủ lề luật, và dựa vào đó để phê phán và phân chia hai nhóm người: công chính và tội nhân… là một quan điểm cứng nhắc làm mờ nhạt hay xóa bỏ Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Nó chất lên vai người khác những gánh nặng và đẩy họ xa rời tình yêu. Không thể khuyên bảo tuân giữ lề luật mà lại làm cản trở việc chăm sóc cho phẩm giá con người được”[2].

Ở chỗ khác, Đức Giáo Hoàng cũng chỉ trích một cách nặng nề thái độ tự mãn Pharisêu: “Ai quen phê phán người khác vì nghĩ mình là người không thể chê vào đâu, mình là người công chính, là người tốt và ngay thẳng, người đó không cần được tha thứ”[3]. Đồng thời, ngài cũng kêu gọi tất cả mọi người đang sống trong tình trạng bất an do tội lỗi gây ra hãy chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa. Ngài nhấn mạnh, thái độ đó phải là thái độ của tất cả mọi người và đó là thái độ hợp lý khi đứng trước tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. “… Ngược lại, có những người cảm nhận mình cần được ôm, cần được tha thứ vì nghĩ mình đã mất tất cả do tất cả tội mình đã phạm”[4].

“Ai trong các ông không phạm tội thì ném đá người đàn bà này trước đi” (Ga 8,7). Đó là lời mời gọi hoán cải mà Đức Giêsu gửi đến cho cả hai hạng người: hạng người tự xem mình là công chính và hạng người bị liệt vào hàng tội nhân. Ở đây, tôi nghiệm ra rằng, khi thực thi Lòng Thương Xót đối với người đàn bà phạm tội ngoại tình kia, Đức Giêsu vẫn không loại trừ Chân Lý. Trước hết, ngài đã nói lên một Sự Thật rõ ràng mà hầu hết những người trong đám đông trước mặt Ngài và cả chúng ta nữa đang dấu kín, hay lãng tránh, hay cố tình quên lãng: Con người hết thảy đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa.

Việc những người Do Thái, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất dần dần quay lưng bỏ đi mà không thực thi cái bản án mà lúc đầu họ đã muốn dành cho người đàn bà sau khi nghe câu trả lời ấy của Chúa Giêsu là một minh chứng cho cái “Sự Thật” ấy. Nhưng, Tin Mừng không dừng lại ở đó, Tin Mừng còn cho chúng ta một cái kết thật đẹp một sứ điệp đầy yêu thương nhưng cũng rất mạnh mẽ và dứt khoát của Chúa Giêsu. Tin mừng mô tả:

“…Chúa Giêsu ngước lên nhìn người đàn bà và hỏi: Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao? Người đàn bà đáp: “Thưa Ngài, không ai cả”. Đức Giêsu phán:” Tôi cũng không kết án chị. Chị hãy đi bình an và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,10-11).

Đến đây, tôi lại dường như muốn chìm lắng thật sâu để có thể chiêm ngưỡng thật chi tiết về bức tuyệt tác mà Tin Mừng mô tả. Tôi thấy một đôi mắt. Đó là đôi mắt của Chúa Giêsu hướng nhìn người đàn bà. Đôi mắt thấu suốt tâm can và đọc hết mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc và tâm trạng. Đôi mắt toát lên ánh nhìn cảm thương và tha thứ. Đôi mắt trấn an và dường như phát lên tiếng nói: “Đừng sợ!”. Quả thế, khi người phụ nữ bắt gặp được ánh mắt của Chúa Giêsu dành cho mình, dường như bà cũng đã cảm nhận được Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, để rồi đáp lại lời mời gọi của Chúa, bà nhoài người vươn cánh tay đến “chạm” lấy Người. Như thế, Chúa Giêsu biết rõ tội lỗi của người đàn bà mà những người Do Thái đã tố cáo. Ngài không lãng tránh vấn đề, cũng không loại trừ sự thật ấy, nhưng Chúa không kết án. Tuy nhiên, khi mời gọi người đàn bà đón nhận sự tha thứ của Lòng Thương Xót Chúa, Ngài không quên nhấn mạnh sự cần thiết của việc đáp trả: “…và từ nay, đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng tự biến mình thành những nhân vật được khắc họa trong bức tranh kia. Do bản tính yếu đuối và xác thịt nặng nề mà đã biết bao lần chúng ta buông mình theo dục vọng, theo những đam mê xác thịt, tự khắc họa thành hình ảnh của người đàn bà phạm tội ngoại tình; hoặc có đôi khi vì thiếu lòng cảm thông, thiếu tình yêu và vì muốn che dấu những tội lỗi của riêng mình, chúng ta tự khắc họa mình trong bức tranh để trở thành những thầy Biệt Phái, Pharisêu; cũng có những lúc ta tự biến mình thành đám đông tò mò, hiếu kỳ, hay hùa theo kẻ khác để lên án và kết án kẻ khác như một trò tiêu khiển; đôi khi, bằng lời nói, hay hành động thiếu tình người, chúng ta tự biến mình thành những hòn đá đầy mùi chết chóc nhẫn tâm tiêu diệt anh em đồng loại;…

