BÀI GIẢNG LỄ AN TÁNG CHA CỐ TA-NI-LA HOÀNG ĐẮC ÁNH

Thưa anh chị em,

Hôm nay, tôi được phân công giảng trong lễ an táng cha cố Ta-ni-la Hoàng Đắc Ánh. Việc phân công này là do tôi biết và sống với cha cố nhiều năm, từ năm 1956 đến ngày 1.10.2015.

Cha Ta-ni-la đến Mai Khôi vào mùa hè năm 1956 thì tôi cũng đến cùng thời với cha để chuẩn bị vào Nhà Tập ngày 7.10.1956. Ngày 7.10.1957, cha khấn đơn, tôi cũng khấn đơn. Ngày 10.10.1960 cha khấn trọng tôi cũng khấn trọng và ngày 8.7.1961, cha chịu chức linh mục, tôi cũng chịu chức linh mục. Hai người nối tiếp nhau, kẻ trước người sau, cách nhau có mấy phút.

Sau khi chịu chức linh mục, mỗi người chúng tôi được gửi đi học một nơi : cha sang Roma, còn tôi ở lại Pháp. Tôi về nước mùa hè năm 1965 thì cha từ Giê-ru-sa-lem về đầu năm 1966.

Sau khi về nước, cha được cử xuống Cần Thơ, còn tôi ở lại Sài-gòn. Đến năm 1974 cha lên Sài-gòn ở tu viện Mai Khôi để dịch Kinh Thánh với Tin Lành theo tinh thần Đại Kết do Đức Tổng Bình yêu cầu. Tôi xuống Cần Thơ thay cha để coi cư xá sinh viên. Đầu tháng 5.1975 tôi về Mai Khôi và ở chung với cha dưới một mái nhà cho đến ngày 1.10.2015, ngày cha bị đột quị, nhồi mau cơ tim, ra đi đột ngột, để lại sự ngỡ ngàng và thương tiếc cho những người quen biết cha.

Do biết và sống gần cha cố như vậy, nên tôi có rất nhiều điều để nói về cha. Nhưng vì phụng vụ trong nghi thức an táng khuyên không nên biến bài giảng thành một bản điếu văn ca ngợi đức độ và sự nghệp của người quá cố, mà nên tập trung vào việc cầu nguyện cho người thân mau được vào hưỏng nhan thánh Chúa.

Vì vậy, tuy biết nhiều và biết kỹ về cha cố Ta-ni-la, nhưng tôi sẽ không nói dài, mà chỉ xin vắn tắt rằng cha cố Ta-ni-la là người đã sống hết mình cho lý tưởng đời tu Đa Minh, khi chuyên cần học hành nghiên cứu, giảng dạy Kinh Thánh, , Thần Học, siêng năng đi đọc kinh chung với anh em ở nơi ca nguyện, cẩn thận giữ các lời khấn và kỷ luật trong đời sống tu trì, cũng như sống chan hòa với anh em trong đời sống chung.

Đó là những giá trị căn bản trong đời tu Đa Minh mà cha cố Ta-ni-la đã sông. Điều này nhiều người trong chúng tôi có thể làm chứng. Vì vậy, tôi xin phép chỉ nói bấy nhiêu về cha cố, và bây giờ xin được nhân cơ hội nói về niềm hy vọng của mỗi người chúng ta khi đến giây phút phải cuốn lều lìa khỏi cõi đời này.

Lều là một hình ảnh được dùng trong Cưu Ước để nói về đời sống con ngưởi ở trần gian này. Khi chết là như lúc người ta cuốn lều để rời đi nơi khác. Bản chất của lều là tạm bợ. Thay vì nói là chết thì người ta dùng kiểu nói cuốn lều cho hợp với lẽ tuần hoàn trong trời đất “sinh ký, tử qui”.

Nếu sống là gửi và chết là về thì mục đích khi lìa đời là được ngắm nhìn Thiên Chúa như ông Gióp, là được biến đổi để mặc lấy sự bất tử như thánh Phao-lô dạy, là được sống muôn đời và sống lại trong ngày sau hết như lời Đức Ki-tô đã hứa.

Trong bài sách Gióp 19,1.23-27, ông Gióp tin chắc rằng Đấng bênh vực ông vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất, và sau khi da ông bị tiêu hủy, ông sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Lòng tin này, ông không muốn giữ cho riêng mình mình biết, mà còn muốn cho hậu thế “đúc bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá” để ai nấy được vững lòng trông cậy vào thế giới mai sau.

Sau ông Gióp là thánh Phao-lô, người viết trong 1 Cr 15,.51-57 rằng tử thần đã bị chôn vùi. Tử thần bị chôn vùi, vì Đức Ki-tô đã đánh bại nó, khi Người từ trong đám kẻ chết chỗi dậy. Thánh Phao-lô còn viết thêm : “Không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biến dổi”. Mọi người phải chết về thể xác, nhưng cái thể xác rữa nát và tan biến kia sẽ được biến đổi trong ngày Chúa Quang Lâm. Đó là sự xác tín của chúng ta. Cái thân xác phải chết của chúng ta sẽ có ngày được mặc lấy sự bất tử như lời Chúa nói với cô Mác-ta : “Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 17,27)

Sự sống thay đổi chứ không mất đi. Vì thế, trong thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời, chúng ta thường nghe đọc : “Lạy Chúa, đối với chúng con là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần thế bị tiêu hùy, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên trời.”