Chúa Giêsu không muốn thế. Chúa muốn chúng ta thức tỉnh như khi xưa Ngài đã thức tỉnh lương tri của đám đông hằn hộc và nhẫn tâm kia. Chúa muốn chúng ta nhận thức tội lỗi của mình và học theo Ngài mà đối xử với đồng loại bằng tình yêu và sự cảm thương. Hay ít nhất, Ngài muốn chúng ta tự vấn lương tâm mình để trước hết tự kết án chính mình mà dừng lại những việc làm gây khổ đau cho người anh em chung quanh.

Qua đây, Chúa Giêsu cũng tiết lộ cho nhân loại “bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nào thực hiện được việc tha thứ tội lỗi và chế ngự thái độ cự tuyệt bằng sự cảm thông và Lòng Thương Xót”[5], như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trình bày trong Tông thư “Khuôn Mặt Xót Thương”. Để rồi, Chúa cũng mời gọi chúng ta là những tạo vật được “tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa” (x. St 1,27) thì cũng hãy trở về với căn tính của mình mà sống lời mời gọi yêu thương và tha thứ cho anh em đồng loại như Thiên Chúa.

Câu chuyện về người đàn bà phạm tội ngoại tình đã vẽ nên một bức tranh tuyệt vời về Lòng Thương Xót vô bờ của Thiên Chúa được thể hiện hoàn hảo nơi Đức Giêsu – Con Thiên Chúa làm người. Câu chuyện này là một bức tranh sống động diễn tả cho chúng ta sự thật về bản tính Thiên Chúa, sự thật về chính chúng ta và tha nhân. Bởi lẽ, khi chiêm ngưỡng bức tuyệt tác này với một thái độ khiêm nhường, chúng ta sẽ thấy chính khuôn mặt của mình trong một nhân vật nào đó. Tuy nhiên, những hình ảnh mà bức tranh còn khắc họa năm xưa như vẫn còn vang vọng một lời mời gọi chúng ta hãy mang lấy khuôn mặt của Đức Giêsu, nghĩa là biết đồng cảm, chia sẻ những nỗi khổ đau và ôm lấy những người anh chị em chung quanh bằng vòng tay của Lòng Thương Xót Chúa. Đó là cách thức để ta cũng được đón nhận Lòng Thương Xót Chúa trong cuộc đời, và đó cũng là cách mà chúng ta loại trừ đau khổ, sự tàn ác ra khỏi thế giới.

Peter Thái Hùng

[1] Lm. Antôn Nguyễn Thanh Tịnh, giáo xứ Tân phong, Quảng Bình lúc còn là Phó tế (năm 2014).

[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Danh Ngài là Thương Xót, Hà Nội, NXB Hồng Đức, 2016, tr 155.

[3] Ibid., tr 11.

[4] Ibid., tr 12.

[5] Đức Giáo Hoàng Phanxico, Misericodiae Vultus (Tông thư Khuôn Mặt Xót Thương), ngày 11.04.2015, số 9