Cuối cùng là lời hứa của Chúa Giê-su : “Ai tin vào Con Thiên Chúa thì được sống muôn đời và được cho sống lại trong ngày sau hết”.

Thưa anh chị em,

Mỗi lần đi dự tang lễ là một lần chúng ta có dịp được nghe nhắc lại định mệnh đời đời của mình. Quê hương đích thật của chúng ta ở trên trời. Chúng ta sống ở đời này như những khách hành hương. Nhiều khi bị cầm chân và cuốn hút bởi cuôc đời hiện tại, chúng ta ít nghĩ đến và chuẩn bị cho cuộc đời mai sau, thì hôm nay nhân ngày lễ an táng cha cố Ta-ni-la, chúng ta dành thời giờ để cầu nguyện cho cha và cho tất cả chúng ta biết chuẩn bị cho giờ phút cuốn lều của mình. Giờ này có khi sẽ xẩy ra một cách bất ưng, như đã xẩy ra cho cha cố Ta-ni-la, ngày 1.10.2015 vừa qua.

Bởi vậy, chúng ta cần phải sẵn sàng để ra đi mà không nuối tiếc, để lại tất cả mà không ngậm ngùi. Ngoài ra là điều chỉnh lại các mối liên hệ của mình đối với Thiên Chúa, giữa chúng ta với những người khác. Muốn như vậy, phải có thời giờ. Chúng ta bằng lòng mất thời giờ cho nhiều việc khác, còn việc liên hệ đến vận mệnh cuối cùng của đới mình, lẽ nào chúng ta lại chẳng quan tâm.

Về điều này, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII viết cho một người em là Xê-vê-ri-ô như sau : “Tám mươi năm trong của đời của tôi, nhắc lại cho tôi cũng như cho chú và mọi người trong gia đình chúng ta rằng : điều đáng kể hơn hết là phải luôn luôn sẵn sàng lên đường vào lúc bất ngờ, vì điều quan trọng hơn cả là phải nắm chắc được sự sống đời đời, nhờ trông cậy vào lòng từ bi của Chúa là Đấng nhìn thấy hết mọi sự..”

Ngoài việc chuẩn bị đón cái chết có thể xẩy ra bất ngờ cho chúng ta, là cố gắng làm cho tốt những việc phải làm như Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI tâm sự : “Bây giờ vào cuối đời, tôi thích ở trong ánh sáng. Thường trong giai đoạn cuối cùng có một thứ ánh sáng riêng. Trong buổi hoàng hôn sáng tỏ này, một ý tưởng khác làm tôi bận tâm : đó là nỗi lo lắng phải làm sao lợi dụng giờ thứ mười một, nghĩa là phải vội vàng làm một cái gì quan trọng trước khi quá muộn. Làm thế nào để sửa lại những gì mình đã làm không tốt, làm thế nào để lấy lại thời gian đã mất, làm thế nào để nắm được sự cần duy nhất trong giai đoạn cuối cùng còn được lựa chọn này. Ít là tôi làm được điều này là kêu xin lòng nhân từ của Chúa và tuyên xưng Người là Đấng Cao Cả có khả năng vô biên để cứu độ tôi. Đứng trước sự chết, sự chết đang dạy cho biết sống, tôi nghĩ rằng biến cố lớn nhất đối với tôi cũng như đối với hết mọi người là gặp được Đức Ki-tô, gặp được Sự Sống. Sự chết như một cây đèn tỏa ánh rạng ngời, một cây đèn đưa tới sự gặp gỡ đó. Chúng ta sinh ra nào có lợi gì, nếu không được cứu độ. Đó là một khám phá trong lời ca ngợi mầu nhiệm Phục Sinh và là tiêu chuẩn thẩm định mọi mối liên quan đến đời sống con người, đến vận mệnh đích thực và duy nhất của đời sống, khi nó được qui hướng về Đức Ki-tô.”

Như vậy, qua những lời vừa trích dẫn, sự chết dạy cho người ta biết sống và khi nghĩ đến cũng như chuẩn bị cho cái chết là lúc người ta chuẩn bị sống cho ra sống, hầu tới một lúc nào đó được gặp Đức Ki-tô là gặp được sự sống. Đó là đỉch điểm của đới chúng ta.

Do đấy, mỗi lần cử hành lễ an táng là một lần chúng ta ở bên cạnh người thân mà cầu nguyện cho, với lòng mến thương, đồng thời cũng là lúc chúng ta nghĩ đến ngày ra đi của mình mà chuẩn bị theo lẽ “nay người mai ta.” Amen.

Mai Khôi 3.10.2015

An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.